Xích Tử
Thứ Hai, 21/05/2012
Mấy hôm nay trên một số tờ báo lại rộ lên
việc một số trường phổ thông bậc trung học cơ sở ở Quảng Ngãi tự phát đưa vào
chương trình dạy cho học sinh những kiến thức về Hoàng Sa và Trường Sa theo
kiểu lồng ghép hoặc mỗi tuần một tiết (45 phút).
Khi được báo chí phỏng vấn, một vị lãnh đạo
của Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Ngãi cũng đã xác nhận điều này.
Một số nhà báo ăn theo kiểu cửu vạn thông
tin mưu cầu nhuận bút (cũng là tiền thuế của dân) nhanh chóng khai thác đề tài
theo hướng nhất loạt cổ súy. Trên vietnamnet, dantri, tintuc.vnn.vn, người ta
thấy một loạt bài của Thanh Hải, Vũ Trung. Nhà thơ T.T ở Quảng Ngãi cũng làm
ngay một bài vừa in trên báo địa phương, vừa trên phụ san in Thời nay của báo
Nhân Dân. Giáo sư Phan Huy Lê đăng đàn (thông tin) với ý kiến rất có trọng
lượng về việc phải đưa kiến thức Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa.
Đến đây mới vỡ lẽ
ra là cho đến bây giờ, trong nội dung giảng dạy chính thức của nhà trường Việt
Nam về lĩnh vực địa lý, lịch sử, học sinh, sinh viên chưa được học gì về phần
lãnh thỗ quốc gia này cả.
Và vấn đề lại được giải quyết bằng một
phương án tự phát, thí điểm tại một (số) trường cấp trung học cơ sở ở tỉnh
Quảng Ngãi. Sự mập mờ, khó hiểu của phương án đó trước hết là chuyện tự phát,
thí điểm trong dạy học. Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, không bao giờ có hiện
tượng này. Luật lệ và thực tiễn quản lý giáo dục Việt Nam đã qui định tính
thống nhất xem như tuyệt đối về chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, giáo
án, thời khóa biểu tuần, kế hoạch các hoạt động trong năm học, giờ bắt đầu và
kết thúc mỗi buổi học và số phút của từng tiết học, lịch thi, kiểm tra thường
xuyên, tuyển sinh, tốt nghiệp... ở tất cả các bậc cấp học. Mọi sự thay đổi
chương trình, sách giáo khoa, hình thức tổ chức các hoạt động... thông qua thí
điểm đều có sự quản lý, chỉ đạo từ cấp Bộ. Các nội dung chương trình dạy học
phân cấp cho địa phương biên soạn đều phải do Sở Giáo dục – Đào tạo chủ trì, có
sự tham gia duyệt của nhiều ngành, thậm chí phải có ý kiến của lãnh đạo cấp ủy,
chính quyền địa phương. Trong hoàn cảnh
đó, việc một số giáo viên tự phát lên mạng internet để thu thập thông tin, biên
soạn bài giảng, tự ý thí điểm và tổ chức giảng day là phạm luật; công an bảo vệ
văn hóa có thể vào cuộc xử lý ngay.
Trong tường thuật sự việc ở Quảng Ngãi, các
bài báo lấy tài liệu từ một trường trung học cơ sở ở huyện Tư Nghĩa – Trường
trung học cở sở Nghĩa Hà. Một thắc mắc không thể tránh được là tại sao việc
giảng dạy lại tổ chức ở bậc trung học cơ sở; còn những bậc học khác trong hệ
thống giáo dục “quốc dân” thì sao?
Cuối cùng, cũng có thể phải được làm rõ là
tại sao hiện tượng này lại tự phát, thí điểm ở Quảng Ngãi, trong khi về mặt hành
chính, Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng và Trường Sa thuộc Khánh Hòa? Nếu nói đặc thù của
Quảng Ngãi là nơi phát tích của Hải đội Hoàng Sa cũng không hoàn toàn đúng, vì
trong lịch sử, tùy theo từng năm, các hải đội được thành lập bằng cách lấy
người luân phiên từ Thừa Thiên đến Bình Thuận.
Những điểm không minh bạch trong giải thích
thông tin đó làm cho tính thuyết phục của việc phản ánh báo chí về hiện tượng
này yếu đi.
Tuy nhiên, khi các tác giả cố gắng khai
thác đề tài, xem như phô diễn tính mới của thông tin, thể hiện lòng yêu nước và
tiện thể kiếm nhuận bút, họ không hiểu rằng những cố gắng đó, trong sự không
hợp lý của các yếu tố liên quan của cảnh huống giáo dục, làm cho sự hiểu biết
của họ thấp đi.
Để khắc phục, họ có thể đi xa hơn, chẳng
hạn như kiến nghị chính thức đưa hiện tượng tự phát, thí điểm này thành công
khai, phổ biến, với thái độ dũng cảm tường minh rằng khi dạy cho học sinh về
Hoàng Sa, Trường Sa, cần làm cho các em hiểu được thực trạng là một phần lãnh
thổ của nước ta đã bị xâm lược từ 19/1/1974, rằng Trung Quốc chính là kẻ xâm
lược ấy; từ đó, khơi gợi cho các em tự giải thích một nan đề của
lịch sử dân tộc khi chúng ta phải gọi kẻ đang xâm lược mình là bạn bè tốt, đồng
chí tốt; ta với họ đang có quan hệ láng giềng, hữu nghị, có đến 16 chữ vàng to
tướng.
Xích Tử
No comments:
Post a Comment