Tuesday, 15 May 2012

KHÔNG NÊN BẬN TÂM VỚI CHỦ NGHĨA MÁC (Trần Đức Việt)




Trần Đức Việt, nhà báo tự do
Thứ Tư, 16/05/2012

Tôi nhận được bài viết của ông Nguyễn Thanh Giang về việc ông Lữ Phương bảo vệ chủ nghĩa Mác do một bạn trẻ gửi đến. Sau khi xem lại bài viết trên ở trang Dân Luận, tôi có đôi điều nói lại với bạn trẻ nói trên và một số bạn khác quan tâm.

Câu trả lời ngắn gọn nhất của tôi là: Các bạn không nên bận tâm nhiều với chủ nghĩa Mác làm gì cho mất thì giờ. Bây giờ thì giờ là vàng bạc. Ai đó thích bảo vệ chủ nghĩa Mác thì...kệ họ. Các bạn nên để thì giờ vào những việc khác hữu ích hơn. Chủ nghĩa Mác cùng với hệ quả trực tiếp của nó là chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị nhân dân các nước Đông Âu ném vào sọt rác của lịch sử. Cái gì đã bị ném đi thì không thể trở lại được nữa đâu, ai đó muốn tô vẽ cho một lý luận vứt đi thì chỉ mất uy tín.

Có bạn phân vân: Nếu chủ nghĩa Mác là sai lầm thì tại sao lại sống dai bao nhiêu năm như vậy? Câu trả lời cũng dễ: Chủ nghĩa ấy tồn tại nhờ khẩu súng. Bạn thử nghĩ xem, nếu năm 1917 cách mạng tháng Mười không thành công, chính quyền Xô - viết không dùng súng để bảo vệ thì liệu chủ nghĩa Mác có được vị trí nào trong lịch sử tư tưởng nhân loại? Thì cũng như nhiều trào lưu tư tưởng khác ở châu Âu, chỉ một số nhà nghiên cứu làm luận văn gì đó đến thư viện tra cứu, bàn luận trên giấy, in thành sách để...cất đi, hoặc hơn nữa là tặng bạn bè. Chỉ thế thôi. Có bạn đọc thấy nhiều "nhà khoa học đáng kính" bảo vệ chủ nghĩa Mác nên còn do dự. Đó là quyền tự do tư tưởng của mỗi người, chúng ta không bàn.

Trước hết chúng ta cần xác định: chủ nghĩa Mác có phải là chủ nghĩa Lênin không? Như ông Lữ Phương thì coi chủ nghĩa Lênin không phải là chủ nghĩa Mác. Để làm rõ điều này cần xem xét những tiền đề cơ bản của chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin có trùng nhau không? Theo chương trình chính thức trong trường đại học mà các bạn đang học, chủ nghĩa Mác-Lênin gồm 3 bộ phận cấu thành: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế Chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa Xã hội Khoa học.

Hãy nói đến triết học Mác. Các trào lưu triết học được chia làm 2 nhóm lớn: duy tâm và duy vật. Theo các giáo trình chính thống, vấn đề cơ bản của triết học là xét xem ý thức và vật chất, cái nào có trước? Nếu coi ý thức là cái có trước thì thuộc duy tâm, còn nếu coi vật chất là cái có trước thì thuộc duy vật. Triết học Mác thừa nhận vật chất là cái có trước, vật chất quyết định ý thức, do đó là triết học duy vật. Ông Stalin nói: Mác hay trích dẫn Hêghen, nhưng triết học Mác ngược lại với Hêghen. Mác kế thừa toàn bộ triết học Hêghen nhưng lại đảo ngược vai trò giữa ý thức và vật chất. Hêghen coi ý thức là cái có trước (do đó triết học Hêghen là duy tâm), còn Mác coi vật chất là cái có trước. Ở đây chúng ta thấy Mác không có gì "mới" so với Hêghen, các phạm trù, quy luật của triết học Hêghen được Mác kế thừa toàn bộ, có chăng chỉ là đảo lại vai trò ý thức và vật chất. Nếu các bạn vận dụng triết học Mác để xem xét vấn đề thì cứ yên tâm đi, bạn chưa phải là nhà mác-xít đâu, thực chất vẫn là Hêghen đấy. Lênin đã kế thừa nguyên vẹn triết học duy vật của Mác, do đó, về mặt triết học, chủ nghĩa Lênin chính là chủ nghĩa Mác.

Nói về kinh tế chính trị, các bạn đều đã được học tinh thần cơ bản của bộ Tư bản. Mác đã phân tích chủ nghĩa tư bản (theo cách gọi của ông), trong đó đưa ra khái niệm tư bản bất biến, tư bản khả biến, giá trị thặng dư (c+v+m). Điều làm cho chủ nghĩa Mác khác hẳn với các lý luận khác là ở chỗ: Mác khẳng định nhà tư bản bóc lột lao động làm thuê. Lý luận của Mác như sau: Hãy giả sử có nhà tư sản luôn luôn mua được rẻ, thế thì ông ta chỉ lợi khi là người mua, và thiệt thòi khi là người bán, tóm lại không lợi gì. Lại giả sử có nhà tư sản luôn luôn bán đắt, thì ông ta được lợi khi là người bán, nhưng thiệt thòi khi là người mua, tóm lại vẫn không lợi gì. Bây giờ giả sử có nhà tư sản luôn mua được rẻ, bán đắt; thế thì chỉ nhà tư sản đó có lợi thôi, giai cấp tư sản không thể làm giầu trên lưng mình được. Vậy giá trị tăng thêm trong quá trình sản xuất ở đâu ra? Mác cho rằng đấy là giá trị do người làm thuê làm ra, bị nhà tư sản chiếm không. Toàn bộ lý luận này dựa trên tiền đề cơ bản là trao đổi ngang giá. Mới nghe qua thấy lý luận rất chặt, có lý, nhưng suy nghĩ thêm một chút thì...không ổn. Câu hỏi đặt ra là: Thế thì "công lao động" của nhà tư sản ở đâu? Lý luận của Mác không có phần này! Kể cũng lạ, Mác thừa nhận chế độ tư bản đã sản xuất ra một lượng hàng hoá khổng lồ, vượt qua tất cả số lượng hàng hoá do các chế độ trước cộng lại, vậy mà các nhà tư sản, nhân vật chính của chế độ tư bản lại không có công gì? Để mọi việc trở lại bình thường như vốn có, chỉ cần "thêm" phần công của các nhà tư sản vào lý luận trên. Ngoài phần trả công định lượng bằng tiền, còn có phần "tinh thần", hay nói khác đi, có phần "tư tưởng", phần "ý tưởng", không đo được bằng tiền. Nhưng nếu làm thế thì lại phải thừa nhận phần "tinh thần", hay gọi theo kiểu triết học là phần "ý thức" trong nguồn lực sản xuất, là điều mà Mác đã xoá bỏ ngay từ đầu khi xác định triết học cùa mình là "duy vật". Sau này Lênin kế thừa toàn bộ lý luận của Mác, vận dụng lý luận này vào việc nghiên cứu kinh tế (Xem bài "Bàn về kinh tế thị trường" của Lênin). Trong bài Bàn về kinh tế thị trường, Lênin chia thành 2 khu vực sản xuất: khu vực sản xuất ra tư liệu sản xuất và khu vực sản xuất ra tư liệu tiêu dùng. Lý luận cơ bản của bài này đã được đưa vào giáo trình dạy kinh tế chính trị trong trường đại học, các bạn đều đã biết. Theo tôi, lý luận này có 2 điểm yếu chí mạng: thứ nhất, lý luận trên không đề cập đến giá trị tinh thần có trong sản phẩm. Giá trị này biểu hiện qua thương hiệu, uy tín của nhà sản xuất v.v... Thứ hai, lý luận trên chỉ xét khi nhà tư sản bán được hàng. Thế nếu nhà tư sản không bán được hàng thì sao? Thì toàn bộ lý luận trên chỉ còn nước...vứt đi. Các nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa học tại các trường Đảng nghĩ rằng hễ đem bằng này tiền đầu tư sản xuất thì có bằng kia sản phẩm, lãi là bằng này, thế tức là sản xuất phát triển. Rồi họ lấy tổng số vốn + lãi chia cho số vốn và kết luận năm nay đã tăng được bấy nhiêu phần trăm. Kết quả là sản xuất ngày càng kém, thiếu hàng hoá trầm trọng. Họ quên mất hàng sản xuất ra phải bán được, yếu tố bán được phụ thuộc nhiều vào giá trị tinh thần mà trong lý luận kinh tế Mác không xét đến. Nhưng với chúng ta thì đã rõ: chủ nghĩa Lênin đã kế thừa chủ nghĩa Mác trong lĩnh vực kinh tế chính trị, có thể nói chủ nghĩa Lênin đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại mới là sự thật hiển nhiên.

Vào những năm 80 (thế kỷ XX) tôi đọc một bản tin phổ biến cho các lãnh đạo cao cấp có tin như sau: Một công ty Nhật đưa toàn bộ rô-bốt vào công đoạn sản xuất, số công nhân ở đây bị sa thải. Bản tin phê phán tính chất khắc nghiệt của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng về lý luận thì điều đó dẫn đến câu hỏi: Lý luận "bóc lột lao động làm thuê" của Mác trong trường hợp này sẽ ra sao? Tôi không tìm được câu trả lời, dành cho các bạn xét tiếp.

Bây giờ chúng ta nói đến chủ nghĩa xã hội khoa học. F.Ăngghen khẳng định Mác là thiên tài khi phát hiện ra lý luận "đấu tranh giai cấp", "đấu tranh giai cấp là đầu tầu của lịch sử". Lý luận đấu tranh giai cấp của Mác dẫn đến khái niệm "chuyên chính vô sản", được Lênin kế thừa, tuy có điểm khác biệt với Mác. Mác đã coi chế độ "cộng hoà đại nghị""chính quyền chuyên chính vô sản tốt nhất" (xem ra, Mác khá là dân chủ). Thoạt đầu, Lênin cũng đồng tình với ý kiến này. Năm 1917, cách mạng tháng Mười thành công ở Nga, Lênin tổ chức cuộc bầu cử có tính chất toàn dân, rất dân chủ. Nhưng kết quả cuộc bầu cử làm Lênin choáng váng: Những người bônsêvích chỉ chiếm tỉ lệ 13% trong chính quyền mới. Ông giận dữ huỷ bỏ kết quả bầu cử, cho bầu cử lại. Sau đó ông đưa ra lý luận: Chính quyền chuyên chính vô sản tốt nhất là chính phủ công, nông, binh mà ông gọi là "chính quyền Xô-viết". Nếu trong triết học và kinh tế chính trị Lênin không khác với Mác bao nhiêu thì trong lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học Lênin khác với Mác khá nhiều. Sự khác biệt này trong nhiều năm được coi là bổ sung phát triển chủ nghĩa Mác, nâng cao chủ nghĩa Mác lên thành chủ nghĩa Mác - Lênin.

Có thể kể thêm vài khác biệt: Mác nói cách mạng vô sản chỉ xẩy ra khi giai cấp vô sản chiếm đa số trong dân cư, khi cách mạng nổ ra cùng lúc ở tất cả các nước tư bản phát triển nhất...Lênin đưa ra lý luận "liên minh công nông", từ đó ông cho rằng cách mạng có thể xẩy ra khi liên minh giai cấp công nhân và nông dân chiếm đa số, đồng thời dựa trên nhận xét chủ nghĩa tư bản phát triển không đều ông cho rằng cách mạng vô sản có thể chỉ xẩy ra ở số ít nước, thậm chí một nước duy nhất. Từ khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ toàn diện ở châu Âu mới có người đòi tách bạch chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa Lênin để bảo vệ Mác. Nhưng nếu xem xét lý luận chủ nghĩa Lênin trong hướng phát triển của chủ nghĩa Mác thì phải công nhận rằng: Chủ nghĩa Lênin đã phát triển chủ nghĩa Mác trong hoàn cảnh mới. Vào những năm 30 thế kỷ XX, Mao Trạch Đông ở Trung Quốc muốn đưa ra "tư tưởng Mao Trạch Đông", sau này các nhà nghiên cứu gọi là chủ nghĩa Mao, như là chủ nghĩa Mác áp dụng vào Trung Quốc (để song hành với chủ nghĩa Lênin là sự áp dụng chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh nước Nga). Có một thời kỳ dài các nhà lý luận cộng sản xem tư tưởng Mao chính là chủ nghĩa Mác-Lênin ở phương Đông. Điều đó không quá xa lạ vì Mao thừa nhận triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị Mác - Lênin, lý luận đấu tranh giai cấp của Mác - Lênin, chỉ có điều đưa cuộc đấu tranh giai cấp lên mức độ khốc liệt hơn nhiều. Phương pháp "đấu tố" của Mao là một kiểu "đấu tranh giai cấp" đấy chứ, làm sao có thể bảo hoàn toàn trái với chủ nghĩa Mác-Lênin? Đến khi Mao chống lại Đảng Cộng sản Liên Xô, nhằm giành giật vị trí lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế thì các "nhà mác-xít" mới chống Mao, chứ trước đó Mao vẫn là "nhà mác-xít vĩ đại" đó thôi.

Năm 1951, tại đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ hai, điều lệ Đảng chẳng ghi rằng: Nhiệm vụ của đảng viên là học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tác phong Hồ Chủ tịch là gì? Sao bây giờ lại bảo chủ nghĩa Mác không phải là chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Lênin không phải là chủ nghĩa Mao...Hoá ra các "nhà khoa học", "nhà nghiên cứu" cũng tiền hậu bất nhất y như con buôn hay sao?

Tất cả các "nhà lý luận" từ Mác, Ăngghen đến Lênin, Stalin, Mao...đều đã là quá khứ, là một phần của lịch sử rồi. Cho dù họ có gây ra bao nhiêu đau khổ cho nhân loại đi nữa thì cũng đã thành dĩ vãng. Các bạn không nên bận tâm nhiều về họ nữa, hãy tập trung ý chí vào cuộc sống hiện nay, nghĩ cách và hành động để đưa Việt Nam hoà chung vào dòng chảy chung của loài người tiến bộ, vì một tương lai cho các thế hệ mai sau.




No comments:

Post a Comment

View My Stats