Sunday 13 May 2012

CUỘC CHIẾN ĐẤT HIẾM VỚI TRUNG QUỐC (Jane Nakano)




Jane Nakano
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế

Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆTNAM
Posted by basamnews on 13/05/2012

TTXVN (Oasinhtơn 9/5) Ngày 2/5, nhà nghiên cứu Jane Nakano của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có bài phân tích về những căng thẳng xung quanh vấn đề đất hiếm và sự độc quyền của Trung Quốc, với tựa đề “Căng thẳng ngày càng tăng về sự độc quyền đất hiếm của Trung Quốc . Bài viết đăng trên trang web của Trung tâm Đông – Tây. Sau đây là nội dung bài viết.

Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu – ba nhà tiêu thụ chính nguyên liệu đất hiếm của Trung Quốc – đã chính thức khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng Ba về việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Mấy tuần sau đó, Trung Quốc thông báo cho WTO về mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành này. Một số nhà phân tích nghi ngờ liệu đây có phải là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm phá vỡ các khiếu nại của quốc tế bằng việc đề ra một thỏa thuận có tính chất độc quyền nhằm kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. Có người thì băn khoăn liệu đây có thể là một bước đi nữa trong cuộc tranh cãi đang leo thang với Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm trên toàn cầu.

Việc lập ra một hiệp hội công nghiệp không nên coi là điều đáng ngạc nhiên. Động thái này phù hợp với các nỗ lực đang diễn ra của Trung Quốc nhằm củng cố ngành đất hiếm ở trong nước, vốn đi cùng với sự xuống cấp về môi trường và khai thác bất hợp pháp. Quy trình sản xuất đất hiếm truyền thống ở Trung Quốc sử dụng axít độc hại để lọc, và sự hiện diện của các nguyên liệu phóng xạ như Thorium trong đất hiếm tạo ra nhiều nguy cơ cho thợ mỏ. Thực tế, sự gia tăng kiểm tra và thực thi các tiêu chuẩn về môi trường trong các quá trình sản xuất đất hiếm vào cuối những năm 1980 đã dẫn đến chi phí quá cao, khiến các mỏ sản xuất ở ngoài Trung Quốc không thể trụ vững.
Mặc dù đất hiếm – loại nguyên liệu gồm; 17 nguyên tố và là thành phần chủ chốt trong nhiều sản phâm công nghệ cao như điện thoại di động thông minh, pin chạy ôtô hybrid, hệ thống lade dùng trong quân sự – không phải là hiếm, Trung Quốc hiện chiếm 90% nguồn cung toàn cầu. Khi xã hội Trung Quốc có ý thức hơn về các hậu quả môi trường do phát triển kinh tế nhanh chóng – và ngành đất hiếm chỉ là một trong rất nhiều ngành thuộc số này. Trung Quốc áp dụng một loạt các biện pháp để khắc phục điều kiện tiêu cực trong ngành, như áp hạn ngạch sản xuất năm 2001 và hạn ngạch xuất khẩu vào giữa những năm 2000.

Hạn ngạch xuất khẩu trong những năm đầu tiên nhìn chung vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc bắt đầu thắt chặt hạn ngạch xuất khẩu vào cuối những năm 2000, dẫn đến việc tăng giá đột biến đất hiếm vào đầu năm 2010. Sự thống trị nguồn cung đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc và ảnh hưởng của nước này đối với mức giá được thể hiện rõ hơn vào mùa Thu năm 2010, khi Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản sau khi xảy ra tranh chấp lãnh thổ giữa Tôkyô và Bắc Kinh đối với quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc thì gọi là Điếu Ngư, ở biển Hoa Đông.

Quyết định của Mỹ đưa vụ việc ra WTO diễn ra sau nhiều năm xem xét và những phàn nàn của doanh nghiệp Mỹ về cách hành xử của Trung Quốc trong ngành này. Oasinhtơn đã kết luận rằng chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc là cố tình làm tăng giá đối với các nhà sản xuất bên ngoài Trung Quốc, dẫn tới các lợi thế không công bằng dành cho các nhà sản xuất nội địa của nước này. Oasinhtơn cũng chỉ ra sức ép mà các hạn chế xuất khẩu này tạo ra đối với các nhà sản xuất từ Mỹ và các nước khác để khiến họ phải chuyển sản xuất và công nghệ đến Trung Quốc.

Việc nộp đơn lên WTO vào tháng Ba đã khởi đầu cho thời kỳ tham vấn giữa các nước có liên quan để tìm kiếm một giải pháp. Nếu quá trình tham vấn thất bại, tranh chấp này có thể được đưa ra một ủy ban của WTO để phán quyết – một quy trình có thể kéo dài nhiều năm. Việc khởi kiện các chính sách đất hiếm của Trung Quốc diễn ra sau khi WTO có một phán quyết vào đầu năm nay có lợi cho EU, Mỹ và Mêhicô liên quan đến các chính sách xuất khẩu của Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô như bôxít, magiê và thiếc.

Lý do bác bỏ của Trung Quốc rất nhiều khả năng tập trung vào vấn đề xuống cấp về môi trường do WTO cho phép hạn chế xuất khẩu vì lý do môi trường và y tế. Trung Quốc có khả năng cũng sẽ nhẩn mạnh rằng các chính sách hạn chế là các biện pháp “liên quan tới việc bảo tồn các nguồn tài nguyên có thể cạn kiệt”.

Tuy nhiên, Mỹ và các nước khởi kiện khác sẽ lập luận rằng hạn ngạch sản xuất của Trung Quốc có xu hướng tăng lên từ trước, trong khi hạn ngạch xuất khẩu lại có xu hướng giảm từ cuối những năm 2000.

Bất kể các thủ tục giải quyết sẽ diễn ra như thế nào, hiện chưa rõ liệu một phán quyết của WTO ủng hộ các nước khởi kiện có chắc chắn đảm bảo nguồn cung các nguyên liệu này trên thị trường toàn cầu hay không. Cho đến khi có một phán quyết như vậy – nếu vụ việc được đưa ra một ủy ban của WTO để giải quyết – sẽ phải mất từ hai đến ba năm, và nhiều cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc sẽ gần đạt đến giai đoạn đi vào hoạt động.

Ngoài ra, một số nhà phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc có thể trở thành nước nhập khẩu đất hiếm vào giữa thập kỷ này. Do vậy, giá trị cuối cùng của quá trinh giải quyết tranh chấp tại WTO có thể chỉ ở mức là một nỗ lực quốc tế nhằm tiếp tục khuyến khích Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ pháp luật trong các giao dịch quốc tế.

Nhiều chủ thể nước ngoài sử dụng đất hiếm trong chuỗi cung ứng của mình đã ý thức được sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc đối với các sản phẩm này từ nhiều năm nay. Kể từ khi Trung Quốc giảm đáng kể hạn ngạch xuất khẩu vào năm 2010, các nhà tiêu dùng nước ngoài này đã gia tăng nỗ lực để đa dạng hóa nguồn cung bên ngoài Trung Quốc.

Trong số các nước ngoài Trung Quốc có tiềm năng lớn vê khai thác đất hiếm phục vụ thương mại có Ôxtrâylia, Braxin, Canađa và Mỹ. Các nhà sử dụng đất hiếm còn phát triển công nghệ để giảm hàm lượng đất hiếm trong quá trình sản xuất, hoặc sử dụng các biện pháp thay thế đất hiếm.

Việc củng cố ngành đất hiếm của Trung Quốc gần đây có thể không phải là động thái được hoan nghênh vì nó sẽ làm tăng giá sản phẩm này. Tuy nhiên, có thể là quá hạn hẹp nếu coi đây chỉ là một biện pháp đơn giản nhằm đối phó với các đơn khiếu kiện của quốc tế về các chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc. Trên thực tế, việc củng cố ngành này có thể có nhiều, mục tiêu, như thể hiện cho công chúng trong nước thấy rằng đây là nỗ lực vừa để giảm Ô nhiễm và xóa bỏ việc khai thác bất hợp pháp, đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho các nhà tiêu thụ nội địa, và vừa khuyến khích xuất khẩu có giá trị cao hơn. Không dễ gì, và cũng không có ý nghĩa gì, để xác định yếu tố nào là quan trọng nhất.

Trong khi đó, sự căng thẳng về đất hiếm hiện nay nên được coi là sự nhắc nhở về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguôn cung, và giá trị của công tác nghiên cứu và phát triển trong việc đối phó với những thách thức liên quan đến năng lượng và tài nguyên mà xã hội phải đối mặt ngày nay./.



No comments:

Post a Comment

View My Stats