Sunday 20 May 2012

VỀ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH NATO TẠI CHICAGO (The International Institute for Strategic Studies)




The International Institute for Strategic Studies (IISS)   

Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Posted by basamnews on 20/05/2012

Tạp chí “Bình luận Chiến lược” của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trụ sở tại Luân Đôn, Anh ngày 17/5 đăng tải bài nhận định thể hiện quan điểm của IISS về Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Chicago ngày 20-21/5 tới đây. Nội dung nhận định như sau:

Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Chicago ngày 20-21 tới đây nhiều khả năng sẽ được thống lĩnh bởi hai chủ đề chính, vấn đề cấp bách nhất là Ápganixtan: những sắp xếp về việc rút lực lượng chiến đấu và các kế hoạch về sự hiện diện quân sự quốc tế trong tương lai cũng như vấn đề tài trợ. Vấn đề dài hạn, ở tầm rộng hơn sẽ là việc giảm chi tiêu quốc phòng của hầu hết các nước thành viên NATO, và làm thế nào được ngăn chặn việc cắt giảm ngân sách này làm giảm khả năng phản ứng với các cuộc khủng hoảng an ninh trong tương lai của Liên minh này.

Vì thế một nhân tố quan trọng trong chương trình nghị sự sẽ là sáng kiến “Phòng thủ Thông minh” của Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen, một nỗ lực nhằm mang lại giá trị lớn hơn từ các ngân sách quốc phòng bị cắt giảm thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa 28 thành viên của Liên minh. Để dự án này đạt được nhiều tiến triển hơn so với các nỗ lực trước đây trong việc tăng cường các thực lực quân sự của NATO thì cần phái có một sự ủng hộ vững chắc từ các nhà lãnh đạo chính trị. Dù vậy, khả năng đạt được một sự hợp tác như vậy hiện lớn hơn bao giờ hết.

Cắt giảm chi tiêu
Mỹ với tư cách là nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới cho tới nay đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong bối cảnh nước này phải quyết định thực hiện khoản cắt giảm 487 tỷ USD mà Quốc hội đã thông qua như thế nào trong chi tiêu quốc phòng đã lên kế hoạch cho 10 năm tới, và thất bại trong việc cắt giảm ở một số lĩnh vực khác có thể dẫn tới khoản cắt giảm tự động 500 tỷ USD ngân sách của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, các khoản cắt giảm đó được thực hiện sau một thời gian dài tăng trưởng đáng kể về chi tiêu quốc phòng kể từ khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001 và trong số ngân sách tăng đó có cả khoản tài trợ cho các cuộc chiến ở Irắc và Ápganixtan.
Tại châu Âu, xu thế chi tiêu quốc phòng thấp hơn đã được thiết lập cách đây khá lâu. Chi tiêu quốc phòng thực của các quốc gia châu Âu thành viên của NATO năm 2007 thấp hơn 10,5% so với thời điểm năm 1990. Chi tiêu quốc phòng trên toàn châu Âu đã giảm đáng kể do hậu quả của khủng hoảng tài chính: từ 2008 đến 2010, chi tiêu quốc phòng thực của các nước châu Âu thành viên NATO giảm bình quân 7,4% ở mỗi nước. Trong gần một nửa các nước châu Âu thành viên NATO, chi tiêu quốc phòng thực giảm trên 10% trong cùng kỳ. Trong giai đoạn 2006-2010, chi tiêu quốc phòng thực của các nước châu Âu thành viên NATO về tổng thể giảm từ 296 tỷ USD xuống còn 275 tỷ USD, tương đương 7%. Gần đây hơn, giai đoạn 2010-2011, chi tiêu quốc phòng thực của châu Âu về tổng thể giảm thêm 2,8%.

Tác động thực sự từ việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của mỗi chính phủ do những ưu tiên quốc gia và nhu cầu chính trị là sự sụt giảm lộn xộn, không mạch lạc ở cấp độ châu Âu và NATO, với ít nỗ lực tập trung vào việc hợp tác. Bất chấp tư cách thành viên NATO hay EU, các quốc gia châu Âu bảo vệ chủ quyền của mình một cách đố kỵ khi xét tới an ninh và quốc phòng. Sự nguy hiểm của cách tiếp cận này là khả năng phản ứng chung của châu Âu đối với một cuộc khủng hoảng an ninh trong tương lai sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng. Chiến dịch do NATO dẫn đầu năm 2011 tại Libi đã cho thấy những yếu kém trong một số lĩnh vực thực lực chủ chốt. Với việc cắt giảm ngân sách chắc chắn sẽ tiếp tục tại phần lớn các nước châu Âu khi các chính phủ phải thực hiện các chương trình thắt lưng buộc bụng, sáng kiến “Phòng thủ Thông minh” có thể sẽ giúp các nước thành viên NATO thúc đẩy các thực lực chung thông qua tư nhân hóa, hợp tác và chuyên môn hóa.

Các thách thức quốc phòng mà các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt không phải là mới: các lực lượng vũ trang của họ phần lớn có đặc điểm là mức độ thấp của lực lượng quân đội có khả năng triển khai (năm 2011, dưới 3% trong tổng số 1,7 triệu quân đội của châu Âu được triển khai); hiện có một xu hướng phân bổ quá nhiều phần trong nguồn lực ngân sách cho chi phí liên quan tới con người, trong đó quá ít cho mua sắm thiết bị, nghiên cứu và phát triển (R&D); các quốc gia có vẻ không sẵn lòng hoặc không có đủ khả năng hợp tác hiệu quả trong việc mua sắm, dẫn tới việc tình trạng trùng lặp (chẳng hạn các chương trình máy bay chiến đấu đa chức năng); và họ đã thất bại trong việc tạo ra một thực lực đủ tại các lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như các hệ thống giám sát và vận chuyển hàng không chiến lược.

Chiến dịch Libi bộc lộ những lỗ hổng về thực lực
Trong quá khứ, các điểm yếu thường được “ngụy trang” bằng thực tế là Mỹ luôn luôn dẫn đầu trong các chiến dịch tác chiến và lấp các lỗ hổng thực lực của châu Âu. Trong chiến dịch tại Libi, Mỹ về cơ bản nhận vai trò hỗ trợ (mặc dù là một vai trò đáng kể), với phần lớn các cuộc không kích do các nước châu Âu và Arập thực hiện. Các đồng minh châu Âu đã cung cấp phần lớn trang thiết bị vũ khí cho chiến dịch xét về lĩnh vực tàu chiến và máy bay tấn công, nhưng bộc lộ yếu kém đáng lo ngại tại các lĩnh vực khác. Các lực lượng không quân thiếu thiết bị gây nhiễu điện tử hiệu quả, và phụ thuộc vào Mỹ để chế ngự các hệ thống phòng thủ trên không của đối phương. Các thành viên châu Âu của NATO thiếu máy bay do thám, bao gồm cả các máy bay không người lái, và có quá ít các nhà phân tích để xử lý thông tin tình báo, xác định mục tiêu và định hướng cho các máy bay chiến đấu. Thêm vào đó, các quốc gia châu Âu không có đủ các máy bay tiếp liệu trên không và thiếu các loại đạn dược độ chính xác cao trang bị cho các máy bay chiến đấu.

Nếu Libi là mô hình cho các chiến dịch quân sự trong tương lai tại khu vực láng giềng của châu Âu, các chính phủ có thể sẽ cần phải tạo ra khả năng không chỉ lấp các lỗ hổng thực lực đã xác định từ lâu mà còn khắc phục những lĩnh vực mà bấy lâu họ phải phụ thuộc vào các thực lực quân sự cua Mỹ. Khi sự quan tâm của Oasinhtơn đang dần dịch chuyển sang phía Đông trong chiến lược có tên “Châu Á trọng tâm”, các quốc gia châu Âu có thể sẽ thấy rằng họ phải có trách nhiệm lớn hơn đôi với các vấn đề an ninh ở gần khu vực của mình – vào thời điểm mà ngân sách đang bị cắt giảm. Vì thế, các nỗ lực để đạt được giá trị lớn hơn từ các nguồn lực sẵn có tầm quan trọng hơn bao giờ hết.

Cùng đóng góp và cùng chia sẻ
Hiện tại, EU đã và đang tập trung vào việc xây dựng các thực lực quốc phòng, dưới hình thức “cùng đóng góp và cùng chia sẻ. Các bộ trưởng quốc phòng đã nhất trí năm 2010 về “Sáng kiến Ghent”, theo đó một loạt các dự án hợp tác tiềm tàng được vạch ra nhằm cắt giảm chi phí và tránh tình trạng trùng lặp thiết bị. Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), dưới cái Ô “Chính sách Quốc phòng và An ninh chung châu Âu” (CSDP), đã và đang dẫn dắt các nô lực này.

Sau khi nghiên cứu 300 sáng kiến, tháng 11/2011 EDA đưa ra 11 để xuất đối với ủy ban điều hành. Để tránh những vấn đề nhạy cảm liên quan tới chủ quyền quốc gia và vấn đề tự trị, sự tập trung chủ yếu đặt vào các chức năng phòng thủ, chẳng hạn như hợp tác về do thám hàng hải và các công nghệ thế hệ tiếp theo để phát hiện ra các loại vũ khí hạt nhân, sinh học, phóng xạ (CBRN). Các dự án cũng bao gồm các lĩnh vực không thuộc tiền tuyến như huấn luyện, hiện đại hóa vũ khí, hỗ trợ tác chiến và hậu cần. EDA đã nỗ lực thúc đẩy một sự hợp tác công nghiệp quốc phòng châu Âu về R&D, chẳng hạn như các hệ thống máy bay và hàng hải không người lái.

Sự tiến triển của các sáng kiến này diễn ra từng bước. Cũng trong tháng 11/2011, 26 quốc gia thành viên EDA nhất trí cam kết đóng góp 40 triệu USD để tài trợ cho dự án thí điểm về liên lạc vệ tinh châu Âu. Tháng 3/2012, 14 quốc gia EU nhất trí vòng đầu tư thứ hai cho việc hợp tác do thám hàng hải, và 12 quốc gia EDA nhất trí về chương trình nghiên cứu trị giá 15,8 triệu USD cho các công nghệ CBRN. Một thỏa thuận cũng được ký kết liên quan tới việc huấn luyện lái trực thăng chung, và EDA cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu các đề xuất về dự án phát triển các thực lực tiếp liệu trên không hỗn hợp. Tháng 4, EDA thông báo sẽ thành lập nhóm làm việc vào giữa năm 2012 để xem xét các khả năng hợp tác trong lĩnh vực thiết kế, thử nghiệm và hoạch định các yêu cầu về vũ khí trong tương lai.

Tuy nhiên, các bước kế tiếp sẽ phải được thực hiện trong bối cảnh thiếu sự tiến triển trong việc thực thi CSDP. Số các nhiệm vụ quân sự do EU đảm nhiệm vẫn không thay đổi, và bất chấp những nỗ lực tốn kém để tạo ra các nhóm chiến đấu phản ứng nhanh, không một nhóm nào tới nay được triển khai. Hiệp ước Lixbon cũng đã không mang lại một sự thúc giục nào hướng tới vai trò phòng thủ cao hơn đối với EU như đã hứa.

Sáng kiến NATO
Trong khi đó, NATO đã làm việc cật lực trong năm nay nhằm đưa ra khái niệm “Phòng thủ Thông minh” để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh tại Chicago. Theo Tổng thư ký Rasmussen, khái niệm mới được đưa ra là để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và ngân sách tụt giảm: “Chúng tôi gọi đó là ‘Phòng thủ Thông minh’ bởi nó đề cập về việc chi tiêu ngân sách quốc phòng theo cách thông minh hơn. Cách thông minh hơn là ưu tiên hóa, tập trung hóa và hợp tác. Tập trung không chỉ vào những gì chúng tôi cắt giảm, mà còn vào những gì chúng tôi giữ lại. Và lựa chọn những giải pháp đa phương thay vì các giải pháp đơn phương”.

Cũng giống như EU đã làm, các thành viên NATO đã xác định một danh sách dài các dự án – trong cặp tài liệu của họ có khoảng 160 – chín muồi cho sự hợp tác. Các bộ trưởng dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố về cam kết đối với khái niệm này tại Chicago, và cũng sẽ nhất trí về danh sách các dự án trọng điểm. Tháng 4, Rasmussen nói rằng ông hy vọng hội nghị sẽ mang lại một gói sáng kiến, từ việc cùng duy trì các máy bay trực thăng, cùng đầu tư các máy bay tuần tra trên biển và cùng mua các thiết bị mặt đất không người lái. Mỗi dự án sẽ có một quốc gia dẫn đầu. Liên minh cũng đã nghiên cứu về tính khả thi của việc góp quỹ mua máy bay không người lái phục vụ các nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo và do thám cho hệ thống Giám sat Mặt đất Liên minh (AGS) đã thực hiện từ lâu, và tổ chức việc cùng cung ứng các loại đạn dược độ chính xác cao – hai lỗ hổng thực lực chủ chốt bộc lộ sau cuộc chiến tại Libi. Phòng thủ tên lửa dự kiến cũng sẽ là một trong những dự án ưu tiên hàng đầu.

Hiện có nhiều lý do cho sự hoài nghi về mức độ mà “Phòng thủ Thông minh” có thể cải thiện các thực lực nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn. Trong hai thập kỷ qua, NATO đã chứng kiến một loạt các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để thuyết phục các đồng minh châu Âu lấp các lố hổng về thực lực, và tất cả các nỗ lực đó cơ bản đều đã thất bại. Trong khi đó, những nỗ lực tạo ra các tài sản dùng chung thông qua việc cung cấp vốn đã và đang mang lại kết quả hỗn độn, với thành công trong lĩnh vực vận tải đường không, nhưng thất bại trong AGS kéo dài 20 năm qua.
Tuy nhiên, có thể lập luận rằng “Phòng thủ Thông minh” – cũng như cùng đầu tư và chia sẻ – có một cơ hội lớn hơn để đạt được các kết quả bởi những khó khăn về ngân sách sẽ buộc các chính phủ phải hợp tác chặt chẽ hơn. Nếu không có sự hợp tác đó, toàn bộ các thực lực quân sự có thể sẽ bị xóa bỏ bởi các quyết định cấp quốc gia. Ý định của “Phòng thủ Thông minh” vì thế là muốn tạo ra sự “chuyên môn hóa theo thiết kế” – và điều này có nghĩa là thuyết phục các quốc gia giữ lại một số thực lực và dựa vào đối tác để có một số thực lực khác. Thậm chí trong lòng một tổ chức tồn tại từ lâu như NATO, và bất kể thực tế rằng các chính phủ không còn khả năng duy trì thực lực đầy đủ, thì ý niệm nhượng lại chủ quyền cho một nước khác để theo đuổi các thực lực cụ thể là điều rất nhạy cảm. Có những rủi ro rõ ràng: Các chính phủ sẽ bị kéo vào các chiến dịch mà bản thân họ không muốn tham gia; Và điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội của họ buộc phải phụ thuộc vào một thực lực mà quốc gia phải cung cấp lại không cung cấp?

NATO đã và đang thảo luận các cơ chế “tiếp cận có bảo đảm” để bảo đảm rằng rủi ro thứ hai đề cập trên đây không xảy ra. NATO cũng đang tự thể hiện mình là một hỗ trợ viên để giúp các quốc gia quyết định xem họ nên giữ lại những thực lực nào và bỏ đi những thực lực nào. Tuy nhiên, về tổng thể, hiện vẫn có một sự cần thiết phải có một “bài tường thuật” quan trọng để hỗ trợ cho nỗ lực rộng khắp Liên minh về một sự hợp tác và chuyên môn hóa, và đây là điều mà chỉ các nhà lãnh đạo chính trị có thể mang lại. Một trong những lập luận có thể là những cắt giảm mạnh mẽ về chi tiêu khắp Liên minh đang hủy hoại chính an ninh quốc gia của mỗi nước thành viên: vì thế, sự hợp tác với các đồng minh thông qua “Phòng thủ Thông minh” sẽ thúc đẩy, chứ không phải làm suy yếu an ninh quốc gia của mỗi nước. Hiện vẫn còn phải chờ đợi xem liệu hội nghị Chicago có tạo ra một sân khấu cho sự cam kết chính trị thực sự với “Phòng thủ Thông minh hay không”, và liệu các đồng minh có thể có sự đồng cảm sau đó với các nguyên tắc của “Phòng thủ Thông minh” hay không.

***

TTXVN (Brúcxen 16/5)

Tạp chí Enrope’s World, số ra Mùa Xuân 2012, đăng bài của Karl- Heinz Kamp phân tích khả năng thành bại của chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Chicago sắp tới dựa trên những mâu thuẫn quan điểm về các vấn đề được bàn tại hội nghị này.

Tác giả Karl-Heinz Kamp hiện là Giám đốc Nghiên cứu, Học viện Quốc phòng NATO có trụ sở tại Rôma. Tác giả nhận định trong giai đoạn vận động tranh cử hiện nay, Tổng thống Barack Obama sẽ tạo sức ép để Hội nghị Thượng đỉnh NATO thông qua lộ trình cải tổ cho liên minh này.

NATO đang chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh tại Chicago vào 20- 21/5, và không như Hội nghị Thượng đỉnh EU được tổ chức thường kỳ hầu như một tháng một lần, Hội nghị của NATO thường mang sắc thái sự kiện quan trọng. Điều này giúp phần nào giải thích sự lạm dụng tính từ “có ý nghĩa lịch sử” thường được gắn cho sự kiện này, đặc biệt Hội nghị Thượng đỉnh Lixbon được tổ chức vào tháng 11/2010, đã từng được cho là “Hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất trong lịch sử của khối NATO”.

Cho đến tận gần đây, Hội nghị Thượng đỉnh Chicago dường như đã không được coi trọng theo truyền thống này, và ban đầu chỉ được coi như là “một hội nghị triển khai” mà tại đó, các nhà lãnh đạo của liên minh sẽ kiểm điểm tiến bộ đạt được trong việc triển khai chương trình hành động đầy tham vọng đã được thống nhất tại Hội nghị Lixbon nhằm tăng tốc nỗ lực của NATO điều chỉnh thích nghi với thế kỷ 21.

Tuy nhiên, gần đây, một số diễn biến chính trị bắt đầu diễn ra từ cuối năm 2010 đã làm thay đổi nghị trình an ninh quốc tế, và vì thế sẽ có nhiều khả năng Hội nghị Chicago sẽ trở nên quan trọng. Thứ nhất là các cuộc cách mạng tại thế giới Arập và chiến dịch can thiệp quân sự của NATO tại Libi và sự chuyển hướng ưu tiên của liên minh sang vùng Trung Đông và Bắc Phi. Thứ hai, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã có ảnh hưởng không thể tính trước được đến việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của các nước thành viên liên minh. Thứ ba, cuộc tranh luận ngầm bấy lâu nay về vấn đề chia sẻ gánh nặng chi phí và sự đoàn kết trong nội khối đã được đưa ra công khai qua bài phát biểu chia tay tại Brúcxen vào tháng 6 năm ngoái của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trước khi nghỉ hưu, Cuối cùng, Hội nghị Thượng đỉnh lần này được tổ chức tại Mỹ sau 13 năm và diễn ra ngay tại thành phố quê hương của Tổng thống Obama. Chính vì vậy, Chính quyền của ông Obama đặc biệt quan tâm đến “những kết quả có thể đạt được” tại hội nghị để có thể tuyên bố đây là những thành công quan trọng.

Với bối cảnh đó, các thành viên liên minh NATO đã nhất trí một chương trình nghị sự 6 điểm cho Hội nghị tới, trong đó có 4 chủ đề là nội dung tiếp nối các cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Lìxbon và 2 chủ đề mới liên quan đến biến động tình hình gần đây. Tất cả 6 chủ đề này đều là những vấn đề nền tảng cơ bản của liên minh, rất phức tạp và rất khó có giải pháp trọn vẹn.

Chủ đề nổi bật hàng đầu của chương trình nghị sự và đã tồn tại nhiều năm chắc chắn sẽ là vấn đề Ápganixtan, một điểm nóng mà NATO đã quyết định sẽ rút hết quân theo lộ trình từ nay đến năm 2014. Để thực hiện được lộ trình này, NATO sẽ phải đào tạo một số lượng lớn lực lượng quân đội và cảnh sát người Ápganixtan đủ sức để tiếp quản hoàn toàn trách nhiệm giữ gìn ổn định an ninh cho quốc gia này. Đồng thời, NATO vẫn cần phải truyền tải một thông điệp rõ ràng là sự hỗ trợ quốc tế dành cho nước này sẽ được duy trì sau thời điểm 2014, và để giành được sự ủng hộ của công chúng cho việc tiếp tục cam kết hỗ trợ này, NATO cần phải chứng minh sứ mệnh kéo dài hàng thập kỷ qua của họ tại đây là một thắng lợi, dù cũng phải hy sinh rất nhiều. Có thể liệt kê 3 thành tựu chính như sau: thứ nhất, mục tiêu tiêu diệt Al-Qaeda với vai trò là một tổ chức khủng bố có hoạt động mang tính chiến lược xuất phát từ căn cứ tại Ápganixtan đã hoàn thành, Thứ hai, nhiều thành tựu đã đạt được trong việc tái thiết đất nước này từ tổ chức hệ thống nhà nước, đưa trẻ em đến trường, phụ nữ được làm việc, hệ thống y tế và kết cấu hạ tầng được xây dựng mới. Và cuối cùng, chiến trường Ápganixtan là một điển hình thành công cho sự gắn kết của liên minh mặc dù con số hy sinh cao nhưng NATO vẫn có thể triển khai đầy đủ hoạt động tại khu vực này và đồng thời duy trì sự đoàn kết thống nhất giữa các lực lượng trong liên minh từ các quốc gia thành viên.

Chủ đề thứ hai trong nghị trình của Hội nghị Thượng đỉnh Chicago và giờ đây đã trở thành một chủ đề truyền thống, đó là mối quan hệ NATO-Nga. Bất chấp những nỗ lực của cả hai phía, mối quan hệ này vẫn còn rất nhiều tồn đọng. Các thành viên Đông Âu trong NATO vẫn có ý thức nghi ngại Nga, trong khi đó những phát biểu thô ráp và hành động mạnh mẽ của Matxcơva đối với những quốc gia láng giềng hoặc đồng minh cũ lại càng không giúp ích gì cho việc xóa bỏ nỗi lo ngại mang tính lịch sử với Nga. Và với bế tắc trong tiến trình hiện đại hóa đất nước dẫn đến hậu quả khó tránh khỏi là sự suy yếu dần dần về kinh tế và quân sự, nước Nga dễ bị đẩy đến thái độ tự khẳng định mình và quá khích trên trường quốc tế.

Tất cả các xu hướng đáng quan ngại và những mâu thuẫn trên có thể được biểu hiện rõ nét nhất thông qua dự án – được nhiều người coi là một dự án mang tính biểu tượng của mối quan hệ NATO-Nga – hệ thống phòng thủ tên lửa chung. Matxcơva kiên quyết với lập trường dự án này phải là dự án mang tính chia sẻ thực sự và cả hai bên sẽ cùng phối hợp trong việc ra quyết định có hay không đánh chặn một tên lửa đang trên hành trình thâm nhập. Nga biết chắc chắn rằng quan điểm này sẽ là một bước đi quá xa cho NATO, đặc biệt là đối với những đồng minh Đông Âu của khối. Trong khi đó, Oasinhtơn lại thúc đẩy ý tưởng hợp tác với Nga về phòng thủ tên lửa dựa trên sự đảm bảo rằng Nga sẽ được đối xử như một đối tác bình đẳng, mặc dù vẫn biết trên thực tiễn sẽ khó có sự bình đẳng cả về mặt quân sự lẫn công nghệ. Chính vì vậy, nút thắt trong chương trình hợp tác phòng thủ tên Nga – NATO chắc khó có khả năng được tháo gỡ tại Hội nghị Thượng đỉnh Chicago.

Chủ đề thứ ba của kỳ họp này sẽ là sự tranh luận nội bộ giữa các thành viên của NATO về chương trình phòng thủ tên lửa. Trên thực tế, Mỹ đã triển khai chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo quốc gia trong suốt 30 năm qua. Mặc dù vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh Lixbon, các chính phủ thuộc liên minh NATO lại tuyên bố chương trình phòng thủ tên lửa là dự án chung của toàn khối. Như vậy, mục tiêu của kỳ họp này chính là thúc đẩy sự hợp tác giữa Mỹ với tư cách là nhà cung cấp chủ chốt vũ khí hạng nặng và các thành viên châu Âu của NATO. Oasinhtơn đã bắt đầu triển khai năng lực phòng thủ tên lửa lắp đặt trên các hạm đội tại vùng biển Địa Trung Hải với kế hoạch sẽ bao phủ toàn bộ các nước thuộc liên minh. Một số quốc gia thành viên đã cho phép triển khai trên lãnh thổ của họ các trạm rađa và tên lửa đánh chặn bổ sung, một số quốc gia thành viên khác đã kết nối tích hợp hệ thống cảm biến và rađa của họ vào hệ thống chung của NATO.

Để có thể tiến tới mục tiêu thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung của NATO mà ở đó Mỹ sẽ cho phép các đồng minh có quyền tham gia trong việc ra quyết định, các thành viên châu Âu nên có đóng góp bằng kinh phí thực sự, hơn là chỉ ở mức độ đóng góp không mất chi phí như hiện nay. Chắc chắn, Oasinhtơn sẽ đẩy mạnh việc yêu cầu phải có một cơ chế chia sẻ chi phí công bằng hơn, mặc dù yêu cầu hợp lý và có thể hiểu được này lại đang phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách quân sự rất lớn tại tất cả các nước thành viên trong NATO. Nói tóm lại, bất luận những cam kết thiện chí nào sẽ được thông qua tại Hội nghị năm nay, chương trình phòng thủ tên lửa vẫn sẽ chỉ là nỗ lực đơn phương của Mỹ trong một thời gian dài nữa.

Chủ đề thứ tư, cũng được tiếp nối từ Hội nghị Thượng đỉnh Lixbon, sẽ là nỗ lực của liên minh tìm kiếm sự đồng thuận nội bộ về vai trò của vũ khí hạt nhân. Nội dung cốt lõi của vấn đề vũ khí hạt nhân – ngăn chặn ai? làm thế nào và với công cụ gì? – đã được chuẩn bị từ trước đây rất lâu nhưng vẫn chỉ chứa đựng ngôn ngữ mang nặng tính hình thức của một bản thông cáo. Sự tồn tại các quan điểm khác biệt rất lớn về vấn đề này giữa các nước thành viên trong nội bộ NATO không cho phép một sự lơi là như vậy. Hiện nay, một số thành viên NATO kiên quyết đòi đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ ra khỏi lãnh thổ châu Âu, trong khi đó một số thành viên khác lại có quan điểm cho rằng những vũ khí này là biểu tượng cho sự cam kết an ninh của Mỹ đối với châu Âu. Tổng thống Obama đã tuyên bố phấn đấu vì mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân, tuy nhiên dường như Iran đang ngấp nghé trở thành một quốc gia sắp sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong bản tài liệu nội bộ nhan đề “về Hiện trạng Phòng thủ và Răn đe Hạt nhân”, NATO đang cố gắng phân định làn ranh giữa phòng thủ, răn đe và kiểm soát vũ khí hạt nhân, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa đạt được tiến bộ nào đáng kể. Các khác biệt trong quạn điểm về vai trò của vũ khí hạt nhân vẫn chưa được thu hẹp và cũng có thể khẳng định rằng không hy vọng sẽ có được sự đồng thuận nào có ý nghĩa thực sự được thông qua tại Hội nghị Chicago năm nay.

Chủ đề thứ 5, và cũng là chủ đề mới so với Hội nghị Thượng đỉnh Lixbon, trong chương trình nghị sự năm nay được Tổng thư ký Rasmussen gọi tên là “Phòng thủ Thông minh”. Tổng thư ký Rasmussen giải thích khái niệm này đơn giản rằng chúng ta sẽ không hy vọng được tăng thêm ngân sách quốc phòng, vì vậy, ngân sách hiện có cần phải được sử dụng một cách thông minh hơn. Thay vì từng quốc gia thành viên lên kế hoạch và mua sắm riêng rẽ, 28 quốc gia thành viên của NATO cần phải tập trung nguồn lực và chia sẻ càng nhiều càng tốt các vũ khí hạng nặng đắt tiền, Ý tưởng về tập trung và chia sẻ không có gì là mới và không mang tính đột phá, nhưng cho đến nay ít được áp dụng tại NATO. Ngay cả các nhà sản xuất quốc phòng trong nội khối cũng cạnh tranh lẫn nhau về các mẫu xe tăng, máy bay hoặc thiết bị điện tử.

Sáng kiến phòng thủ thông minh mặc dù là một ý tưởng hợp lý, nhưng lại phải đối mặt với thực tiễn chính trị khắc nghiệt. Tất cả các thành viên chủ chốt của NATO đều ủng hộ việc tập-trung và chia sẻ nhưng chỉ mang tính chất hứa hẹn. Khi cần phải huy động vũ khí khí tài cho các chiến dịch chung, họ thường viện dẫn lý do không sẵn sàng do phải phục vụ nhu cầu trong nước hoặc không xin được phê chuẩn của quốc hội, Sự từ chối này vẫn xuất hiện cho đến tận gần đây trong chiến dịch tại Libi, không những chỉ làm xói mòn tính chỉnh thể thống nhất của NATO, mà còn cho thấy sáng kiến Phòng thủ Thông minh là ít có tính thực tiễn. Không một nước thành viên NATO nào có thể sẵn sàng đóng góp vũ khí khí tài của họ nếu như không được đảm bảo chắc chắn rằng các đồng minh khác sẽ sẵn sàng bù đắp ngay tức khắc phần thiếu hụt trong mọi trường hợp cần sử dụng vũ khí khí tải đó. Phòng thủ Thông minh chỉ có thể phát huy tác dụng trong một số trường hợp khi các đồng minh có cơ cấu quân đội và nền văn hóa quân sự giống nhau, ví dụ như Anh và Pháp, nhưng điều này không có nghĩa đây là cứu cánh cho sự thiếu hụt tổng thể trong ngân sách chung của NATO.

Có lẽ, chủ đề thứ sáu trong nghị trình Chicago, về diễn biến chính trị tại Thế giới Arập, là có hy vọng đạt được những kết quả tích cực hơn cả. Mặc dù vẫn chưa thể tiên liệu về những thành quả của Mùa xuân Arập – với một số người đây là “Sự nổi loạn Arập”- NATO vẫn có lý do để lạc quan. Chiến dịch tại Libi đã chứng minh rằng liên minh có năng lực tác chiến và hình ảnh của liên minh được cải thiện tại Bắc Phi. Tại Chicago, NATO sẽ thông qua một tuyên bố chính trị quan trọng cam kết tiếp tục ủng hộ khu vực – trong mức độ được các nước tại đây yêu câu.
Sáu chủ đề hóc búa trên của nghị trình Chicago chắc chắn sẽ làm cho các nguyên thủ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh phải cân nhắc. Những khác biệt về quan điểm và các mâu thuẫn như phân tích trên sẽ có nghĩa là kết quả của Hội nghị có thể sẽ không dễ chịu lắm. Tuy nhiên, cũng cần phải chấp nhận sự thật khó khăn, bởi vì cải tổ NATO là một quá trình lâu dài và việc đạt được các tiến bộ nhỏ cũng là những bước khởi đầu cần thiết./.








No comments:

Post a Comment

View My Stats