Tuesday 1 May 2012

VIỆT CỘNG ĐƯỢC ĐƯA LÊN TRUYỆN TRANH KINH DỊ (Nguyễn Bảo Tư)




Nguyễn Bảo Tư

Cái gì đây?

Làm sao có thể quên được tấm hình này? Tấm hình đã đưa phóng viên Eddie Adams (1) lên đài danh vọng để rồi sau đó mãi mãi ân hận. Chính tấm hình oan nghiệt này đã đẩy người Mỹ quay sang chống đối chiến tranh Việt Nam, dẫn đến sự thua trận của Việt Nam Cộng Hòa. Cuối cùng Việt Nam rơi vào ách thống trị của một chế độ tàn bạo nhất lịch sử loài người, chế độ Cộng Sản.

Không có tựa đề, chỉ vỏn vẹn hai số 68 ứa máu. Thế thì đúng là “nó”, là tấm hình chụp năm 1968 trong trận Mậu Thân. Tết năm ấy, Bắc Việt đề nghị hưu chiến 7 ngày, nhưng VNCH chỉ đồng ý 3 ngày. Tin tưởng vào lệnh hưu chiến nên 50% quân nhân miền Nam được phép về ăn Tết với gia đình. Nào ngờ Bắc Việt tung ra 80.000 lính từ miền Bắc vào Nam, cùng với tất cả các lực lượng du kích và đặc công trong thành phần Mặt trận Giải phóng Miền Nam để tấn công 36 trong số 44 tỉnh miền Nam đúng vào những giây phút thiêng liêng nhất của dân tộc. Và cái-gọi-là “giải phóng quân”này đã ra tay sát hại chính đồng bào mình với những thủ đoạn man rợ nhất. Gã đặc công Nguyễn Văn Lém tự Bẩy Lốp là một trong số những kẻ xâm lược, và hắn đã bị bắn chết.

Hình trên ở đâu mà ra? Trong phòng trưng bày tội ác Mỹ Ngụy, hay, phòng triển lãm kỷ niệm 30-4? Thưa không, đây chỉ là hình bìa của một cuốn truyện tranh. Một loại truyện mỏng, giá chỉ 4 đôla, loại truyện dành cho những ai ít tiền, đúng hơn, vẫn còn phải ngửa tay xin tiền bố mẹ. Thưa vâng, đây chính là truyện tranh comics dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên (2).

Với những ai không là độc giả comics sẽ khó nhìn ra ý ngầm trong những nét vẽ. Người đàn ông bị bắn trong hình trông không bình thường; da thịt hắn lở lói, răng trắng dã nhe ra, cụt 2 tay, quần áo rách nát v.v. Nhưng những ai thường đọc comics sẽ hiểu ngay, người bị bắn là một zombie - thây ma sống dậy, một con ma xác chết. Và ‘68 là tên gọi tắt của truyện tranh “68 Zombie”.

“68 Zombie” do Image Comics phát hành. Image Comics là một trong những nhà xuất bản truyện tranh lớn nhất Bắc Mỹ. Nhóm sáng tác “68 Zombie” cũng đều là những nhân vật tên tuổi trong ngành comics Hoa Kỳ, Mark Kidwell là một văn sĩ và cũng là họa sĩ có nhiều truyện tranh được bạn đọc ưa thích. Nat Jones, Jay Fotos, Tim Vigil đều là những họa sĩ trẻ nhưng nổi tiếng. Những cảnh chém giết man rợ máu me tung toé là những cảnh khó vẽ nhất vì dễ làm người đọc kinh tởm, vậy mà dưới nét vẽ của họ những cảnh đó lại thành tuyệt đẹp nhưng vẫn không kém phần rùng rợn.

Mark Kidwell cho biết lý do tại sao ông lại chọn Việt Nam và năm 1968 cho truyện ma xác chết này:
Gợi hứng đầu tiên cho tôi bắt nguồn từ phim “Night of the Living Dead” ra năm 1968 của (văn sĩ) Russo và (đạo diễn) Romero, từ đó người ta biết thế nào là “zombies”. Nếu ta lấy cái năm đó như một năm định mệnh và hỏi rằng “Những gì đã từng xảy ra vào năm 1968?” và “Nếu tại vùng nông thôn Pennsylvania có những thây ma đi ngờ ngờ khắp nơi, vậy còn các nơi khác trên thế giới thì sao?” câu trả lời hiển nhiên là “Việt Nam”. (3)


Và ‘68 ra đời với bối cảnh chiến trường Việt Nam. Một bạn đọc trẻ, hoàn toàn xa lạ với Vietnam War, nhận xét: “Mình thấy như mình đang ở “Nam”, thấy các thây ma núp sau những bụi cây, bắn giết người, thấy những đường hầm của Việt Cộng, thấy từng đống tay xác chết…”

Truyện bắt đầu từ một toán lính Bộ binh Mỹ đóng quân trong rừng già. Cuối ngày, một người lính nhìn qua ống ngắm bỗng thấy một bóng người từ phía sau đám cây bước ra. Người lính sững sờ nói với đồng đội rằng chính anh đã bắn chết gã kia ngay sáng hôm ấy, cũng chính tại chỗ ấy. Quan sát kỹ thêm, anh thấy đó là một tên lính Bắc Việt đầu đội nón cối, tay cầm súng , nhưng thân thể lở lói, máu tươi từ miệng há hốc nhỏ ròng ròng... Thế là một tiểu đội lính 5 người cùng với một con chó tiến vào rừng lục soát.

Con chó sủa vang khi tìm ra một cái lỗ to. Một người lính nhỏ con nhất chui vào lỗ. Đó là một đường hầm dài và hẹp, nhưng có khi phình ra, chứa những thùng gỗ. Bỗng anh thấy một người con gái tóc dài cầm súng cuối đường hầm. Vừa thấy bóng người, cô gái nổ súng rồi bỏ chạy, người lính rượt theo. Bất thình lình có những bàn tay đen đúa từ khắp nơi trong hầm nhô ra, tấn công, anh rút dao chém. Cuối cùng người lính đến được một căn hầm to, trong chứa lương thực súng đạn. Tại đây anh thấy một đám thây ma đang nhai ngấu nghiến... cô gái ban nãy. Người lính nổ súng bắn vào các thây ma rồi thoát ra ngoài. Anh gặp lại chú chó bạn. Con chó bỗng xù lông gầm gừ. Đột nhiên trước mặt người lính, nhảy xổ ra một quái nhân, một đống đỏ lòm đầu lâu, ruột người dính chùm với nhau thành một đống nhày nhụa kinh tởm.

Hết tập 1.

Nghe tới đây hẳn nhiều người hụt hẫng “Chỉ có vậy thôi sao?” Thưa vâng, chỉ có vậy thôi. Comics mà, truyện dành cho con nít mà, không nên quá nặng nề hay sặc mùi chính trị. Thế nhưng tất cả những chi tiết trong truyện đều được viết dựa trên những điều có thật.

Trang trong bìa sau giới thiệu tóm tắt những thực tế của chiến trường, như quân đội Mỹ có dùng chó (quân khuyển) trong chiến đấu, hay những trại lính Mỹ được bao bọc bởi những bao cát và hàng rào kẽm gai, hay những người lính Mỹ có tên “chuột hầm” (tunnel rats), vì họ nhỏ con nên thường được giao nhiệm vụ bò vào các giao thông hào. Các giao thông hào cũng được nhắc đến, nó là một hệ thống hầm hố chằng chịt do Việt Cộng [sic] và Bắc Việt [sic] đào ra, nó vừa là trạm y tế, vừa là trạm truyền tin, vừa là kho lương. Truyện cũng không quên nhắc rằng giao thông hào cũng chính là nơi “the VC” dùng để chôn những người lính đã chết của họ, như thế khi quân đội miền Nam đi đếm xác lính tử trận sẽ thấy số lính Việt Cộng và Bắc Việt chết không nhiều, và như thế miền Bắc có thể phao tin là họ không bị tổn thất gì lắm.

Những điều truyện tranh ‘68 nói ở trên tuy đúng nhưng vẫn còn thiếu. Truyện không nói đến những sự thật hãi hũng khác như rất nhiều thương binh Việt Cộng bị bắn chết tại chỗ để khỏi vướng cẳng những người “đồng chí” của họ khi rút lui. Dã man nhất là những thường dân vô tội bị trói hai tay rồi bị đâm bằng lưỡi lê, bị đập bằng cuốc, bị bắn bằng súng, hoặc bị chôn sống (4). Truyện cũng không chỉ ra rằng chính cách thanh toán, giết người vô cùng dã man của quân Cộng sản đã làm cho năm 1968 thành cái năm ghê rợn nhất trong lịch sử Việt Nam cận đại.

Một tác giả tầm cỡ như Mark Kidwell không thể không biết những thực tế đó. Phải chăng cái không khí ma quái chết chóc 1968 mới chính là điều gợi hứng cho ông. Theo các truyền thuyết về ma quỷ, các thầy pháp, phù thủy thường giết người để sau đó gọi xác chết sống dậy làm tay sai, biết đâu Cộng sản cũng dùng cách này, vì thế chúng cố tình giết thật nhiều người để rồi sau đó ra lệnh cho các thây ma tìm giết địch thủ.

Ta không nên bắt người viết truyện hay nhà xuất bản trả lời câu hỏi trên vì tựu trung comics vẫn là truyện dành cho trẻ em, nghĩa là cần giảm bớt sự trần trụi thô ráp của đời thật. Truyện chỉ mô tả phần nào thực tế để khơi gợi sự tò mò của trẻ, từ đó hy vọng trẻ sẽ tự mình đi tìm sự thật.

Như với thắc mắc: “Tại sao dùng tấm hình của Eddie Adams để vẽ thành bìa truyện?” Nhóm sáng tác ‘68 (Facebook ‘68) trả lời:
“The fact that the picture inspiring our alternate cover is a piece of actual Vietnam and 60’s history is the reason the cover exists. Our goal with ‘68 is to create a credible, breathable world surrounded by as many true events and factual happenings as possible to create a living backdrop for our zombie apocalypse. Images like that one are so iconic, so much a snapshot encompassing the energies and emotion of the period, they demand to be seen in the light of our story’s context. Perhaps through an introduction to real history within the pages of our zombie, readers will find themselves compelled to seek out more factual data on the war and the time period and enrich their own understanding of one of the most turbulent eras the world has ever seen.”

(Lý do một trong các hình bìa của truyện đã mô phỏng theo tấm ảnh đó là vì tấm ảnh đã gợi hứng cho chúng tôi cũng chính là một hình ảnh có thật của Việt Nam và của lịch sử những năm 1960. Mục đích của chúng tôi khi thực hiện truyện tranh '68 là tạo ra một thế giới sống động, hiện thực, bao quanh bởi tuyệt đại đa số các sự kiện có thật và biến cố đã xảy ra, để từ đó xây dựng một bối cảnh sinh động cho một truyện kể về zombies. Những tấm ảnh như tấm ảnh ấy có tính biểu tương rất cao, tuy chỉ là một ảnh chụp bất ngờ mà mang trong nó biết bao xúc động và sinh lực của một giai đoạn đã qua, cho nên những tấm ảnh như thế đòi hỏi phải được nhìn một cách chính xác trong khung cảnh của truyện. Có lẽ qua sự giới thiệu các sự thật lịch sử lồng trong những trang truyện zombies này, bạn đọc sẽ cảm thấy sự thôi thúc muốn tìm hiểu thêm những dữ kiện có thật về một cuộc chiến và một giai đoạn lịch sử, nhờ đó bạn đọc sẽ tự làm giàu sự hiểu biết của mình về một trong những thời kỳ xáo trộn nhất mà thế giới đã từng chứng kiến.)


Facebook ‘68 nói không sai, chiến tranh Việt Nam cho tới nay vẫn còn rất nhiều điều chưa được làm sáng tỏ. Dù là cuộc chiến dài nhất lịch sử Hoa Kỳ thế mà không mấy người Mỹ biết rõ về nó. Những cuốn sách giáo khoa trong trường không nói gì nhiều về cuộc chiến tàn khốc này.

Họa sĩ Nat Jones cho biết anh đã học được rất nhiều trong quá trình thực hiện ‘68 (5):
“Quá trình tìm hiểu để vẽ ‘68 đã dạy tôi rất nhiều, mấy người chúng tôi ai cũng biết chút đỉnh về Chiến tranh Việt Nam nhưng có bắt tay vào việc rồi mới biết có rất nhiều dữ kiện lịch sử thật thú vị mà chả cuốn sách giáo khoa nào đề cập đến. Chắc chắn có rất nhiều sự thật làm ta kinh ngạc còn hơn (đọc) truyện tiểu thuyết. Chúng tôi cứ liên tục email qua lại cho nhau trong lúc tìm kiếm sưu tầm. Thật là tuyệt khi mọi người đều cảm thấy hứng khởi về cuốn truyện đang làm.”


Quả thật, những quyển sách giáo khoa sẽ không bao giờ nhắc tới Việt Nam Cộng Sản hay Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và kèm theo tấm hình minh họa này.

Đây không phải là Việt Cộng của những năm 1960, đây chính là Cộng Sản Việt Nam ngay lúc này! Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ còn là một thây ma thối rữa được các thế lực quỷ quái cố sức vực lên để làm công cụ bảo vệ quyền lực cho chúng. Dưới lá cờ đỏ sao vàng rách nát, thây ma sờ soạng lần mò đi vì hai mắt mù căm. Đi tới đâu mùi hôi thối tỏa khói bốc lên nồng nặc.


Trong hội chợ truyện tranh Phoenix Comicon tháng 5 vừa qua, Nhóm sáng tác “68 Zombie” đã trưng bày hình nộm một zombie cán binh Việt Cộng. Để ý một chút sẽ thấy gã VC zombie này tuy đầu đội nón lá, cổ quấn khăn rằn, nhưng chân lại đi giày bốt-đơ-sô của lính Mỹ. Facebook ‘68 cho biết: “Đúng thế, hắn ta đã lột được đôi bốt đó từ xác một người GI, vì đi lại trong rừng mà mang dép lốp (sandals made of tire) thì khổ lắm.”

Blogger Scott Powell hỏi đùa: “Liệu hắn có đến được (Củ) Chi không đây?
Facebook ‘68 trả lời: “Xin lỗi nha, gởi hắn đi vòng vòng tốn tiền lắm á”.



Tập đầu tiên “68 Zombie” đã ra vào ngày 20 tháng Tư, 2011.
Tại sao lại đúng vào Tháng Tư Đen, Tháng Quốc Hận?
Chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên thôi sao?

Mặt phía sau của trang bìa trước có in một hàng chữ nhỏ nhưng rất rõ.

Dedicated to:
Richard D. Wegener
And the US Military without whose courage and sacrifice, our freedom to create would not exist.


“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, nhóm sáng tác “68 Zombie” đã không quên nhắc nhở bạn đọc về sự hy sinh và lòng dũng cảm của những người chiến sĩ Hoa Kỳ đã bảo vệ tự do.

Nhưng hàng chữ này còn khiến chúng ta chạnh nhớ Việt Nam. Tới bao giờ người Việt trong nước mới có được “tự do sáng tạo”? Chỉ mới đây thôi, Bùi Chát, một trong những người sáng lập Nhà Xuất bản Giấy Vụn, đã bị bắt ngay tại phi trường chỉ vì anh được Hiệp hội Các Nhà Xuất bản Quốc tế (IPA) vinh danh là người kiên quyết bảo vệ quyền tự do sáng tạo - không chịu để nhà cầm quyền kiểm duyệt những sáng tác của mình.

Máu của người dân Việt đã chảy suốt 60 năm dài nhưng chưa ai biết Việt Nam bao giờ mới có tự do. Duy có một điều ai cũng biết, đó là sự độc ác tàn bạo của Cộng Sản đã hằn sâu vào ký ức của nhân loại. Và người ta sẽ viết truyện, sẽ vẽ tranh để thế hệ mai sau mãi mãi không quên tội ác Cộng Sản.

Họa sĩ Nat Jones đã hẹn rồi đấy: “Definitely more ‘68, we have many, many more stories to tell!” - Xin gởi nhóm sáng tác “68 Zombie” lời cảm ơn chân thành nhất và chúc các bạn thành công.

--------------------------

Chú thích:

(2). Truyện tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là comics, là một kỹ nghệ giải trí quan trọng của Mỹ. Bắt đầu vào Thế Chiến thứ II với các nhân vật anh hùng siêu nhân như Superman, Batman, Spiderman... Những cuốn truyện tranh mỏng này đã là món ăn tinh thần hun đúc sự kiên cường cho người lính ngoài tiền tuyến đồng thời cổ võ lòng hy sinh vì đại nghĩa của người hậu phương. Tới thời bình, comics trở thành một loại sách giải trí nên nội dung truyện tranh cũng trở nên đa dạng; ngoài những truyện anh hùng là truyện tình cảm lãng mạn, trinh thám, khoa học giả tưởng, phiêu lưu mạo hiểm, ma quái, kinh dị, khiêu dâm v.v.
Truyện tranh thường ra thành nhiều kỳ. Mỗi kỳ là một tập truyện mỏng, giá chỉ từ 4 đến 5 đôla, phù hợp với túi tiền nhỏ bé của học sinh, thanh niên. Khi thấy truyện nào ăn khách, có số bán khá, nhà xuất bản sẽ in thành cuốn nguyên vẹn với giá từ 15 đến 20 đôla cho những bạn đọc lớn tuổi hơn (và nhiều tiền hơn). Hiện nay, truyện tranh không còn là những cuốn truyện vẽ đơn sơ như lúc khởi đầu mà trở thành loại truyện hình có nội dung, có triết lý, nên được gọi là “graphic novel” - tiểu thuyết bằng tranh.

(3). http://www.bloody-disgusting.com/news/comics/1432 - Exclusive Interview: Kidwell, Fotos, And Jones Talk About Their Smash-Hit, ‘68!, Johnny Trouble, 25/05/2011

(4). http://www.comicbookresources.com/?page=article&id=26969 - 68 Is the Year of The Zombie, Johs Wigler, 07/02/2010 (5). http://motgoctroi.com/StLichsu/LSCandai/Mauthan/NhanchungThamsatHue_1968.htm - Nhân chứng trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế - Gs Nguyễn Lý Tưởng, 2008

Theo dõi "68 Zombie" ở đây - http://www.68zombie.com

Hình : Nhóm sáng tác "68 Zombie" - Từ trái sang phải Nat Jones, Jay Fotos, Mark Kidwell.

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats