Ngô
Nhân Dụng
Tuesday,
May 01, 2012 6:27:53 PM
Mấy năm trước tôi có dịp trò chuyện với một anh công an trẻ về
“kinh tế tri thức.” Tôi cố giải thích với anh rằng không có dân chủ tự do thì
kinh tế tri thức không phát triển được.
Tôi
ước ao anh bạn này, và các bạn sinh viên ở Việt Nam hãy đọc bài báo trên tờ
Economist trong tuần vừa qua, về “Cuộc
cách mạng công nghiệp thứ ba.” (The third industrial revolution.)
Cuộc cách mạng công
nghiệp thứ nhất bắt đầu ở thế kỷ 18, khi các xưởng dệt ở Anh quốc dùng máy làm
việc thay sức người. Ðầu thế kỷ thứ 20,
công ty Ford làm cách mạng lần thứ nhì, chế tạo xe bằng phương pháp dây
chuyền. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ
ba đang diễn ra, do ảnh hưởng hỗ tương của nhiều hiện tượng: Tạo ra những
vật liệu mới, phương pháp sản xuất mới, tổ chức việc sản xuất và phân phối theo
lối mới.
Nghiên
cứu, đầu máy của kinh tế tri thức, càng quan trọng hơn trong việc chế hóa. Ở Mỹ
hiện nay kỹ nghệ chế hóa (manufacturing) chỉ đóng góp 11% trong tổng sản lượng
nội địa; nhưng trong số tiền tiêu để nghiên cứu, phát minh, canh tân, thì 68%
được dùng cho công nghiệp chế hóa. Người ta đầu tư vào trí não. Hiện nay số sản
xuất hàng chế hóa của Mỹ và Trung Quốc trị giá ngang ngửa nhau; nhưng bên Mỹ
người ta chỉ dùng đến một số nhân công nhỏ bằng 10% số công nhân bên Tàu; nghĩa
là mười người Tàu làm ra bằng một người Mỹ. Trong tương lai, việc sản xuất hàng
loạt sẽ lỗi thời, thay thế bằng phương pháp sản xuất theo nhu cầu, sở thích
từng khách hàng. Chi phí vật liệu sẽ giảm bớt vì các vật liệu mới ra đời vừa
rẻ, vừa nhẹ, vừa bền cứng hơn. Sản xuất một món hàng ở Mỹ hay ở Trung Quốc cũng
không quan trọng nữa vì tỷ lệ chi phí về nhân công không đáng kể (hiện nay
trong giá một cái iPad 500 đô la chỉ có 33 đô la trả cho công nhân khắp thế
giới, mà trong đó lại chỉ có 8 đô la cho người Trung Quốc làm những việc dễ
nhất). Tất cả các sáng kiến mới này không phải do một nhóm người nào nghĩ ra.
Ðó là do đóng góp của rất nhiều người qua mạng Internet, chia sẻ ý kiến và phát
minh trong một hệ thống mở, giống như Facebook vậy.
Một
thí dụ, là công ty Quirky ở thành phố New York. Công việc của nó là biến sáng
kiến của người khác thành sản phẩm bán được. Một học sinh trung học ở Milwaukee
đưa sáng kiến đầu tiên lên mạng Quirky, về một con chấu cắm điện, có thể dùng ở
Mỹ, Âu Châu, Á Châu, Úc, vân vân, vì lỗ để cắm điện mỗi nơi khác nhau. Cậu học
sinh tên là Jake Zien đã vẽ kiểu một con chấu có thể dùng ở bất cứ nơi nào trên
thế giới, tiện hơn những cái đang bán trên thị trường. Quirky đem chế thử rồi
đưa lên mạng lưới của họ; có 709 người góp thêm ý kiến về vẽ kiểu, vật liệu,
nghiên cứu thị trường, ước định giá cả, hệ thống phát hành, vân vân. Sau cùng,
cái đầu cắm được đưa cho nhà máy sản xuất, với giá dưới 30 đô la Mỹ. Tới Tháng
Tư năm 2012, đã hơn 200,000 người mua. Những người góp ý kiến được chia 30% số
tiền công ty Quirky thu về, riêng cậu Jake Zien đã được trả 124,000 đô la, và
còn sẽ được trả thêm.
Ðiều
đặc biệt trong câu chuyện trên là một “hệ thống mở” để mọi người có thể cộng
tác, chia sẻ sáng kiến, chia sẻ công trình và thành quả. Việc sản xuất trong
nền kinh tế tương lai sẽ diễn ra mô thức đó.
Một
thí dụ khác: Công ty Shapeways ở Hòa Lan, chuyên sản xuất bằng “máy in 3 chiều”
(3D-printing). Nếu chưa biết 3D-printer là cái gì thì các bạn là những độc giả
hơi “chậm tiến” hơn người ta mất mấy năm rồi. Nó giống như cái máy in laser đi
kèm các máy vi tính vậy. Máy in chỉ “đặt” mực lên trên tờ giấy, theo lệnh của
một chương trình điện toán, tạo thành chữ, thành hình hai chiều. Máy 3-D đặt
nhiều lớp chồng lên nhau, không dùng mực in mà dùng các vật liệu khác, như
plastic, kim loại, bất cứ hợp chất nào có thể làm cho hơi “lỏng lỏng.” Cứ như
vậy nó sẽ “in ra” bất cứ cái gì, như một hàm răng giả, một bộ phận tinh vi
trong máy bay hoặc vệ tinh nhân tạo, một đôi giầy hay một cây vĩ cầm; miễn là
cái họa đồ đã được mã hóa theo kỹ thuật số. Một bệnh nhân ở giữa rừng Phi Châu
cần một bộ phận tinh vi chữa bệnh tim có thể được “in” ra ngay tại chỗ, thay vì
chờ một công ty ở Ðức chế tạo, đóng gói, gửi máy bay chở qua. Công ty Shapeways
ở Hòa Lan năm ngoái bán ra khắp thế giới 750,000 sản phẩm chế theo phương pháp
3-D, và số thương vụ còn gia tăng. Phương pháp “in 3-D” đã được phát bằng sáng
chế từ năm 1986, đến nay ngoài những máy dùng trong kỹ nghệ giá hàng triệu đã
có loại máy 3-D cá nhân bán với giá mấy ngàn. Năm 2010 mới có gần 6 ngàn người
mua, năm sau số tiêu thụ đã lên gần 24 ngàn máy 3-D cá nhân. Shapeways được gọi
là một “cộng đồng chế tạo trên mạng” (online manufacturing community) bởi vì
người ta có thể upload (gửi) họa kiểu (design) món hàng mình cần tới, được cho
biết ngay giá cả, tùy theo muốn làm bằng vật liệu nào. Người “mua” có thể rao
bán món hàng đó trên cùng mạng lưới, món hàng có thể được thay đổi tùy theo ý
kiến của khách hàng mới, vân vân.
Hai
câu chuyện trên đây cho thấy việc sản xuất và tiêu thụ đang thay đổi. Mọi người
cộng tác với nhau, trên những mạng mở cho công chúng. Xin kể một thí dụ thứ ba,
về việc phát minh những vật liệu mới.
Một
nhóm nhà nghiên cứu tại Ðại Học MIT đang tìm cách dùng vi khuẩn chế ra những
vật liệu mới, sau khi quan sát những vỏ sò. Giáo Sư Angela Belcher thấy chính
các vi khuẩn đã dùng các chất dưới đáy biển mà biến chúng thành những hợp chất
rất cứng, như vỏ con bào ngư. Diễn trình này xẩy ra 500 triệu năm trước đây.
Nhóm nghiên cứu của bà đã cố dùng những vi khuẩn vô hại này tạo ra những chất
liệu mới dùng trong kỹ nghệ. Hiện họ đã thành công và áp dụng vào nhiều ngành
công nghiệp, thí dụ, làm pin (battery). Từ các phát kiến đó bà Belcher đã lập
ra hai công ty để dùng vi khuẩn trong việc chế ra những vật liệu. Trong nhóm
này, ông Gerbrand Ceder đã dựng ra một tổ chức cung cấp tin tức về đặc tính của
các vật liệu trên mạng, với mục đích trao đổi hoàn toàn miễn phí. Bao nhiêu
người hăng hái tham dự trong vòng ba bốn tháng mạng này đã đăng tải các tính
chất của 20,000 chất khác nhau. Thay vì phải đi tìm nhau, các nhà nghiên cứu có
thể lên mạng và tìm thấy những chất gì mình cần, nếu hợp với chất khác thì kết
quả ra sao.
Cộng
tác qua Internet không phải chỉ ích lợi trong kinh tế, mà còn mang lại những
kết quả lớn không ngờ trong cả công tác từ thiện nữa.
Hiện
nay các tổ chức cứu trợ quốc tế đang sử dụng một mạng tên là Ushahidi, để thu
thập, phổ biến và cập nhật các tin tức cần thiết khi muốn đối phó với các thiên
tai. Ushahidi do bà Ory Okolloh, người Keynia lập ra năm 2008, sau những cuộc
bạo loạn xẩy ra và nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp. Biết rằng các con số trên báo
chí không đầy đủ, bà dùng blog của mình kêu gọi mọi người dân Kenya cho thêm
các tin tức mới. Số thông tin tràn ngập, bà Okolloh phải mở ra một diễn đàn
mạng (platform), và chỉ trong một ngày mạng Ushahidi đã nhận được đủ các thông
tin liên can đến các nạn nhân của cuộc bạo loạn. Nhiều người tham dự vào mạng,
gửi tin đến bằng điện thoại di động, cuối cùng mạng Ushahidi có những tin cập
nhật hơn tất cả các cơ quan truyền thông và chính quyền. Năm 2010, khi cuộc
động đất ở Haiti xẩy ra, anh Patrick Meier ở Mỹ đã dùng mạng Ushahidi để thiết
lập một trung tâm thông tin mới, Ushahidi-Haiti, chỉ trong vòng mấy giờ là được
người Haiti gửi cho bao nhiêu tin tức, hàng trăm người giúp việc thông dịch và
kiểm tra các thông tin, nhờ thế các cơ quan cứu trợ quốc tế có thể điều hợp
việc cứu trợ dễ dàng hơn - mặc dù anh Meier ở cách xẩy ra nơi động đất 2,500
cây số.
Qua các thí dụ trên,
người ta thấy một hiện tượng chung: Người tiêu thụ tham dự việc sản xuất và
phân phối; chính các nạn nhân tham dự vào việc cung cấp dịch vụ cứu trợ.
Internet đang thay đổi thế giới; cả nền kinh tế lẫn việc quản lý công tác xã
hội, mà yếu tố quan trọng nhất là sự tham dự của đông đảo mọi người. Ðiều kiện thiết yếu là người ta được sống
trong những không gian mở rộng, được tự do tham dự và trao đổi thông tin.
Ðó
là đời sống bình thường của loài người, trong tương lai. Nhờ sống trong những
hệ thống mở, kinh tế sẽ tiến bộ nhanh, vì bao nhiêu bộ óc sáng tạo được quy tụ,
phối hợp trên các mạng, việc kinh doanh sẽ dễ dàng hơn vì người tiêu thụ cũng
tham gia trong việc sản xuất. Các tổ chức xã hội, các cơ quan chính quyền sẽ
đáp ứng nhu cầu của “người tiêu thụ” một cách nhanh chóng và thích nghi hơn.
Ðiều
kiện quan trọng nhất là mọi người được kính trọng, được cho phép tham dự vô
điều kiện. Ðó là căn bản của các chế độ tự do dân chủ.
Trong
khi cả thế giới đang tiến tới ào ào, nhờ các mạng lưới mở cho mọi người tham dự
và cộng tác với nhau, thì ở một số nước chậm tiến người ta vẫn còn kiểm duyệt
và cấm đoán những phương tiện truyền thông xã hội, như Facebook, Twitter, vân
vân. Ðọc bản tin về cuộc đấu trí giữa giới trẻ ở Trung Quốc với nhà cầm quyền,
khi họ tìm cách ngăn chặn các thông tin về Luật sư mù Trần Quang Thành, chúng
ta không chỉ thấy buồn cười mà còn lo cho tương lai nước Trung Hoa. Cứ lo cấm
đoán, ngăn chặn các mạng lưới trao đổi thông tin như vậy thì bao giờ người ta
mới tiến được?
Dân chủ là điều kiện thiết yếu để phát triển, cả về kinh
tế lẫn xã hội.
Các chế độ độc tài thường nại cớ rằng dân chúng còn chưa đủ trình độ để bắt đầu
dân chủ hóa. Nhưng nhìn sang một nước như Keynia, trình độ dân của họ có khá gì
hơn dân Việt Nam hay Trung Quốc hay không? Tại sao người ta để cho dân được
sống tự do hơn? Nếu không bắt đầu dân chủ hóa, thì đến bao giờ dân một nước mới
đủ trình độ để sống tự do dân chủ?
Giống
như một cô gái than, “Bố mẹ cháu cứ hỏi bao giờ cháu mới chịu lấy chồng. Nhưng
hôn nhân là một quyết định phải tính toán cẩn thận. Cháu nghĩ nếu mình không
biết cho rõ thì thà rằng đừng quyết định vội vàng.” Tôi hỏi: “Cháu có biết bơi
không?” “Cháu đã tập bơi trước khi vượt biên.” “Thế thì chuyện lấy chồng cũng
giống như tập bơi vậy. Nếu không nhảy xuống nước thì không bao giờ biết bơi
cả.”
Dân
chủ hóa cũng giống như tập bơi lội. Nếu không nhảy xuống nước thì không bao giờ
biết bơi. Dân chủ hóa cũng giống như lập gia đình, cứ chờ mãi thì sẽ không bao
giờ sinh con đẻ cái!
Nhưng
có một điều khác biệt, là nhiều người có thể quyết định không lập gia đình,
sống độc thân suốt đời vì lý tưởng tôn giáo chẳng hạn, mà vẫn sống hạnh phúc.
Nhưng một quốc gia thì không thể nào không bước qua tiến trình dân chủ hóa. Vì
nếu người dân không được tự do thì kinh tế không thể phát triển được.
Kinh
tế thế giới đang thay đổi lớn, trong vòng một thế hệ nữa cuộc cách mạng công
nghiệp thứ ba sẽ khiến các mô thức kinh doanh hiện nay trở thành lỗi thời hết.
Các nước chậm chân trên đường dân chủ hóa sẽ chịu cảnh lạc hậu mãi mãi. Ðại Học
Kỹ Thuật Vaal ở Nam Phi đã mở một khoa cho các sinh viên dùng máy in 3-D học
nghề họa kiểu và sản xuất; họ đang mở thêm một chi nhánh tại miền quê. Không
biết bao giờ các sinh viên Việt Nam mới được dùng các máy đó trong phòng thí
nghiệm?
.
.
.
No comments:
Post a Comment