Thursday, 3 May 2012

BAO GIỜ CAO NGUYÊN XANH TRỞ LẠI ? (Cafe Đắng, Danlambao)




3-5-2012

Tôi biết chỗ đó, xã Đăk Ngo, Tuy Đức, Đăk Nông trong một lần lên BBC đọc tin tức. Cái xứ "khỉ ho cò gáy" ấy bỗng nhiên được lên đài báo quốc tế. Chỉ có trên đài báo quốc tế thôi vì chắc không một Tổng biên tập báo Nhà nước nào lại đem đổi lấy chiếc ghế của mình, không một nhà báo nào tự đeo còng số 8 để viết về họ, những người nông dân đói khổ phải chạy vạy từng đồng để có tiền ra Hà Nội bày tỏ nỗi oan ức của mình với những người lãnh đạo cao cấp nhất. Đến khi không thể ở lại Hà Nội nữa, họ phải trở về với những tờ giấy tiếp nhận đơn của Văn phòng Chính phủ hay Văn phòng tiếp dân nào đó với một sự chờ đợi mỏi mòn.

Lần này, vì tiện đường đi và trong thâm tâm tôi cũng muốn đến xem chỗ đó như thế nào. May mắn là có một vài số điện thoại để liên lạc với họ. Chị Siu, một người M'nông chính gốc đã đến đón chúng tôi. Đi nửa đường, chị gọi thêm một số người nữa đến đón, có lẽ chị lo cho sự an toàn của chúng tôi khi vào trong chỗ chị.

Đoạn đường gần 2 chục cây số từ đường nhựa vào xã Đăk Ngo dù tôi không lạ lẫm với những con đường trên Tây Nguyên này lắm nhưng trên chiếc xe máy cà tàng của tôi loạng lên choạng xuống, đến nơi thì hai cổ tay tôi rã rời như sắp rớt ra. Anh Điểu X'rí, trưởng thôn dẫn chúng tôi vào ở nhờ một người dân trong bản.

Tối đó và cả sáng hôm sau, những câu chuyện họ kể làm tôi không thể nào ngủ được. Anh chủ nhà và một vài người đưa cho tôi xem một tập giấy mà họ giữ gìn như tính mạng vậy. Một tập giấy dày cộm, toàn đơn khiếu nại, giấy tiếp nhận đơn và giấy triệu tập của cơ quan CSĐT. Xem một mớ tờ giấy triệu tập của cơ quan CA huyện Tuy Đức, tôi mới biết thêm một điều mới mẻ mà trình độ hiểu biết pháp luật rất hạn hẹp của tôi chưa được biết là cơ quan CSĐT cũng kiêm nhiệm luôn cả việc giải quyết tranh chấp đất đai nữa [?].

Họ kể cho chúng tôi nghe về nỗi oan ức của họ. Biết bao giọt mồ hôi để biến từ những cánh rừng nghèo kiệt mà trước đó đã bị chặt phá hoang tàn thành những mảnh đồi cao su xanh mướt chuẩn bị thu hoạch, thành những vườn điều đang rụng trái vàng gốc. Thế mà bị một lũ người mang máy móc đến cưa ngang gốc, phá hết thành bằng địa.

Mảnh vườn sau khi bị tàn phá

Họ kể về những ngôi nhà họ sinh sống bị bọn chúng mang máy múc đến phá sập, rồi châm lửa đốt thành tro để rồi họ phải che bạt mà sống tạm bợ. Họ kể những mồ mả cha ông bị bọn chúng đập phá, san bằng.

Họ kể về những vườn mì (sắn) họ bỏ công sức ra vun trồng đến khi thu hoạch đến lạy lục van xin bọn chúng không cho mà còn chửi bới, đuổi đánh như những con chó nhà giàu đuổi một thằng ăn mày.

Họ đưa chúng tôi xem những thương tích trên người họ khi đi cày cuốc những mảnh vườn trước đây của họ đã bị ăn cướp trắng trợn rồi bị đánh.

Họ kể nhiều lắm, trong lời kể còn lăn dài những giọt nước mắt oan ức mà không biết để vào đâu.

Họ đã không còn đất đai mà làm ăn, giờ chỉ còn cách đi kiếm chỗ làm thuê cho người khác để sống qua ngày. Và họ dẫn chúng tôi đi xem những ngọn đồi trơ trụi, những mảnh vườn bị cướp phá, những ngôi nhà đã bị đốt thành tro.

Họ đưa cho chúng tôi xem những bức hình, những video họ cố gắng quay trộm những cảnh chặt vườn, đốt phá nhà cửa của bọn chúng đã làm ra. Tôi ghi nhận những điều đó trong đầu, và cảm thấy trong mình như có một ngọn lửa. Và tôi nghĩ rằng, nếu ai lúc đó như chúng tôi, chắc cũng có một trạng thái như vậy. Họ còn kể cho tôi nghe về cụ Hiền Đức khi họ ra Hà Nội và gặp cụ, người họ gọi bằng mẹ: "Ra ngoài đó có mẹ Đức chỉ bảo này kia, chứ không biết đường nào mà lần. Mẹ còn vận động giúp đỡ tiền nữa. Có lần bị tụi Công an rượt, may có mẹ giấu cho".

Cảm ơn đời, đất nước chúng ta có những người mẹ như thế! Mà bọn ăn cướp đó là ai? Đó, bọn chúng là một Phó Chủ tịch UBND huyện tay cầm loa chỉ đạo việc đốt phá, ăn cướp; là những "đồng chí" CSCĐ trên mấy chiếc xe có vạch màu xanh và đeo huy hiệu có thanh gươm và lá chắn, trên người là súng và dùi cui; là những chủ doanh nghiệp đâu đó đã mua những mảnh đất thấm đẫm bao giọt mồ hôi người nông dân đen đúa; là những tên đầu trộm đuôi cướp, nghiện hút được thuê để đi cướp đất. Bọn chúng là ai nữa, chắc nhiều lắm, tôi cũng không biết. Nếu thử đặt mình vào vị trí người dân lúc đó, chúng ta sẽ như thế nào? Họ chỉ biết nhìn và khóc, cũng có một vài người chống lại và đi tù cả năm nay chưa thấy tin gì. Họ trên tay có gì để chống lại một lũ người với súng ống, dùi cui, dao kiếm kia chứ? Họ chưa mua súng hoa cải và cài bom gas như Đoàn Văn Vươn trước đó, họ cũng không chuẩn bị nón bảo hiểm và bom cứt như những người Văn Giang mới đây. Họ có thể làm gì, ngoài những tờ đơn, những tiếng kêu oan ức mà hình như chẳng có trời mà nghe thấu.

Trong những cuộc trò chuyện, có hai người có lẽ để lại cho tôi nhiều suy nghĩ nhất.

Người góa phụ trẻ

Một người phụ nữ M'nông, có lẽ hơn 20 tuổi một chút. Chị muốn kể cho chúng tôi về người chồng bị bọn lưu manh nghiện hút được thuê giữ đất bắn chết cách đây mấy tháng nhưng chị chẳng nói được gì với tôi, vì đơn giản chị không biết nói tiếng Kinh. Còn tôi tất nhiên là không thể nào hiểu được tiếng người đồng bào M'nông.

Tôi chỉ nghe những người quanh đó nói "Anh ấy đi lên rẫy bị bọn bảo vệ công ty gì đó bắn bằng súng, chết trên bệnh viện, rồi được một đoàn CA mang về, bảo vệ nghiêm ngặt lắm (?), hơn cả cái ông già làm cách mạng từ lâu lắm chết cách đây 1-2 năm gì đó, mấy tháng nay không thấy Công an họ nói gì nữa".

Ừ, chết rồi nói thêm gì nữa, còn lại người vợ trẻ và ba đứa con nhỏ thôi..

Bác Điểu Lanh

Người thứ hai tôi muốn nhắc đến là một người lính già, bác Điểu Lanh cầm cạnh tấm thẻ Đảng viên, thẻ Cựu chiến binh, Huân chương kháng chiến chống Mỹ Hạng Nhất và một tập những lá đơn,viết tay có, đánh máy có, đầy đủ từ xã, huyện, tỉnh đến Trung ương. Tôi ngỡ ngàng "Dù gì bác cũng đã có cống hiến, người ta đối xử vậy sao?". Người lính già im lặng, chắc chẳng biết nói thế nào. Một người bên cạnh nói thêm: "Bên bản kia còn có một người nữa, đi từ thời chống Pháp kìa". Và nếu trí nhớ của tôi không quá tồi, thì cụ ấy tên là Điểu Heng, sinh năm 1926.


Tôi cố gắng tìm hiểu những người dân về mấy cái công ty đến lấy đất của người dân với mục đích trồng rừng ấy. Khi tôi đi xem, thì chỉ thấy leo ngheo vài cây keo trồng ngụy trang bên vệ đường, bên trong trồng cao su con và chủ yếu để trồng mỳ.
Tôi không hiểu tại sao chỉ có 2 xã là Quảng Tín và Đăk Ngo của huyện Tuy Đức đào đâu ra đất nhiều thế để những hơn chục công ty đến đó trồng rừng (?).
Tôi cũng không hiểu cái thằng nào nghĩ ra cái chính sách lấy hết đất đai của dân đem cho doanh nghiệp tư nhân làm ăn, vậy dân lấy đất đâu làm ăn sinh sống, chẳng lẽ họ ăn được đất mà sống hay sao?
Tại sao đến khi những người dân chân đất phải vay mượn lặn lội gần cả 2000 km ra Hà Nội mà vẫn không ai giải quyết cho họ?
Tại sao khi người dân bị bắn chết, cơ quan CA làm gì mà bảo vệ như bảo vệ một vị tướng về hưu?
Những người mang quân phục xanh vàng với 7 lời dạy của Hồ Chí Minh đâu để bọn giang hồ trộm cướp đến ức hiếp nhân dân thế?
Tại sao?
Nhiều quá, toàn những "tại sao", hay chỉ tại một ngôi sao vàng năm cánh trên lá cờ?

Người đàn ông trẻ bị bắn chết

Tôi cũng muốn viết một vài dòng cảm xúc về điều những chuyện tôi tận mắt chứng kiến ở Đăk Ngo từ lúc tôi mới qua đó. Những điều tôi viết trên đều rất chân thật, không khoa trương một chút gì. Tôi chỉ kể lại, còn rất nhiều thiếu sót những câu chuyện họ kể cho tôi, những thứ tôi nhìn thấy và cảm nhận. Nhưng khi cái cảm giác uất uất của tôi ở Đăk Ngo chưa kịp tan hết thì những hình ảnh, những video ở Văn Giang đập vào mắt tôi. Và có lẽ tôi phải đợi cảm xúc của mình lắng lại, tôi mới viết được những dòng này vì nếu viết trước đó, chắc tôi chỉ toàn viết ra những lời rất thô tục mà thôi. Và chiều qua, khi đang ngồi trong quán cafe, chị Siu gọi điện cho tôi: "Em ơi, em làm gì giúp tụi chị với, mấy bữa nay, mấy người trên này đi rẫy, bị tụi côn đồ ở HTX Hiệp Thành mang dao đuổi chém, may mà chạy được nên không sao". Chị nói thêm một câu mà tôi cảm thấy nghẹn đắng trong cổ họng: "Mọi người lại chuẩn bị ra Hà Nội nữa, có cách nào khác đâu". Tôi: "Khi nào đi hả chị?". "Chị không biết nữa, khi nào mọi người mượn được tiền thì đi, chứ bây giờ không ai còn tiền nữa". Tôi viết những dòng này vì cảm thấy tự xấu hổ, vì chị và những người ở đó đã hi vọng vào tôi một điều gì đó khi họ kể với tôi những oan ức không biết làm sao nhưng tôi đâu thể làm được cái gì giúp đỡ mọi người. Tôi viết những dòng này vì sự bất lực và hổ thẹn với chính mình.

Chia tay họ, những bàn tay chai sạn nắm chặt tay tôi như gửi cả sự chờ đợi những tờ đơn dày cộm của họ vào đó. Tôi hổ thẹn. "Khi nào có dịp em quay lại đây nhé!". Chắc chắn rồi! Tôi sẽ quay trở lại. Tôi muốn được nghe những tiếng cồng chiêng vang vọng những thanh âm rộn ràng giữa đại ngàn, được uống những chén rượu cần ngon nhất xứ cao nguyên. Mong rằng ngày ấy, cao nguyên lại xanh ngút ngàn trở lại, mảnh đất Quảng Tín, Đăk Ngo không còn chỉ là những giọt mồ hôi mặn chát, oan ức của mọi người. Những người nông dân lại mỉm cười hạnh phúc khi thu hoạch thành quả trên mảnh đất của mình không phải nơm nớp lo sợ. Những em nhỏ lại được tung tăng cắp sách tới trường thay vì phải bỏ học đi bóc hạt điều thuê kiếm ăn từng bữa. Ơn Chúa, cho ngày đó đến thật nhanh.


Café Đắng







No comments:

Post a Comment

View My Stats