Connie Watson
Mạng tin “cbc.ca” ngày 26/4/2012
Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆTNAM
Mạng tin “cbc.ca” ngày 26/4 đăng bài phân
tích của phóng viên Connie Watson về mức độ mở cửa của Cuba với nội dung như
sau:
Mặc dù không diễn ra các cuộc biểu tình
kiểu “Mùa Xuân Arập”, nhưng Chính phủ Cuba đang tìm cách khai thác tinh thần
doanh nghiệp của nước này. Ông Rafael Hernandez, người đứng đầu “Temas”, tạp
chí văn hóa lớn nhất Cuba, vừa bị mất một biên tập viên khi cô này yêu một
người Canađa, kết hôn và chuyển về quê chồng. Do vậy, vài tháng trước đây,
Hernandez đã thông báo tuyển người thay thế và có tới gần 30 ứng cử viên đủ tư
cách đã nộp hồ sơ khiến ông sững sờ. Theo ông Hernandez, trước đây thường chỉ
có 3-4 ứng cử viên sẽ nộp đơn để dự tuyển vào một vị trí như vậy, bởi vì đó là
một công việc lâu dài, và cho đến gần đây, một công việc lâu dài vẫn đồng nghĩa
là một công việc chính phủ với mức lương thấp đến nỗi không đủ sống.
Tại Cuba, trong 20 năm gần đây, cách duy
nhất để kiếm đủ sống là phải cùng lúc làm một số việc theo hợp đồng. Vậy điều
gì đang thay đổi? Tại sao lại có sự quan tâm bất ngờ đến công việc tại tạp chí
của ông Hernandez? Ông Hernandez nói: “Nhiều người Cuba đang đánh giá lại tầm
quan trọng của việc có một công việc lâu dài”.. Sự đánh giá này là một dấu hiệu
của thời đại, một dấu hiệu rằng hệ thống cô lập của Cuba đang thay đổi đến mức
mà đột nhiên người lao động muốn tìm kiếm sự ổn định, cho dù được trả lương
thấp hay không.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại Cuba
không phải là Mùa Xuân Arập. Mặc dù đã 85 tuổi và không còn là Chủ tịch, nhưng
người ta có thể thấy sự hiện diện của ông Fidel Castro ở khắp mọi nơi. Tại Cuba
không có phong trào chiếm các quảng trường tại La Habana, không có hỗn loạn
trên đường phố. So với sự ồn ào của thế giới bên ngoài, sự chuyển giao quyền
lực tại Cuba khá êm ả.
Nhưng khi một nhà nước độc đảng, theo ý
thức hệ như Cuba bắt đầu khuấy động một chút chủ nghĩa tư bản, mặc dù theo
phong cách Castro, thì điều này vẫn giống như một vụ nổ có kiểm soát. Các nền
tảng đang lung lay và nó đang đánh thức người dân. Như một phần của sự cải tổ
này, một số người Cuba hiện đang tìm kiếm một công việc lâu dài, ổn định hơn;
trong khi những người khác đón nhận thách thức bằng cách tự kinh doanh. Một yếu
tố thúc đấy lớn là trong thời gian sắp tới, khi 500.000 biên chế nhà nước sẽ bị
cắt giảm. Chủ tịch Cuba Raul Castro đã tuyên bố kế hoạch cắt giảm này từ năm
2010, và dự kiến thực hiện vào đầu năm 2011, nhưng việc cắt giảm biên chế đã bị
hoãn lại 2 lần.
Đó là một dấu hiệu nữa của thời đại, Chính
phủ Cuba muốn giảm số người trong biên chế. Nhưng cho đến nay, không có đủ việc
làm cho họ tại các khu vực khác. Khu vực tư nhân, nếu có thể gọi như vậy, chỉ
vừa đứng được trên đôi chân của mình và chính quyền các thành phố, có nghĩa vụ
đón nhận số nhân công này, vẫn đang đợi ông Castro thực hiện lời hứa chuyển
giao thêm quyền lực và các dự án từ chính quyền trung ương. Chính phủ Cuba chắc
chắn không bao giờ muốn thấy hàng trăm nghìn người Cuba không việc làm, không
tiền và không có triển vọng, số người thất nghiệp lớn tại một quốc gia đã từng
hứa hẹn tạo công việc kiếm sống cho mọi công dân, sẽ trở nên khó giải quyết, và
những hậu quả có thể trở nên tồi tệ về chính trị.
Tại thời điểm này, mặc dù nhiều công chức
vẫn đang đợi bị cắt giảm, nhưng nhiều người đã thực hiện việc chuyển đổi. Abiel
San Miguel từng là một kiến trúc sư làm việc cho chính phủ, giờ đây ông ta là
đồng chủ sở hữu một quán ăn mới, đông khách tại khu vực La Habana cổ. Kể từ khi
được khai trương một năm trước đây, quán ăn mang tên “Dona Eutimia’s” đã trở
thành điếm đến ưa thích của các nghệ sĩ, nhà làm phim và nhạc sĩ của thủ đô.
Tuy nhiên, các món ăn ngon của quán này đã thu hút được bất cứ ai có đủ tiền để
ra ngoài ăn tối và làm đa dạng những thực khách của quán.
San Miguel thích rủi ro và phần thưởng là
ông ta trở thành ông chủ của chính mình. San Miguel nói: “Thành thật mà nói,
tôi không đổi nghề chỉ vì tiền, mặc dù quán làm ăn khá. Tôi yêu thích những gì
mình đang làm, và một khi bạn càng yêu công việc, thì bạn sẽ đạt được càng
nhiều thành công”.
Khái niệm “rủi ro” và “phần thưởng” của chủ
nghĩa tư bản là mới đối với đa số người dân Cuba, những người đã lớn lên dưới
chế độ độc đảng của ông Fidel và hiện nay là Raul Castro, đều đã hơn 80 tuổi.
San Miguel nói rằng nhiều đồng bào của ông chưa sẵn sàng rời khỏi “bình sữa”
bao cấp, luôn chờ đợi những ban phát của chính phủ và người dân Cuba phải thay
đổi tâm lý này. Ông San Miguel nói: “Kiểu thay đổi này sẽ mất nhiều năm và theo
tôi, tiến trình này chậm và ổn định sẽ tốt hơn”.
Hầu hết người dân Cuba cũng đồng ý như vậy.
Sau nhiều thế hệ bị kiểm soát mọi lĩnh vực của cuộc sống, người dân Cuba không
hò hét kêu gào sự hỗn loạn sáng tạo của một Mùa Xuân Arập. Họ dường như thực sự
cảm thấy rằng chính phủ đang nới lỏng và muốn chờ để xem những thay đổi có kết
quả ra sao. Cho đến nay, ông Raul Castro đã nới lỏng những hạn chế đối với việc
sử dụng điện thoại dí động và đi lại, cho phép thêm nhiều người Cuba được tiếp
xúc với thế giới bên ngoài, ông cũng cho phép những ngựời Cuba được bán Ô tô,
nhà của họ và thành lập các doanh nghiệp tư nhân. Đây đều là những yêu cầu cấp
bách của công dân, những người đã gửi thư cho chính phủ theo yêu cầu của ông
Castro. Vị chủ tịch mới thậm chí còn khuyến khích người dân Cuba khiếu nại về
những thiếu sót.
Một thay đổi đáng lưu ý khác là những người
Cuba càng trẻ thì họ càng ít kiên nhẫn với sự chậm chạp mở cửa của chế độ và ít
lo sợ về những phát biểu của họ. Đây có thể là một sự thay đổi thế hệ, liên
quan đến mức độ kết nối của những người Cuba trẻ tuổi với thế giới bên ngoài
thông qua điện thoại thông minh, máy vi tính và Internet. Họ không còn bị cô
lập về trí tuệ như cha mẹ họ.
Nhờ blog, thư điện tử và các ấn phẩm thay
thế, người dân Cuba có nhiều kênh để thể hiện mình hơn trước kia! Nhưng không
phải tất cả sự thay đổi hiện đang diễn ra tại Cuba đều nhờ vào công nghệ hiện
đại. Việc sa thải, cắt giảm biên chế và phi tập trung hóa đều có vai trò lớn.
Giáo sư đại học Julio Cesar Guanche nhận xét rằng “nếu người dân không còn phụ
thuộc vào nhà nước về công việc của họ, điều đó khiến họ tự do hơn nhiều và
khiến nhà nước ít có khả năng độc quyền áp đặt quan điểm .
Đó là dấu hiệu lành mạnh đối với một nền
dân chủ, nhưng đối với Cuba thì không. Trên thực tế, Cuba còn xa mới trở thành
một nền dân chủ và chính phủ của Castro khẳng định không có ý định tiến đến dân
chủ. Cuba vẫn là một nhà nước độc đảng, hoàn toàn kiểm soát việc lập pháp và hệ
thống tư pháp. Những người ủng hộ nhân quyền cho biết chính phủ vẫn đàn áp
những người chỉ trích và đưa họ vào tù bất kỳ khi nào họ muôn.
Nhưng rõ ràng là chính phủ đã ít kiểm soát
cuộc sống của người dân và cũng đang trao quyền kiểm soat nhất định cho các địa
phương. Quyền lực, dù là về thông tin hay thu nhập, đang chuyển từ chính phủ
sang các cá nhân tại Cuba Ông Hernandez đã ví sự chuyển giao quyền lực này như
một câu đố, với nhiều miếng ghép vẫn chưa xuất hiện, ông nói: “Người ta có thể
nhìn thấy một hình dạng khác trong câu đố, nhưng chưa biết đó là hình gì. Và
tất nhiên, mức độ giải câu đố này sẽ phụ thuộc vào việc ai đang nắm những mảnh
ghép còn thiếu”./.
No comments:
Post a Comment