BBC
Cập nhật: 23:32 GMT - thứ năm, 24 tháng 5, 2012
Báo cáo thường
niên về nhân quyền thế giới của Bộ Ngoại giao Mỹ, vừa công bố thứ Năm 24/5, nói
chính phủ Việt Nam "tiếp tục dùng các điều khoản an ninh quốc gia và chống
vu khống rộng khắp để hạn chế" tự do ngôn luận, trong đó có tự do báo chí.
Các phóng viên
nước ngoài vẫn phải đóng ở Hà Nội, ngoại trừ một trường hợp ngoại lệ của một
phóng viên chỉ tường thuật chủ đề kinh tế thì được sống ở TP. HCM, theo phúc
trình nhìn lại một năm ở Việt Nam.
Phúc trình cho biết các phóng viên nước ngoài
phải xin lại visa mỗi ba hay sáu tháng. Số lượng nhân viên nước ngoài cũng bị
hạn chế, và nhân viên người Việt phải đăng ký với Bộ Ngoại giao.
Thủ tục thuê
phóng viên, người chụp ảnh là người Việt được nói là "tiếp tục nhiêu khê".
Nhiều phóng viên
cho các hãng nước ngoài cho hay họ bị an ninh quấy rầy, đe dọa không cấp visa
nếu "còn làm các tin về chủ đề nhạy cảm".
Báo cáo của Mỹ
cũng đề cập các trường hợp cây bút người Việt bị "tấn công hoặc đe
dọa" trong năm qua.
Nói về báo chí
chính thống, phúc trình cho biết "tổng biên tập trang web Sài Gòn Tiếp Thị
bị buộc rời chức vụ sau khi đăng những bài nhạy cảm cuối năm 2010".
Theo phía Mỹ,
ông Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập và là tổng biên tập trang VietnamNet,
"bị gây sức ép phải từ chức" tháng Hai năm ngoái.
Tự do Internet
Báo cáo nói mặc
dù người dân ngày càng dễ tiếp cận Internet hơn, nhưng chính phủ "theo dõi
email, tìm những từ nhạy cảm, và kiểm soát nội dung Internet".
Về các điều luật
và quy định, Mỹ ghi nhận các công ty Internet toàn cầu mở blog hoạt động trong
nước phải báo cáo với chính quyền sáu tháng một lần. Nếu được yêu cầu, họ phải
cung cấp thông tin về các blogger.
Phía Mỹ cho biết
chính phủ Việt Nam "dường như dỡ bỏ hầu hết hạn chế đối với trang web VOA,
mặc dù tiếp tục chặn RFA trong phần lớn thời gian".
"Trang web
BBC tiếng Việt và tiếng Anh có những lúc bị chặn trong năm," theo báo cáo.
Báo cáo cho biết ít nhất chín blogger bị bắt trong năm
qua, và nhắc đến trường hợp các thanh niên Công giáo tại tỉnh Nghệ An bị bắt.
Cũng trong ngày
24/5, bốn trong số những người này đã bị các mức án khác nhau trong phiên tòa
một ngày ở Vinh, Nghệ An.
Về tự do học
thuật, Mỹ ghi nhận các học giả nước ngoài "được phép thảo luận các chủ đề
phi chính trị một cách rộng rãi và tự do trong lớp, nhưng người quan sát của
chính quyền thường xuyên dự các lớp của cả người nước ngoài và người
Việt".
Các ấn phẩm học
thuật "thường phản ánh quan điểm của Đảng Cộng sản và chính phủ". Các
tổ chức khoa học kỹ thuật vẫn bị cấm không được "công khai chỉ trích chính
sách của Đảng và nhà nước".
Giới nghệ sĩ
"được phép có nhiều quyền chọn chủ đề tác phẩm hơn so với các năm
trước", trong khi các đại học cũng có thêm tự chủ đối với các chương trình
hợp tác và trao đổi quốc tế.
Báo cáo nhắc đến
sự trấn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hè 2011, với ví dụ đoạn phim
trên mạng cho thấy cảnh Đại úy Minh, một công an thành phố Hà Nội, đạp vào mặt
người biểu tình.
Phía Mỹ cho hay
ban đầu người này bị tạm đình chỉ công tác, nhưng sau đó đã được phục chức.
Báo cáo cũng cho
rằng vào tháng 11, "an ninh mặc thường phục đã đánh và tạm giữ khoảng 30
học viên Pháp Luân Công" khi họ biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc ở Hà
Nội.
Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm
24/5 nói các vấn đề nhân quyền lớn nhất tại Việt Nam là sự hạn chế quyền chính
trị của người dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ; tăng cường biện pháp
hạn chế tự do dân sự; và tham nhũng trong hệ thống tòa án và cảnh sát.
Việt Nam chưa
đưa ra phản ứng, nhưng báo cáo của Mỹ viết "chính phủ chỉ trích hầu hết
các tuyên bố về nhân quyền và tôn giáo của các tổ chức phi chính phủ và chính
phủ nước ngoài".
No comments:
Post a Comment