Saturday 5 May 2012

TRẦN QUANG THÀNH ĐI DU HỌC (Trà Mi, DCV Online)




Trà Mi
04-05-2012
http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=9115

Xong, thế là cuộc chạy trốn khỏi nhà từ làng Đông Thạch Cổ (Dongshigu) đến toà Đại sứ Mỹ ở Beijing của ông Trần Quang Thành đã đến hồi kết thúc.

Từ 2010, sau khi hết hạn tù 4 năm vì tội “cản trở giao thông và phá hoại tài sản quốc gia” ông Chen đã bị giam lỏng tại nhà với vợ, bà Viên Vĩ Tính (Yuan Weijing), và con gái 7 tuổi, Chen Kesi (Trần Khắc Ti). Con trai lớn hơn, Kerui (Khoa Thuỵ) bị đưa đi sống xa cha mẹ ở một làng khác với bà con. Ông Chen cho hay ngân sách dùng trong việc giam giữ gia đình ông tốn khoảng 4,8 triệu đô-la (2008), nay có thể đã hơn gấp đôi.

Ngày 22 tháng Tư, ông Trần Quang Thành đã bỏ nhà ở Sơn Đông tìm đến một nơi an toàn ở Bắc Kinh; Đại sứ Mỹ Gary Locke không nói ai làm thế nào để đưa ông Chen vào Đại sứ quán; tuy nhiên ông nói đó gần như là một “mision impossible”.

“Tôi đã đến toà Đại sứ Mỹ vì dân chủ, tự do và nhân quyền là những cột trụ của Hoa Kỳ,” ông Trần Quang Thành giải thích chọn lựa của mình. Và việc ông trốn khỏi làng Đông Thạch Cổ đến Bắc Kinh cùng lúc cuộc “Đối thoại Chiến lược và Kinh tế” Mỹ-Trung đang diễn ra cũng chẳng phải là một tình cờ.

Sau sáu ngày ông Chen ẩn náu trong lãnh thổ ngoại giao an toàn của Hoa Kỳ, ngày 2 tháng Năm, phái bộ của Đại sứ quán Mỹ đã đưa ông Trần Quang Thành vui vẻ đến bệnh viện Triều Dương đoàn tụ với vợ và hai con cùng lúc điều trị vết thương chân bị gẫy trong cuộc chạy trốn dài 500 cây số.

Vợ con ông Trần Quang Thành và giới chức toà Đại sứ Mỹ tại bệnh viện Triều Dương
Nguồn ảnh: Toà ĐS Mỹ tại Bejiing

Theo phía Hoa Kỳ, thoả thuận đạt được với Trung Quốc là ông Chen và gia đình từ nay sẽ không bị quản thúc nữa. Gia đình ông sẽ được chuyển đến sống ở Thiên Tân (Tianjin) và ông Chen được phép ghi tên vào đại học.

Sau khi phái bộ Mỹ rời khỏi bệnh viện Triều Dương (theo “yêu cầu” của giới chức TQ), ông Chen đã đổi ý. Trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press tối ngày 2 tháng Năm, ông Chen nói một viên chức của toà Đại sứ Mỹ cho ông biết vợ ông sẽ bị đánh chết nếu ông không rời Đại sứ quán. Vì thế, bây giờ ông muốn cùng gia đình rời khỏi Trung Quốc.

Trả lời về việc này, phía Hoa Kỳ cho biết họ đã nói với ông Chen nếu ông tị nạn tại Mỹ thì vợ con ông sẽ tiếp tục bị quản thúc ở Sơn Đông; tuy nhiên giới chức Mỹ không hề nghe những đe doạ (đánh chết bà Viên Vĩ Tính) từ chính quyền địa phương và cũng không hề nói như thế với ông Chen. Giáo sư Jerome Cohen, một người bạn của ông Chen, đã tham gia trong cuộc thương thảo Mỹ-Trung cho hay, có lẽ ông Chen chỉ “hối hận về quyết định của mình” và đổi ý, không muốn ở lại TQ, sau khi gặp lại gia đình ở bệnh viện Triều Dương. Hôm sau, ngày 3 tháng Năm, trả lời BBC, ông Chen nói ông chỉ biết sự đe doạ với gia đình của ông sau khi rời toà Đại sứ và vì thế ông đổi ý muốn cùng gia đình đi Mỹ.

Thứ Sáu, 4 tháng Năm, 2012, tờ nhật báo Bắc Kinh (Beijing Daily) của Nhà nước Trung Quốc trong một bài báo đã mô tả ông Trần Quang Thành là “công cụ và con cờ của chính khách Mỹ dùng để bôi nhọ Trung Quốc.” Tuy nhiên, tuyên bố của bộ Ngoai giao Trung Quốc cho hay một thoả hiệp mới cho phép ông Chen đi du học tại Hoa Kỳ. “Có tin cho hay ông ấy muốn đi du học. Nếu thực thế thì ông (Chen) có thể làm đơn với cơ quan hữu trách để hoàn tất thủ tục,” Liu Weimin, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao TQ nói trong một cuộc họp báo.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Clinton cho hay đã có “tiến bộ” để giúp ông Chen quyết định tương lai. Trong một cuộc phỏng vấn với The Globe and Mail sáng thứ Sáu, ông Chen cho hay nay ông đã thoải mái sau khi nói chuyện tại bệnh viện với viên chức từ chính quyền trung ương của Trung Quốc và những trao đổi với giới chức của toà Đại sứ Hoa Kỳ qua điện thoại.

Ông Trần Quang Thành cho hay ông vẫn muốn đi Mỹ nghỉ ngơi, điều trị vết thương chân và không còn muốn đi tị nạn nữa. Và nếu ông Chen có đi Mỹ thì ông sẽ quay về Trung Quốc. “Đi và trở về [Trung Quốc] là điều rất tự nhiên; trừ khi họ không bào đảm được quyền công dân của tôi,” ông Chen nói.

Quan trọng hơn nữa, theo ông Chen, dường như chính quyền TQ sẽ tôn trọng những thoả thuận đã có với Hoa Kỳ, trong đó có cả việc điều tra các viên chức đã giam giữ gia đình ông Chen suốt 20 tháng không được liên lạc với thế giới bên ngoài. “Nếu có người phạm pháp, chúng tôi sẽ mở cuộc điều tra,” viên chức chính phủ trung ương nói với ông Chen. “Đây chính là kết quả của thoả hiệp giũa Mỹ và Trung Quốc. Vì thế tôi đã nói thoả thuận bà Hillary đạt được là vô tiền khoáng hậu.”

Trong tuyên bố của bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu, bà Victoria Nuland cho hay ông Chen đã được một học bổng nghiên cứu sinh của một đại học Hoa Kỳ và chính phủ TQ đã cho biết sẽ chấp thuận đơn xin xuất cảnh của ông Trần Quang Thành. Đây là kết quả của “tinh thần hợp tác Mỹ-Trung,” bản thông cáo báo chí của bộ Ngoại giao Mỹ kết luận.

Từ một người mù tranh đấu cho nhân quyền, thành người tù lương tâm, rồi bị giam giữ, hành hạ tại chính nhà của mình, ông Trần Quang Thành đã là người lánh nạn chính trị một tuần trong toà Đại sứ Mỹ và sau cùng sắp trở thành một du học sinh Trung Quốc khác tại Hoa Kỳ.

Ông Chen sẽ đi học ở Hoa Kỳ và trở về Trung Quốc tiếp tục tranh đấu xây dựng một xã hội công bằng dân chủ văn minh hay sẽ trở thành một bóng mờ trên đất Mỹ như một số người thường được gọi là “nhà dân chủ”? Thời gian sẽ trả lời.

Chúc ông Chen và gia đình một tương lai rực rỡ.


© DCVOnline

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats