Wednesday 9 May 2012

TỪ VỤ HAI NHÀ BÁO BỊ ĐÁNH, NGHĨ VỀ BÁO CHÍ LỀ ĐẢNG (Huỳnh Ngọc Chênh)




Thứ tư, ngày 09 tháng năm năm 2012

Trước khi tiến hành cưỡng chế ở Văn Giang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh đã yêu cầu các các nhà báo không được có mặt tại khu vực cưỡng chế để "bảo đảm tuyệt đối an toàn".

Không hiểu cái "yêu cầu" quái dị đó được phát ra với quyền lực ẩn sau như thế nào mà hầu như tất cả các báo đài đã "vâng lệnh" răm rắp, không cử phóng viên đến tại hiện trường để theo dõi và nắm bắt diễn biến thực tế. Có lẽ cũng không thấy nhà báo nào tự giác đến hiện trường để quan sát. Hầu như hôm đó, họ đều nằm nhà để chờ thông báo của chính quyền rồi dựa vào đó mà viết tin. Một bản tin vô cùng phiến diện, một chiều và chưa nói là sai sự thật sẽ ra đời và được phát đi.

Đó là cung cách làm báo thông thường của báo chí Việt Nam trước những vụ việc được cho là nhạy cảm chính trị.

Với những vụ việc nhạy cảm chính trị, thường có sự dặn dò từ trước của ban tư tưởng văn hóa trung ương phải thông tin như thế nào, liều lượng ra sao...

Nhưng rất lạ một điều, qua thăm dò một số xếp của vài tờ báo thì được biết vụ Văn Giang không hề có sự chỉ đạo hay ngăn cấm nào từ trên, thế nhưng hầu như các báo đều đồng loạt làm theo một cách là đăng tin từ thông báo của ban cưỡng chế. Và lạ hơn nữa là ngay sau đó xuất hiện hai video clip đánh người dã man nhưng không hề thấy tờ báo nào dám đá động đến. Hoặc tất cả các nhà báo, từ cấp tổng biên tập xuống đến phóng viên, đều vô cảm trước sự bất công ghê tởm đó, họ cho rằng việc công an đánh người như đánh súc vật là chuyện bình thường nên không cần phải tìm hiểu, điều tra ra ba nạn nhân đáng thương ấy là ai. Hoặc là họ có thói quen phản xạ có điều kiện trước những sự việc cho là nhạy cảm, họ sợ cấp trên phê bình nên không dám đá động đến dầu không có ngăn cấm.

Tất cả đều vô cảm hoặc sợ hãi trước điều bất công với đầy đủ bằng chứng xảy ra ngay trước mắt.

Chỉ có một tờ báo kiên trì đi điều tra và xác minh nạn nhân trong hai video clip đó là ai. Đó là BBC ở tận London!
Ngày 5.5, BBC đưa tin tìm ra được hai nạn nhân là hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long.
Đến ngày 8.5, báo Thanh Niên mới thận trọng đưa một tin vừa phải xác minh hai nhà báo bị đánh là có thật để thăm dò.

Từ ngày 9.5, như được "xổng chuồng", hàng loạt các tờ báo khác mới ào lên đưa tin, phỏng vấn hai đồng nghiệp bị hại. Té ra là không có ngăn cấm nào hết nhưng ai cũng sợ, một nỗi sợ vô hình nào đó do bị tròng vào đầu vòng kim cô trước quá nhiều sự việc nên với sự việc hai đồng nghiệp bị đánh dã man nầy cũng cứ tự tròng vào đầu mình một vòng kim cô cho chắc...ghế.

Trở lại sự kiện cưỡng chế ở Văn Giang, dường như chỉ có VOV là cơ quan truyền thông có chút lương tâm nghề nghiệp. Thay vì cứ cho phóng viên nằm nhà để chờ thông báo của chính quyền Hưng Yên, họ vẫn cứ cử hai phóng viên đến tận hiện trường để nắm diễn biến thực tế. Tuy bản tin VOV phát ra thì cũng như bao nhiêu báo đài khác là lấy theo thông báo của chính quyền, nhưng ít ra họ cũng có động tác theo đúng nghiệp vụ trước đó.

Hiện nay còn một nạn nhân nữa vẫn chưa được xác minh. Có lẻ nạn nhân ấy là một người dân bình thường, thấp cổ bé miệng, bị đánh đập dữ dội nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa biết số phận ra sao. Hiện nay, hầu như các báo đài đều đang tập trung vào hai nhà báo, còn số phận của người dân đen kia thì bỏ mặt.

-----------------------------

Thứ tư, ngày 09 tháng năm năm 2012

Hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long đang tường trình sự việc ( ảnh: Người Lao Động)

Mấy ngày nay dư luận ngoài lề ồn ào vụ hai nhà báo thuộc VOV - Đài tiếng nói Việt Nam - cơ quan truyền thông cấp T.Ư bị oánh tơi tả tại Văn Giang. Giật mình ồ thì ra đó là nhà báo. Nhà báo xịn, nhà báo của một cơ quan báo chí T.Ư. Nhưng nhà báo thì đã làm sao? Đánh tất.

Trong Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 có tới 15 điều từ 68 tới 82 nói rõ ràng về công dân và Quyền công dân. Đọc xong thấy mệt hết cả người. Đặc biệt là điều 68,69 và đặc biệt là điều 71.
Ðiều 71 Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.

Đọc xong, đối chiếu với vụ hai nhà báo VOV bị oánh ở Văn Giang thì rõ ràng hai ông nhà báo này không phải công dân nước Việt Nam rồi. Vì hai ông này đâu có quyền bất khả xâm phạm thân thể - đơn giản thế thôi. Chưa đòi hỏi nhiều hơn những quyền bla bla như biểu tình chẳng hạn!

Thôi thì hai ông này không phải quyền công dân thì chắc hai ông ấy vẫn là con người. Thử xem quyền của con người - gọi hoa mỹ là NHÂN QUYỀN nó tới đâu hỉ.
Các quyền không thể tước bỏ bao gồm quyền được sống, quyền tự do (các quyền tự do ngôn luận và thể hiện, quyền tự do tín ngưỡng và nhận thức, quyền tự do lập hội) quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật.

Nghe chừng hai nhà báo suýt chút nữa bị tước bỏ quyền được sống rồi. Haizz. Nhưng không phải vì thế mà không nói họ không phải là người được.

Trong tuyên ngôn Độc lập năm 1945, cụ Hồ từng viết và tuyên bố với đồng bào quốc dân là: "
Hỡi đồng bào cả nước,
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Đối chiếu vụ hai nhà báo bị oánh ở Văn Giang thì hẳn có một số đối tượng tự coi mình không là phản động đang Chối Cãi rất hùng hồn và mạnh mẽ.

Hôm kia (7-5) Có một bác cũng nhà báo, tên Võ Văn Tạo có bài viết với tựa "Nhà báo Việt Nam khổ Hơn... chó! Trong đó câu kết là một câu hỏi còn bỏ ngỏ "Nhà báo Việt Nam khổ HƠN... chó, nói thế có ngoa không?". Dù rằng toàn bộ phần nội dung phía trên đã trả lời ráo cả.

Theo tôi, chó ở đây được hiểu chỉ là tính từ thôi. Tức là mang thân con người, nhưng mà lại khổ như chó. Quyền công dân không có, quyền con người cũng không, thì ví với chó cũng có gì mà lạ! Cũng may là hai ông người này có gắn mác VOV. Giả sử hai ông người này là hai ông nông dân chân lấm tay bùn. Thì liệu ai đi trả lại quyền người cho các ông. Và liệu cái hội là Hội nông dân có đứng lên trả lời, dù là lắt léo "hội sẽ cách riêng ".
Và thực tế là nhiều người đã ngang nhiên bị tước đi quyền người một cách tức tưởi, mà rất ít người dám lên tiếng. Dù chỉ là tiếng "ẳng" ngẹn ứ. Vì ai cũng sợ đau, sợ những đòn thù hèn hạ.

Và có một loại khác cần nhắc tới ở đây, không phải là người, chẳng phải là chó. Mà là lũ đầu trâu mặt ngựa. Đó là những kẻ đang tâm đánh đập những người trong tay không một tấc sắt. Xem lại hình ảnh clip vụ đánh người đó thì thấy rõ là "Người nách thước, kẻ tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi?"

Nhiều người có vẻ thông cảm cho lũ đầu trâu mặt ngựa này. Cho rằng chúng phải bảo vệ chủ và thực hiện mệnh lệnh của cấp trên. Nhưng tôi thì không. Lũ đó hoàn toàn có thể làm khác nếu chúng có chút tính người (và trong rất nhiều trường hợp chúng có thể bắt người mà không cần phải giết người) ví dụ bắt giữ hai thanh niên mặc áo trắng (Mà sau này được xác định là hai nhà báo của VOV) đem về đồn. Nhưng không lũ đó đã xông vào cắn xé hai con người không thương tiếc. Cụ Nguyễn Du từng viết "Thịt da ai cũng là người. Thế nhưng bọn đầu trâu mặt ngựa này không thấm được nỗi đau đó. Chính vì thế chúng mới dám quát tháo xông vào đấm chết người ngay giữa ban ngày"

Còn một loại không thể gọi là chó được, đầu trâu mặt ngựa cũng không được. Vì chúng dường như vô hình, cũng không trực tiếp đánh đập ai. Nhưng chính chúng đã đẩy lũ người chúng ta thành chó, thành đâu trâu mặt ngựa. Chúng mới đáng bị nguyền rủa. Nhưng chúng là ai? Là một bộ phận không nhỏ - nhưng không nhìn ra?

Sau vụ này, mình có vài phương án giải quyết vụ này:
Thứ 1, lôi một vài thằng đầu trâu mặt ngựa ra xử. Tế cờ.
Thứ 2, điều tra làm rõ trong khoảng thời gian dài đằng đẵng rồi cho chìm xuống. Giống như bao vụ trước đó - Tiên Lãng chẳng hạn. Đã và đang chìm nghỉm. Đồng chí Vươn giừ không biết ra răng, bao giờ xử, sắp hết hạn tạm giam mẹ rồi.

Cuối cùng: Cảm ơn anh hùng nào đã đạo diễn các clip tại Văn Giang, cảm ơn VOV đã dũng cảm cử người xuống điểm nóng, cảm ơn lũ đầu trâu mặt ngựa đã đánh nhầm vào hai ông nhà báo.
Cảm ơn cựu Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực người đã mở đường cho internet ở Việt Nam. Và cảm ơn cụ Bộ Quốc phòng Mỹ người đã phôi thai cho Internet xuất hiện trên cõi đời này. CÁM ƠN.

---------------------------------------

ĐỌC THÊM:

Chi tiết vụ hai nhà báo VOV bị hành hung tại Văn Giang

Một bạn đọc cung cấp cho chúng tôi nội dung thông tin được cho là đại diện Đài tiếng nói Việt Nam chính thức công bố về vụ việc hai phóng viên thuộc Phòng Phóng viên Thời sự Chính trị, Kinh tế của VOV bị đánh ở Văn Giang. Chúng tôi xin lược đăng một vài chi tiết từ nguồn thông tin này.

Phóng viên Hán Phi Long: Phòng Phóng viên Thời sự Chính trị - Kinh tế, Trung tâm Tin của Đài Tiếng nói Việt Nam:
Chúng tôi đến xã Xuân Quan vào khoảng 9h00 sáng, sau khi từ trên đê rẽ phải theo con đường bê tông đi vào trong làng, đi được khoảng mấy trăm mét, tôi thấy rất đông người dân đang đứng ngoài đường với vẻ mặt rất căng thẳng, chúng tôi không thể đi tiếp vào được. Sau đó tôi đã quay xe lại, để xe vào sâu trong một con ngõ nhỏ là cổng của 1 hộ dân, tôi khóa xe và lấy máy ảnh nhỏ du lịch mang theo. Khi ra đường tôi mới biết đây là đoạn đường cuối của thôn để ra cánh đồng. Đứng quan sát tôi thấy cách đó khoảng 25-30m, đối diện với những người dân là lực lượng cưỡng chế thi hành bao gồm công an mặc cảnh phục, cảnh sát hình sự có khiên đỡ và cả lực lượng mặc thường phục, (có người đeo băng đỏ, người không đeo), có người mang camera, máy ảnh quay phim.
Khi đó tôi thấy tình hình rất căng thẳng, một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Một bên là hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào cảnh sát, nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào. Do sợ khi đứng lẫn trong đám đông này kiểu gì cũng bị “tai bay vạ gió” vì rất hỗn loạn, tôi và anh Năm đã đi vào Nhà văn hóa thôn (đang ở giai đoạn hoàn thiện), cách đường có người dân tụ tập khoảng 30m, liền kề Nghĩa trang liệt sĩ là nơi giáp ranh giữa khu dân cư với cánh đồng đang bị cưỡng chế. Chúng tôi đứng quan sát.
Sau đó tôi lấy máy ảnh, ra đứng trên tường bao sân của nhà văn hóa đang xây dở để chụp 2 kiểu ảnh làm tư liệu. Lực lượng cưỡng chế từ phía cánh đồng và nghĩa trang liệt sĩ bắt đầu tiến lên.


Một nhóm cảnh sát và cảnh sát cơ động lúc này từ trong nghĩa trang liệt sỹ trèo qua tường rào, tiến về phía nhà văn hóa. Lúc này tôi vẫn đội mũ bảo hiểm màu trắng, tay cầm máy ảnh du lịch đứng tại hành lang nhà văn hóa không chụp ảnh nữa. Đi đầu nhóm cưỡng chế tiến về phía tôi đứng là hai công an, một anh thấp nhỏ đeo lon thượng úy đến bên tôi. Một ai đó chửi và hỏi: “Đ. M thằng kia là thằng nào mà vào đây chụp ảnh?” Tôi trả lời ngay:“Tôi là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam” 2 lần. Nhưng họ không nghe, rồi xốc nách tôi kéo về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Lúc này tôi nói lớn hơn, liên tiếp: “Tôi là nhà báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Có gì các anh để tôi giải thích chứ sao lại lôi tôi thế này”? Liền đó, mấy công an viên và những người mặc thường phục khác lao vào, chửi: “Đ.M mày giải thích con mẹ mày à? Đấm chết con mẹ mày đi”.
Một người lao vào giật máy ảnh trên tay tôi, nhiều công an và người không mặc sắc phục lao vào dùng dùi cui, tay không đấm, đạp, vụt vào mặt, người tôi, lên gối vào ngực tôi, liên tiếp đấm đá, vụt tôi rất mạnh. Lúc này tôi đau quá, máu trên mặt chảy ướt hết áo và quần của tôi, tôi choáng váng gục ngã vào chân tường rào của nghĩa trang liệt sỹ. Mấy bà cụ đứng cạnh đó để xem vụ cưỡng chế thấy vậy mới hô hoán lên rằng, “sao đánh người vô cớ thế, đánh chết người ta rồi”…Thấy vậy, anh Năm lúc đó mới chạy ra và hô hoán nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo, không được đánh …”.
Sau khi gục xuống đường, mấy công an kia bỏ tôi ra và lao về phía anh Năm đánh anh Năm, khi đó chỉ còn vài công an ở chỗ tôi, tôi đã bám theo mấy cụ già kia trốn vào trong một vườn cây gần đó.

Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng phòng Phóng viên Thời sự Chính trị - Kinh tế, Trung tâm Tin Đài tiếng nói Việt Nam:

Chúng tôi vào hành lang Nhà văn hóa thôn 1, xã Xuân Quan (nơi đang tụ tập đông người). Nhà văn hóa thôn (đang ở giai đoạn hoàn thiện) liền kề Nghĩa trang liệt sĩ là nơi giáp ranh giữa khu dân cư với cánh đồng đang bị cưỡng chế. Chúng tôi đứng quan sát một bên là hàng rào cảnh sát (đứng chắn ở gần cổng nghĩa trang liệt sĩ); một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào cảnh sát liên tục. Nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào.
Tôi thấy tình hình khá phức tạp nên dùng điện thoại di động quay cảnh những người quá khích hò hét, ném gạch với thời lượng 33 giây rồi cất máy vào túi. Chúng tôi tiếp tục đứng tại hành lang nhà văn hóa thôn cách đám đông tụ tập ở đường làng chừng hơn 20 mét.

Sau thời gian tấn công lực lượng cưỡng chế bằng gạch đá chưa đạt kết quả, nhóm người này lại ném “bom xăng”. Lực lượng cưỡng chế buộc phải nổ pháo. Đám đông tán loạn, còn lực lượng cưỡng chế từ phía cổng nghĩa trang liệt sĩ bắt đầu tiến lên.
Tôi vẫn đội mũ bảo hiểm màu trắng mang tên “Bảo Minh” đứng tại hành lang nhà văn hóa thôn 1, thì thấy một nhóm cảnh sát và người mặc thường phục đeo băng đỏ đi vào nghĩa trang liệt sĩ và nhảy qua hàng rào nghĩa trang để sang khu vực nhà văn hóa thôn. Lúc đó tôi nhìn thấy phóng viên Hán Phi Long vẫn đội mũ bảo hiểm đang đứng trên bờ móng nhà văn hóa thôn, tay cầm một máy ảnh du lịch.
Đi đầu nhóm cưỡng chế là hai công an đến bên Phi Long hỏi gì đó, rồi ngay lập tức xốc nách Long về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Liền đó, một người đeo băng đỏ giật máy ảnh của Long; khoảng gần chục người dùng dùi cui, gậy vụt vào người; liên tiếp đấm đá anh Long rất mạnh. Thấy vậy, tôi đứng trong hành lang nhà văn hóa thôn, dùng điện thoại để quay hình ảnh này. Nhưng chỉ quay được khoảng 10 giây, tôi thấy Long ôm bụng gục xuống. Theo phản xạ tự nhiên, tôi dừng quay, chạy lại phía lực lượng cưỡng chế và hét lên nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo, không được đánh …”.
Khi chạy tới nơi lực lượng cưỡng chế, tôi lại nói nhiều lần “Chúng tôi là nhà báo làm nhiệm vụ, các anh đừng đánh…”. Họ không những không nghe mà còn vặn hai tay tôi về phía sau, dùng gậy, dùi cui đánh vào người, đấm đá vào mặt, vào ngực tôi. Lúc đó tôi lại tiếp tục hét lên nhiều lần “Tôi là nhà báo, sao lại đánh tôi?”. Nhưng có người trong nhóm người cưỡng chế còn chửi “Đ. M mày! Nhà báo cũng đánh cho chết mẹ mày đi”. Tôi bị mấy người vặn tay về phía sau, dẫn giải về trước cửa nghĩa trang liệt sĩ và tiếp tục đánh hội đồng. Một công an nói lớn “Đừng đánh vào mặt nó”… rồi tôi bị còng tay số 8, mũ bảo hiểm rơi mất lúc nào không biết.
Còng tay tôi xong, một trung úy (cao, béo) và một thiếu úy (thấp, gầy) áp giải tôi đi theo hướng cánh đồng đang bị cưỡng chế, đến một con đường hai bên trồng tre để chờ xe thùng tới chở đi. Trên đường đi, tôi gặp một số sĩ quan đeo lon thượng tá, trung tá liền nói “tôi là nhà báo” nhưng họ lặng thinh. Một chiếc camera của lực lượng cưỡng chế đã ghi lại hình ảnh tôi bị còng tay số 8 và hai sĩ quan công an áp giải.
Đợi khoảng hơn 10 phút, tôi bị đưa lên xe thùng cùng với một phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi và một thanh niên 20 tuổi. Cả ba chúng tôi bị còng. Khi lên xe, vị Trung úy áp giải tôi định thu điện thoại của tôi. Nhưng tôi nói “Nếu thu điện thoại của tôi anh phải lập biên bản, vì tôi không biết anh là ai, tên là gì. Điện thoại tôi mất thì ai phải đền? Tôi lại đang bị còng thế này”. Thế là vị Trung úy nọ phải trả lại điện thoại vào túi áo ngực cho tôi

Hiện tại, chúng tôi đang xác minh lại tính chính xác của nguồn tin trên. Nhưng về cảm quan, chúng tôi cho rằng đây là những thông tin xác thực khi đối chiếu về thời gian, địa điểm, và những hình ảnh thông tin được đưa lên mạng trong thời gian qua (xin xem thêm clip).

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats