Luật sư Trần Vũ Hải, Luật sư Lưu Vũ Anh
Posted by basamnews
on 04/05/2012
Đôi
lời:
Nhiều biểu hiện … “lạ” trong vụ này, ví như mức độ thần tốc từ Tờ trình cho tới
ra Quyết định. Tuy nhiên, các thông tin, văn bản còn đang chưa đầy đủ, rõ ràng,
chưa chính thức nên chưa thể kết luận. Biết đâu có sự nhầm lẫn gì chăng? Ở đây
chỉ tạm xới lên chút ít, hy vọng những người liên quan, từ trong cuộc, và cơ
quan chức năng sẽ làm rõ thêm trong những ngày tới.
Ba
Sàm
------------------------------
THƯ TRAO ĐỔI
Kính gửi Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ViệtNam.
Chúng tôi là Luật sư Trần Vũ Hải và Lưu Vũ
Anh, Thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội.
Chúng tôi được biết ngày 28/04/2012, Ông đã
trả lời trên đài BBC rằng Quyết định thu hồi đất liên quan đến dự án Ecopark,
Văn Giang – Hưng Yên là đúng luật.
Qua tìm hiểu những tài liệu liên quan,
Quyết định thu hồi đất (và giao đất) cho dự án này chính là Quyết định số
742/QĐ-TTg ngày 30/06/2004, do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký (Có bản sao
đính kèm theo thư này). Trong Quyết định này có nêu tờ trình số 99/TTr –BTNMT
ngày 29/06/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua trao đổi trực tiếp với
Ông, có thể Ông đã ký tờ trình này thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài
ra Quyết định này có nêu tờ trình đề ngày 28/06/2004 của Ủy Ban nhân dân tỉnh
Hưng Yên ( có bản sao đính kèm theo thư này), nêu những căn cứ là Luật Đất đai
1993 (có sửa đổi bổ sung những năm 1998, 2001), Luật Tổ chức Chính phủ năm
2001.
Như vậy, Quyết định trên đã không căn cứ
vào Luật Đất đai năm 2003 và được ban hành vào ngày cuối cùng có hiệu lực của
Luật Đất đai 1993, trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực từ ngày 01/07/2004.
Đối chiếu với 02 Luật được nêu trong Quyết
định 742/QĐ-TTg trên, chúng tôi khẳng định như sau (theo quan điểm của chúng
tôi):
1/ Thẩm quyền giao đất theo Luật Đất đai
1993 Điều 23 (sửa đổi 1998 và 2001) đối với trường hợp Giao đất có thu tiền sử
dụng đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo dự án (là trường hợp của dự án
Ecopark) là Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ không phải là người có
thẩm quyền giao đất (Thủ tướng Chính phủ không phải là Chính phủ). Trường hợp
Chính phủ giao đất, việc này sẽ được quyết định trong một cuộc họp của Chính
phủ hoặc được lấy ý kiến bằng văn bản đầy đủ từ ý kiến của các thành viên Chính
phủ. Nếu đa số thành viên đồng ý, Thủ tướng ký quyết định giao đất nhân danh
Chính phủ (gọi là Quyết định giao đất của Chính phủ không gọi là quyết định
giao đất của Thủ tướng Chính phủ như văn bản 742/QĐ-TTg nêu trên.
Như vậy, Quyết định thu hồi đất nêu trên
không do Cơ quan có thẩm quyền theo Luật Đất đai 1993 ban hành, nói cách khác quyết
định này được ban hành trái thẩm quyền. Một quyết định ban hành trái thẩm
quyền không phải là một quyết định đúng Luật.
2/ Quyết định giao đất trên không phù hợp
Điều 22a khoản 1 và 2 Luật Đất đai 1993 (được sửa đổi 1998, 2001), xin được
trích như sau:
“Điều 22a
1. Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng
đất trong các trường hợp sau đây:
…..
D) Giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với
một số trường hợp để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo dự án do Chính phủ
quyết định.
2. Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất
quy định tại điểm d khoản 1 Điều này phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
A) Người sử dụng đất phải có dự án khả thi
đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
B) Sử dụng đất phải theo đúng quy hoạch;
C) Người sử dụng đất phải có điều kiện về
vốn và kỹ thuật.
Tiền thu được từ việc giao đất, tiền xây
dựng công trình có được tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất được giao phải
được hạch toán đầy đủ vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.”
Theo chúng tôi được biết, chưa có dự án khả
thi nào của Chủ đầu tư được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (tại thời điểm có
quyết định giao đất trên) phê duyệt liên quan đến dự án Ecopark. Chúng tôi có
thông tin, ngày 18/06/2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản cho biết:
“Phương án đền bù giải phóng mặt bằng dự án chưa bảo đảm tính khả thi; hồ sơ
pháp lý của chủ đầu tư, khả năng tài chính cho việc thực hiện dự án…chưa đủ.”
Thực tế tại thời điểm ngày 30/06/2004, (được coi là chủ đầu tư dự án này) chưa
quá 10 tháng hoạt động. Một quyết định giao đất cho đối tượng chưa đủ điều kiện
được giao đất rõ ràng không phải là một quyết định đúng luật.
3/ Trong Quyết định giao đất nêu trên,
không ghi rõ tên người sử dụng đất, chỉ ghi chung chung Chủ đầu tư và tại điều
2 của quyết định này giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn và quyết định chủ
đầu tư thực hiện dự án, thực chất là
ủy quyền cho cấp dưới lựa chọn người được giao đất Lẽ ra trong mỗi Quyết định giao đất đều phải nêu rõ tên, địa chỉ
người hoặc tổ chức được giao đất. Mặt khác theo Điều 25 của Luật Đất đai 1993
(được sửa đổi bổ sung 1998 và 2001) thì Cơ quan có thẩm quyền giao đất
(trường hợp này là Chính phủ) không được ủy quyền cho cấp dưới,( tức ủy ban
nhân dân tỉnh trong trường hợp này). Thực tế Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát
triển Đô thị Việt Hưng chưa được ghi tên tại một quyết định giao đất hợp pháp
nào. Như vậy quyết định giao đất trên có thiếu sót nghiêm trọng và không phù
hợp với Điều 25 Luật đất đai 1993 nêu trên.
Chúng tôi hy vọng với sự trình bày như
trên, Ông sẽ thừa nhận quyết định thu hồi đất liên quan đến dự án Ecopark , Văn
Giang, Hưng Yên là không đúng luật, như Ông đã phát biểu với đài BBC ngày
28/04/2012, và sẽ đính chính bài phát biểu trên của Ông. Trường hợp Ông có ý
kiến khác, chúng tôi đề nghị Ông có bài trao đổi về những quan điểm trên của
chúng tôi.
Để khách quan chúng tôi sẽ mời những chuyên
gia pháp lý có uy tín cho ý kiến về những vấn đề trên và liên quan.
Xin trân trọng chào Ông!
Luật sư Trần Vũ Hải, Luật sư Lưu Vũ Anh
CHỨNG
TỪ :
Quyết định thu hồi đất (và giao đất) cho dự án này chính
là Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 30/06/2004, do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
ký. Có bản sao đính kèm theo thư này dưới đây:
Tờ Trình :
Quyết Định Quyết định số
742/QĐ-TTg :
---------------------------------
BBC
Cập nhật: 13:54 GMT – thứ bảy, 28 tháng 4, 2012
Chưa đầy ba tháng sau khi Thủ tướng chính phủ ra kết luận
về những sai phạm của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng trong vụ cưỡng
chế đất đai của ông Đoàn Văn Vươn, vụ Văn Giang lại nổi lên với nhiều câu hỏi
về tính bất cập trong Dự án Ecopark ở tỉnh Hưng Yên.
Để làm rõ thêm các vấn đề đằng sau
vụ cưỡng chế Văn Giang, BBC Tiếng Việt đã phỏng vấn Giáo sư Đặng Hùng Võ,
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng bất cập dự án khu đô
thị Ecopark chủ yếu thuộc về khung pháp luật mà không thuộc về phần thực thi
pháp luật. Đúng là về điều này người dân cảm thấy bị thiệt thòi. Tôi cũng cho
rằng những ý kiến của người dân là có lý. Thế nhưng, dự án này có thể nói là
được phê duyệt vào đầu năm 2004, tức là khi mà Luật đất đai năm 2003 chưa có
hiệu lực thi hành.
Chính vì vậy mà khung pháp luật áp dụng cho dự án đấy vẫn
theo khung pháp luật của Luật đất đai năm 1993.Trong ngữ cảnh ấy, chúng ta đã biết,
ngay Luật 2003 và những quy định của những nghị định hướng dẫn thi hành Luật
2003 cũng vẫn còn những bất cập. Đối với Luật 1993 thì còn nhiều bất cập hơn
nữa.
Ở đây, câu chuyện Văn Giang thuộc về phần quy định của
pháp luật đối với dự án này chưa làm thoả mãn những yêu cầu của người dân bị
mất đất. Qua quá trình vừa rồi, tôi cho rằng áp dụng của chính quyền địa phương
có nhiều điểm nhích về phía Luật đất đai 2003, với tất cả mức hỗ trợ cho người
dân mà tôi cho rằng đã vận dụng mức khá cao.
Tuy nhiên, Văn Giang là huyện giáp với Hà Nội, thành ra
mọi áp dụng theo cơ chế của tỉnh Hưng Yên sẽ không thể bằng quy định của Hà
Nội. Như vậy, người dân thấy rằng ở bên kia, đường địa giới của tỉnh có thể
được áp dụng những khung về giá đất, về cách thức hỗ trợ, về bồi thường cao
hơn. Đây cũng là một điểm làm cho người dân cảm thấy có gì đó không thoả mãn.
Tôi cho rằng, khi mà đã đúng với quy định của pháp luật
rồi thì rất khó xử lý bởi vì muốn hay không, thì chúng ta cũng thấy việc làm
thế nào để giải quyết lại là một câu chuyện khó.
BBC: Dẫu biết đây là câu chuyện rất khó nhưng ông có nhận
xét gì trước cách thực hiện của chính quyền Văn Giang?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng đây là điểm mà chúng
ta nên thay đổi trong cách quản lý ở các địa phương. Nói cách khác, chúng ta
phải tìm mọi cách để đạt được sự đồng thuận chứ đừng dùng điểm gì để cho người
dân thấy rằng ý kiến của mình bị chặn lại một cách không thỏa đáng.
BBC: Vậy quyết định thu hồi đất của chính quyền Văn Giang
có đúng với pháp luật hay không?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng đây là một quyết
định đúng, bởi vì, theo quy định của pháp luật ngay luật 2003 cũng đã thu hẹp
lại diện nhà nước thu hồi đất khá nhiều. Nhưng trong đó, việc thu hồi đất để
làm khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới hoặc chỉnh trang lại các khu vực
cũ, nếu dự án được chính quyền cấp tỉnh phê duyệt thì đều thuộc diện nhà nước
thu hồi đất.
Ở đây, có một cái lý về mặt nguyên tắc luật 2003 đưa ra
là những khu vực phát triển mà có hạ tầng chung thì đều thuộc phạm vi nhà nước
thu hồi đất. Hạ tầng chung ở đây có thể khu công nghiệp, kinh tế, đô thị, dân
cư nông thôn. Đây là mặt nguyên tắc mà Luật đất đai 2003 đặt ra. Theo tôi,
nguyên tắc này được áp dụng ở nhiều nước, không riêng gì Việt Nam, nhưng cách
can thiệp hành chính như thế nào lại là một câu chuyện trong luật đất đai mới
mà Quốc hội đã đưa vào chương trình sẽ thông qua phải đổi mới rất nhiều.
Cách thức của Việt Nam hiện nay vẫn là thu hồi đất sau đó
bồi thường các việc có liên quan đến quyền lợi của người bị thu hồi đất được
gói bằng một tổng số tiền. Tất nhiên, pháp luật cũng ưu tiên thứ nhất là bồi
thường bằng đất, sau đó nếu không có đất thì bồi thường bằng tiền. Nhưng đây
chỉ là quy định nằm trên giấy.
Trên thực tế, các nơi đều muốn bồi thường bằng tiền. Bởi
lẽ, quy định của pháp luật Việt Nam cũng là tiền bồi thường đấy, nhà đầu tư
phải xuất trước, sau đó được trừ vào tiền mà nhà đầu tư phải nộp cho nhà nước
về tiền sử dụng đất sau khi biến thành đất khu đô thị.
Như vậy, chính quyền điạ phương nhẹ nhất tính ra thành
tiền và nhà đầu tư là bên xuất tiền ngay lập tức. Đây là cách thức bồi thường
mà tôi cho rằng quá đơn giản. Nó không chứa được nội dung lớn hơn mà quá trình
công nghiệp hóa, đô thị hóa đòi hỏi.
BBC: Vậy trong dự án Ecopark này nhà đầu tư cũng thực
hiện theo cách này?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi không biết rõ nhưng tôi tin
chắc cơ chế này được áp dụng với tất cả các dự án, tức là nhà đầu tư xuất tiền
trước để thực hiện hỗ trợ tái định cư cho người dân.
BBC: Vai trò cũng như trách nhiệm của
chính phủ trong dự án này ở mức nào?
GS Đặng Hùng Võ: Chính phủ cụ thể là Bộ tài nguyên
môi trường hoặc nơi xem xét khiếu kiện của dân trong đó có vai trò của thanh
tra chính phủ, còn nếu phát triển đô thị cũng có vai trò quản lý của Bộ xây
dựng. Đây là những cơ quan của chính phủ có liên quan trực tiếp đến dự án này.
Sự thực, cho đến hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định về
mặt đất đai là về phía các cơ quan trung ương có trách nhiệm kiểm tra, xem xét
việc thực thi pháp luật địa phương là đúng hay không đúng. Nếu là đúng, các cơ
quan này có thể có ý kiến với địa phương để giải quyết rắc rối có thể xảy ra
trong quá trình thực hiện. Về đất đai, các cơ quan trung ương không hề có quyết
định trực tiếp gì về đất đai cả.
BBC: Nhìn chung, theo ông vụ việc xảy ra ở Văn Giang mang
đến thông điệp gì?
GS Đặng Hùng Võ: Về phía tôi, với kinh nghiệm của
một người đã làm quản lý cũng hiểu rõ quy định của pháp luật, cũng như tình
hình thực thi pháp luật thì tôi cho rằng, thông điệp lớn nhất ở đây chúng ta
cần nhận thức là thu hồi đất để phát triển các khu đô thị, các khu dân cư nông
thôn, nhưng trọng tâm có lẽ là các đô thị, sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong
quá trình đô thị hóa của Việt Nam.
Hiện nay, ở Việt Nam, mức độ đô thị hóa mới đạt được ở
mức 70% là nông thôn và 30% đô thị, tỷ lệ này còn thấp. Tương lai, muốn là một
nước công nghiệp thì tỷ lệ này phải tăng lên 50/50. Như vậy, chúng ta phải sớm
có một quy định về chuyện thu hồi đất để phát triển các khu đô thị hay còn gọi
là tiếp cận đất đai để phát triển các khu đô thị.
No comments:
Post a Comment