Friday, 11 May 2012

KHÔNG TAM QUYỀN PHÂN LẬP THÌ SỬA HIẾN PHÁP LÀM GÌ ? (Phạm Trần)




Phạm Trần -  VRNs
Đăng bởi admin lúc 11:38 Sáng 11/05/12

VRNs (11.05.2012) – California, USA –  “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp; các cơ quan nhà nước khác do Quốc hội lập ra, có trách nhiệm báo cáo công tác và chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội. Nhà nước ta không tam quyền phân lập.”

Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam đã hắt gáo nước lạnh vào mặt người dân trong nước như thế trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI họp tại Hà Nội từ 07 đến 15/05 (2012).

Chủ trương này không mới, nhưng được lập lại vào lúc nhiều giới trong nước hy vọng những sửa đổi Hiến pháp 1992 đang thành hình sẽ mang lại một nhà nước dân chủ pháp trị và triệt để tôn trọng quyền làm chủ đất nước của người dân là một bước tụt hậu nghiêm trọng cho đất nước và đẩy dân xuống hố chậm tiến sâu hơn.

Tại sao vậy ?

Bởi vì trong Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Chủ nghĩa Xã hội” năm 1991, đảng CSVN cũng đã viết: “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó.”

Đến kỳ đại hội đảng XI tháng 01/2011 Cương lĩnh này được “bổ sung và phát triển” thêm, nhưng vẫn giữ nguyên chủ trương : “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”

Như vậy, dù ngôn ngữ có thay đổi, nhưng cả 3 Cơ cấu Lập pháp (Quốc hội), Hành pháp (Nhà nước) và Tư pháp (Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân), dù được phân công làm việc riêng nhưng nhân sự của cả 3 tổ chức của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều được đảng chọn qua Mặt trận Tổ quốc cho dân bầu (Quốc hội) hoặc bổ nhiệm (Hành Pháp và Tư pháp) và chịu sự kiểm soát và chỉ huy của đảng.

Đó là một Nhà nước độc tài và độc đảng nên khi người dân bị xâm phạm, bị tước đọat quyền lợi hay bị tấn công, áp bức bất hợp pháp thì người dân không biết nhờ cậy ai để được giúp đỡ.

KHIẾU KIỆN CÁO AI ?

Bằng chứng đã có rất nhiều vụ “chờ được vạ thì má đã sưng” nên dân phải liều đứng ra đấu tranh, khiếu kiện dài hạn, dù biết không hy vọng gì.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 2/5 (2012) có Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chủ trì, chính phủ báo cáo: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn những hạn chế, yếu kém như một số địa phương chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp huyện. Nhiều vụ việc giải quyết còn chậm; một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và thực tế.

Nhiều địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm; còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy, thấy sai phạm nhưng chưa có biện pháp khắc phục...”

Chính phủ báo cáo có đến 70% vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai trong đó “nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội” như đã xẩy ra tại Văn Giang (Hưng Yên) ngày 24-04 (2012) và tại Vụ Bản (Nam Định) ngày 09-05 (2012).

Trong 2 vụ cưỡng chế này có công an nhà nước, phụ lực bởi côn đồ và dân phòng đeo băng đỏ tham gia đàn áp dân hòan tòan trái luật vì chính quyền địa phương đã tiếp tay cho nhà đầu tư thay vì làm trung gian cho dân chủ đất và nhà đầu tư thương lượng với nhau.

Hội nghị ngày 2/5 (2012) nhìn nhận: “Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cáo có cả chủ quan và khách quan. Về khách quan, chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập (giá bồi thường thấp, hay thay đổi, thiếu nhất quán…); có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán…”

Ngay đến Nguyễn Phú Trọng cũng phải đặt câu hỏi với Hội nghị Trung ương 5 : “Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, tệ tham nhũng liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi? Vì sao gần 70% số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai?... Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và Luật Đất đai năm 2003? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn; và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm? “

Như vậy đã rõ ràng nếu Việt Nam có một ngành Tư pháp hòan tòan độc lập với Hành pháp như ở các nước dân chủ thì tình trạng khiếu kiện của người dân ở Việt Nam đã được giải quyết theo cách có tranh luận dân chủ và pháp trị công bằng.

Nhưng ở Việt Nam thì khác. Tất cả quan tòa và công tố đều do đảng chọn và hầu hết là đảng viên nên phải làm theo lệnh đảng hay theo ý muốn của chính quyền nên phần lớn người dân đi khiếu kiện bị thiệt thòi trong các vụ tranh chấp đất đai.

Các vụ xử án bất công đối với gia đình ông Đòan Văn Vươn trong vụ tranh chấp đất ở Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là nguyên nhân đưa đến vụ nổ súng và nổ bom tự chế gây thương tích cho một số người trong vụ cữơng chế làm rung động cả nước ngày 05/01 (2012).

Trong cả 3 vụ Tiên Lãng, Văn Giang (Hưng Yên) và Vụ Bản (Nam Định) người dân còn lột được mặt trái của các Đại biểu Quốc hội đảng viên ở 3 địa phương này.

Nếu các vụ đàn áp dân xẩy ra ở các nước dân chủ và có luật pháp phân minh thì không cần phải mời gọi hay thúc dục, các Đại biểu dân cũng đã tự họ vào cuộc điều tra cho ra trắng đen từ lâu rồi.

Ở Việt Nam thì khác. Ngay cả đến Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng là Đại biểu Quốc hội của đơn vị có Huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng, nơi cự ngụ của cử tri gia đình anh em ông Đòan Văn Vươn mà Dũng cũng không hề cử người đến thăm dân và điều tra, ấy là nói trong trường hợp Dũng có nhiều việc quan trọng cần phải ở Hà Nội trong vai trò Thủ tướng.

Nhưng không phải chỉ có Dũng đã vắng mặt trong vai trò của Đại biểu Quốc hội mà các Đại biểu khác của các Đòan Đại biểu Quốc hội của Hải Phòng, Hưng Yên và Nam Định cũng không hề đến thăm dân bị đàn áp, bị công an, dân phòng đánh đập, trong số có nhiều cụ già và phụ nữ.

Như vậy thì những Đại biểu dân cử này có còn xứng đáng trong vai trò Đại biểu Quốc hội của họ không, nói chi đến hy vọng một cuộc điều tra, hay “thăm dân cho biết sự tình” của Quốc hội do Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch ?

Đó là hậu qủa của một cơ quan Lập pháp có trên 90% đại biểu là đảng viên không có quyền được “phân lập” với đảng và Hành pháp nên là bù nhìn của đảng để sai đâu đánh đó như đã thấy trong cách tổ chức và hoạt động của nhà nước ghi trong Hiến pháp 1992.

Vậy thì, khi Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992. Đó là: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua tổ chức nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng” thì thực tế nhà nước này chưa hề bao giờ là “của dân, do dân và vì dân” vì đảng đã lấy sạch hết quyền làm chủ đất nước của dân từ lâu lắm rồi.

Dân chưa bao giờ được tự do ứng cử và bầu cử; chưa bao giờ được tự do lập hội va tập họp và cũng không được tự do ngôn luận, tự do ra báo; tự do tư tưởng và tự do tôn giáo dù Hiến pháp đã quy định như thế.

Ngay cả những cuộc biểu tình tự phát của dân bầy tỏ lòng yêu nước chống âm mưu lấn chiếm biển đảo, xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Cộng cũng đã bị đảng đàn áp dã man tại Sài Gòn và Hà Nội trong hai tháng 8 và 9 năm 2011 là một bằng chứng cụ thể khác dân đã mất quyền làm chủ đất nước.

Tòan dân, từ sau lần sửa Hiến pháp thứ nhất năm 1959, đã bị đảng hất ra lề đường đứng làm hình nộm cho đảng sử dụng mỗi khi có cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội và các Hội dồng nhân dân. Sau khi xong việc thì dân tự ý lui vào hậu trường làm quân đầy tớ cho đảng viên chủ nhân ngồi lên đầu lên cổ đi kiếm tiền tham nhũng hoặc bóc lột dân.

Đó cũng là lý do tại sao tham nhũng tiếp tục chồng lên tham nhũng cứ lên cao mãi trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên khiến Nguyễn Phú Trọng phải than trong diễn văn ngày 07/05 (2012) rằng : “Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đã sớm ban hành Nghị quyết của Trung ương, Pháp lệnh và tiếp đó là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng và nhiều quyết sách khác; đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và các địa phương; đã tiến hành nhiều biện pháp liên tục, nhưng đến nay công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.”

Đó là cách hành sử của cán bộ, đảng viên đối với dân khi người dân muốn “thực hiện quyền lực nhà nước” nhưng không muốn “thông qua tổ chức nhà nước” hay chịu khép mình trong vòng kiềm tỏa của đảng mà đảng không cho nên tình trạng bao che, hạ cánh an tòan, trù dập, trả thù người tố cáo, nâng đỡ kẻ phạm tội mới lan tràn.

Do đó khi Trọng nói sửa Hiến pháp 1992 phải dựa vào nội dung Cương lĩnh đảng đã được bổ sung, phát triển năm 2011 là cốt để bảo vệ quyền lợi cho đảng vì Cương lĩnh này viết rằng: “ Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.....Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy.”

Như thế có nghĩa là dù có sửa đổi thì Hiến pháp mới cũng vẫn phải duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối và tòan diện cho đảng.

Chủ trương này cũng đã được đảng CSVN tự viết vào Điều 4 của Hiến pháp (sửa lần 2) năm 1980, sau ngày chiếm được miền Nam Việt Nam tháng 04/1975: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.

Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp.”

Đến lần sửa thứ 3 năm 1992, Điều này được viết gọn lại: ”Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội…..”

Vậy nếu lần sửa thứ tư này mà Điều 4 vẫn như cũ cho đúng với Cương lĩnh thì quyền làm chủ đất nước và quyền giám sát của dân tiếp tục trôi theo cống rãnh.

Cương lĩnh 2011 còn trâng tráo viết rằng: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” trong khi thế giới Cộng sản đã tan rã từ 1991 và nhân dân Nga, thành trì dựa lưng lâu đời của đảng CSVN, đã vứt Chủ nghĩa Mác-Lênin vào sọt rác thì có còn gì để tụt hậu và lùi bước thêm cho dân Việt Nam nữa không?

Thế mà người CSVN vẫn kiên quyết nói điêu trong Cương lĩnh rằng : “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Nhưng Hiến pháp và pháp luật nào sẽ ra đời sau lần sửa đổi năm 2012 nếu cả Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp tiếp tục bị nhốt vào một cũi thì sửa làm gì cho lãng phí?

Phạm Trần
(05/012)


No comments:

Post a Comment

View My Stats