Hòa Ái, phóng viên RFA
2012-05-02
Từ
năm 2006 cho đến nay, ngày càng có nhiều công nhân ở các công ty khắp cả nước
đình công với mức độ nhiều hơn do đồng lương nhận về quá thấp, không đủ chi
tiêu cho đời sống hằng ngày.
Hầu
như tất cả các cuộc đình công này đều bị cho là trái luật và nguyện vọng chính
đáng của những công nhân trong nhiều trường hợp không được đáp ứng. Câu hỏi đặt ra là vai trò của Công Đoàn như
thế nào để bảo vệ quyền lợi của công nhân?
Lương
quá thấp
Ngày
nay nhiều người tiêu dùng ở các nước Âu, Mỹ cũng như các quốc gia khác trên thế
giới bắt gặp nhiều mặt hàng được xuất khẩu từ Việt Nam. Chẳng hạn như một đôi
giày thể thao hiệu Nike có mác “Made in Việt Nam” trong một cửa hàng sang trọng
ở Hoa Kỳ có giá 100 đô la nhưng mấy ai biết được đồng lương của người công nhân
làm ra đôi giày này chỉ tương xứng chưa đến giá trị của 2 đôi giày hiệu khi họ
nhận về trong một tháng.
Trong
xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam là một thị trường thu hút nhiều doanh nghiệp nước
ngoài vì có tiềm năng lao động rẻ. Hiện nay, lực lượng công nhân chiếm khoảng
15 triệu người và gần như đồng lương của công nhân không đáp ứng đủ cho nhu cầu
sống căn bản hằng ngày.
Trong
khoảng thời gian hơn 5 năm qua có 80% các cuộc đình công của công nhân khắp nơi
là yêu cầu tăng lương. Trong những ngày trung tuần tháng tư này, báo chí trong
nước đưa tin có rất nhiều công nhân ở khắp nơi đình công liên tiếp. Sáng 12 /4,
hàng trăm công nhân của công ty TNHH chế biến thủy sản Minh Phú ở Hậu Giang
không làm việc, yêu cầu công ty giải quyết chế độ tiền lương hợp lý.
Ngày
13/4, rất nhiều công nhân công ty TNHH Đại Minh tại Đà Nẵng đồng loạt nghỉ
việc, yêu cầu giải quyết chế độ lương bổng.
Sáng
14/4, gần 3000 công nhân của công ty TNHH IVORY Vietnam Thanh Hóa đình công đòi
chủ sử dụng lao động tăng thêm tiền trợ cấp hàng tháng. Các công nhân công ty
này cho báo Dân Trí biết nguyên nhân họ đình công là do giá cả tăng trong khi
tiền lương và tiền trợ cấp hàng tháng quá ít ỏi, không đủ chi tiêu cho cuộc
sống. Họ phải làm tăng ca hơn 50 tiếng đồng hồ/tháng thì lương của họ cũng chỉ
được 2,5 triệu/tháng mà thôi.
Trả
lời câu hỏi báo Tiền Phong hôm 26/4 vì sao công nhân - một trong những đối
tượng đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội lại hưởng thành quả lao
động ít nhất, không đủ sống, ông Mai Đức Chính-Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao
động Việt Nam cho rằng nguyên nhân là vì các chính sách, pháp luật còn kẻ hở
nên giới chủ bóc lột công nhân. Ông Mai Đức Chính nêu lên ví dụ các doanh
nghiệp lợi dụng quy định lương tối thiểu thấp, chỉ trả cao hơn mức lương tối
thiểu một chút thì nhà nước không thể xử lý được. Một trường hợp ví dụ cụ thể
cho một người ở Hà Nội phải có thu nhập hơn 3 triệu đồng /tháng thì mới đảm bảo
mức sống tối thiểu nhưng lương tối thiểu cao nhất ở khu vực này là 2 triệu
đồng/tháng, chỉ đáp ứng được 60% mức sống căn bản.
Phó
chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết nhà nước sẽ đưa ra các quy
định tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân. Lương
tối thiểu sẽ tăng lên 3,65 triệu đồng vào năm 2014 và 4 triệu đồng vào năm
2015.
Chúng
tôi trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM về
vấn đề liệu mức lương tối thiểu trong những năm tới sẽ đảm bảo cho công nhân có
một cuộc sống đầy đủ hơn hay không, luật sư Hậu cho biết như sau:
“Theo
tôi nghĩ rằng nhà nước không nên quy định mức lương tối thiểu. Bởi vì nếu mình
ghi mức lương tối thiểu sẽ trở thành lách luật. Nếu mình quy định mức lương tối
thiểu thì có một số các doanh nghiệp chỉ trả lương theo mức đó thôi. Không nên
quy định như vậy mà mình nên quy định cái khung lương theo trượt giá. Tức là
hằng năm nhà nước nên quy định trượt giá cho người lao động. Cho nên mình
khuyến khích làm sao cho cả người sử dụng lao động phải trả lương cao nhất cho
người lao động. Thế thì họ phải đủ sống thì họ mới làm việc được.”
Gần như 100% các
cuộc đình công của công nhân hiện nay được xem là trái pháp luật do quy định về
thủ tục xin phép quá rắc rối. Ông Mai Đức Chính trong buổi trả lời báo
Tiền Phong cũng xác nhận quy định về trình tự đình công của công nhân rất khó
khả thi. Hầu hết các cuộc đình công xảy ra đều bị các lực lượng công an can
thiệp, giải tán. Và kết quả của các cuộc đình công đều không đáp ứng được
nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Vai
trò của công đoàn
Một
điều quan trọng mà dư luận rất quan tâm là vai trò chức năng của tổ chức công
đoàn hầu như không được nhắc đến trong các tranh chấp quyền lợi xảy ra giữa các
chủ doanh nghiệp và công nhân lao động. Thực tế hiện nay có một số công đoàn
chuyên trách lãnh lương của công đoàn nhà nước. Bên cạnh đó cũng có một số cán
bộ chuyên trách nhận lương từ doanh nghiệp. Dù với trách nhiệm bảo đảm quyền và
lợi ích hợp pháp của công nhân và công nhân viên chức nhưng tổ chức công đoàn
khó có thể đóng vai trò độc lập.
Phó chủ tịch Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định là do cán bộ công đoàn lãnh lương cao từ doanh nghiệp nên
phụ thuộc và bênh vực cho chủ sử dụng lao động, còn đứng về phía công
nhân thì dễ bị sa thải hoặc không được ký lại hợp đồng. Ông Mai Đức Chính
cho biết sẽ có nhiều quy định mới về đình công, sẽ được bổ sung vào luật công
đoàn và Bộ luật Lao động trong thời gian sắp tới.
Luật
sư Nguyễn Văn Hậu cho biết luật công đoàn đang áp dụng hiện nay được soạn thảo
năm 1957 và năm 1990 là khá lâu và có nhiều hạn chế, bất cập không phù hợp với
giai đoạn kinh tế thị trường. Theo luật sư Hậu thì công đoàn là đại diện cho
người lao động. Cho nên trong sửa đổi lần này sẽ có công đoàn chuyên trách và
tạo nên kinh phí công đoàn lên 2%. Luật sư Hậu nói:
“Mức đóng phí lần này cũng sẽ theo quy định
hiện hành là thu phí 2% cho hoạt động công đoàn để công đoàn hoạt động sẽ hoạt
động tích cực hơn. Tức là sắp đến đây công đoàn sẽ hoạt động chuyên trách, mang
tích chất độc lập. Trong lần này sẽ sửa đổi một cách cơ bản trong luật công
đoàn. Lần soạn thảo này kinh phí không phải sử dụng cho bản thân công đoàn mà
là để bảo vệ và chăm lo phúc lợi cho người lao động.Và đồng thời để cho người
lao động gắn bó với công đoàn thì luật lần này phải làm rõ quyền lợi của người
lao động khi tham gia công đoàn và trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với
các thành viên của mình là bảo vệ quyền lợi của người lao động.”
Hơn
15 triệu công nhân trong nước đang trông chờ vào những qui định mới được sửa
đổi và bổ sung trong luật công đoàn và Bộ luật Lao động bảo vệ cho người lao
động. Cũng như luật pháp có những quy định rõ ràng về vai trò và chức năng của
tổ chức công đoàn sẽ đóng vai trò đại diện cho cả chủ sử dụng lao động và người
lao động để góp phần thúc đẩy mối quan hệ tiến bộ hơn và hài hòa hơn giữa chủ
doanh nghiệp và công nhân lao động trong thời đại công nghiệp hóa hiện nay.
Theo
dòng thời sự:
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment