Wednesday, 2 May 2012

GS NGUYỄN NGỌC BÍCH: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4




02.05.2012

Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.
Tiền Vệ
_______

GS NGUYỄN NGỌC BÍCH: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4

Để mở đầu, cám ơn Thanh Bình và Tiền Vệ đã nghĩ đến tôi và cho tôi một cơ-hội phát biểu về ngày 30/4.

1/
Tôi không thuộc loại người làm việc theo ngày sinh-nhật (của người sống) hay ngày giỗ (của người chết). Đã đành là người Việt thì tôi phải biết giữ truyền-thống ngày giỗ chạp trong gia-đình (nhưng đó là chuyện gia-đình, họ hàng, tông-tộc, không phải chuyện nước) nhưng cũng là người Việt Âu-hoá, tôi cũng lại cần biết về ngày sinh của người sống (kể cả tôi hay người thân của tôi) song đó cũng vẫn là chuyện trong gia-đình, trong họ tộc, không phải của người ngoài. Vì thế nên tôi cho kỷ-niệm ngày 19/5 là một chuyện thật thối ở trong nước, nhất là khi cái ngày sinh-nhật đó là một ngày giả-tạo, một ngày sinh-nhật dổm, bịa đặt cho một mục-đích chính-trị nhất-thời mà bây giờ cả nước (dưới thời CS) phải theo thì thật là mình mất hết suy nghĩ độc-lập và dân-tộc-tính rồi!
Cũng vì lý-do trên mà tôi tranh đấu 365 ngày một năm chứ không đợi ngày Quốc-hận (hay gì gì đó) để lên tiếng, để viết bài. Vả, tôi cho mấy vụ tranh cãi về cách gọi ngày 30/4 là vô bổ. Vì quan-trọng là tấm lòng mình mà tấm lòng thường tĩnh lặng! Tĩnh lặng mà được việc mới đáng kể!

2/
Nói như Nguyễn Duy [“Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”] thì... cũng được thôi! Nhưng đó là cái nhìn của người bàng-quan, của người ngoài, có thể là “nhìn từ xa... Tổ-quốc!” Đó không phải là cái nhìn của người trong cuộc, nhất là của nạn-nhân, của 4 triệu người Việt chết hay bị thương do hai cuộc chiến-tranh do CSVN khởi động! Cũng không phải là cái nhìn của hầu hết dân-tộc ta trong 70 năm qua, từ khi người CS lên cầm quyền!
Vì đối với nạn-nhân thì có phải, có trái, có đúng, có sai, có chính, có tà! Tôi có thể chết với nụ cười trên môi, với hãnh-diện viết trên trán tôi, như Trần Quý Cáp, như Nguyễn Thái Học và 13 liệt-sĩ Yên-bái! Bởi tôi biết lẽ phải ở bên tôi! Bởi tôi biết con cháu tôi sẽ vinh danh tôi, đi theo gương sáng của tôi!
Nhưng chết nhục, chết oan như các nạn-nhân Cải Cách Ruộng Đất (không trừ một ai), các nạn-nhân Tết Mậu Thân ở Huế, các người chết trong khi ở trong tay công-an... thì họ không phải chỉ là nạn-nhân (suông), không biết ai phải trái gì! Chết như thế là chết bởi bàn tay của một lũ hết tính người, một lũ “chó má.” (Tôi xin lỗi, rất xin lỗi bạn đọc phải nói thế này! Song người Nhật cũng sẽ gọi những người tội-đồ loại đó là “chikushō,” một bọn súc-sinh, không phải là người!)
Và đây là mấy vần thơ đen... bất đắc dĩ của tôi:

“Thảm khốc thay, một chọn lựa tai hại
Bởi chú Ba Tàu Latouche-Tréville
Giờ cả nước thành một lũ ăn xin
Vẫn vêu váo, hừm, mùa Xuân đại-chướng!”

3/
Về điểm này [tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng pháo hoa kèn trống diễn binh...] thì có một chuyện khá lạ xảy ra năm nay. Trong nước hình như đã bắt đầu hết tưng bừng “ăn mừng chiến thắng” rồi. Vì ít nhất hai ấn-bản điện-tử của Sài Gòn Giải PhóngHà Nội Mới trong ngày 30/4 không có bài nổi ở trang 1 về ngày 30/4 hết. Thế có lạ không? Hay là họ đã khám phá ra rằng càng nói theo kiểu “ăn mừng chiến thắng” thì người dân càng khinh họ khi biết rằng 37 năm sau “chiến-thắng” đó, lợi-tức đầu người của người dân trong nước sẽ cần tới 159 năm nữa mới bắt kịp được với Singapore hôm nay?
Vẫn biết các trang trong của báo lề phải vẫn còn những bài lải nhải. Nhưng cũng lạ là có bài gần như ca tụng những cái chết anh-hùng của phía VNCH. Như bài nói về bà Phan Thị Báu (VC) tìm cách thuyết phục tướng Nguyễn Khoa Nam đầu hàng qua một sĩ-quan nằm vùng tên Thế Vũ. “Bà hỏi Thế Vũ: 'Lá thư tôi thuyết phục Nguyễn Khoa Nam ra sao?' Thế Vũ buồn bã nói: 'Ông ta xé nát lá thư, rải trắng trước bàn thờ Phật.'“ Rồi bài báo viết tiếp: “Đêm 30-4 rạng sáng 1-5-1975, Nguyễn Khoa Nam ngồi trên chiếc ghế bành, trước bàn thờ Phật, rút súng ngắn tự sát. Bà Phan Thị Báu cùng Thế Vũ có mặt tại hiện trường ngay lúc ấy. Chính bà đã rút khẩu súng từ người tướng Nguyễn Khoa Nam… Máu của ông ta loang ra, ướt đẫm những mảnh vụn lá thư của bà Phan Thị Báu thuyết phục ông ta đầu hàng.” Rõ ràng là một cái chết anh-hùng, từ miệng của địch!
Còn nếu hỏi về riêng phần tôi hay gia-đình bên vợ tôi (Tiến-sĩ Đào Thị Hợi) thì chúng tôi là người Bắc, đã biết quá về CS và Việt Minh từ những ngày xa xưa, đầu thập niên 1940, nên không bao giờ chúng tôi do dự trong quyết-định ra đi cả--dù không biết chắc được là sẽ đi về đâu. Thiết tưởng cho đến giờ này, chúng tôi vẫn nghĩ đó là những quyết-định sáng suốt.

4/
Đáng khen cho ông Võ Văn Kiệt là ông ta nói được một câu đáng nhớ trước khi chết [“Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”]. Nhưng cũng quá muộn, thậm chí có người nói ông chết ở Singapore cũng vì câu nói đó. Nhưng hoà-giải dân-tộc thực-sự sẽ chỉ xảy ra giữa người dân với người dân, những người mà anh Nguyễn Duy cho là “nạn-nhân” của CS cả. Bởi người dân với người dân thì làm gì có hận-thù nhau, vẫn tôn trọng “nghĩa đồng-bào”! Ngày CS sụp đổ ở nước ta (và ngày đó cũng không xa), tất cả nước sẽ nhìn ra nhau là anh em cùng một dòng máu! Lúc bấy giờ, cuộc hoà-giải sẽ “bất chiến tự nhiên thành.”

5/
Tôi không “kiến nghị” với một chế-độ do “súc-sinh” cầm đầu! Nếu có, tôi chỉ đòi hỏi thôi. Đòi hỏi nhân danh một nhân-loại có tình người, đòi hỏi cho 90 triệu dân trong nước và 3 triệu con dân đất Việt ở hải-ngoại. Và những đòi hỏi của tôi, tôi tin chắc, sẽ thành sự thật trong một ngày không xa... khi CSVN sẽ sụp đổ như một lâu-đài trên cát, không khác gì CS Liên-Xô và Đông-Âu trước đây (trong những năm 1989-91), không khác gì các nước mới sụp đổ ở Bắc-Phi năm rồi! Giữa người CS tin tưởng là chế-độ của họ sẽ vững bền mãi mãi và nhà Phật cho rằng kể cả CS cũng “vô thường” thôi thì thử hỏi, chuyện gì sẽ thành sự thật?

6/
Giữa cái vui của ông Lê Duẩn [“Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”] (khá đần độn vì đi đánh cho Nga và cho Tàu, như chính lời ông xác-nhận) và cái buồn của người miền Nam mà giờ đây đã lan tràn ra cả nước, thậm chí thâm-nhập cả vào hàng ngũ của Đảng CSVN, nhiều khi lên đến những cấp cao nhất (như ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Văn An, các ông tướng Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Nguyễn Nam Khánh, Nguyễn Trọng Vĩnh v.v.), thì thử hỏi ai có lý hơn ai?
Đất nước chỉ còn có một hy-vọng độc-nhất, đó là đặt lên vai những tuổi trẻ hôm nay, những tuổi trẻ như Việt Khang, Huỳnh Thục Vy, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân... và nhiều người còn trẻ hơn thế nữa! Họ là những con người trong sáng, không bị gánh nặng của quá-khứ đè trĩu trên vai, và đã từ lâu họ nhìn ra không còn Quốc-Cộng ở trong hàng ngũ họ nữa, chỉ còn “nghĩa đồng-bào” con Hồng cháu Lạc, con Rồng cháu Tiên!
Và những người như chúng ta, dù phải hay trái, thì trước sau cũng sẽ lần lượt ra đi!
-------------

Đã đăng:

02.05.2012
01.05.2012
30.04.2012
30.04.2012
29.04.2012
28.04.2012

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats