Sunday, 27 May 2012

VỀ NHỮNG CA KHÚC VIẾT TRONG TÙ (T.Vấn)




T. Vấn
May 27, 2012 1:47 AM

Chúng tôi đã sống qua một thời, mà giờ đây khi ngoảnh lại nhìn, không ai trong chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy mình vẫn còn sống sót. Và càng ngạc nhiên hơn nữa, khi quẩn quanh giữa những kỷ niệm còn tươi rói trong mớ hồi ức già nua của chúng tôi về những ngày tháng ấy, chúng tôi có cảm tưởng chúng đáng nhớ không chỉ vì sự khắc nghiệt mà đã có rất nhiều người nói đến, mà còn là vì cái lãng mạn, vừa hào hùng vừa bi thảm, của một lớp người tuổi vừa trên 20 xấp xỉ 30, bị bắt buộc ra khỏi cuộc chiến tàn khốc để chỉ bước vào một cuộc chiến khác với hai tay bị trói, với bàn chân trần lê khắp mọi nẻo đường đất nước và trên vai là bộ quân phục của chính mình nhưng không phù hiệu, không cấp bậc.

Những ngày tháng ấy, thoáng ẩn thoáng hiện như đã xẩy ra hàng trăm năm về trước, như vừa mới xẩy ra hôm qua, như đã và sẽ xẩy ra trong những giấc mơ nửa đêm về sáng, ở những đời người nổi trôi như vận nước nổi trôi, ở những mảnh hồn chưa bao giờ biết đến một giây phút an bình.

Những ngày tháng ấy là những ngày tháng khốc liệt nhất của một giai đọan lịch sử đầy biến động của đất nước. Sự khốc liệt không phải chỉ ở những tàn phá của chiến tranh mà còn ở chính nỗi tuyệt vọng của hòa bình, ở lòng hận thù từ phía những người anh em cùng máu đỏ da vàng, ở sự đau đớn do những chia lìa ruột thịt không biết đến bao giờ được gặp lại, ở sự phá sản mọi giá trị cao quý nhất mà con người có thể tin tưởng.

Trong hòan cảnh đó, những tù khúc – những ca khúc viết ở trong tù – lọai hình nghệ thuật (trong tù) được ưa chuộng nhất, dễ được phổ biến nhất, ra đời.

Âm nhạc, do chức năng đặc biệt của nó, không bao giờ tách rời khỏi những biến động lịch sử. Càng gian nan khốn khổ, càng uất ức chịu đựng, người ta càng cần đến âm nhạc. Thế nên, ở giai đọan lịch sử khốc liệt mà đất nước đã trải qua trong mấy chục năm nay, âm nhạc đã nghiễm nhiêm đóng vai trò chứng nhân cho nhiều thế hệ tương lai vì nó phản ánh trung thực thời đại.

Chúng ta đã nghe và biết đến rất nhiều những tác phẩm âm nhạc nói về những cuộc vượt biển tìm tự do (hay là chết), về tâm tư những người sống lưu vong xứ người lúc nào cũng nhớ đến thân nhân, bạn bè, đồng đội còn kẹt lại quê nhà được phổ biến rộng rãi nhất trong khỏang nửa sau của thập niên 1970s và nửa đầu của thập niên 1980s. Giá trị lớn nhất của những tác phẩm âm nhạc ấy, dù được sáng tác bởi những nhạc sĩ chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp chính là gía trị chứng nhân lịch sử. Tiên khởi, chúng ra đời là để đáp ứng nhu cầu của người thưởng ngọan, chính xác hơn, những nạn nhân của cơn biến động lịch sử. Đối với những thế hệ tương lai, âm nhạc – cùng với những bộ môn nghệ thuật khác – trở thành chứng nhân.

Có thể 20 năm sau, người ta nghe bài hát “Chút Quà Cho Quê Hương“ của nhạc sĩ Việt Dzũng không phải với sự xúc động chảy nước mắt như người đương thời, nhưng sẽ với tấm lòng đầy thương cảm cho một thế hệ cha anh đã sống qua những tháng năm khốn khó, nhọc nhằn như thế và một hình dung rất cụ thể về những tháng năm ấy. Vì những lý do đó, chúng ta trân quý và gìn giữ những tác phẩm nghệ thuật – trong đó có âm nhạc – ra đời trong giai đọan này.

Còn những tác phẩm âm nhạc – những tù khúc – được viết trong những nhà tù, phổ biến rộng rãi trong các nhà tù, của những người tù cải tạo thì sao?

Nếu xét về khía cạnh nghệ thuật, có thể những bản tù khúc này không thể sánh được với những tác phẩm được sáng tác bởi những nhạc sĩ chuyên nghiệp, vì hầu hết chúng được viết bởi những người chỉ có vừa đủ kiến thức âm nhạc để ghi lại cảm xúc của mình. Đó cũng là lý do khiến cho những nỗ lực nhằm phổ biến tù khúc đến nhiều người của một số cựu tù cải tạo khi vừa được đặt chân đến bến bờ tự do vào những năm 1990s đã không đạt được kết quả như mong muốn. Mặt khác, tâm tư người thưởng ngoạn không còn ở trạng thái dễ xúc động như thời 70s, 80s nên những tác phẩm nghệ thuật không chuyên càng khó hơn nữa để chinh phục lòng người.

Nhưng về khía cạnh chứng nhân lịch sử của những tác phẩm tù khúc, chúng không hề thua kém bất cứ một tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp nào. Thậm chí, chúng đa dạng hơn, đặc thù hơn, cụ thể hơn. Chúng ra đời ở khắp mọi nhà tù từ Nam ra đến Bắc, từ lúc khởi đầu cho đến khi chỉ còn một số nhỏ tiếp tục bị giam giữ, phản ánh mọi hòan cảnh, mọi tâm trạng , mọi điều kiện sống của người tù cải tạo. Tác giả của chúng vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân của giai đọan lịch sử ấy. Rồi đây, khi các thế hệ tương lai nhìn lại giai đọan này, chắc chắn họ không thể bỏ sót hay coi nhẹ sự tồn tại của những nhà tù cải tạo cùng với những tù nhân mà tội danh duy nhất là chiến đấu cho tự do, cho dân tộc. Lúc ấy, tù khúc, cùng với các lọai hình nghệ thuật khác viết về nhà tù, bởi những cựu tù nhân, sẽ chứng tỏ gía trị lịch sử của mình.

Đứng trước một thực tế thiếu vắng sự biết đến của công chúng thưởng ngọan, thiếu vắng sự hiện hữu trong các trang lưu trữ âm nhạc, hoặc nếu có, cũng không được đầy đủ những tù khúc đã từng một thời “giữ cho chúng tôi đứng thẳng và sống còn, những ca khúc chứng nhân cho cái lãng mạn vừa hào hùng vừa bi thảm của một thời không thể quên, không muốn quên. Vì chúng đã từng được cất lên trong những nhà tù khổng lồ từ Bắc vào Nam, trên những chuyến xe chuyển tù xếp cá hộp với từng cổ tay gầy giơ xương bị còng chung một cái còng số 8 . . . (T.Vấn – Những tình khúc một thời nhiễu nhương – 15 tình khúc Trần Lê Việt)“, cá nhân chúng tôi, trên Trang T.Vấn & Bạn Hữu, và được sự hợp tác của nhiều anh em cựu tù, của những tác giả tù khúc , sẽ cố gắng tập hợp , giới thiệu và lưu trữ những tác phẩm tù khúc, chứng nhân của một thời rất nhiễu nhương mà hầu hết anh em chúng tôi cho đến hôm nay vẫn còn những giấc mơ nửa tỉnh nửa mê thấy mình đang nằm trên manh chiếu rộng 3 gang tay lổn nhổn những rệp ở một nhà tù nào đó vùng thượng du Bắc Việt.

Mười năm trong tù dài lê thê tưởng chừng như không bao giờ dứt. Nhưng 10 năm, 20 năm nơi xứ người qua nhanh đến độ không kịp làm bất cứ điều gì, kể cả việc chuẩn bị dọn mình . . . đi xuống. Người trẻ nhất trong anh em chúng tôi khi bước chân vào trại tù chưa kịp có một mảnh tình vắt vai thì nay cũng đã xấp xỉ 60. Có nghĩa là cả một thế hệ oan khiên nhất lịch sử sắp sửa ra khỏi cõi đời này. Đến bây giờ mới bắt tay vào việc thu vén quá khứ kể ra cũng hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không làm gì cả.

Theo sự hiểu biết của chúng tôi và dựa vào trí nhớ của mình sau gần 9 năm lê la khắp các nhà tù từ Nam chí Bắc, quen thuộc với những địa danh Trảng Lớn, Long Giao, Yên Bái, Lào Kai, Phong Quang, Vĩnh Quang, Z30A v..v.., phải có hàng trăm bài tù khúc được viết và hát lên trong những năm dài đằng đẵng ấy. Đó là chưa kể những tù khúc ở những trại tù khác như Gia Trung, Phú Quốc, Ái Tử, Nam Hà, Thanh Phong và rất nhiều những trại tù khác ở miền Trung, miền Nam đất nước.

Hiện nay, chúng tôi chỉ có trong tay vẻn vẹn chưa tới 30 bài tù khúc.
Trang T. Vấn & Bạn Hữu sẽ dành một chuyên mục riêng cho Tù Khúc, tọa lạc trong Góc Nhạc. Lần lượt, những bài tù khúc mà chúng tôi có trong tay sẽ được giới thiệu bằng hình thức Audio (MP3), lời bài hát và mỗi bài hát sẽ kèm một bức tranh minh họa của Trần Thanh Châu, người bạn tù của chúng tôi sẽ vận dụng trí nhớ để vẽ ra những hình ảnh có thật mà bài tù khúc ấy gợi lại. Như tên gọi đầy đủ của Tù Khúc, tức Những Ca Khúc Viết Trong Tù, chúng tôi xin được tự giới hạn chỉ giới thiệu những ca khúc thực sự được viết trong thời gian tác giả còn ở trong tù. Còn những tác phẩm khác, tuy mang nội dung nói về cảnh tù đầy, của cùng những tác giả đã từng ở tù nhưng viết sau khi đã ra tù, hay của những nhạc sĩ thời danh cám cảnh anh em cựu VNCH lâm nạn mà viết lên, chúng tôi xin phép không giới thiệu lại ở chuyên mục này. Cũng cần được nói thêm, do những thông tin có thể chưa chính xác, nên việc giới thiệu tác phẩm tù khúc của chúng tôi không xẩy ra đúng như mong muốn, hoặc thiếu sót, hoặc lầm lẫn tên người, tên bài hát, xin quý anh em cựu tù bổ túc để chúng ta có một gia tài đúng đắn để lại cho các thế hệ mai sau.

Mỗi một bức tranh minh họa của Trần Thanh Châu sẽ là một tác phẩm hội họa đúng nghĩa (xấu đẹp tùy người xem). Do đó, anh cần thời gian, để suy tưởng, để phác họa, và để thực hiện. Công việc thu gom này, coi vậy cũng không thể xong trong một thời gian ngắn. Do đó, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu trong khả năng thực hiện của mình.

Để đón lễ Chiến Sĩ Trận Vong sắp tới (Memorial Day), chúng tôi đặc biệt giới thiệu tuyển tập 13 bài Tù Khúc của Vũ Cao Hiến, một trong những người viết và hát tù khúc hay nhất trong các trại Vĩnh Quang, Nam Hà, Z30 Xuân Lộc, người mà theo anh Đỗ Xuân Tê, một cựu tù đã nhận xét “là một khuôn mặt được anh em nhắc nhớ nhiều với niềm ưu ái khi người cựu sinh viên Võ Bị Đà Lạt tuy là lính tác chiến nhưng khi vô tù người sĩ quan có dáng dấp thư sinh ấy lại có một giọng ca khá truyền cảm, và điều không ai ngờ là anh có một tiềm năng âm nhạc phong phú, đã sáng tác nhũng bản tù khúc mang âm hưởng vừa bồi hồi ray rứt vừa réo rắt khó quên… “ (Đỗ Xuân Tê: Vũ Cao Hiến với 13 Tù khúc khó quên). Chúng tôi chọn dịp này, vì Vũ Cao Hiến đã không may mắn đến được miền đất tự do sau gần 10 năm tù đày. Anh đã mất tích trên đường vượt biên ngay trước khi chương trình HO được chính thức công bố. Người trình bày và thực hiện tuyển tập 13 tù khúc này ở hải ngọai là anh Đinh Quốc Trực, một bạn tù Vĩnh Quang, cũng đã qua đời tại Pháp mấy năm trước đây vì bạo bệnh.

Công trình Tù Khúc được thực hiện còn là nén hương thắp muộn gởi chung đến những cựu tù đã nằm xuống, trong tù cũng sau khi ra tù.

Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự góp sức, hợp tác, giới thiệu của nhiều anh em cựu tù trong nỗ lực giữ gìn và phát huy một trong những di sản quý nhất của chúng ta: Tù Khúc – Những ca khúc viết trong tù.
Xin anh em liên lạc về địa chỉ: T.Van@prodigy.net (Phần Subject, xin ghi: Tù Khúc)

T. Vấn




No comments:

Post a Comment

View My Stats