Thursday 17 May 2012

TÌNH HÌNH DÂN CHỦ HÓA MIẾN ĐIỆN - TƯƠNG QUAN GIỮA MIẾN ĐIỆN & VIỆT NAM (Liên Hương - RadioCTM)




Liên Hương - RadioCTM
Cập nhật: 15/05/2012


Âm thanh phỏng vấn ông Đỗ Đăng Liêu

Thưa quý thính giả, trong suốt mấy tháng qua kể từ khi tổng thống Then Sen của Miến Điện, tức Myanmar, tuyên bố thả tất cả tù chính trị và tiến đến một chính phủ đa đảng, dân chủ, thì công luận đã có rất nhiều bàn tán xôn xao. Hôm nay, chúng tôi có cơ hội phỏng vấn ông Đỗ Đăng Liêu, một ủy viên trung ương của Đảng Việt Tân, về hiện tượng này.

Nhưng trước hết là đôi lời về ông Đỗ Đăng Liêu.

Ông Đỗ Đăng Liêu từ Sài Gòn đi du học tại Bỉ năm 1965 và sinh hoạt sinh viên nhiều năm tại Bỉ và Pháp với lập trường chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Ông tham gia Đảng Việt Tân từ năm 1989 và trở thành một ủy viên TƯ từ năm 2001 cho đến nay. Ông Đỗ Đăng Liêu hiện sống tại thành phố Adelaide, Úc Châu.

Liên Hương: Mời ông lên tiếng với các thính giả của chúng ta ạ.
Đỗ Đăng Liêu: Chúng tôi là Đỗ Đăng Liêu xin kính chào quý thính giả của đài CTM và xin chào chị Liên Hương.

Liên Hương: Ông có thể tóm tắt về tình hình Miến Điện trong thời gian vừa qua không ạ?
Đỗ Đăng Liêu: Vâng, như Quý Thính Giả và chị Liên Hương đã biết là vào ngày 1 Tháng 4 vừa qua đã diễn ra cuộc bầu cử có thể nói là lịch sử tại nước Miến Điện, và qua cuộc bầu cử đó thì bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ của Bà đã thắng lớn trong cuộc bầu cử đó.
Vì đây chỉ là một cuộc bầu cử bổ túc 45 ghế dân biểu và nghị sĩ nên mặc dù đã chiếm được 43 trên tổng số 45 đơn vị tranh cử, đảng của bà Suu Kyi cũng chỉ mới chiếm được một tỉ lệ ghế rất nhỏ trong quốc hội Miến Điện.
Tuy vậy, tỉ lệ chiến thắng, cả về số ghế cũng như tỉ lệ số phiếu mà đảng Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Suu Kyi đạt được đã nói lên nhất nhiều điều, mà người ta có thể nôm na tóm tắt là nếu ngày hôm nay diễn ra một cuộc bầu cử tự do trên toàn nước Miến Điện để bầu lại toàn bộ quốc hội thì đảng của bà Suu Kyi chắc chắn sẽ chiếm tuyệt đại đa số các ghế trong quốc hội.
Trở lại với thực tại thì kể từ ngày 1/4/2012 bà Suu Kyi và các chiến hữu của Bà sẽ hiện diện trong quốc hội Miến Điện và mặc dầu chỉ là một thiểu số, chắc chắn tiếng nói của Bà sẽ được lắng nghe và có trọng lượng rất lớn.
Nhiều nhà phân tích đã lập tức đi xa hơn nữa về dự đoán tương lai và đoán rằng bà Suu Kyi sẽ trở thành Tổng Thống của Miến Điện vào năm 2015 khi cuộc bầu cử diễn ra.
Nói về cảm tình của dân Miến Điện dành cho bà Suu Kyi thì không còn điều gì thắc mắc, tuy nhiên để bà Suu Kyi trở thành Tổng Thống thì có trở ngại kỹ thuật vì bà Suu Kyi có quốc tịch Anh Quốc nên không được phép ứng cử Tổng Thống theo hiến pháp Miến Điện.

Liên Hương:Xin Ông vui lòng tóm tắt hiện tình quan hệ giữa Việt Nam và Miến Điện.
Đỗ Đăng Liêu: Nhìn lại quan hệ giữa Việt Nam và Miến Điện trong thời gian vài tháng qua thì chúng ta thấy là đã có nhiều phái đoàn cao cấp đi qua lại giữa 2 nước.
Từ phía Miến Điện đã có tàu của hải quân Miến Điện ghé thăm cảng Đà Nẵng, và sau đó là chuyên viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Thein Sein vào ngày 20/3 vừa qua cùng với một phái đoàn quân sự Miến. Cũng đáng lưu ý là trước chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng Thống Thein Sein thì Tổng Tư Lệnh quân đội Miến Điện là Tướng Min Aung Hlaing đã viếng thăm Việt Nam vào Tháng 11 năm ngoái ngay sau khi nhậm chức thay vì đi sang Bắc Kinh theo thông lệ.
Từ phía Việt Nam đã có phái đoàn của Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh đến thủ đô Naypyidaw của Miến Điện vào ngày 11/3. Cùng lúc, ông Lê Thanh Hải, một UV BCT CSVN, BT Thành Ủy TP Sài Gòn cũng dẫn một phái đoàn doanh nhân thăm Miến Điện vào ngày 10/3. Lùi lại thời gian thì trước đó vài tháng, vào Tháng 12/2011 Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Miến Điện.

Liên Hương: Theo ông thì chủ đích của các cuộc thăm viếng này là gì ạ?
Đỗ Đăng Liêu: Quan sát từ bên ngoài các cuộc họp này người ta có thể tự hỏi các câu hỏi sau đây:
Phải chăng Miến Điện và Việt Nam đang mưu tính thiết lập một liên minh quân sự? Chúng tôi nghĩ là không phải, vì Miến Điện không có khả năng giúp Việt Nam phòng chống tại Biển Đông và Việt Nam không có khả năng giúp Miến Điện phòng chống ở biên giới phía Bắc với Tàu.
Hay là định mua vũ khí của nhau? Cũng không phải vậy vì cả 2 nước đều không sản xuất loại vũ khí gì đáng kể.
Hay là đi tìm viện trợ: càng không thể vì cả 2 nước đều nghèo và lạc hậu trong sản xuất.
Hiện nay, chỉ có một lý do tương đối hợp lý dựa trên 2 sự kiện.
Thứ nhất, với các quyết định cưỡng lại ý muốn của Bắc Kinh gần đây, Miến Điện không còn nguồn cung cấp gần như duy nhất từ Bắc Kinh trong suốt những năm bị cấm vận nữa.
Thứ hai, với việc thả tù chính trị, cho bầu cử đa đảng để tiến dần đến dân chủ thật sự, thế giới đang gỡ dần các biện pháp cấm vận. Từ đó, Miến Điện cần ngay một số nguồn cung cấp từ nhiên liệu, lương thực, đến hàng hóa tiêu dùng trong ngắn hạn và Việt Nam là một trong những nơi gần nhất. Dĩ nhiên ngoài Việt Nam ra còn có Ấn Độ, Malaysia, và Thái Lan.
Tóm tắt lại, quan hệ Việt - Miến hiện nay nhiều phần nhằm phục vụ mục tiêu ngắn hạn của Miến để thoát khỏi bàn tay kiểm soát của Trung Quốc.

Liên Hương: Ông có nghĩ các thay đổi về cơ chế chính trị tại Miến Điện sẽ ảnh hưởng lên chế độ cai trị hiện nay tại Việt Nam không?
Đỗ Đăng Liêu: Trước hết, mặc dầu những thay đổi mà chúng ta thấy đang diễn ra tại Miến Điện đều rất tích cực, cũng cần có thêm thời gian thì mới biết chắc được là các thay đổi chính trị tại Miến Điện có phải là những thay đổi thật sự và nền tảng hay không, hay chỉ là thủ thuật thoát hiểm ngắn hạn của giới cầm quyền. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ là các thay đổi lần này rất cơ bản và rất khó để lùi lại.
Còn về ảnh hưởng thế nào đối với Việt Nam thì tôi thấy người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức càng thấy rõ sự vô lý và nhiều tác hại của việc duy trì chế độ độc tài độc đảng ở đầu thế kỷ 21 này. Dân chủ đã là điều quá đương nhiên và là nền tảng của phát triển lành mạnh của nhân loại.
Nhưng cùng lúc, tôi cũng thấy hiện tượng Miến Điện chẳng ảnh hưởng gì đến suy nghĩ hay tính toán của giới cầm quyền Việt Nam cả.
Khi ngồi ghế chủ tịch hiệp hội ASEAN, các lãnh đạo Hà Nội đã trơ trẽn kêu gọi Miến Điện hãy mở rộng dân chủ, cho đa nguyên đa đảng mà chẳng thấy xấu hổ về tình trạng thiếu dân chủ và độc đảng tại Việt Nam.
Và trong mấy tháng qua, họ thoải mái khen ngợi các đổi thay tiến bộ tại Miến như thả tù chính trị, cho bầu cử đa đảng, v.v… và gọi đó là nền tảng phát triển tốt và cũng chẳng thấy ngượng miệng gì cả về tình trạng bắt thêm tù chính trị và xiết thêm xã hội tại Việt Nam. Cụ thể như việc nhà nước CSVN chính thức phong cho một trung tướng công an làm trưởng ban đối phó, cai quản mọi tôn giáo.

Liên Hương: Cùng là 2 nhóm lãnh đạo độc tài dựa vào Bắc Kinh, theo ông, điều gì làm cho các lãnh tụ Miến Điện đổi ý và lãnh tụ Việt Nam cứ giữ con đường hiện tại?
Đỗ Đăng Liêu: Dĩ nhiên tình hình Việt Nam và Miến Điện có những khác biệt về nhiều phương diện. Nhưng về mặt chính trị thì đúng như nhận xét của chị, đó là lãnh đạo của cả 2 nước cùng ôm lấy Bắc Kinh làm chỗ dựa.
Có nhiều nhà phân tích thời cuộc đã đưa ra nhiều lý do.
Thí dụ như phải thay đổi vì sự phản kháng của dân chúng lên cao. Nếu đó là lý do thì tại sao Miến Điện đã không thay đổi khi có các cuộc biểu tình của gần 400 ngàn vị sư và dân chúng cách đây mấy năm?
Cũng có người cho đó là do sức ép của quốc tế. Nếu đúng như vậy thì tại sao cuộc cấm vận suốt mấy thập niên qua không có kết quả? Nếu họ đã cầm cự được bằng đó thập niên và vẫn tồn tại thì tại sao lại phải đầu hàng vào lúc này?
Theo nhận xét của cá nhân tôi thì nhiều phần là do sự lấn lướt quá lộ liễu của Bắc Kinh đối với giới lãnh đạo Miến Điện.
Khi biết họ là nguồn sống gần như duy nhất cho chính phủ Miến sau mấy thập niên bị cả thế giới cấm vận, Bắc Kinh đang tiến vào giai đoạn chót của việc thực sự biến từng vùng đất Miến thành lãnh thổ Tàu. Hiện tượng “tằm ăn dâu” đã diễn ra từ lâu và nay là lúc hợp thức hóa, cơ chế hoá những vùng lãnh thổ này.
Cùng lúc đó giới lãnh đạo Miến nhận ra vai trò cai trị của chính họ cũng đang đi vào giai đoạn chót. Một khi Bắc Kinh đặt xong nền cai trị thì các lãnh tụ gốc Miến còn được toàn mạng là may rồi. Kinh nghiệm trước mắt là rõ ràng không còn lãnh tụ gốc Tây Tạng hay Ngô Nhĩ nào cai trị 2 nước này sau khi Trung Quốc chiếm xong 2 nước đó. Chính Hồ Cẩm Đào được lên ngôi cai trị số 1 tại Bắc Kinh một phần cũng nhờ công trạng cai trị thô bạo của ông ta đối với dân chúng Tây Tạng, mà thâm hiểm nhất là xoá dần văn hóa Tây Tạng bằng cách đưa hàng trăm triệu dân Hán vào tây tạng.

Liên Hương: Nhưng không lẽ không có ai trong giới lãnh đạo Miến nhận ra điều đó trước đây, nghĩa là “dựa vào Bắc Kinh rất nguy hiểm” ?
Đỗ Đăng Liêu: Tôi tin là giới lãnh đạo Miến Điện và Việt Nam đều biết điều đó chứ. Riêng Việt Nam thì họ còn viết nhiều sách phân tích và chứng minh sự quỷ quyệt của Bắc Kinh nữa. Dĩ nhiên, ở hiện tại thì họ giấu các tài liệu đó đi và chỉ đề cao 16 chữ vàng, 4 tốt nhưng trong thâm tâm họ biết rõ.
Theo tôi thì lãnh đạo tại cả 2 nước đều đã chấp nhận bán đứng một số phần lãnh thổ và quyền lợi của đất nước để tồn tại dưới bóng Bắc Kinh. Họ biết là Bắc Kinh sẽ lấn tiếp, đòi tiếp, cướp tiếp nhưng họ tin là còn vài chục năm nữa mới mất hết. Lúc đó thì họ hoặc đã chết hoặc đã cao bay xa chạy cùng với gia đình họ rồi. Vấn nạn lúc đó là của người khác.
Có lẽ điều họ không ngờ là vận tốc xâm lấn của Trung Quốc quá nhanh, đặc biệt để giải tỏa nhiều loại áp suất kinh tế, chính trị tại Hoa Lục.
Mỗi lãnh tụ Trung Quốc sắp ra đi đều muốn để lại công trạng trong sử sách, muốn đẩy nhanh và hoàn tất các “công trình” lớn trong “triều đại” của mình.
Các lãnh tụ Miến Điện vừa mới giật mình nhận ra điều đó.

Liên Hương: Còn lãnh đạo Việt Nam thì sao, thưa ông?
Đỗ Đăng Liêu: Tôi nghĩ họ còn đang ở tâm trạng của các lãnh tụ Miến khoảng 5, 7 năm trước. Họ còn khá tự tin tiến trình xâm thực vẫn còn lâu.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào mấy chục khu biệt lập của người Tàu được thành lập chỉ trong vài năm qua trên khắp lãnh thổ Việt Nam, kể cả những vùng cực kỳ hệ trọng như dọc theo biên giới, tại Tây Nguyên hay còn gọi là “nóc nhà Đông Dương, tại các nguồn nước; và nếu nhìn vào mức độ kiểm soát của Bắc Kinh đối với nền kinh tế Việt Nam, nhìn vào mức leo thang lấn lướt tại Biển Đông, chúng ta có thể thấy sự mất dần đất nước thực sự ĐÃ xảy ra trên đất nước chúng ta.
Và ngay cả nếu giới cầm quyền Việt Nam mở mắt ra như Miến Điện trong vài năm nữa thì lúc đó rất nhiều phần lãnh thổ, tài nguyên, và quyền lợi của đất nước đã mất hẳn vào tay Bắc Kinh.

Liên Hương: Nếu thế thì tình hình khá nghiêm trọng phải không ạ.
Đỗ Đăng Liêu: Vâng, đúng vậy. Tuy không có một tiếng súng nhưng rõ ràng chúng ta đang MẤT NƯỚC. Mất lãnh thổ từng phần. Mất chủ quyền từng ngày từng giờ. Không có từ ngữ nào có thể che đậy sự thật đó, dù là 16 chữ vàng hay 4 tốt.
Tôi nghĩ đã đến lúc dân tộc chúng ta, mỗi người chúng ta, từ người dân thường đến quân đội đến các công nhân viên chức trong guồng máy, phải lựa chọn: hoặc tiếp tục ngồi nhìn những người cai trị hiện tại bán dần đất nước cho Trung Cộng, hoặc liên kết lại để bảo vệ đất nước. Không tự dối mình hay để bất cứ ai lừa dối mình với những thứ như 16 chữ vàng, 4 tốt, v.v…

Liên Hương: Xin cám ơn ông Đỗ Đăng Liêu nhiều và mong có cơ hội đi sâu hơn vào các việc cụ thể có thể làm trước sự việc này.
Đỗ Đăng Liêu: Cám ơn chị Liên Hương và quý đài. Xin kính chào quý thính giả và xin hẹn gặp lại trong một dịp khác.





No comments:

Post a Comment

View My Stats