Friday 11 May 2012

DƯ LUẬN MỸ & LÃNH ĐẠO MỚI CỦA PHÁP (RFI & Nguyễn Xuân Nghĩa)




RFI & Nguyễn Xuân Nghĩa (Trích từ Tạp Chí Đặc Biệt RFI)

Việt Báo
05/09/2012

...cơn chấn động chính trị tại Pháp mà lan khắp Âu châu thì sẽ đẩy nước Mỹ vào một vùng bất trắc mới...

Ở Hoa Kỳ, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California, tác động có thể có của việc ông Hollande thuộc cánh tả lên làm Tổng thống Pháp trước mắt không tạo ra phản ứng quan ngại nào, ngoại trừ trên hồ sơ NATO và Afghanistan. Trong lãnh vực kinh tế, dư luận Mỹ đang chờ xem vị Tổng thống mới của Pháp cụ thể hóa đường hướng của minh. Riêng Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy, thì bị giới phân tích Mỹ ở cả hai xu hướng tả và hữu phê phán.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người dân Mỹ nói chung thì chưa mấy chú ý đến cuộc bầu cử Pháp hôm Chủ nhật vừa qua, hoặc nếu tò mò đa sự thì thấy lý thú về cuộc đời tình ái của hai ứng viên dẫn đầu. Nhưng truyền thông, các nhà bình luận, giới nghiên cứu trong đại học và các thị trường tài chánh thì theo dõi rất sát. Họ biết là Chủ Nhật vừa qua, Âu châu có một lúc năm cuộc bầu cử lớn nhỏ, tại Pháp, Hy Lạp, Đức, Ý và Cộng hòa Serbia là nơi mà hai ứng viên thân Âu châu và thân Nga có thể dẫn xứ này qua hướng khác.

- Trước mắt, buộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp sẽ ảnh hưởng ngay đến khối Euro vì hai đảng lớn của hai cánh tả hữu đang liên minh với nhau để tạm cầm quyền đã bị cử tri trừng phạt như người ta dự đoán. Nhưng cuộc bầu cử tại Pháp mới chi phối cả tương lai của  Âu châu, và đầu tiên cho sự liên kết giữa hai trụ cột kinh tế và chính trị Âu châu là Đức và Pháp.

- Thật ra, khối Âu châu mới dẫn đầu kinh tế thế giới với sản lượng là hơn 25% và sức tiêu thụ bằng 30%, nên những gì xảy ra ở đây sẽ dội ngược vào kinh tế Hoa Kỳ và cả địa cầu. Âu châu là nơi nhận hơn phân nửa lượng đầu tư hải ngoại của Mỹ; Mỹ đầu tư vào một xứ nhỏ xíu như Ireland gấp bốn lần rưỡi số đầu tư vào Trung Quốc trong 10 năm qua. Thiên hạ cứ nói đến khối BRIC của bốn nền kinh tế đang lên là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, chứ bốn thị trường này chỉ nhận có 6,4% tổng số đầu tư của Mỹ thôi. Bây giờ, trong bối cảnh kinh tế chưa hồi phục và thất nghiệp còn cao, cơn chấn động chính trị tại Pháp mà lan khắp Âu châu thì sẽ đẩy nước Mỹ vào một vùng bất trắc mới cho ngân hàng và doanh nghiệp Mỹ. Vì vậy, người ta mới theo dõi kỹ.

RFI: Riêng tại Pháp, nước Mỹ thấy thế nào việc đảng Xã hội và phe tả thắng cử?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cuộc bầu cử Tổng thống bắt trớn cho bầu cử Quốc hội vào hai ngày 10-17 tháng Sáu và đưa lên một tầng lớp lãnh đạo mới tại Pháp. Sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 16, ông François Hollande sẽ gặp Thủ tướng Đức rồi qua Mỹ bốn ngày dự Thượng đỉnh của khối G8 tại Camp David và của khối NATO tại Chicago.

- Dịp này, ông sẽ tuyên bố là cuối năm nay Pháp triệt thoái các đơn vị sau cùng ra khỏi chiến trường Afghanistan, tức là một năm sớm hơn hạn kỳ. Dù sự hiện diện quân sự của Pháp chỉ còn giá trị tượng trưng, quyết định ấy cũng gây lúng túng cho Hoa Kỳ. Sau đó, với cánh tả sẽ đại thắng trong Quốc hội Pháp, chiều hướng thân Mỹ và sát cánh với NATO mà ông Sarkozy theo đuổi từ năm 2007 sẽ thay đổi với hậu quả bất lường cho cả Minh ước NATO và Hoa Kỳ.

RFI:
Đó là về chuyện chính trị trước mắt. Về kinh tế thì các thị trường tài chính Mỹ nghĩ sao khi cử tri Pháp mãnh liệt chống lại chính sách khắc khổ và giảm chi của Âu châu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Họ thấy làn sóng ngược không chỉ tại Pháp mà ở các xứ khác kể cả Hòa Lan, vốn là đồng minh sáng giá của Đức trong chính sách giảm chi và chấn chỉnh chi thu. Vậy mà nội các Hòa Lan cũng đổ hôm 23 tháng trước vì phe cực hữu. Năm 2005, dân Pháp và Hòa Lan cũng đặt vấn đề về Hiến pháp, cho nên sự thống nhất của Liên Âu cũng đang bị đe dọa.

- Khi khủng hoảng của khối Euro chưa giảm, kinh tế Âu châu có thể lại suy trầm nữa thì chính sách khắc khổ của Đức khiến dân Âu châu mệt mỏi, đòi hỏi những biện pháp kích thích tăng trưởng như ông Hollande đã đề ra và ông Sarkozy lật đật chạy theo mà không kịp. Các thị trường tài chính đã tiêu hóa sự kiện này qua phân lời trái phiếu Pháp bỗng tăng vọt hai tuần trước, tức là khi đi vay thì sẽ trả tiền lời đắt hơn, và nay thì đã giảm chút đỉnh. Nói chung, họ không ngạc nhiên về kết quả bầu cử tại Pháp.

- Nhưng sau đó còn câu hỏi chưa có giải đáp là trong cảnh nợ nần quá nặng như vậy, Pháp và các nước tìm đâu ra tiền để kích cầu và thoả mãn người dân, nhất là khi chính trường Pháp vẫn còn tinh thần hứa hẹn vì còn tranh cử Quốc hội cho đến tháng Sáu. Câu hỏi ấy cũng đang gây tranh luận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 này tại Mỹ.

RFI: Anh có nói đến nghiên cứu của các đại học hay các học giả Mỹ về tình hình chính trị Pháp. Họ nghĩ sao về những thay đổi tại Pháp?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bên cánh tả Hoa Kỳ, người ta kết luận là xu hướng bảo thủ Pháp đang bị sụp vào trong hay "nội phá", implosion, vì mất bản sắc. Trong 54 năm của nền Đệ ngũ Cộng hòa, cánh hữu đổi tên hơn chục lần, nay hết còn theo tư tưởng của Charles de Gaulle mà cũng chả biết là muốn gì nữa khi biến thái thành chủ nghĩa quốc gia cực đoan, với sự thắng thế của Mặt trận Quốc gia và bà Marine Le Pen. Ông Sarkozy sai lầm lớn khi muốn hốt phiếu từ phía này mà từ bỏ tinh thần hội nhập Âu châu, kỳ thị di dân và nêu vấn đề về hiệp ước tự do di trú Schengen.

- Bên cánh hữu thì phê phán ông Sarkozy là bất nhất, lỡ cơ hội cải tổ để nâng sức cạnh tranh của Pháp và thoát dần chế độ bao cấp với khu vực nhà nước chiếm tới 56% tổng sản lượng quốc gia. Nhưng họ hoài nghi khả năng giải quyết của đảng Xã hội và phe tả khi nhận một di sản quá đen tối với sức ép quá lớn của các nghiệp đoàn. Dân Pháp bỏ phiếu để trừng phạt Sarkozy chứ cũng chưa rõ là cánh tả có phép lạ gì chăng, và sau một tuần trăng mật ngắn ngủi, khi nghỉ hè về, dân chúng sẽ lại biểu tình nữa vì thất vọng.

- Nói chung, trong hai tháng trước mắt thì người ta chờ xem lãnh đạo Pháp xử trí ra sao với kế hoạch giảm chi ngân sách mà các nước Âu châu đã thỏa thuận hồi tháng Ba. Nhiều phần thì đôi bên đều phải tương nhượng mà thảo luận lại về các ưu tiên và phương tiện thực hiện ưu tiên đó. Chuyện ấy sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Quốc hội Đức vào năm tới.

- Về dài thì có lẽ ta đang chứng kiến một cơn địa chấn Âu châu, vì chủ nghĩa quốc gia và quyền lợi kinh tế riêng tư của từng nước đang thách đố nỗ lực hội nhập của các nước vào một khuôn khổ siêu quốc gia, mà đa số dân chúng lại cho là nằm trong thay một thiểu số ưu tú Âu châu. Từ cánh tả qua cánh hữu, dân Pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm thiểu số này, là các chính khách, công chức quốc tế hay các ngân hàng và giới đầu tư trái phiếu. Sau đó thì làm gì, hình như chưa ai có câu trả lời, sau khi 11 chính quyền tại chức của Âu châu đã đổ, và các đảng cực hữu và cực tả lại thắng lớn kể từ bốn năm khủng hoảng vừa qua.




No comments:

Post a Comment

View My Stats