16-5-2012
Tôi gửi cho DLB câu chuyện có thật 100%. Đây là câu
chuyện trong cải cách ruộng đất ở quê tôi. Nay tôi đã già rồi, nếu không viết
lại được thì e rằng câu chuyện này tôi sẽ mang về cõi âm mãi mãi.
Đầu năm 1955 đội cải cách về quê tôi, lúc đó tôi hơn 10
tuổi và cũng đủ trí khôn để nhận biết và ghi nhớ mọi chuyện. Không khí trong
làng thay đổi hẳn, chỗ hân hoan bàn tán, chỗ thầm thì xem như có việc cơ mật.
Một khi đội cải cách về là phải có địa chủ, phải có đấu tố.
Nhưng làng tôi nghèo lắm, nhà giàu nhất là ông Bá Tánh
cũng chỉ có hơn hai mẫu ruộng và đôi trâu cày. Vậy ông phải là địa chủ. Ông có
chức Bá trước tên Tánh từ hồi nào tôi không biết, chỉ biết ông chẳng làm việc
làng việc xã, chỉ thấy ông cày cấy quanh năm. Ông vốn sức vóc hơn người, công
việc đồng áng ông làm hết, bà vợ ông đau ốm quanh năm, chỉ lo được việc cơm
nước gà lợn trong nhà.
Ông bà có hai người con, anh con trai cả đoản số mất sớm,
cô vợ bỏ đi lấy chồng để lại thằng con cho ông bà nuôi khi nó còn nhỏ. Năm ấy
nó đã 13-14 gì đấy. Người con gái thứ lấy chồng xa thỉnh thoảng mới ghé về
thăm. Thằng cháu nội mồ côi ông nuôi tên Dánh tí bởi bố nó là Dánh nhớn, nó
chăn trâu cho ông. Trong đám trẻ trâu tụi tôi nó lớn hơn cả, nó là thủ lĩnh cả
nhóm và cũng là thằng đầu bầy ra mọi trò.
Đội cải cách họp bàn với cốt cán trong thôn đưa ông Bá và
mấy người nữa ra đấu tố, nhưng cần phải tìm được người nào bị ông bóc để đấu tố
ông. Khổ nỗi ông không thuê người ở, hai vụ cấy gặt người làm thuê từ nơi khác
đến, hết mùa họ nhậy tiền công rồi đi. Những người khác trong làng ông toàn
giúp họ bởi ông có đôi trâu khỏe, ông cho họ mượn trâu đổi lại người ta cấy gặt
trả công. Vì vậy chẳng ai nhận đứng ra đấu tố ông. Chỉ còn thằng Dánh tí cháu
ông, nó chăn trâu cho ông từ nhỏ đích thị nó bị ông bóc lột. Đội cải cách tìm
nó biểu nó ra đình, chẳng biết dạy bảo dụ dỗ nó thế nào nó đồng ý đấu tố ông
nội nó.
Từ hôm nó được đội cải cách dạy bảo nó khoe với bọn trẻ
trâu chúng tôi: “Từ nay tao là ông nông dân, người giàu trong làng phải gọi tao
là ông xưng con, oách không”. Tụi trẻ bọn tôi chỉ biết nhìn nó tròn mắt phục
lăn.
Hôm làng tôi đấu tố địa chủ, từ chiều du kích đi loa khắp
làng thông báo cho dân làng tối ra đình dự buổi đấu tố. Tối tháng giêng rét căm
căm lại thêm mưa phùn, mọi người co rúm lại vì rét. Trên bàn chủ tọa là đội cải
cách hai bên có du kích cầm súng oai vệ. Ông Bá bị bắt giam sau đình mấy hôm
nay. Du kích dẫn ông ra trước sân đình, ông bị trói, trên người ông bộ quần áo
nâu bạc còn nấm bùn đất. Trông dáng ông mệt mỏi, ông đứng cúi đầu trước sân
đình.
Thằng Dánh tí cháu ông được được đội cải cách huấn thị
mấy hôm nay, nó bước ra. Ông Bá sững người không ngờ kẻ đấu tố mình lại là
thằng cháu nội mồ côi của ông. Từ hôm ông bị bắt giam, ông không biết gì bên
ngoài. Bà vợ hàng ngày lê cái chân đau mang cơm cho ông nhưng du kích không cho
gặp, họ lấy cơm cho chó ăn thử, chó không chết thì ông mới được ăn, họ sợ ông
bị thủ tiêu!
Thằng Dánh tí đến trước ông Bá chỉ tay vào mặt ông dõng
dạc nói: “Bá Tánh, mày biết tao là ai không?”. Ông Bá chết lặng người, nếu ở
nhà thì tội này ông phải đánh cả chục roi. Nhưng bây giờ ông là địa chủ đang bị
các ông bà bần cố nông đấu tố. Ông không nhìn thằng cháu mà nhìn về phía bàn
đội cải cách, ông dõng dạc nói: “Thưa ông con biết ạ, ông là ông Dánh tí con
ông Dánh nhớn, mà ông Dánh nhớn là con của con ạ.” Cả sân đình bỗng ồ lên cười
nghiêng ngả, thằng Dánh tí chẳng biết làm sao đứng đực mặt ra đấy, nó quên hết
những gì mà đội cải cách dạy nó mấy hôm nay. Dưới sân đình mọi người vẫn cười,
đội cải cách bảo mấy du kích đi dẹp trật tự.
Sau câu trả lời của ông Bá, thằng Dánh tí không biết nói
gì nữa du kích đưa nó ra ngoài cho nó mấy cái bạt tai. Trong sân ông Bá quì
xuống, ông gào lên thảm thiết: “trời ơi thế này là thế nào, trên còn trời dưới
còn đất nữa không!”. Cả sân đình im phăng phắc, hai du kích chạy vào lôi ông ra
đánh ông mấy báng súng vào lưng rồi giam lại ông vào sau đình. Đội cải cách đưa
người tiếp theo ra đấu tố.
Hôm sau người ta thả ông ra vì không ai mang cơm cho ông.
Bà vợ ông nghe tin thằng cháu đấu tố ông thì lăn ra ốm liệt giường. Ông Bá về
nhà cũng nằm liệt giường hai ngày, chỉ đến khi đôi trâu bị bỏ đói phá chuồng ầm
ầm ông mới tỉnh. Thì ra sau đêm đấu tố ông, thằng Dánh tí cháu ông không dám về
nhà, nó không chăn trâu nữa. Lúc đầu ông giận thằng cháu lắm, nhưng nó bỏ đi
rồi ông mới thấy thương thằng cháu vô cùng. Nó dại dột nghe theo bọn người vô
luân làm việc vô luân thường đạo lí đấu tố ông chứ lỗi đâu tại nó. Ông đi tìm
nó khắp nơi nhưng không thấy, ông tự nhủ nếu tìm thấy ông bảo nó về chứ không
đánh. Tìm mãi mà không thấy nó đâu, nghe người làng bên bảo nó theo người công
giáo di cư vào nam. Ông vẫn mong có ngày cháu ông trở về cho đến khi ông mất.
Sau ngày đất nước thống nhất, người di cư về thăm lại
quê, họ bảo thằng Dánh di cư đi nam rồi sau đăng lính, chết trận ở đâu đó.
Câu chuyện là như vậy, tôi giữ mãi trong lòng, nay gửi
cho DLB, bạn thấy cần chỉnh sửa gì thêm thì chỉnh sửa rồi đăng trên blog của
mình. Tôi không phải là nhà văn, câu cú lủng củng mong bạn thông cảm sửa giúp,
cảm ơn bạn nhiều.
Nguồn
No comments:
Post a Comment