Tuesday, 1 May 2012

NỖ LỰC GIÚP NHỮNG THUYỀN NHÂN CUỐI CÙNG ĐƯỢC ĐỊNH CƯ (Thanh Trúc, RFA)




Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012-05-01
Năm 2002, Hoa Kỳ đồng ý nhận một nghìn sáu trăm thuyền nhân Việt kẹt lại mười sáu năm bên Philippines, số còn lại được Canada và Na Uy nhận.

Còn lại ba gia đình

Nỗ lực vận động vẫn tiếp tục đến lúc này với hy vọng những người tị nạn sau cùng ở Philippines, Thái Lan và Kampuchia được sang định cư tại Canada.

Ba thập niên sau ngày 30 tháng Tư 1975, rất nhiều thuyền nhân Việt, tấp vào các trại tị nạn của các quốc gia Đông Nam Á, lần lượt được Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy… nhận cho định cư.
Giữa thập niên 80, các trại tị nạn đóng cửa, những đợt người vượt biên đến Hongkong, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines trong thời gian này hoặc bị trả về hoặc trở thành người cư trú bất hợp pháp, không có hy vọng được quốc gia thứ ba nào nhận cho định cư nữa.

Năm 2002, nhờ sự vận động ráo riết và liên tục trước đó của cộng đồng người Việt ở Australia, Hoa Kỳ cùng với luật sư Trịnh Hội, Mỹ đồng ý nhận một nghìn sáu trăm thuyền nhân Việt kẹt lại mười sáu năm bên Philippines. Những người còn lại trong số này lên đường đi Canada và Na Uy.

Cho đến lúc này Philippines còn ba gia đình kẹt lại, Thái Lan có chín chục người Việt tị nạn lây lất ở đây hai mươi ba năm, Kampuchia có chừng bốn chục trong hoàn cảnh tương tự.

Đó là lý do nỗ lực vận động tìm nơi chốn định cư cho những người không may này vẫn tiếp diễn. Từ văn phòng làm việc ở Manila, thủ đô Philippines, luật sư Trịnh Hội giải thích:

"Cho đến năm 2009 thì hầu hết mọi người đã đi hết, hiện giờ ở Philippies chỉ còn lại ba gia đình mà thôi. Đó là những người mà nếu mình không tranh đấu thì họ sẽ không được đi đâu hết."

Lý do ba gia đình này bị kẹt lại là vì một gia đình thì hoàn toàn không biết tin tức và thời hạn nộp đơn mà chính phủ Canada đưa ra hồi đó. Gia đình thứ hai không được coi là diện thuyền nhân vô tổ quốc vì đến Philippines thời gian sau này, năm 2000. Gia đình thứ ba bị Canada từ chối vì người đàn ông trong nhà bị bệnh tâm thần:

"Mình đã nộp đơn lên chính phủ Canada rồi, hồ sơ anh Phong bị bênh tâm thần thì mình vẫn mong Canada cứu xét lại. Đây là chuyện rất khó vì mặc dù đã bớt nhiều nhưng anh vẫn chưa phải là một người bình thường. Về gia đình mà không biết tin tức, bị mất deadline và không nộp đơn thì vẫn phải tiếp tục tranh đấu. Đúng ra là tụi em đã nộp đơn một lần rồi mà bị từ chối thì bây giờ đang kháng cáo."

Theo lời luật sư Trịnh Hội cho biết tiếp, văn phòng của anh ở Manila đã nhận được thông báo từ chính phủ Canada, cho thời hạn mười tám tháng để hoàn tất và đệ nạp hồ sơ xin định cư của những người Việt sống bất hợp pháp ở Thái Lan, yêu cầu tìm người bảo trợ cho tất cả những người Việt trong diện này ở Thái Lan cũng như Kampuchia.
"Văn phòng từ nào giờ vẫn có mặt ở đây, năm 2007 thì bắt đầu chuyển hướng sang giúp những người bị kẹt bên Thái Lan và bên Kampuchia. Đây là những nhóm người cũng tựa như những người ở Philippines nhưng không ai tranh đấu cho họ.
Còn lý do vì sao em trở lại văn phòng ở Philippines mặc dù đã qua Mỹ từ năm 2005. Như đã trình bày là em có sự may mắn đã tranh đấu với chính phủ Canada và nay được Canada đồng ý cứu xét đơn của những thuyền nhân Việt Nam vô tổ quốc bị kẹt bên Thái Lan và Kampuchia từ những năm 87, 88, 89 và 90. Những người ở Kampuchia đã được Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc công nhân tư cách tị nạn.
Những người ở Thái Lan thì trước đây họ là thuyền nhân ở trong trại, vì không muốn bị cưỡng bách hồi hương mà họ trốn ra khỏi trại, sống lây lất không có giấy tờ bên Thái Lan cho đến giờ, có nghĩa là hai mươi ba năm. Lý do giữ văn phòng ở Manila là vì từ nào giờ em đã ở Manila rồi, quen nhiều người, và may mắn hơn nữa là việc làm cũng trôi chảy. Hiện giờ tụi em phải giúp khoảng một trăm năm chục người ở Thái Lan và Kampuchia, nếu ở Úc hoặc ở Mỹ thì đi về lại tốn rất nhiều tiền, nhất là trong thời gian bây giờ bắt đầu phải làm hồ sơ nộp cho chính phủ Canada."

Gây quỹ giúp người tị nạn

Công việc này không chỉ tốn kém thời gian, công sức mà còn phải có chi phí để trang trải:
"Ngoài việc tranh đấu sao cho thành công thì bây giờ em cùng với cộng đồng người Việt ở Canada, Liên Hội Người Việt Canada, các chùa và các Cha ở những tiểu bang như British Columbia, những thành phố như Calgary, Edmonton phải bắt đầu đi gây quĩ. Ở Úc ở Mỹ ở Na Uy cũng bắt đầu đi gây quĩ. Thí dụ mỗi hồ sơ thì chính phủ Canada bắt người tị nạn phải trang trải mọi chi phí, tiền nộp đơn là 550 đô, tiền visa là 490 đô, tiền khám sức khỏe 100 đô,tiền máy bay khoảng một ngàn đô.
Mỗi người như vậy mình tốn khoảng hai ngàn hai đến hai ngàn rưỡi đô. Thành thử dù làm thiện nguyện nhưng số tiền mình phải nộp cho chính phủ Canada cũng khá nhiều. Nếu hai ngàn rưỡi một người thì một trăm người lên thành hai trăm năm chục ngàn."

Chính vì vậy trong thời gian tới luật sư Trịnh Hội cùng những người vận động ở hải ngoại, đặc biệt Liên Hội Người Việt Canada, đặt trọng tâm vào những buổi gây quĩ hầu có đủ tiền chuẩn bị và nộp hồ sơ cho người tị nạn.
Luật sư Trịnh Hội nghĩ anh có nhiều lý do để hy vọng:
"Đối với em chuyện khó nhất là chuyện tranh đấu mà mình đã đạt được thì em nghĩ là cộng đồng ở mọi nơi cũng sẽ tiếp tục đóng góp, đặc biệt là những người Việt tị nạn ngày xưa ở bên Phi. Hiện giờ đã có chương trình gây quĩ ở Mebourne, ở Sydney, ở California, ở Houston, ở Na Uy cũng như ở Vancouver.
Ngoại trừ ở Vancouver là chùa Hoa Nghiêm đứng ra tổ chức, tất cả những nơi còn lại đều do những người tị nạn ở Phi ngày xưa, tụi em giúp sang thì bây giờ họ ngược lại tự động gây quĩ để giúp những thuyền nhân vô tổ quốc giống như họ.
Thành thử ngoài việc cộng đồng chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, hiện những người tị nạn ở Phi mà đi định cư trước đây thì họ giúp trở lại những người tị nạn còn kẹt tại Thái Lan. Điều đó làm cho em cảm thấy hạnh phúc."

Được hỏi động lực nào khiến anh, lẽ ra phải hành nghề luật sư để kiếm tiền như bao người khác, lại dấn thân vào việc giúp đỡ những người tị nạn muộn màng như vậy, Trịnh Hội thổ lộ:

"Em làm việc này cũng mười mấy năm rồi. Nói theo nhà Phật đó là cái nghiệp, còn nói theo kiểu tích cực một chút thì đó là cái duyên. Em may mắn quen biết những người tị nạn đầu tiên bên Hồng Kông, sau đó sang Phi. Họ trở thành những người thân của em, một phần của gia đình em. Thành thử làm việc này em không cho nó là việc làm mà là một phần cuộc sống của em."

Lý do thứ hai khiến luật sư Trịnh Hội tiếp tục con đường vận động và tìm nơi chốn định cư cho những người bỏ nước ra đi những không gặp may mắn:

"Em còn nhớ cách đây năm năm, khi tranh đấu thành công cho nhóm người cuối cùng bên Phi, thì em nhận được email của Cha Peter Namvong là cha đỡ đầu cho nhiều người tị nạn ở Thái Lan, viết cho em và nói rằng tại sao không bắt đầu vận động cho những người bên Thái Lan."

Khi đó, linh mục Peter Namvong đã nhắc nhở luật sư Trịnh Hội rằng hoàn cảnh của người Việt tị nạn ở Thái Lan không khác mấy với người Việt kẹt ở Phi, chỉ khác là họ bị đối xử có phần nghiệt ngã hơn:
"Do đó mà em đi tranh đấu thôi, không cần lý do nào khác nữa. Bây giờ hỏi em chuyện gì em không biết chứ hỏi chuyện tị nạn thì em biết chút chút".

Xin được kết thúc bài này với niềm hy vọng, dù muộn còn hơn không, những người Việt tị nạn còn sót lại ở Philippines, Thái Lan và Kampuchia sớm được nhận cho định cư để làm lại cuộc sống an bình tại một quốc gia phương tây.


Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserv

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats