Thursday 3 May 2012

NHỮNG NGƯỜI TỊ NẠN KÉM MAY MẮN CUỐI CÙNG (Trịnh Hội / Hà Giang - Người Việt)




Hà Giang/Người Việt
Wednesday, May 02, 2012 2:45:05 PM

Phỏng vấn Trịnh Hội về vấn đề tị nạn Việt Nam

LTS: Biến cố 30 Tháng Tư, 1975 khiến hàng triệu người Việt tị nạn tìm đường thoát khỏi Việt Nam tìm tự do. Ða số đã định cư và có đời sống ổn định ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, cho đến nay, một số ít người kém may mắn, vượt biên từ những năm 1989, 1990 vẫn còn kẹt lại rải rác trên những hòn đảo xa xôi ở Philippines và Thái Lan, sống cuộc sống bất hợp pháp, vô định, không có tương lai. Nhân dịp đến Philippines công tác và tìm cách giúp đỡ những người tị nạn cuối cùng này, Luật Sư Trịnh Hội dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn về vấn đề này.

Hà Giang (NV): Luật sư có thể tóm tắt tình hình người Việt tị nạn còn kẹt lại Philippines nói chung, và 34 gia đình này nói riêng. Họ có phải là những người cuối cùng bị kẹt tại đây?
LS Trịnh Hội: Hiện tại có 3 hồ sơ của người Việt tị nạn còn kẹt ở Philippines, khoảng 40 hồ sơ ở Thái Lan và 14 hồ sơ ở Cambodia. Tổng cộng khoảng 150 người.
Những hồ sơ ở Thái Lan giống như những trường hợp ở Philippines trước đây. Họ vượt biên sang Thái Lan từ những năm 1989, 1990, bị rớt thanh lọc, không được cho là tỵ nạn, và bị kẹt cho đến bây giờ.
Riêng ở Cambodia thì đây là những hồ sơ đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) công nhận tỵ nạn, nhưng lại không chịu giới thiệu cho họ được sang những nước khác định cư. Vì vậy cơ quan thiện nguyện VOICE và tôi đã và đang tiếp tục vận động để giúp cho họ được đi định cư từ năm 2007.

NV: Hiện giờ điều kiện sinh sống của đồng hương tị nạn của chúng ta ở các trại tập trung ra sao?
LS Trịnh Hội: Hiện họ sống rải rác khắp nơi, không có quốc tịch, không có tổ quốc, không ai chăm sóc y tế, tương lai bất định cho đến khi họ được một quốc gia nào đó cho định cư. Hiện chúng tôi đang làm việc với chính phủ Canada và Liên Hội Người Việt ở đây để tìm cách giúp họ mau chóng được tái định cư.

NV: Những khó khăn mà ông đang phải đối diện, và phương án giải quyết ra sao?
LS Trịnh Hội: Cũng may là hiện nay Liên Hội Người Việt ở Canada và tổ chức VOICE đã tranh đấu thành công, và chính phủ Canada đã chính thức ra thông cáo cho phép tất cả những người Việt Nam vô tổ quốc (“stateless Vietnamese”) trong nhóm này (và chỉ nhóm người đặc biệt này) được nộp đơn đi định cư ở Canada. Nếu họ hội đủ hai điều kiện mà chính phủ đưa ra thì họ sẽ được cho sang Canada định cư trong một ngày gần đây.

NV: Hai điều kiện đó là...?
LS Trịnh Hội: Ðiều kiện thứ nhất, tất cả mọi người phải có người bảo trợ ở Canada trong năm đầu tiên. Người bảo trợ phải lo ăn, ở và những vấn đề khác trong quá trình nhập cư của người mới đến. Số tiền người bảo trợ cần phải có để chứng minh khoảng $4500/người, chưa kể tiền ăn, ở, quần áo, đi lại.
Ðiều kiện thứ hai, tất cả mọi người phải tự trang trải mọi chi phí làm đơn ở Thái Lan, gồm $550 tiền nộp đơn (application fee), $490 tiền visa (landing fee), $90 tiền khám sức khỏe, khoảng $1,000 tiền vé máy bay và các chi phí ăn uống, đi lại khác trong quá trình làm hồ sơ để nộp và được phỏng vấn.
Tổng cộng số tiền cần cho mỗi người vì vậy khá lớn. Nếu nhân con số này lên cho 100 người ở Thái Lan là khoảng độ $250,000.
Hiện tại VOICE và Liên Hội Người Việt ở Canada đang xúc tiến việc tìm người bảo trợ ở Canada cũng như lên kế hoạch gây quỹ ở Úc, Canada, Na Uy và Mỹ để có đủ tiền giúp đồng bào mình. Ðây là những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng ở Ðông Nam Á và họ đã bị kẹt gần 23 năm cho đến ngày hôm nay.

NV: Những người này có nguy cơ bị trả về Việt Nam không? Và chúng ta có bao nhiêu thời gian để giúp đỡ họ?
LS Trịnh Hội: Những người này sẽ không bị trả về Việt Nam, và dù họ có tự nguyện trở về, Việt Nam cũng sẽ không nhận họ. Ðây là những hồ sơ cuối cùng còn sót lại từ Kế Hoạch Hoạt Ðộng Toàn Diện (Comprehensive Plan of Action), từ khoảng thời gian 1989-1996, lúc thỏa thuận giữa các nước liên quan đến tái định cư và hồi hương còn có hiệu lực, còn bây giờ thì không.
Ðối với những hồ sơ tại Thái Lan, chúng ta phải giúp họ tái định cư trong vòng 18 tháng tới.

NV: Ðồng hương Việt Nam có thể giúp sức cùng luật sư và hai tổ chức VOICE và liên hội như thế nào?
LS Trịnh Hội: Ðây là cơ hội cuối cùng của những thuyền nhân Việt Nam kém may mắn này. Quý vị có lòng có thể giúp chúng tôi bằng những cách sau đây:
Nếu có bà con, bạn bè ở Canada, xin bạn báo cho họ biết về vấn đề này và nhờ họ đứng ra làm giấy bảo trợ. VOICE và Liên Hội sẽ có người hướng dẫn giúp làm hồ sơ bảo trợ.
Gây quỹ trong cộng đồng hoặc giữa bạn bè để chúng ta có đủ tiền làm đơn giúp những thuyền nhân cuối cùng này. VOICE là cơ quan thiện nguyện 501(c)(3) đã ghi danh và được chấp thuận. Mọi đóng góp đều được trừ thuế (tax deductible).
Nếu cần thêm thông tin, xin liên lạc với chúng tôi tại (714) 537-7453, hoặc email voiceinmanila@gmail.com. Ngân phiếu xin viết cho VOICE và gửi về địa chỉ:

VOICE
c/o Sang Nguyen
245 E Pepper Drive
Long Beach CA 90807

NV: Xin cám ơn luật sư.

––
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats