Thursday, 10 May 2012

BÀN VỀ VẤN ĐỀ ĐI RA ĐI VÔ (Kami)




Wed, 05/09/2012 - 04:36 — Kami

Hôm qua trên mạng internet tôi có đọc bài viết của blogger Người Buôn Gió với tựa đề "Đêm dài Biên ải" kể về chuyện Lái Gió lại bị cơ quan An ninh chặn không cho phép xuất cảnh sang Trung Quốc với mục đích mua bao cao su về trả thù gã hàng xóm (!?). Đây là lần thứ hai blogger Người Buôn Gió bị cấm xuất cảnh, sau lần thứ nhất cách đây vài tháng blogger Người Buôn Gió từng bị chặn ở cửa khẩu sân bay khi có ý định xuất cảnh sang Thái lan. Chuyện này theo tôi nghĩ lần đầu khi bị chặn ở cửa khẩu sân bay thì blogger Người Buôn Gió có ý định đi thật, còn chuyến thứ hai thì chắc chắn tôi nghĩ là lão Lái Gió ném đá đó để dò đường, một phần cũng để trêu tức ai đó thì phải? Chứ thiết nghĩ tầm cỡ lão Lái Gió thì chắc không bao giờ mắc phải những lỗi sơ đẳng như vậy được.Description: http://tintuchangngay8.wordpress.com/wp-includes/js/tinymce/plugins/wordpress/img/trans.gif

Chuyện đi ra nước ngoài là thuộc về quyền tự do đi lại của công dân mỗi quốc gia, nó thuộc về giá trị nhân quyền phổ quát của công dân. Ngày nay ở Việt nam cũng vậy, khác với trước kia việc công dân đi ra nước ngoài với các mục đích khác nhau phục vụ cho nhu cầu công việc, làm ăn hay du lich... là chuyện hết sức bình thường. Không những thế, ngày nay đối với các nước trong khu vực Asean việc đi lại của công dân các quốc gia trong khu vực này hoàn toàn tự do, công dân được quyền miễn thị thực nhập cảnh khi nhập cảnh các quốc gia đến. Tuy nhiên ở Việt nam hiện nay quyền tự do này không áp dụng đối với các đối tượng bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nói chung và những cá nhân có biểu hiện bất đồng chính kiến hoặc có các hoạt động đe dọa tới sự tồn vong của chế độ. Nói như vậy để thấy các nhân vật là người Việt nam ở hải ngoại hồi hương về Việt nam để tiến hành tranh đấu cũng bị xếp vào các đối tượng này. Đã đấu tranh, đã hoạt động chính trị thì nhu cầu xuất nhập cảnh là hết sức cần thiết, cho dù trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì nhu cầu đi sâu, đi sát với các thành viên và đông đảo quần chúng trong nước vẫn cần thiết cho các cá nhân và tổ chức chính trị đấu tranh thực sự, không phải chính trị salon.

Do đó việc các tổ chức chính trị tổ chức một hệ thống có nhiệm vụ để đưa người trong nước ra nước ngoài và người từ nước ngoài thâm nhập Việt nam theo con đường không chính thức là một việc hết sức cần thiết và quan trọng. Khi các thành viên của tổ chức mình trong nước nếu bị lộ, có nguy cơ bị bắt giữ, thì cần thiết phải nhanh chóng đưa họ thoát hiểm đến chỗ an toàn nhất là đi ra nước ngoài, công việc này tạo sự tin tưởng cho những ai sẽ và đang dám dấn thân vào công cuộc đấu tranh. Ngược lại nếu như không có sự đảm bảo an toàn thì các tổ chức hội đoàn chính trị khó có thể lôi kéo những người tham gia hoạt động hay ủng hộ mình với số lượng như mong muốn.

Cách đây không lâu, tác giả Nguyễn Ngọc Gìa có bài viết "Các chính đảng hãy đoàn kết lại!" với nội dung bình luận về vấn đề "Có nên hồi hương tranh đấu?" của ông Lâm Thế Nguyên thành viên trung ương Đảng Vì dân Việt nam, một chính đảng có trụ sở ở hải ngoại với niềm hy vọng “Mong sao rằng làn sóng hồi hương tranh đấu sẽ trở thành một phong trào đấu tranh mới, góp phần đẩy mạnh công cuộc giải trừ nạn độc tài, tham ô và bất công trên đất nước chúng ta.”. Chuyện người ở hải ngoại hồi hương về Việt nam để tiến hành tranh đấu không có gì là mới, đã từng xảy ra từ thời đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước với các nhân vật như các ông Hoàng Cơ Minh, Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn..., những ngày đó chắc chắn động cơ thúc đẩy những nhân vật này dấn thân vào con đường phục quốc bằng đấu tranh vũ trang chắc chắn là do lòng hận thù mất nước. Nhưng không phải trong số đông những người của chế độ cũ có sẵn trong lòng hận mất nước, ý đồ phục quốc mà dễ có mấy ai dám dấn thân giống như họ khi biết sẽ đối mặt với cái chết, nếu như ở họ không có một lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc nồng nàn và sẵn sàng xả thân như họ. Ngày nay những bài học quý báu nói trên của các vị tiền bối đó vẫn là tấm gương cho những người dấn thân đấu tranh cho công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hóa Việt nam, dẫu tính chất của các cuộc đấu tranh đó là đấu tranh bạo động hay bất bạo động.

Cái tựa đề của bài viết "Các chính đảng hãy đoàn kết lại!" của tác giả Nguyễn Ngọc Gìa khiến người đọc liên tưởng đến khẩu hiệu "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại" của V.I Lenin để xây dựng một thế giới đại đồng, không có người bóc lột người, sở hữu tư liệu sản xuất thuộc về toàn dân. Thời ấy, một khẩu hiệu ngắn, gọn, dễ nhớ đó đã trở thành lời hiệu triệu và để rồi đã hình thành một hệ thống Xã hội Chủ nghĩa và từ đó đã biến đổi cục diện chính trị thế giới của nhân loại trong hơn 70 năm của thế kỷ XX. Khi đó giai cấp vô sản, những người lao động dẫu có bị ngộ nhận về một thứ chủ nghĩa không tưởng, phản quy luật và kể cả cho đến nay về bản chất cái chủ thuyết đó tuy nó đã không còn hiện hữu do sự biến chất, thoái hóa của chủ nghĩa Cộng sản và đặc biệt các chính đảng cầm quyền nhân danh cộng sản ở các quốc gia còn (giả danh) theo đuổi chủ thuyết phản động này.

Thực ra vấn đề đoàn kết để tạo nên sức mạnh thì ai, ai cũng biết và hiểu rõ, nó cũng như bẻ một bó đũa sẽ khó khăn vạn lần nếu bẻ từng chiếc đũa, đoàn kết tức là nhiều chiếc đũa kết hợp - liên hiệp lại thành một bó đũa.
Trong chính trị thì người ta dùng các từ Liên minh, Liên hiệp... các tổ chức chính trị để cùng tranh đấu theo một chủ trương, đường lối và chính sách chung. Sự kết hợp của các tổ chức chính trị là biện pháp cần thiết để tạo nên một đối trọng đủ mạnh có khả năng đương đầu với chính đảng đang cầm quyền. Điều mà các chính đảng, tổ chức hội đoàn chính trị ở hải ngoại trong 37 năm qua chưa bao giờ thực hiện được. Đó chính là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới các tổ chức chính trị ở trong nước và hải ngoại chưa tạo được một kết quả đáng kể nào mang tính áp lực đe dọa cho chính quyền trong nước. Lý do thì nhiều bài viết, nhiều người đã bình luận về vấn đề này, nói chung tóm lại là vì các chính trị gia người Việt ông bà nào cũng tự cho là mình giỏi, suy nghĩ của mình là chân lý, hễ ai nói khác hay làm khác mình thì bị coi là cánh tay nối dài của Cộng sản.

Không đi sâu vào mổ xẻ về việc tính thống nhất của các tổ chức, hội đoàn chính trị mà ở đây chỉ xin bàn đến chuyện đi ra đi vô, hay là chuyện đưa người trong nước ra nước ngoài mà đích đến là Thái lan và người từ nước ngoài thâm nhập Việt nam theo con đường không chính thức.

Một câu hỏi vì sao cách mạng vô sản ngày xưa họ - những người cộng sản ở mọi nơi, không chỉ riêng Việt nam tiến hành rất thành công và hiệu quả trong một thời gian rất ngắn. Câu trả lời cũng rất đơn giản, bởi họ là dân vô sản chịu khổ quen biết lấy sự cần cù, tháo vát và khôn khéo, kể cả thủ đoạn để giành được thắng lợi. Ngược lại công cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa ở Việt nam hiện nay thành phần số đông những người tham gia hay ủng hộ là thành phần trí thức. Mà lẽ thường trí thức có lẽ do có học nhiều nên làm cái gì cũng phải đúng bài bản mang nặng tính sách vở. Đặc biệt là sự chịu khó, chịu khổ (hay không chịu được khổ) thì thua xa mấy đồng chí vô sản. Chả trách cách đây không lâu khi họp chi bộ trong sinh hoạt đảng CSVN họ cứ phê bình mấy đồng chí đảng viên trí thức là mang nặng tư tưởng tiểu tư sản.

Một điều quan trọng hơn hết là những người chống cộng hay những người đấu tranh cho dân chủ luôn suy nghĩ bất kỳ cái gì của cộng sản đều là kém cỏi, là phi nghĩa, là xấu xa. Điều mà không ít những người Việt nam ở hải ngoại có xuất thân hoặc có liên quan đến chế độ VNCH không hiểu rằng từ trước đến nay lực lượng này của họ chưa bao giờ tự làm và tổ chức thành công một cuộc cách mạng để thay đổi chế độ chính trị. Đó là một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi, nói ra điều này để thấy và biết được như vậy, hy vọng mong các quý vị hãy học những người cộng sản trong việc làm cách mạng của họ. Ví dụ từ những năm 192x- 194x đảng Cộng sản Đông dương đã từng lấy Thái lan và Trung quốc làm bàn đạp, xây dựng bộ chỉ huy để huấn luyện và đưa người về trong nước hoạt động trên mọi lĩnh vực kể cả ám sát - khủng bố, như vụ Lý Tự Trọng một Việt kiều Thái lan được ông Hồ Chí Minh huấn luyện tung về nước hoạt động và ngày 9 tháng 2 năm 1931, trong buổi mít tinh kỉ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, khi mật thám đến đàn áp, Lý Tự Trọng đã bắn chết thanh tra mật thám Le Grand người Pháp và bị kết án tử hình là một ví dụ. Tai sao các đảng phái, tổ chức, hội đoàn chính trị không học theo họ trong việc lấy Thái lan làm bàn đạp, xây dựng văn phòng để huấn luyện và đưa người về trong nước hoạt động trên tinh thần bất bạo động?

Nhưng chuyện người Việt ở hải ngoại hồi hương tranh đấu chỉ là một phần không thể thiếu được trong sự nghiệp đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam chứ không phải là yếu tố quyết định, mà yếu tố quyết định là lực lượng quần chúng trong nước. Thời đại ngày nay với các phương tiện thông tin da dạng, nhanh chóng có nhiều ưu điểm vượt trội với thời kỳ những người cộng sản làm cách mang. Khi mà thời đó những người cộng sản phải vô sản hóa đi xuống cơ sở để cùng ăn, cùng ở, cùng làm để tuyên truyền giác ngộ cho quần chúng. Việc in ấn, chuyển phát tài liệu, chỉ thị cũng phải dùng người dấu tài liệu trong quá trình chuyển phát hòng đối phó với việc kiểm tra kiểm soát. Khó khăn là như vậy, nhưng đổi lại là sự an toàn về nhân sự chứ không phiêu lưu, mất an toàn như việc liên lạc hay kết nạp thành viên trên mạng ảo internet. Do vậy việc người Việt ở hải ngoại hồi hương nhằm gây dựng các hạt nhân làm cơ sở ban đầu là việc làm hết sức cần thiết, để từ đó tổ chức sẽ dẫn bén rễ và tự phát triển theo sơ đồ hình tháp. Chứ không thể để người người Việt ở hải ngoại hồi hương tranh đấu để rồi cắm rễ, nằm lỳ ở trong nước là một điều hết sức nguy hiểm đối với việc quản lý hộ khẩu ở Việt nam như hiện nay. Cũng xin lưu ý các tổ chức đảng phái và hội đoàn chính trị đừng quên số đối tượng hùng hậu cần phải hướng tới là người Việt trong nước đang làm việc ở Lào, Campuchia và Thái lan. Những người này đủ thành phần ngành nghề, không ít là các cựu chiến binh từ mọi miền của tổ quốc nhưng buộc phải bỏ nước ra đi tha hương vì cuộc sống của bản thân họ và gia đình. Họ rất có kinh nghiệm trong việc xuất nhập cảnh bất hợp pháp, thong thạo tiếng bản xứ và kể cả việc làm thế nào để đi vào thủ đô Bangkok một cách rất an toàn.

Nói vậy để thấy chuyện Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân nhập cảnh Việt nam tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất và bị cơ quan An ninh Việt nam bắt hay chuyện blogger Người Buôn Gió bị ngăn cản khi xuất cảnh là hai ví dụ về sự ngây thơ mang nặng tính tiểu tư sản của các nhà trí thức dân chủ. Hầu hết ai sống ở trong nước đi lại làm ăn nhiều cũng biết thời buổi bây giờ gọi là vượt biên (giới) từ Việt nam sang Trung Quốc, sang Lào, sang Campuchia rồi từ Lào, Campuchia qua Thái lan và ngược lại còn dễ hơn đi chợ. Vì hầu hết các cửa khẩu biên giới, ngoài việc qua lại bằng passport họ còn đều cho phép người dân hai nước qua lại bằng giấy thông hành tạm thời có hạn chế phạm vi đi lạ. Chả thế mà ở Lào, Campuchia và Thái lan bây giờ có hàng trăm nghìn lao động người Việt nam, trong số đó số lao động bất hợp pháp - nhập cảnh lậu vào lao động trái phép ở nước các nước nói trên khoảng 70%. Những người Việt lao động tự do này không hề sử dụng hộ chiếu, vì theo họ cho biết tốn kém, mất thì giờ và chi phí đắt hơn đi chui. Mang tiếng là đi chui, xuất nhập cảnh bất hợp pháp nhưng số những người này họ thích đi là đi, thích về Việt nam là về, cư trú tại nước sở tại có bảo đảm sau khi nộp một khoản chi phí cho cảnh sát địa phương hàng tháng thông qua đầu nậu.

Ai không tin những ngày trước và sau Tết nguyên đán ra các cửa khẩu biên giới đường bộ mà xem những người Việt lao động ở Lào, Campuchia và Thái lan họ đi đi, về về người xe như trảy hội. Đa số họ chả cần một thứ giấy tờ hay passport làm gì, mà chỉ cần mỗi tiền. Có tiền thì có dịch vụ hoàn chỉnh từ A - Z, nhiều tiền thì có xe hơi du lịch đưa vượt cửa khẩu từ Việt nam sang nước láng giềng và ngược lại, có tiền không nhiều thì ngồi xe khách sẽ có nhà xe bao trọn gói, còn ít tiền hơn hay vì lý do nào đó đi nữa thì có dịch vụ đi bộ cắt rừng hay ngồi thuyền do dân bản địa đưa đường dẫn lối cả đi và về nếu có nhu cầu. Một kinh nghiệm trên thực tế cho thấy số lượng người đi hay về (chui) càng đông người thì chi phí cho mỗi người càng rẻ hơn so với việc đi, về cá nhân hay nhóm ít người. Từ Việt nam sang Trung quốc, sang Lào hay Campuchia dễ thế nào thì từ Campuchia, Lào qua Thái lan thì dễ hơn một chút, tất nhiên nó đòi hỏi bạn phải biết tiếng địa phương, hoặc nếu không thì phải có người quen biết đưa đường chỉ lối. Cái đó có lẽ thuộc về các tổ chức chính trị nếu họ có nhu cầu. Những nhà tranh đấu trong nước khi thoát sang đến đất Thái lan, nếu muốn đi định cư ở nước thứ 3 hay xin tỵ nạn chính trị khi cảm thấy đủ điều kiện thì mời các bác tìm hiểu kỹ và đến Cao ủy LHQ về vấn đề người tỵ nạn trên đường Rathdamnorn, trung tâm thủ đô Bangkok.

Sẽ có nhiều bạn đọc thắc mắc nếu không có tổ chức chính trị tổ chức đưa đi sang bên kia biên giới thì biết đường nào mà để đi? Vây thì chỉ khuyên các bác vào các quán nhậu ở khu vực đường biên, chỉ cần ngỏ ý là bạn định sang Lào hay (Campuchia) chơi mà "quên" không có giấy tờ thì sẽ có người họ thu xếp bạn lên xe của các đồng chí an ninh cửa khẩu, hải quan hay biên phòng nước bạn sang nhậu bên Việt nam, khi họ nhậu xong cho bạn quá giang trở về bên nước họ. Qua bên giới xong là xong, việc ai nấy lo bạn đi đâu tiếp thì tùy và lúc trở về thì cũng y như vậy. Nhưng người đi kiểu này thì ít ai quay lại ngay, nếu những ai đi rồi trở lại ngay thì họ đi xe khách, nhà xe sẽ bao toàn bộ vì trạm kiểm soát họ đếm đầu người trừ số có hộ chiếu hay giấy thông hành để thu tiền, bên Việt nam cũng vậy, bên Lào hay bên Campuchia cũng thế. Đó là chuyện đi đơn lẻ, còn nếu nói tới tính chuyên nghiệp thì việc của các tổ chức chính trị là xây dựng được các trạm đưa đón người, tổ chức nơi lưu trú, phương tiện đi lại đến đích một cách an toàn. Cũng lưu ý những người có nhu cầu vượt biên chuyện ăn vận thì cũng bình thường, chứ đừng có ăn diện quá mức cần thiết kiểu xách samsonitte, laptop, máy ảnh cho oai thì cán bộ trạm họ không ưa, họ sẽ kiểm tra bạn rất kỹ và đúng thủ tục theo quy định vì đối tượng như bạn dễ làm họ hỏng ăn là rách việc.

Xin anh chị em ai có nhu cầu sử dụng dịch vụ vượt biên hãy cứ tin tưởng một điều rằng cán bộ các ngành làm việc ở các Cửa khẩu bây giờ việc chính của họ là kiếm ăn, kiếm tiền chia nhau đút túi. Còn việc bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và tận thu cho ngân sách chỉ là chuyện phụ. Có lần có người là nhân viên Hải quan cửa khẩu họ bảo thẳng tôi rằng "bọn ngồi ở thành phố, ở trung ương nó đớp như điên. Ngu gì bọn em ở đây có cơ hội mà không kiếm hả bác".

Con chim đã từng bị tên còn biết sợ cánh cây cong, con cá còn biết tránh xa tấm lưới đánh cá vậy mà vẫn còn có một số chính trị gia ở hải ngoại không hiểu họ nghĩ thế nào mà về Việt nam xuất nhập cảnh đường đường, chính chính qua Cửa khẩu sân bay, nơi mà mức độ an ninh kiểm soát ở mức cao nhất để nhằm mục đích gì? Khác gì chuyện con cá tự xông vào tấm lưới để cho người ta bắt, từ đó suy ra có lẽ chẳng qua họ cố tình để công an Việt nam bắt cho thành tin tức, cho nổi tiếng như nhiều người từng đặt câu hỏi nghi vấn thì ai người ta lạ gì?

Không hiểu hôm vừa rồi lão Lái Gió đi Trung Quốc mua bao cao su có định học cái món thất truyền đó không nhỉ? Nếu không thì khi cần gì Lái Gió cứ hú cho tôi một tiếng là đảm bảo gọn 100%.
He.he…

Hà nội, ngày 08 tháng 5 năm 2012
© Kami
————————

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA






No comments:

Post a Comment

View My Stats