Sunday, 6 May 2012

NGÀY NÀY . . . (Nguyễn Thị Cỏ May)




05/05/2012

Ngày này …

Chưa tới “ngày này”, tức ngày 30/04 – gọi “ngày này” vì người Việt nam không thể quên được – mà đồng bào ở Miền Trung ùn ùn bỏ chạy vào Sài gòn tỵ nạn. Tin tức mất đất dồn dập đưa tới. Có nhiều nguồn tin nói rỏ mất đất nhưng chưa thấy một tên VC lớn, VC con nào tới dành đất, chiếm đất. Tức chính mình bỏ đất, bỏ nhà của mình để chạy trước lánh nạn. Mấy ngày sau, VC mới tới chiếm lấy đất trống, đất bỏ hoang không chủ. Như kẻ cướp vào cái nhà cửa mở sẳn!

Lịch sử mất nước tái diển. Xin nhắc sơ lược để nhớ lại hoàn cảnh VC Hà nội chiếm Miền nam ngày 30/04.

Ai cũng hiểu rõ Hồ Chí Minh không phải là một chánh khách, mà thật sự là một cán bộ cộng sản chỉ điểm của Đệ tam Quốc tế. Đồng thời ông ta cũng là một đảng viên đảng Cộng sản Tàu (Một đảng, đã chịu không nỗi rồi. Đàng này, Bác ôm tới 2 đảng. Bố ai chịu cho nỗi!). Nhờ cộng sản cho biết phải làm gì sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Hồ Chí Minh liền triệu tập Đại hội đảng cộng sản đông dương ở Tân Trào, Tuyên Quang, tháng 8/1945 để thành lập ngay “Uỷ Ban Khởi Nghĩa Toàn Quốc” và phát động cuộc tổng khởi nghĩa, cướp chánh quyền ở khắp các tỉnh trong nước. Đảng cộng sản đông dương do Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ có Ban Chấp hành Trung ương khoảng dưới 20 người, Tổng Bí thư là Trường Chinh, và số đảng viên trên toàn quốc dưới 5,000 người. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Seuil, Paris, 1952, p. 182)

Với một lực lượng như vậy, Hồ Chí Minh cướp được Chánh quyền? Và Chánh quyền của Chánh phủ Trần Trọng Kim chớ hoàn toàn không ở người Nhựt hay Pháp.

Xin nhắc lại Chánh phủ Trần Trọng Kim không có Bộ Quốc phòng và không có quân đội nên không có vấn đề đề kháng. Đại sứ Nhật ở Huế là Ông Massayuki Yokoyama đến gặp Hoàng Đế Bảo Đại, đề nghị dùng lực lượng của Nhật tiêu diệt Việt Minh, vì tuy thất trận trên thế giới,quân đội Nhật vẫn còn nguyên vẹn ở Đông Dương, đủ sức đàn áp và giải táng Việt Minh. Lo sợ không khéo có thể nội chiến xảy ra trước sự can thiệp của ngoại bang, Hoàng Đế Bảo Đại từ chối đề nghị giúp đỡ của Ông Yokoyama. Người Nhật còn đề nghị với Thủ tướng Trần Trọng Kim. Cụ Kim nhắc lại: “Lúc bấy giờ người Nhật có đến bảo tôi (tức cụ Trấn Trọng Kim) Quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Đồng minh đến thay. Nếu Chánh phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể giữ trật tự.

Tôi nghĩ quân Nhật đã đầu hàng, quân Đồng minh sắp đến, mình nhờ quân Nhật đánh người mình còn nghĩa lý gì nữa, và lại mang tiếng cõng rắn cắn gà nhà. Tôi từ chối không nhận.” (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi).

Lúc đó, quân đội Nhật trên toàn Đông Dương bất động vì đã được lệnh hạ khí giới và đầu hàng. Quân Pháp bị quân Nhật bắt cầm tù từ lúc đảo chánh. Nhờ nhà vua và Chánh phủ hết lòng muốn tránh đổ máu đồng bào vô ích và mọi phản kháng võ lực không có mà cộng sản Việt Minh mới tự do “cướp” Chánh quyền! Cách “chiến thắng” này được lập lại “ngày này”, 37 năm trước một lần nữa!

Phải chăng số phận đất nước đã an bài để dân tộc ta trả cho hết cái nghiệp kiếp trước và VC hà nội tiến lên cho hết cái tiến trình xã hội chủ nghĩa?
Sài gòn, đường Yên Đỗ

Lúc bấy giờ, chúng tôi cư ngụ đường Yên Đỗ, Quận 3, Sài gòn. Nhà chật, gia đình đông người với 2 cháu sinh viên, con của bạn ở Nha Trang vào ở trọ đi học. Gia đình của Thiếu tá Cảnh sát Đặc biệt ở Nha Trang khá đông người tới xin tỵ nạn vì các con lớn của ông là bạn học của 2 sinh viên đang ở với chúng tôi. Mọi người đành phải ngủ lăn ra đất vì không còn đủ chổ. Cái ăn hằng ngày quan trọng hơn chổ ngủ nhưng còn cầm cự được.

Ngày 29 tháng 4, ai cũng thấy Sài gòn chắc tiêu vong. Chúng tôi có điều kiện để di tản khỏi Việt nam bằng tàu thủy vì có người thân làm thuyền trưởng một chiếc tàu nhỏ chở đồ đạc, sự nghiệp vật chất, của một gia đình nhơn viên trong Chánh phủ, đem ra ngoại quốc vì người đã đi khỏi Sài gòn rồi bằng máy bay. Thủy thủ đoàn được quyền đưa gia đình đi. Nhưng trong tình cảnh như vậy, với trách nhiệm 2 sinh viên con cháu của bạn mà phụ huynh của chúng nó chưa biết ra sao ở Nha Trang, chúng tôi không thể bỏ ra đi được. Chúng nó cũng không thể đi với chúng tôi.Trong lúc trông ngóng tin tức thì Sài gòn mất.

Bạn bè của 2 cháu là sinh viên sĩ quan Thủ đức, Đa-lạt, Hải quân, sáng ngày 30/04, mang súng ống, mỗi người hai ba cây, nào M79, nào M16, … ghé qua chúng tôi để gặp bạn và hỏi thăm tin nhà. Vài phút sau, các cậu vội lột hia mão, súng ống đem bỏ trên lề đường cách xa nhà. Mặt mày vô cùng thảm nảo. Chưa thành sĩ quan. Chưa đánh mà đã thua rồi. Không buồn sao được!

Tội nghiệp nhứt là ông Thiếu tá Cảnh sát Đặc biệt. Ở Nha Trang, ông được VC treo giải thưởng cho cái đầu của ông là 1, 5 triệu đồng bạc Vn. Vì ông bắt được nhiều VC lẻn vào Thị xã hoạt động nên cơ sở của chúng bị phá vỡ liên tục.

Vài ngày sau, khi có xe đò, ông và gia đình đi về Nha Trang. Ông chấp nhận số phận của ông với hi vọng gia đình của ông không liên lụy bị hại. Không có cái đau khổ nào bằng cái đau khổ của ông Thiếu tá Cảnh sát Đặc biệt khi quyết định đi về nguyên quán trong tình hình VC vừa chiếm được vùng đất địch.

Thời gian khá dài sau đó, chúng tôi nghe tin ông và các con lớn của ông phải lên rừng đốn củi, đốt than sanh sống qua ngày. Bỡi theo phép tắc cách mạng, ông và gia đình không được quyền sống ở thành phố, không được quyền làm việc như những người khác. Ông không phải là một đơn vị của tập thể nhơn dân dưới chế độ mới. Hiểu hoàn cảnh của ông, nhớ lại gương mặt của ông, của mọi người trong gia đình của ông lúc chuẩn bị về quê, ngày nay, tức ngày này của 37 năm sau, chúng tôi không khỏi rơi nước mắt.

“…Chim Quyên xuống đất ăn trùng,
Anh hùng lở vận lên rừng đốt than …
( Sơn Nam )

Mà ông anh hùng thiệt! Anh hùng trong cách sử sự của ông đối phó với hoàn cảnh bi đác lúc đó. Ông có thể chạy trốn được nhưng chỉ một mình ông. Còn vợ con của ông? Sự chấp nhận cái chết một cách sáng suốt, bình tỉnh, biểu hiện được giá trị con người.

Trong gần đây, cách nay năm ba năm, chúng tôi được tin ông và gia đình định cư ở Huê kỳ, tiểu bang California nhưng chưa có dịp liên lạc với ông.
Nam Bộ kháng chiến, Mặt Trận GPMN, Tập kết.

Khu phố chúng tôi ở nằm phía sau building Mỹ, nhiều biệt thự ngoại quốc và Mỹ ở trước đây. Sau ngày này, Cục Xây Dựng II tiếp quản tất cả nha cửa ở đây đẻ cho nhơn viên vừa ở vừa làm Văn phòng quản lý các cơ sở sản xuất và buôn bán vật liệu xây cất của Quận Ba. Bên cạnh chúng tôi là ông Tổ trưởng Tổ Dân phố. Cán bộ và gia đình Cục Xây dựng thuộc Tổ Dân phố quản lý và phân phối một số nhu yếu phẩm. Nhưng chỉ một phần vì phần còn lại thuộc cơ quan của họ. Về khai báo, cán bộ cấp Trung cao khai ở cơ quan.

Cán bộ Cục Xây dựng ở đây đều là dân Nam kỳ tập kết trở về. Phần lớn, trước khi đi ra Bắc, họ có học tới vài năm Trung học hoặc ít lắm cũng qua Cấp Sơ học yếu lược. Tất cả đều có vợ Bắc kỳ. Hỏi sao ông nào về đây cũng có vợ Bắc kỳ hết vậy? Các ông cười trả lời: “Sau năm 1956, thấy không có Hiệp thương, tụi tui muốn làm loạn, đòi về Nam. Chánh quyền giải quyết bằng cách đưa chúng tôi đi du học. Phần lớn theo các nghành xây dựng, quản lý, kỹ thuật,... Trở về Hà nội, anh em đều được bố trí công tác. Đời sống tạm ổn định. Hết hi vọng chờ đợi nên ông nào cũng quơ đại một bà Bắc kỳ mà sống qua ngày”. Nhiều người về gặp lại bà vợ Nam kỳ. Ngày đi tập kết, họ hẹn nhau 2 năm, nhưng các bà đã chờ đợi chồng suốt hai mươi năm. Trọng cái tình nghĩa cao quí của vợ củ nhưng họ không biết đem bỏ bà vợ Bắc kỳ ở đâu cho yên. Thật tội nghiệp. Ở với cả hai, đảng không chịu vì Bác Hồ còn không có một bà nào hết kia mà!

Khi ra đi sau Hiệp định Genève,họ hẹn nhau hai năm, sau hai mươi năm gặp lại nhau, vẫn còn hơn dân Miền nam, sau ngày “giải phóng”, hẹn với vợ con chỉ có mười ngày hoặc một tháng, mà hơn mười lăm năm sau mới về gặp lại gia đình trong cảnh tan nát! Có đau thương hơn không?

Chúng tôi quen anh Tư Thể, Giám đốc Công Ty Vật liệu xây dựng thuộc Cục Xây Dựng II. Thời gian qua, chúng tôi hiểu nhau và trở thành thân nhau hơn. Cán bộ ở đây cho rằng chúng tôi, tức bà con ở đây, thuộc thành phần nhơn dân tiến bộ.

Một hôm, anh Tư Thể ngồi uống trà, bổng sụt sùi khóc, nói nhỏ như muốn giải bày nổi lòng:

- Một buổi tối, dừng chơn lại trên đường về để xây cất cơ sở cho Chánh phủ Lâm thời, tôi nghe tin Sài gòn mất. Tôi lặng người như chết thật sự. Tôi tới nhà dân gần đó, xin vài cây nhang. Tìm chổ vắng, tôi thấp lên và hướng về quê hương tạ tội: tôi về đây, tôi theo đảng hay lo cho cha mẹ, anh em, bà con Miền nam? Tôi đã khóc ngất. Tôi biết tôi nghĩ tới gia đình, bà con, thì đảng sẽ khai trừ tôi. Tánh mạng của tôi chưa chắc được yên. Tôi theo đảng thì cha mẹ tôi, bà con sẽ không thể nhìn mặt tôi nữa. Mà lòng dạ nào tôi phản bội cha mẹ, anh em, bà con Miền nam?

Anh tâm sự thêm:

- Thằng Thiệu, lúc chiến tranh cao điểm, nó còn tới Quảng Trị thăm lính của nó. Còn Bác Hồ chưa bao giờ đi tới với bộ đội. Gần hết quân đội Miền Bắc gởi vào chiến trường Miền nam mà Bác Hồ chưa môt lần vào Miền nam. Thế mà Bác thường nói, “Miền nam trong trái tim tôi”. Tố Hữu còn làm thơ ca ngợi Bác:

“Miền nam mong Bác nỗi mong cha,
Bác nhớ Miền nam, bố nhớ nhà”.

Anh nói thêm một cách quả quyết:

- Để rồi coi. Sẽ không còn Nam bộ kháng chiến. Không còn Mặt Trận GPMN. Không còn Chánh phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền nam gì hết. Chỉ còn một đảng độc nhứt. Tội nghiệp cho bà con Miền nam không hiều cộng sản hà nội nên sẽ khổ.

Nới tới đây như thấy nhẹ người, anh trầm tỉnh căn dặn:

- Bà con nhớ kỹ đừng nói lại những điều tôi nói. Tụi nó cắt cổ tôi mà cũng liên lụy tới bà con nữa nghen.

Chúng tôi vượt biển tới Mã-lai. Hai tháng sau, chúng tôi tới Pháp định cư. Chúng tôi nhận được thư của bà con lối xóm cũ có kể lại chuyện anh Tư Thể một hôm tới thăm. Ông thấy nhà đóng cửa, hỏi lối xóm, được biết gia đình đó đã vượt biển rồi, ông đứng trước nhà ngẩn ngơ:

- Trời ơi! Đời này, tôi còn biết tin ai nữa bây giờ!

Chiếc cặp trên tay ông như muốn rơi khỏi tay.

Không biết anh Tư Thể và các anh Nam kỳ tập kết ra Bắc theo tiếng gọi yêu nước đi làm giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa giờ này ở đâu?

“Hồn ở đâu bây giờ”? *

Nguyễn thị Cỏ May

* Thơ Vũ Đình Liên, Ông Đồ

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats