Sunday 6 May 2012

THĂM VIẾNG TEXAS, GEORGIA & TENNESSEE TRONG 25 NGÀY (Đoàn Thanh Liêm)




05/05/2012

(Ghi chép dọc đường, phần 2)

Từ ngày 5 đến 30 tháng Tư năm 2012 này, tôi đã tiếp tục đến thăm viếng bà con và bằng hữu tại nhiều thành phố thuộc các tiểu bang Texas, Georgia và Tennessee. Bài viết này là bài thứ hai trong lọat bài “Ghi chép dọc đường”, tác giả xin được gửi đến quý bạn đọc.

I – Tiểu bang Texas (từ 5 đến 21 tháng Tư: 16 ngày)

* Đúng hẹn, vào hồi trưa ngày 5/4 Luật sư Nguyễn Xuân Phước đã đến đón tôi tại ga xe lửa Fort Worth và chở về nhà bên cạnh bờ hồ Irving thuộc thành phố Irving nằm giữa Fort Worth và Dallas. Phước cũng còn chở tôi đến gặp Luật sư Trần Thanh Hiệp từ bên Pháp mới qua để tham dự Trại Sinh Họat của anh chị em Ái hữu Phật tử Vĩnh Nghiêm năm nay được tổ chức trong khuôn viên Chùa Pháp Quang ở Arlington.

Phước cho biết ngày hôm trước anh đã tham gia cuộc hội luận trong chương trình “Từ Cánh Đồng Mây” cùng với anh Hiệp và Luật sư Trần Lâm ở trong nước. Nghe tôi thuật lại về Đại hội Thường niên của Ân xá Quốc tế tại Denver, Phước nói ngay: “Anh Liêm vẫn giữ được mối liên hệ hợp tác mật thiết với Amnesty như thế, đó là một điều tốt lắm trong chiều hướng hội nhập với dòng chính của xã hội Mỹ vậy đó…” Bạn Phước còn khá trẻ năm nay chưa đến 60 tuổi, nên còn nhiều thời gian để mà góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Phước và tôi đều là đồng nghiệp luật sư, nên có nhiều chuyện trao đổi với nhau trong tinh thần anh em thật tương đắc.

* Bữa sau, bạn Phan Ngọc Thuần lại đến đón tôi về nhà riêng quen thuộc tại thành phố Richardson cũng gần với khu chợ Hongkong. Thuần còn khá trẻ mới ở tuổi 46, ấy thế mà đã từng tham gia sinh họat rất tích cực về văn hóa xã hội tại địa phương. Lần nào tôi đến Dallas, thì cũng được Thuần lo lắng chăm sóc cho về nơi ăn chốn ở thật chu đáo, ngay trong nhà của hai vợ chồng với 4 cháu còn nhỏ tuổi. Và mặc dầu hiện đang rất bận rộn với công chuyện làm ăn trong nghiệp vụ “Đánh giá Địa ốc” (Real Estate Appraisal) do các ngân hàng yêu cầu, Thuần vẫn dành thời gian để chở tôi đi chỗ này chỗ nọ trong vùng Dallas để gặp gỡ bạn bè và tham gia sinh họat với cộng đồng địa phương.

* Riêng lần này, tôi đặc biệt ghi nhận cái sự khôn ngoan bén nhậy của Thảo bà xã của Thuần trong công việc giáo dục hướng dẫn con cái. Đó là vào buổi chiều chủ nhật tôi thấy cả mẹ và mấy đứa con đều mặc đồng phục Hướng đạo để chuẩn bị đi làm công tác gây quỹ cho mỗi đoàn viên có thể tham gia cuộc cắm trại vào mùa hè sắp tới. Tôi bèn tò mò hỏi Thảo là mẹ con sắp sửa làm chuyện gì vậy, Thảo mới cho tôi biết là người mẹ cũng cùng tham gia sinh hoạt Hướng đạo với con, thì mới có dịp theo sát với tụi chúng được. Thảo cho biết là: “Hướng đạo họ dậy dỗ chỉ dẫn rất tận tình cho các đòan viên về nhiều phương diện đạo đức, tinh thần phục vụ và sự nhẫn nại hy sinh, tính dè sẻn không phung phí…Người mẹ mà cùng có mặt chung với các con trong những sinh họat lành mạnh như thế, thì càng là một sự khích lệ cổ võ tinh thần cho con mình tiếp tục kiên trì trong lối sống đạo hạnh ngăn nắp đó…”

* Gặp lại bạn học năm xưa ở Hanoi: Bác sĩ Vũ Tiến Thông ở Dallas là bạn học chung với tôi tại trung học Chu Văn An Hanoi. Bọn tôi đều thi tốt nghiệp văn bằng Tú tài phần 2 trước khi di cư vào miền Nam năm 1954. Thông hiện vẫn còn làm việc phụ giúp bà xã cũng là một đồng nghiệp, đó là bác sĩ Vân tại phòng mạch ở Arlington. Hai anh chị từ ít lâu nay rất thích thú chăm sóc cho hai cháu ngoại, nên sinh họat trong gia đình coi bộ thật đầm ấm bận rộn.

Anh bạn Thông còn chỡ tôi đến thăm gia đình anh chị bác sĩ Đào Quốc Anh hiện đã nghỉ hưu tại thành phố Plano cũng gần với Dallas. Bs Anh là trưởng nam của cụ Đào Trinh Nhất, một nhà biên khảo nổi danh thời trước 1945. Các bài viết của cụ đăng tải thời đó nay mới được một học giả trong nước sao lục lại và đưa in vào trong một bộ Tuyển tập gồm 5 cuốn khá đồ sộ. Bs Anh cũng là cháu đích tôn của cụ Đặng Nguyên Cẩn, một danh sĩ đã có công góp phần quan trọng cho phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục vào hồi đầu thế kỷ XX. Danh tính của cả hai vị tiền bối này hiện được dùng để đặt tên cho một số đường phố trong nước.

* Về giới truyền thông báo chí ở Dallas, thì tôi đã gặp lại khá đông những bạn nhà báo như Thái Hóa Lộc, Phạm Bá Vinh, Trương Sỹ Lương, Trần Lộc, Phúc Thọ, Mai Văn Đức…, và các bạn trong ngành truyền thanh như Phan Đình Minh, Liên Bích & Đào Chí Nhân…

Vào chiều thứ Bảy 7 tháng Tư, tôi còn có dịp tham dự buổi hội thảo bàn về việc đưa giới lãnh đạo cộng sản ra trước Tòa án hình sự quốc tế về vụ thảm sát ở Huế hồi Tết Mậu Thân 1968. Hai thuyết trình viên chính là Nha sĩ Chu Mỹ Dung đến từ Houston và Thiếu tá Liên Thành đến từ California. Ông Liên Thành cho biết là đã tìm được một tổ hợp luật sư có uy tín ở Canada nhận tiến hành việc tố tụng này với số chi phí tổng cộng từ 150 đến 200 ngàn Mỹ kim. Tổ hợp này vừa mới giúp cho tổ chức Pháp Luân Công thắng kiện với việc đòi buộc ông Giang Trạch Dân nguyên Chủ tịch Trung quốc phải ra tòa để trả lời về những vụ đàn áp tàn bạo đối với các thành viên Pháp Luân Công ở Trung quốc những năm trước đây. Với một tiền lệ như vậy, ông Liên Thành cho biết: vụ kiện chống lại giới lãnh đạo cộng sản Việt nam có nhiều hy vọng đạt được thắng lợi, ít nhất là về phương diện chính trị.

* Về phía thân nhân, thì tôi xin viết thật vắn tắt vì lẽ đã thăm viếng họ nhiều lần trong những năm qua. Điển hình lần này tôi đã lại đến thăm được một số gia đình, cụ thể là nhà cô Lê Thị Trung và các cháu tại Arlington, cô Trung là cousin của bà xã nhà tôi. Thím Phan Văn Thống và các cháu vẫn ở tại thành phố Fort Worth; chú Thống là cousin của tôi đã mất lúc về Việt nam từ hơn 3 năm nay.

*Tại thủ phủ Austin, thì tôi thăm được hai gia đình cô em họ con bà dì Vũ Ngọc Cẩn, đó là vợ chồng cô Yến & chú Định và cô Hồng & chú Thông. Tại đây, tôi cũng còn gặp được vợ chồng em Nga & Hiếu cùng làm việc chung với tôi ở quận 8 năm xưa. Và vợ chồng nhà báo Triều Giang & Triển hiện đang bận rộn với Dự án khá quy mô đồ sộ về Lịch sử của người tỵ nạn VN trên đất Mỹ.

*Tại Houston, thì tôi đến ở nhà người cháu con bà chị Ba, đó là anh chị Tống Huy Hiền. Dịp này, tôi cũng gặp lại anh chị Nguyễn Trí Tuệ & Ngọc Diệp là sĩ quan ngành An ninh Quân đội hồi trước. Tôi cũng đến thăm anh Nguyễn Bá Lưu sĩ quan Công binh, anh bị stroke từ cả chục năm nay, nên đi lại khó khăn, nhưng tinh thần vẫn còn khá minh mẫn. Lưu cũng là em rể của Võ Thế Hào bạn tôi hiện định cư bên Pháp. Và tôi cũng gặp được anh chị Nguyễn Công Bằng & Anh Trinh là hai nhân vật chủ chốt của Câu lạc bộ Hoa Mai chuyên về sinh họat văn hóa xã hội

Dịp này, tôi cũng gặp lại chị Hồng Liên và phu quân là anh Ngọc. Anh chị vừa cho phát hành cuốn Tập Truyện Đồng Quê Miền Nam bằng song ngữ Việt Anh - mà tôi đã có dịp viết bài Giới thiệu mới đây vào cuối tháng Tư khi ở thành phố Atlanta tiểu bang Georgia.

II – Tiểu bang Georgia (từ 21 đến 25 tháng Tư: 4 ngày)

Lần cuối cùng tôi đến thăm Atlanta thủ phủ tiểu bang Georgia là vào năm 2008 và ở nhà anh chị Vũ Quý Kỳ hiện dậy học đã lâu tại Đại học De Vry ở đây. Nhưng lần này, anh Kỳ bận rộn nhiều việc, nên tôi đến ở với gia đình của anh chị Nhuần & Quynh cũng tại thành phố Stone Mountain sát cạnh với Atlanta. Anh chị hiện vẫn đi làm cho hãng TJMax chuyên buôn bán quần áo khắp thế giới. Nhờ có cháu Quân con trai lớn đi làm vào ban chiều, nên cháu có nhiều thời giờ để chở tôi đi chỗ này chỗ nọ trong cái thành phố nổi danh với cuốn phim bất hủ “Gone With The Wind” (Cuốn Theo Chiều Gió) mô tả chuyện xã hội xung quanh thời nội chiến của Mỹ vào thập niên 1860 - 70.

Dĩ nhiên là nhờ cháu Quân, mà tôi đã đến thăm được gia đình anh chị Vũ Quý Kỳ. Anh Kỳ cho biết có cháu trai hiện đang làm việc cho tổ chức từ thiện Bill & Melinda Gates ở thành phố Seattle tiểu bang Washington. Tôi bèn đề nghị với anh Kỳ là yêu cầu cháu viết về kinh nghiệm làm việc với tổ chức này để bà con người Việt hiểu biết rõ ràng hơn về quy mô họat động từ thiện nhân đạo trên nước Mỹ cũng như trên khắp thế giới nữa.

Sau đó, cháu Quân cũng chở tôi đến thăm hai người bạn khác nữa hiện đang cùng làm ở một cơ sở y tế khang trang tại khu phía nam Atlanta, đó là bác sĩ Nguyễn Đức Liên và Nguyễn Văn Đích. Vào giờ làm việc ngày thứ Hai 23 tháng Tư, vì bệnh nhân tới khám bệnh khá đông, nên tôi đã không thể kéo dài câu chuyện thăm hỏi với hai bác sĩ này được. Nhưng tôi thật vui mừng được chứng kiến cái lề lối phục vụ thân chủ tại cơ sở y tế mà bà con trong vùng Atlanta đều tin tưởng và đánh giá rất cao về hai người bạn thân thiết của tôi. Bác sĩ Liên cũng như BS Phạm Hữu Trác hiện ở Canada, thì đều là người cùng quê tỉnh Nam Định với tôi. Còn bác sĩ Đích thì là thứ nam của Giáo sư Nguyễn Văn Nguyên là thầy dậy môn Anh văn cho tôi tại trường Chu Văn An Hanoi hồi trước năm 1954.

* Vào ngày thứ Ba 24 tháng Tư, anh chị Nhuần & Quynh xin nghỉ làm để chở tôi đi ngắm cảnh khu vực Núi Đá “Stone Mountain” thật là một thắng cảnh kỳ diệu ở Atlanta. Khu du lịch này được thiết kế và xây dựng thật xinh đẹp mà lại tiện nghi thuận lợi với vẻ hài hòa của thiên nhiên được bàn tay nghệ thuật của con người làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ. Với diện tích rộng đến trên 3,000 mẫu và phong cảnh sơn thủy hữu tình, đây là một địa điểm du lịch và cắm trại hấp dẫn nhất tại địa phương mà còn lưu giữ được những kỷ niệm về thời kỳ lịch sử của chế độ tách biệt Miền Nam (Confederacy) ra khỏi Liên bang Hoa kỳ trong thời nội chiến của nước Mỹ.

* Tôi còn được dẫn đi thăm khu chợ Farmers Market chuyên bán các lọai thực phẩm, đặc biệt là rau và trái cây được nhập cảng từ mấy trăm quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Khách hàng lui tới nườm nượp, lựa chọn các lọai sản phẩm để mua sắm. Anh Quynh đã có một thời gian làm việc tại cơ sở thương mại này, thì cho tôi biết về câu chuyện bực bội khiến cho một số bà con người Việt như anh phải bất mãn và phủi tay dứt khóat rời bỏ sở này mà ra đi kiếm việc làm ở chỗ khác. Đó là việc cơ sở này cho treo đủ lọai cờ của các quốc gia mà có giao thương trao đổi làm ăn với mình, trong số đó thì có “cờ đỏ sao vàng” của cộng sản Việt nam. Bà con yêu cầu chủ nhân phải gỡ bỏ lá cờ đó, thế nhưng họ nhất định không chịu, viện lý do đó là lá cờ chính thức theo thông lệ quốc tế. Vì thế mà để phản đối cái chuyện chủ nhân coi thường nguyện vọng của mình, thì bà con đành phải tự ý ra đi mà thôi.

III – Tiểu bang Tennessee (từ 25 đến 30 tháng Tư: 5 ngày)

Sau 4 ngày ở Atlanta, tôi lại lên xe bus Greyhound để đi tiếp đến thành phố Knoxville tiểu bang Tennessee. Từ trên 10 năm nay, tôi vẫn thường đến đây để tham dự sinh họat với bà con người Mỹ và một số khách quốc tế trong khuôn khổ của Viện Xây dựng Hòa bình thuộc miền Đông tiểu bang Tennessee (PIET = Peacebuilding Institute of East Tennessee). Mấy năm gần đây, thì tôi thường ở nhà anh chị Sandy & Jim Foster là hai nhân vật sáng lập chủ chốt của PIET. Ngôi nhà anh chị Foster nằm trong khu vực triền đồi bao phủ tòan những cây xanh và lối đi thì có nhiều con dốc lên xuống liên miên – khiến người đi bộ dù đã quen như tôi vẫn thấy thật là “mỏi gối chồn chân đến khó thở “ luôn.

Đây là một trong những gia đình bạn hữu thân thiết được gắn bó với nhau bằng một hướng nhìn chung và cả bằng hành động cụ thể nhằm góp phần vào công cuộc chuyển hóa tranh chấp và xây dựng hòa bình tại nhiều địa phương trên thế giới ngày nay (conflict transformation and peacebuilding). Câu chuyện khá dài dòng, tôi sẽ có dịp trình bày chi tiết hơn trong một dịp khác.

Trở lại với chuyện sinh họat của tôi trong 5 ngày “vãng gia” tại gia đình anh chị Sandy & Foster lần này, tôi có dịp bàn thảo nhiều với anh chị về phương thức mở rộng hơn các họat động của PIET, mặc dầu anh Jim vì lý do tuổi cao nên đã xin rút lui khỏi chức vụ điều khiển và lãnh đạo của Viện nữa. Jim còn mời mấy người bạn khác đến cùng ăn cơm tối và trao đổi kinh nghiệm họat động với tôi nữa. Điều đáng ghi nhớ nhất là Jim đã đưa tôi cùng tới họp với Ban Điều hành mới của PIET hiện do chị Carrie M Angelo giữ vai trò Chủ tịch thay cho Jim từ gần một năm nay. Jim giới thiệu tôi là một thành viên “không thường trú” (non-resident member) của PIET. Và chúng tôi đã có dịp bàn thảo về nhiều vấn đề cụ thể sẽ được xúc tiến trong những ngày sắp tới – với ưu tiên nhằm vào việc phát động sinh họat trong giới sinh viên hiện đang theo học tại các đại học ở địa phương. Tôi nhấn mạnh đến vai trò của lớp người cao niên như tôi là chỉ nên “hạn chế vào việc Yểm trợ và Hướng dẫn” (Support and Guidance) cho thế hệ trẻ mà thôi, chứ không nên cứ bao biện với những công việc có tính cách điều hành thông thường của một tổ chức nằm trong khu vực Xã hội Dân sự nữa.

Bài viết đến đây đã khá dài rồi, tôi xin tạm ngưng ở đây và sẽ viết tiếp về cuộc thăm viếng tại tiểu bang Florida trong bài sau./

Orlando Florida, 3 tháng Năm 2012
Đoàn Thanh Liêm

.
.
.


No comments:

Post a Comment

View My Stats