Tuesday, 15 May 2012

KHI NHÀ BÁO NẾM MÙI DÂN OAN (Thanh Quang - RFA)




Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-05-14

“Chuyện dài dân oan” và “đại nạn đất đai” trong nước khiến dẫn tới biến cố Tiên Lãng chưa qua thì biến cố Văn Giang lại tới.

Hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (trái) và Hán Phi Long (phải) bị hành hung trong vụ cưỡng chế ở huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên ngày 24/4/2012.  Photo courtesy of nld.com

Xin ... thông cảm!

Qua đó, không những dân oan phải nếm mùi “khói lửa, máu đổ ở Văn Giang, Hưng Yên”, mà ngay cả hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long của Đài Tiếng Nói VN VOV ngang cấp Bộ cũng trở thành nạn nhân của “đòn thù”, rồi các quan chức liên hệ tìm cách bao che, chối tội.

Nhưng cuối cùng rồi thì Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, tướng Trần Huy Ngạn, cũng phải nhìn nhận sự thật về “trận đòn hội đồng” hiểm độc, tới tấp, vô cớ mà công an và lực lượng cưỡng chế Văn Giang dành cho hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long, chứ không phải “thế lực thù địch” bày ra để cố tình “bôi nhọ và làm mất uy tín nhà nước của dân, do dân, vì dân”.

Cầm đầu phái đoàn tới trụ sở Đài VOV, Thiếu tướng Ngạn phân trần rằng “việc xảy ra ngoài ý muốn, đáng tiếc và mong lãnh đạo VOV và hai nhà báo Ngọc Năm, Phi Long thông cảm”.

Không biết có ai thấy mừng vì, một cách hy hữu, một lãnh đạo công an “biết nhận lỗi” như vậy hay không. Nhưng blogger Hiệu Minh thì chỉ “mừng vừa vừa”. Qua bài tựa đề “Xin Thiếu tướng…thông cảm”, tác giả giải thích:
Blogger Hiệu Minh lưu ý rằng qua clip đánh người thô bạo ở Văn Giang, ai cũng thương cảm cho nạn nhân và phẫn nộ trước cách hành xử của phía công quyền, rồi “dấy lên hàng triệu câu hỏi tại sao, tại sao và tại sao” như vậy ? Nhưng mặt khác, tác giả nhận thấy đây chính là “bằng chứng sống” về cách giới cầm quyền cư xử với dân, “coi dân như kẻ thù”. Và tác giả nêu lên câu hỏi rằng “cảnh sát, công an ‘vì nước quên thân, vì dân phục vụ’ mà đánh dân như thế ư?
Ai đã chỉ đạo họ mạnh tay như vậy ?”.

Qua bài “Thông cảm nhé”, blogger Quê Choa mở đầu rằng:
“Sau khi Thiếu tướng Trần Huy Ngạn lên tiếng về vụ hành hung hai nhà báo: “việc xảy ra ngoài ý muốn, đáng tiếc và mong lãnh đạo VOV và hai nhà báo Ngọc Năm, Phi Long thông cảm”, hai chữ thông cảm được thiên hạ bàn tán nhiều. Bác Hiệu Minh có hẳn bài: “Xin Thiếu tướng…thông cảm”... Trong đó có một cái còm rất vui của bác Trần Cường: “Hiện tượng “thông cảm” đang có chiều hướng gia tăng trong “một bộ phận không nhỏ” quan chức nhà nước, chúng tôi đề nghị chính phủ thành lập bộ mới gọi là bộ “thông cảm” để “chia lửa” với tòa án và viện kiểm sát.”

Bao che, chối tội

Nông dân Vụ Bản bị lực lượng cưỡng chế đàn áp thô bạo hôm 09/5/2012

Qua những tuyên bố quanh co, bao che, chạy tội, né tránh công lý của các quan chức Hưng Yên, Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nêu lên câu hỏi rằng “Dân đen thì cứ đánh thoải mái hay sao?”, lưu ý rằng:
“Toàn bộ cái kiểu nói đó toát lên một điều rằng: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên (qua phát ngôn của ông Thanh) không xem hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long là hai cán bộ nhà nước, là hai đồng chí, là dân lành và tối thiểu là hai con người bị quân lính mình hành hung một cách vô cớ. Các vị vẫn tiếp tục, giống như những kẻ thủ ác là quân lính của mình, xem hai nạn nhân ấy là kẻ thù địch cần kiên quyết đấu tranh đến cùng, chối cãi đến cùng tội lỗi đã lỡ gây ra để bao che cho cấp dưới hung bạo đầy thú tính của mình. Các vị thấy việc bao che cho những kẻ thủ ác hung bạo đó cần thiết hơn là đem công lý đến cho hai nạn nhân là đồng chí của mình. Với hai người cộng sản là đồng chí với mình mà các vị còn đối xử như vậy thì thử hỏi làm sao người ta tin rằng các vị đối xử với người dân đen không như cỏ rác, không như thù địch?”

Cảnh lực lượng võ trang của nhà nước, từ công an tới dân phòng, tấn công người dân một cách thô bạo, vô cảm – mà trong trường hợp này là 2 nhà báo Ngọc Năm và Phi Long nhận “trận mưa đòn (thù) đấm, đá, lên gối, vụt dùi cui, thúc gậy… - khiến Biên tập viên Nhà xuất bản Giáo dục VN Đào Tiến Thi viết “Một bức ngỏ…” gởi ông Nguyễn Khắc Hào, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, lưu ý rằng:
 “Chắc anh thừa hiểu, ngay cả khi họ phạm tội, cảnh sát cũng không có quyền đánh như thế, huống chi họ tay không và không có biểu hiện chống đối nào. Cách đánh người ấy chỉ có ở thời trung cổ, còn nếu thời hiện đại thì chỉ thấy xảy ra dưới chế độ diệt chủng Pôn-pốt hồi 1975 – 1978. Những hình ảnh mồ mả bị quật tơi bời sau cuộc cưỡng chế mà TS. Nguyễn Xuân Diện chụp được chiều 30-4 cũng chỉ có thể hiểu là hình ảnh trả thù kiểu trung cổ mà thôi.”

Blogger Văn Công Hùng xem cái clip đánh người tàn độc ấy mà không chịu nỗi, phải “ vừa xem vừa nhắm mắt”. Nhà thơ Văn Công Hùng nêu lên câu hỏi “Sao ác thế các bạn?”, với tâm trạng lẫn lộn vừa “đầy căm phẫn” vừa “ thương các bà mẹ của các chiến sĩ công an kia vì các bà đã đẻ ra những người con quá ác”. Rồi tác giả tâm sự với hai đồng nghiệp Ngọc Năm và Phi Long:
“Ôi các đồng nghiệp của tôi, tôi đang hình dung có thể các bạn đang bị trên đe dưới búa. Nhưng dù đe hay búa cũng quyết không được để bị sỉ nhục. Tôi cho là vết thương thể xác (dù là tôi thấy hôm ấy các bạn bị oánh đau lắm, cả 2 không hề chống cự còn bên kia thì vũ khí chuyên nghiệp, đòn đánh chuyên nghiệp và lòng hận thù còn hơn hận thù giai cấp) có thể được bệnh viện chữa lành sau khi các bạn được các y bác sĩ cấp cứu, nhưng còn vết thương tâm hồn thì sẽ không bao giờ có thể phai.
Sao cùng con người với nhau mà lại có thể ác với nhau thế. Và qua những gì đã xảy ra thì rõ ràng là ở đây không có sự đánh nhầm, mà có chủ ý hẳn hoi, bởi các bạn tác nghiệp, có thẻ nhà báo, thế mà sau khi bị đánh còn bị còng tay áp giải? và sau đấy thì phó chủ tịch tỉnh (nghe nói có làm thơ nữa?) báo cáo là clip do địch dàn dựng và có sự tiếp tay của các thế lực thù địch? Dễ nhất là đổ cho dân là thế lực thù địch.”

Đánh dân như đánh kẻ thù

Một phụ nữ bị lực lưỡng cưỡng chế đất huyện Vụ Bản, Nam Định đánh ngất xỉu nằm trên đường hôm 09/5/2012.


Khi “Nghĩ về ngành công an, từ vụ hai nhà báo bị đánh ở Văn Giang”, tác giả Minh Đoàn thật sự bức xúc và không hiểu nỗi tại sao họ có thể “ra tay tàn bạo” như thế, đánh “hội đồng” tàn bạo như thế với những người tay không, không hề có biểu hiện nào sai trái, không hề có ý chống cự ?

Tác giả tin chắc là các nhân viên công an kia động thủ hung bạo như vậy không phải phát xuất từ quyền lợi cá nhân, từ “phong bì” của phía đầu tư hay từ nhiệm vụ cụ thể của cấp trên là “phải đấm, đá hết cỡ bất cứ ai”, mà theo cái nhìn của tác giả, những “đòn thù” đó có tính cách “tự phát” một cách máy móc, quen thuộc” tôi đấm, anh đá, nó thọc gậy…”. Tác giả Minh Đoàn nêu lên câu hỏi “vậy thì tất cả do đâu?”, rồi bày tỏ nỗi băn khoan, lo sợ:
“Phải chăng những hành động vô nhân tính một cách “bộc phát, hồn nhiên, vô tư” trên của một số công an viên xuất phát từ khâu tuyển chọn, đào tạo, giáo dục, rèn luyện của ngành công an? Phải chăng đã có sự xóa nhòa, đánh đồng giữa người dân vô tội và bọn tội phạm, trong ý thức, trong cách nhìn nhận của nhiều công an viên ?
Phải chăng thói quen bạo hành, trấn áp, đánh người đã trở nên quen tay, trở thành nhu cầu, trở thành thành tích của không ít công an viên - khiến họ không còn phân biệt được đâu là dân (phải tôn trọng, lễ phép), đâu là kẻ thù (phải kiên quyết, khôn khéo) như cụ Hồ đã từng căn dặn? Nên nhớ trên thế giới không ai gọi tên ngành công an là công an nhân dân như ở VN, điều đó nói lên điều gì?...Bởi với tình trạng trên, rồi đây bất cứ ai trong chúng ta (kể cả người thân của các công an viên) cũng sẽ có lúc trở thành nạn nhân của thói vô cảm, tàn bạo trên.”

Qua bài “Công dân, con người và con chó…”, blogger Phair Zios có nhắc tới nhà báo Võ Văn Tạo với bài viết tựa đề “Nhà báo VN khổ HƠN…chó!” với câu hỏi kết còn bỏ ngỏ rằng “Nhà báo VN khổ HƠN…chó, nói thế có ngoa không ?”. Tác giả Phair Zios hiểu chó ở đây với tự loại là một tính từ, dùng để mô tả nhà báo “mang thân con người nhưng mà lại khổ như chó” khi “quyền công dân không có, quyền con người cũng không”. Nhưng, theo tác giả, cũng may mà hai nhà báo nạn nhân vừa rồi có “gắn mác VOV”, chứ nếu là nông dân chân lấm tay bùn thì liệu ai đi trả lại quyền con người cho họ ?

Tác giả lưu ý rằng “thực tế là nhiều người đã ngang nhiên bị tước đi quyền người một cách tức tưởi, mà rất ít người dám lên tiếng. Dù chỉ là tiếng “ẳng” ngẹn ứ. Vì ai cũng sợ đau, sợ những đòn thù hèn hạ”.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
------------------------------

2012-05-07




No comments:

Post a Comment

View My Stats