Sunday, 6 May 2012

LỬA VĂN GIANG VẪN CHÁY (Trần Đức Việt)




Trần Đức Việt, nhà báo tự do
Chủ Nhật, 06/05/2012

Ngày 24/4/2012, bằng một lực lượng hùng hậu gồm công an, cảnh sát cơ động, đầu gấu đánh thuê…chính quyền Hưng Yên đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất, mà thực chất là cướp đất của nhân dân để đầu cơ.

Đêm trước cuộc cưỡng chế tàn bạo nhất trong lịch sử này, hàng trăm người dân Văn Giang ở 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao đã căng lều trên cánh đồng sắp bị cưỡng chế để giữ đất. Nhiều nhà báo đã đến “ba cùng” với nhân dân, những người yêu nước đã đến động viên nhân dân. Nhiều đống củi cháy bừng bừng trên cánh đồng và được đưa trực tiếp lên trang mạng.

Đấy là một đêm khắc nghiệt, đầy lo âu của những người giữ đất: Cái gì sẽ đến vào ngày mai? Nếu mất đất thì rồi sẽ sống ra sao, khi phương tiện sản xuất, tài sản quý nhất của người nông dân không còn?

Nhiều phương án đấu tranh được đưa ra bàn bạc, trong đó có một phương án gây tiếng nổ lớn. Hai bình ga đã được đặt vào trong một đống củi lớn, chắn trên đường vào khu vực cưỡng chế. Đống củi được đổ dầu, cách đấy không xa là những chai xăng nhỏ. Tất cả đã sẵn sàng. Những người dân nhớ đến ký ức của năm 2009, khi lực lượng cưỡng chế bất ngờ tiến hành vào ban đêm, không báo trước, không ban hành bất cứ quyết định cưỡng chế nào.

Đến gần sáng, một số phương án được bàn lại. Có người nói: Chúng ta muốn gây tiếng nổ giống như Tiên Lãng, Hải Phòng nhưng lại không phải là các chuyên gia chất nổ. Nếu bình ga nổ gây sát thương cho bất cứ bên nào, dù là người dân hay lực lượng cưỡng chế, đều không phải là ý muốn của chúng ta. Nhỡ có người bị thương thật thì sao?
Cuối cùng, hai bình ga được lấy ra. Những người dân chỉ muốn đấu tranh bằng biện pháp hoà bình.

Sáng 24-4, lực lượng cảnh sát tiến vào cánh đồng, dùng các dụng cụ hỗ trợ như dùi cui, roi điện, các quả nổ đánh bật người dân ra khỏi đất đai quê hương họ. Ngày hôm đó tiếng nổ rền trời, tiếng súng liên tục khuấy động không gian như thời chiến tranh ác liệt nhất. Cuối cùng chính quyền cưỡng chế… thành công.

Có người sẽ hỏi: Vì sao ở Văn Giang không xẩy ra một “sự kiện” như nhiều người hoạt động dân chủ đang mong đợi?
Nếu đến Văn Giang, câu trả lời cũng dễ nhận biết.

Trước và ngay trong ngày cưỡng chế, nhiều người ở nơi khác có hoàn cảnh tương tự đã đến bàn bạc, trao đổi với bà con Văn Giang. Một vài nhóm hoạt động yêu nước đã đến ủng hộ bà con. Tình đoàn kết giữa những người cùng cảnh ngộ đã gắn họ với nhau. Đó là một bước tiến rất quan trọng trong phong trào bảo vệ quyền sống, các quyền lợi chính đáng khác của nhân dân Việt Nam. Nhưng các mối liên hệ giữa các nhóm chưa đủ nhiều, chưa đủ mạnh.
Cuộc đấu tranh rất sôi động ở địa bàn cấp xã, huyện nhưng chưa vượt lên tầm của phong trào có tính chất toàn quốc.

Chính quyền đã sử dụng một lực lượng chuyên nghiệp, được đào tạo, trang bị vũ khí mạnh, đông đến 3000 người để trấn áp một đoàn nông dân vài trăm người. Cuộc cưỡng chế không thể hiện chính quyền mạnh, ngược lại, nó là chỉ dấu cho chúng ta biết chính quyền đang suy yếu và sợ dân. Chỉ ở một huyện mà phải huy động lực lượng lớn từ Trung ương, vậy nếu nhiều nơi đồng loạt tiến lên phối hợp đấu tranh thì cái gì sẽ xẩy ra? Người dân đấu tranh nhưng rất đắn đo mức độ nào là vừa, do đó đã tự bỏ bình ga gây nổ khỏi hiện trường nhằm tránh sát thương cho người có mặt ở hiện trường.

Sau cưỡng chế, người dân nhặt được vài quả nổ ném ra nhưng không rút chốt. Điều đó có 2 khả năng: Hoặc có anh cảnh sát còn có lương tâm, không rút chốt để tránh tai nạn cho dân, hoặc là anh ta không biết sử dụng vũ khí. Cuộc cưỡng chế tàn bạo này đang thức tỉnh lương tri của một số người bên phía chính quyền.

Chính quyền đã cưỡng chế xong nhưng ngọn lửa Văn Giang vẫn đang tiếp tục cháy trong dư luận. Ngọn lửa Văn Giang đang thức tỉnh những người nông dân khắp đất nước, đang vẫy gọi những người yêu nước đến với nhân dân. Cái gì cần đến thì rồi sẽ đến, không có lực lượng nào ngăn cản được nguyện vọng thiết tha của cả một dân tộc.

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats