Collinz Randall
Phạm Nguyên Trường
dịch từ
bản tiếng Nga tại địa chỉ http://www.russ.ru/pole/Velikaya-obrazovatel-naya-derzhava
Ngày 12 tháng 5 năm 2012
Sức mạnh chủ yếu của hệ thống giáo dục đại học Mĩ là có
nhiều trường, các trường rất đa dạng và có tổ chức phức tạp và có nguồn tài
chính khác nhau.
Khác với nhiều quốc gia khác, Mĩ
không có các trường đại học quốc gia trực thuộc trung ương. Nhiều trường nhận
được tài trợ từ chính phủ liên bang, nhưng đa số các khoản tài trợ này là dành
cho các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, nhờ đó mà nhà trường được
dành một phần cho công tác quản lí. Điều đó làm cho một số chuyên gia nổi tiếng
có ảnh hưởng rất lớn. Và khi họ chuyển từ trường này sang trường kia, ảnh hưởng
đó làm cho người ta tin rằng họ sẽ được đối xử một cách xứng đáng.
Tất cả các bang đều có trường đại học công lập, giữa những trường này cũng có sự cạnh tranh. Thường thì
mỗi bang đều muốn có mấy loại hình trường đại học công lập: a) trường đại học
tinh hoa, hướng vào công tác nghiên cứu - thí dụ như trường đại học của bang
California, trường đại học của bang Michigan; b) những trường đại học dành cho
đại chúng, không phải tinh hoa; c) mỗi trường lại có rất nhiều phân hiệu - thí
dụ như đại học California ở Los-Angeles, đại học California ở Berkeley, đại học California ở San-Diego; d) trường
cao đẳng với chương trình học tập kéo dài hai năm, dành cho những học sinh
không đủ điểm vào những trường đại học có uy tín hơn. Tất cả những loại hình
trường lớp này bảo đảm công ăn việc làm cho các giáo viên (những người thường
tốt nghiệp các trường ưu tú). Như vậy là những trường đại học bình thường gián
tiếp ủng hộ những trường ưu tú.
Các trường đại học tôn giáo cũng có
tình hình tương tự. Vì Mĩ không có tôn giáo của nhà nước cho nên các tôn giáo
khác nhau đều tìm cách mở trường đại học của riêng mình. Bang nào cũng có những
trường như thế và hầu như tôn giáo nào cũng có trường riêng.
Các trường tư thục như
Harvard University,
Yale, Princeton, Stanford, Duke University, Chicago, Pennsylvania (mặc dù
gọi là trường University of Pennsylvania,
nhưng đây là trường tư, còn trường đại học quốc gia ở bang này lại có tên lên Pennsylvania State University)
là những trường có uy tín nhất.
Uy tín của các trường này là do đấy
là những trường lâu đời nhất, khởi kì thủy là do các giai cấp trên xây dựng lên
và thành phần sinh viên quyết định tính kế thừa địa vị tinh hoa của chúng.
Trong suốt hàng chục năm ròng, các trường này có thể lôi kéo những giáo sư tài
ba nhất đến làm việc ở đấy. Các trường này cũng thường xuyên tìm được tài trợ
cho các công trình nghiên cứu và trở thành những trung tâm đầu tư từ ngân sách
nhà nước.
Các trường mang tính thương mại. Đây lả những trường xuất hiện chưa lâu, uy tín không
cao. Thí dụ như University of Phoenix – đây là loại trường buổi tối, giá rẻ, dành
cho những sinh viên muốn có một số nghề nghiệp nhất định.
Những kiểu trường đại học khác nhau -
quốc gia, tôn giáo, tư thục - thường xuyên tìm cách bắt chước nhau. Thí dụ như
các trường Thiên chúa giao không quá lệ thuộc vào những vấn đề tôn giáo và có
thuê các các giáo sư không phải là người Thiên chúa giáo. Nhiều trường đại học
Tin lành tìm cách chuyển thành các trường thế tục.
Các trường đại học Mĩ có thể bảo đảm
được quyền tự chủ là vì họ có nhiều nguồn cung cấp tài chính:.
– tài trợ của nhà nước (nhà nước trực tiếp cung cấp tài chính cho các
trường đại học quốc gia, cũng như tài trợ cho công tác nghiên cứu và học bổng
cho sinh viên);
– đóng góp của sinh viên, những khoản đóng góp này cũng góp phần bảo
đảm sự tự chủ khỏi việc kiểm soát của nhà nước ;
– đóng góp mang tính từ thiện – từ những người giàu có, các công ty
và sinh viên đã ra trường. Cung cấp tiền cho các trường đại học là vấn đề uy
tín. Những trường đại học nổi tiếng nhất thường mang tên người sáng lập
(Harvard, Yale, Stanford, Duke). Đôi khi người ta tìm cách vinh danh những
người bảo trợ giàu có bằng cách gắn tên tuổi của họ với một trong những tòa nhà
của trường;
– thể thao cũng là nguồn thu nhập đáng kể. Trong thế kỉ XX, trường
đại học có thể trở thành nổi tiếng nếu có một đội bóng đá hay bóng rổ mạnh.
Trường có thể có thu nhập khá lớn từ bán vé các trận đấu, bán quyền truyền hình
và bán quần áo thể thao với biểu tượng của đội... Ở các nước khác, thể thao
thường tách khỏi nhà trường. Vì vậy mà không ở đâu có nguồn thu như thế. Kết
quả thật bất ngờ là những trường nổi tiếng nhất không phải là những trường có
trình độ giáo dục cao nhất mà lại là những trường có đội thể thao thành công
nhất.
* * *
Do có nhiều nguồn thu cho nên cả
doanh nghiệp lẫn chính phủ đều không thể kiểm soát được hoàn toàn trường học.
Đấy là bảo đảm cho sự tự chủ của nhà trường. Làm thế nào mà chuyện đó có thể
nâng cao được năng suất trong lĩnh vực trí tuệ và làm cho Mĩ trở thành nước giữ
thế thượng phong về mặt trí tuệ trên thế giới? Các trường đại học tìm cách mời
những giáo sư nổi tiếng nhất và có năng suất cao nhất và thường thì các trường
của Mĩ cũng có điều kiện trả họ mức lương cao hơn và sự tự chủ để các giáo sư
có thể thực hiện được những ý tưởng của mình.
Một tác nhân quan trọng khác - cơ cấu
bên trong, các trường đại học Mĩ có rất nhiều giáo sư trong từng lĩnh vực. Đấy
là sự khác biệt với hệ thống giáo dục truyền thống của châu Âu – nơi "mỗi
ngành chỉ có một giáo sư". Các trường đại học Mĩ thường tìm cách thành lập
những khoa lớn với nhiều giáo sư trong mỗi lĩnh vực, điều đó đã chuyển trung
tâm quyền lực lãnh đạo của trường xuống các khoa. Như vậy nghĩa là các khoa trở
thành trung tâm cải tiến.
Từ sau Thế chiến II, hệ thống giáo
dục Mĩ đã chiếm được những vị trí đầu tầu trên thế giới. Một phần là do sự suy
sụp của các trường đại học ở Đức (chiến tranh và chủ nghĩa quốc xã). Mĩ đã được
lợi vì nước này thu nhận những giáo sư-nhập cư tài giỏi nhất vào các trường đại
học của mình. Nhiều giáo sư hiện nay là học trò của những người di dân thuở
nào.
Năm 1945 cũng là thời điểm mà giáo
dục đại học Mĩ trở thành đại chúng: tỉ lệ thanh niên theo học đại học từ 10
phần trăm đã tăng dần và hiện chiếm tới lên 60 phần trăm. Điều này làm gia tăng
nhu cầu số lượng trường đại học, giáo viên và kết quả là gia tăng những cơ cấu
khuyến khích sáng kiến. Ở Pháp thì lại khác, các trường đại học ở nước này bị
giới hạn bởi cơ cấu của trung ương. Các trường ở Anh, tuy có được khá nhiều
quyền tự chủ, nhưng càng ngày càng bị chính phủ áp lực vì họ hầu như chỉ có một
nguồn tài trợ duy nhất là ngân sách.
* * *
Hiện nay các trường đại học Mĩ cũng
gặp một số khó khăn tạm thời. Từ khi các trường tinh hoa nhận được nhiều tiền
quyên góp của các cá nhân thì họ cũng trở thành những tay chơi có máu mặt trên
thị trường chứng khóan, vì vậy mà cùng với sự suy thoái kinh tế trong hai năm
vừa qua, họ đã phải đưa ra những kế hoạch tài chính mang tính bảo thủ hơn.
Nhưng đây chỉ là một trong những nguồn thu cho nên tôi nghĩ rằng nó cũng không
có ảnh hưởng lớn đối với tính tự chủ của họ.
Trong các môn khoa học tự nhiện, có
sự hợp tác gắn bó giữa giới doanh nghiệp và các trường thực hiện những dự án
nghiên cứu đặc thù. Một số nhà phê bình phàn nàn rằng điều đó sẽ buộc các
trường phải quên đi lí tưởng là tìm kiếm kiến thức và làm cho họ có thói hám
lợi. Áp lực là có, nhưng cũng có những tác nhân cân bằng khác: tầm quan trọng
của việc giữ các giáo sư nổi tiếng trong cùng một khoa, điều này sẽ thúc đẩy
những hoạt động thuần túy trí thức. Tuy nhiên, phát minh vĩ đại hay lí thuyết
mới vẫn là phương pháp tạo uy tín tốt nhất. Nhiều giáo sư đại học còn thể hiện
sáng kiến riêng bằng cách đưa phát minh của mình ứng dụng vào lĩnh vực thương
mại. Thí dụ như sự bùng nổ của công nghệ sinh học trong mấy năm gần đây. Vì vậy
mà không được coi hoạt động nghiên cứu của các trường đại học hoàn toàn là do
nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, nhiều xí nghiệp công nghệ cao lại làm cho
người ta liên tưởng tới khuôn viên đại học. Các xí nghiệp này bắt chước cách
làm việc của trường đại học.
Nhưng cũng không nên cường điệu sự
độc quyền về trí tuệ của các trường đại học Mĩ. Trong những lĩnh vực trí tuệ
như triết học, văn học và xã hội học, trung tâm tri thức thế giới trong 50 năm
lại đây có lẽ nằm ở Paris. Chuyện đó xảy ra là do sự kết hợp một cách tài tình
những trường đại học tinh hoa, ngành in ấn và công nghệ truyền thông, trung tâm
chính trị và thế giới nghệ thuật của Pháp - từ đó mới có các "nhà tư
tưởng" nổi tiếng của Pháp như Sartre,
Lévi-Strauss vả Bourdieu, những người nổi tiếng cả ở bên ngoài khuôn
viên đại học.
Mĩ không có cơ chế như thế - các nhà
trí thức Mĩ thường phàn nàn về chuyện đó. Washington là trung tâm chính trị chứ
không phải là trung tâm trí thức; New York và Los-Angeles là trung tâm truyền
thông, ở đấy cũng có một số trường đại học tốt, nhưng các thành phố này không
phải là thủ đô và cũng không giữ thế thượng phong trong thế giới đại học. Các
trường đại học lớn nằm ở Boston, Chicago, San-Fransisco, Philadelphia, và nhiều thành phố nhỏ hơn như
Princeton hay New-Haven.
Collinz Randall là nhà xã hội học, triết học khoa học
người Mĩ, chủ tịch hiệp hội xã hội học Mĩ. Trong những năm 1970 ông là một
trong những sáng lập viên tạp chí "Theory and Society". Hiện nay ông
đang dạy tại trường đại học Pennsylvania và là thành
viên ban biên tập tạp chí "Social Evolution & History".
No comments:
Post a Comment