Vinh Anh
Cuộc đời có nhiều ý nghĩa. Đấy là cách nói với những người ít nhiều
hiểu biết. Thực ra không dễ để hiểu và giảng giải về ý nghĩa cuộc đời. Mà để có suy nghĩ về cuộc đời cho ra nghĩ, trên đời này liệu có mấy ai.
Có nhiều cách nghĩ về cuộc đời. Mỗi người ở góc độ cuộc sống của mình, có ý nghĩ riêng về nó. Về đại thể, trong cuộc sống, có thể ở một số người có những nét đại cương giống nhau, nhưng nói chung là khác biệt và người ta chỉ đi đến sự thống nhất khi mỗi người chúng ta cùng cố giảm cái khác biệt của mình đi. Còn sự thật thì chẳng ai giống ai, “trăm người trăm tính là thế”. Cái đó mới tạo nên cuộc đời đa dạng.
Có nhiều cách nghĩ về cuộc đời. Mỗi người ở góc độ cuộc sống của mình, có ý nghĩ riêng về nó. Về đại thể, trong cuộc sống, có thể ở một số người có những nét đại cương giống nhau, nhưng nói chung là khác biệt và người ta chỉ đi đến sự thống nhất khi mỗi người chúng ta cùng cố giảm cái khác biệt của mình đi. Còn sự thật thì chẳng ai giống ai, “trăm người trăm tính là thế”. Cái đó mới tạo nên cuộc đời đa dạng.
Thêm nữa, suy nghĩ của mỗi chúng ta về cuộc đời cũng thay đổi cùng với những biến chuyển của thời cuộc và thời gian. Vô số sự tác động của cuộc đời vào ta làm ta phải thay đổi suy nghĩ. Chẳng có gì bất biến là thế.
Vâng! Thời cuộc và thời gian. Từ năm bốn nhăm đến nay, gần bảy chục năm, đã bao nhiêu là biến chuyển đổi thay. Suy nghĩ con người về cuộc đời cớ sao lại không thay đổi? Những người đã trải qua các biến đổi đó lẽ nào vẫn lại khư khư những suy nghĩ về cuộc đời như thuở ban đầu năm bốn nhăm?
Lớp người năm bốn nhăm, chứng kiến những sự kiện vĩ đại nhất của hành tinh. Với thế giới, đó là chiến thắng của đồng minh trước trục phát xít. Còn đối với Việt Nam chúng ta, đó là chính quyền cách mạng thay thế cho chính quyền thực dân và phong kiến.
Lớp người năm năm tư, chứng kiến chiến thắng vĩ đại Điện Biên phủ nhưng cũng chứng kiến một sự kiện là nỗi đau của dân tộc: đất nước phải chia làm hai. Ta vẫn nói thời Trịnh-Nguyễn phân tranh là thời kỳ nồi da xáo thịt. Thời năm năm tư cũng chính là thời nồi da xáo thịt, có khác gì đâu!
Sau ngày thống nhất đất nước, những tưởng toàn dân tộc ta đã quy về một mẹ, vậy mà ngay sau đó, với một số người của chính quyền cũ lại là thời kỳ kinh hoàng trong cuộc đời. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói hộ chúng ta: “Nếu ngày 30 tháng 4, có một triệu gia đình vui, thì cũng phải biết là có một triệu gia đình không vui…” Những triệu gia đình đó là nhân dân, là dân tộc. Dân tộc ta đâu cần cái ngày ba mươi tháng tư đó. Chẳng qua thời cuộc bắt, dân tộc chúng ta phải chịu nên mới có ngày 30 tháng tư.
Lại nghĩ về số phận con người. Số phận con người liên quan đến thời cuộc nhiều lắm.
Ngày nào, tuổi thanh niên phơi phới, nhiệt huyết căng tràn, khí thế lắm, thanh niên là phải “xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”. Mình cũng là một trong số người ấy. Mình có coi người phía bên kia là kẻ thù không?
Không hẳn coi họ là kẻ thù nhưng không dám nói. Họ cùng người Việt mình cả mà. Nếu gia đình mình không ở phía Bắc mà lại ở phía Nam, đương nhiên là bạn của họ. Phải coi họ là kẻ thù, phân vân lắm. Nhưng mà sợ, không dám nói điều đó.
Ngày nay cũng vậy, lòng lại rối lên những phân vân. Bạn mình một thuở, ngày ấy, mình vẫn coi họ là bạn tốt, giúp ta nhiều thứ lắm trong cuộc chiến tranh. Ngày đó ai cũng nói như vậy chứ có ai biết đâu phía bên kia của lòng tốt là gì. Làm người dân thấp cổ bé họng, phải chấp nhận và công nhận là điều đương nhiên. Biết gì mà nói!
Ấy vậy rồi sự kiện năm bảy chín, Trung Quốc, bạn tốt ngày hôm qua, hùng hổ tràn quân qua biên giới phía Bắc tàn phá và bắn giết đồng bào ta. Lại nhắc lại lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ông đến các tỉnh biên giới, lúc quân Trung Quốc vừa rút: “Sao họ lại tàn ác như vậy?”. Cái tàn ác của giặc Tầu ngày đó chính là sự tàn ác với nhân dân, với dân tộc mình.
Thời cuộc như vậy, làm sao lòng người không thay đổi? Hà cớ gì cứ bám lấy cái vô lý ngày xưa?
Hôm nay Biển Đông nổi sóng. Sóng đó có nguồn gốc từ phương Bắc, bạn của mình một thuở, thù của mình ngày nay. Trong cuộc đấu tranh này, ai đó vì nhiệm vụ, vì quan hệ quốc tế, cứ “đồng chí, hay ngài” mà xưng hô. Còn đối với người dân, đừng ngăn cản việc người dân coi lũ chúng là kẻ thù dẫu rằng người dân Việt hiểu rất rõ cái giá của nó, nếu phải đánh. “Kẻ thù buộc ta phải ôm cây súng” là thế!
Gần đây, từ mấy sự vụ cưỡng chế để lấy đất ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản lại muốn nói lại về bạn và thù và về nhân dân.
Cứ nghĩ đơn giản bạn và thù phân biệt quá dễ. Thằng nào ủng hộ ta, phò ta, yêu ta thì ta coi là bạn. Thằng nào ghét ta, đánh ta thì ta coi là thù. Tưởng là đơn giản, vậy mà không thế. Sự đời thật cũng nhiều điều khiến không muốn nói rồi cũng phải nói. Mình thấm thía cái lời của ông cựu Thủ tướng Anh quốc: “Trên thế giới này, không có kẻ thù vĩnh viễn, bạn bè vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu”.
Bạn Tầu ngày xưa, trong chiến tranh chống Mỹ, đối với ta, cứ coi là tốt đi, nhưng ngày nay nó phá ta, đánh ta, cướp đất cướp biển của ta, nhất định nó không tốt, nó là thù. Thằng Mỹ ngày xưa nó đánh ta, nó xấu, là thù nhưng bây giờ nó chơi với ta, vậy thì có thể coi nó là bạn. Tốt hay không, có thời gian phán xét.
Trở lại mấy vụ cưỡng chế. Bà con mình, tức là nhân dân, những người từng nuôi nấng quân mình, hết lòng ủng hộ chính quyền, cũng chính là đội quân chủ lực đưa cách mạng tới thành công, để lập ra nhà nước hôm nay, bỗng dưng bị coi là kẻ thù, bị đánh, bị đàn áp, bị bắt, bị bỏ tù tơi bời. Ai biến nhân dân thành kẻ thù nhanh thế? Đất nước này bây giờ là nước nào, là của ai, theo chế độ nào? Hoang mang quá.
Vậy hóa ra, phân biệt được bạn được thù và nhân dân không dễ (mà ở trên, mình lại nói là quá đơn giản). Phải đặt câu hỏi tại sao lại có chuyện như vậy? Cũng có thể gọi là kinh qua nhiều nỗi ở đời, ngẫm cái cuộc đời mình trải qua cũng nhiều sự kiện, tự trả lời một đôi điều.
Đó là sự phản bội. Phản bội lại dân tộc, phản bội lại nhân dân. Sự phản bội đó đã biến máu xương của hàng triệu người tạo nên cơ ngơi đất nước hôm nay, thành một thứ hàng rẻ rúng. Có những sự hi sinh mà nhiều năm trôi qua còn không dám nhắc đến, muốn quên đi trong yên lặng.
Đó là sự tham lam cả về tiền bạc và danh vọng. Vậy là con đường cuối cùng của các triều đại vua chúa ngày xưa cũng đã lặp lại. Thử nhìn lại lịch sử nước nhà xem, các triều đại thống trị đất nước ta đều có một kết cục như vậy. Tham lam, ăn chơi hoang tàn vô độ, buông lỏng triều chính và biên cương xã tắc để rồi bị một lực lượng mới lật đổ. Lực lượng mới này chính là nhân dân. “Lật thuyền cũng là dân” là thế. Cay cú vì mất tất cả, phải cậy cục ngoại bang. Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống chính là sản phẩm của một chế độ thối nát.
Đó là sự biến chất, suy thoái đạo đức dẫn đến hèn nhát. Những thế hệ cai quản đất nước sau này đã mấy người kinh qua những ngày gian nan mà hiểu được sự hi sinh, nên cái nghĩa của sự phấn đấu hi sinh cho đất nước mà họ nói đều sách vở và giáo điều và rất cũ kỹ. Càng nguy hại hơn khi đất nước rơi vào những con người cơ hội. Sự biến chất, suy thoái đạo đức dẫn đến hèn nhát trước kẻ thù là điều dễ hiểu.
Đó là sự im lặng của một số lớn những người có hiểu biết, cam chịu cảnh “an phận”. Bất kỳ thời nào cũng vậy, số này vẫn đông, họ lựa theo chiều gió để sống với một chút lấn cấn lương tâm nhưng rồi vì sự tồn tại của cá nhân, có thể có cả bổng lộc trong đó, họ đành tặc lưỡi cho qua. Chính những loại người này, một khi chế độ này sụp đổ, họ sẵn sàng vất bỏ để theo chế độ mới, hoàn toàn không phải vì sự tự giác, vì sự dấn thân thay đổi chế độ cũ, mà chính là vì bản năng sinh tồn của họ. Liên bang Xô-viết sụp đổ là một dẫn chứng. Chính quyền mới lên, nhưng tất cả bộ máy hành chính của nó vẫn tồn tại, quân đội và cảnh sát vẫn tồn tại trên cơ sở của chế độ cũ.
Đó là chính sách biến đám đông đảng viên và một phần quần chúng thành những kẻ mê muội chỉ biết phục tùng mệnh lệnh, tin vào những đức tin mù quáng. Nếu cuộc vận động học tập “Đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh” đạt kết quả tốt làm gì có những chuyện dùng dùi cui đánh dân, thậm chí vô cảm hơn bất nhân, bất nghĩa hơn loài cầm thú, đánh những người mẹ, người bà đã bảy tám chục tuổi… rồi vất ra quốc lộ 10.
Lịch sử đã chứng minh, hai chục triệu đảng viên của Liên Xô đâu có giữ được nhà nước Xô-viết, mấy triệu đảng viên Triều Tiên không còn là những người của nhân dân mà là công cụ, những chi tiết của cỗ máy để bảo vệ chính quyền. Tám chục triệu đảng viên Trung Quốc có giống với lũ hồng vệ binh thời “cách mạng văn hóa” ngày nào? Đối với Việt Nam, ai cũng biết, gần bốn triệu đảng viên Việt Nam không còn là những tấm gương để quần chúng noi theo mà hầu hết chỉ là một lũ cơ hội, ai cũng biết vào đảng là để được leo cao hơn trong bộ máy quyền lực rồi từ đó mong hưởng bổng lộc nhiều hơn. Những phần tử như vậy không gì đích xác hơn là một lũ cơ hội. Đất nước này không cần nhiều đảng viên như thế. Số lượng đông không chứng tỏ được đó là một đảng mạnh, cũng không cần đến những đợt học tập đạo đức Bác Hồ dài dằng dặc cả chục năm mà chẳng hề thấy chuyển biến tốt lên, chỉ là một phong trào hữu danh vô thực, tốn tiền bạc của nhân dân.
Viết đến đây lại nghĩ về một con người chân thực, người bác sĩ đi áp tải Bùi Hằng về Vũng Tầu: “Hằng để tôi đưa về nhà an toàn rồi tôi sẽ cởi bỏ quân phục này”. Viết về anh ta là để răn mình, nhắc nhở mình. Làm một người lương thiện chân chính khó lắm, nhiều cửa ải phải vượt qua lắm, đấu tranh trong lòng gay gắt lắm và đặt câu hỏi: có phải chính cơ chế của xã hội này đã tạo nên những kẻ coi dân mình là kẻ thù?
Thời gian vẫn trôi, thời cuộc sẽ thay đổi, chúng ta sẽ có điều kiện nhìn rõ bạn, thù và hiểu về nhân dân mình hơn.
Nguồn: Blog Trần Nhương
No comments:
Post a Comment