Thursday 3 May 2012

37 LẦN 30 THÁNG TƯ (Song Chi)




Song Chi
Sun, 04/29/2012 - 15:42 — songchi

Viết gì cho ngày 30 tháng Tư khi đã có quá nhiều và ngày càng nhiều hơn những bài viết hay, xác đáng, tỉnh táo, dưới những góc nhìn khác nhau về biến cố lịch sử này của dân tộc?

Sau 37 năm dài, sự thật rồi cũng dần dần được sáng rõ. Dù có thể vẫn còn nhiều tư liệu, chi tiết về cuộc chiến tranh VN chưa được giải mã hết, nhưng tên gọi, ý nghĩa thật sự của cuộc chiến, vì sao lại có cái ngày 30 tháng Tư năm 1975 , ai “giải phóng” ai, thế nào thật sự là “thắng” là “thua”…thì hầu như đã được những người trong và ngoài cuộc, sinh ra ở miền Bắc hay miền Nam, trước hay sau cuộc chiến, người Việt hay người Mỹ, người nước khác…phân tích khá là đầy đủ.

Và điều quan trọng hơn cả, như câu thơ của đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe trong tác phẩm Faust “Mọi lý thuyết đều xám xịt, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”, người Việt có thể vẫn cứ tiếp tục tranh cãi bất tận về thắng, thua, chính nghĩa thuộc về ai, nhưng chính thực tế VN như thế nào sau 37 năm đảng cộng sản giành độc quyền lãnh đạo trên toàn đất nước mới là câu trả lời xác đáng nhất.

Sau 37 năm, ngoại trừ những người đang ngồi trên những cái ghế lãnh đạo cao ngất ngưởng, những người gắn chặt với chế độ này vì quyền lợi, bổng lộc, và những người không có thông tin do không hiểu hoặc không biết tìm hiểu, còn ai thực sự tin rằng việc thống nhất hai miền Nam Bắc vào cái ngày 30 tháng Tư năm 1975 để đất nước thu về một mối dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản là một điều đúng đắn, may mắn cho đất nước này, dân tộc này?

Còn ai thực sự tin rằng con đường nước VN đã và đang đi bao nhiêu năm qua là đúng, rằng sau 37 năm đảng cộng sản vẫn xứng đáng lãnh đạo đất nước?

Còn ai thực sự tin rằng nhà nước này là của dân do dân vì dân, chế độ này tốt đẹp hơn, nhân bản hơn các chế độ có mô hình dân chủ pháp trị đa nguyên đa đảng trên thế giới, thậm chí ngay cả so với chế độ miền Nam Cộng Hòa trước kia?

Rằng ngay cả cái khái niệm ổn định mà đảng vả nhà nước cộng sản vẫn tuyên truyền như một ưu thế của chế độ có thật như vậy, hay chỉ là sự ổn định về chính trị bằng vào bàn tay sắt của nhà cầm quyền, còn lại tất cả mọi lĩnh vực khác của đời sống từ kinh tế, xã hội, văn hóa, đối nội đối ngoại… đều tiềm ẩn những mấm mống bất ổn, bất công, phi lý sâu sắc không thể sửa đổi, hóa giải?

Rằng người dân có thật sự đang được hưởng một cuộc sống tự do dân chủ với những quyền căn bản của một con người, một công dân, và sự bình yên trong tâm hồn?
v.v…và v.v…

Tôi tin rằng ngay cả trong cái thiểu số vừa nhắc đến ở trên-những người đang ngồi trên những cái ghế lãnh đạo cao ngất ngưởng, những người gắn chặt với chế độ này vì quyền lợi, bổng lộc, và những người không có thông tin-trong thâm tâm cũng không còn tin những vào những điều đó nữa.

Sau 37 năm, mọi huyền thoại được tô vẽ xung quanh đảng, nhà nước, chế độ…đều vỡ vụn ra như những bọt bong bóng xà phòng. Thực tế, đảng cộng sản VN đã và đang thua cuộc nặng nề. Thua từ cái lý thuyết ngoại lai không tưởng cùng với mô hình xã hội được xây dựng từ đó mà họ sao chép về đã hoàn toàn bị thất bại. Buộc họ phải “đổi mới” thực chất là “đổi cũ”, tồn tại nhờ tiếp tục kết hợp sự cai trị hà khắc của một chế độ độc tài với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

Thua từ chỗ đứng trong lòng người. Từ cuộc “bỏ phiếu bằng chân” (khái niệm foot voting từ thời Charles Tiebout, Ronald Reagan lại vừa được nhắc lại mới đây trong bài viết của tác giả Nguyễn Hưng Quốc) của hàng triệu con người bỏ nước ra đi ngay sau khi đảng và nhà nước cộng sản tưng bừng ăn mừng chiến thắng chưa lâu, và cho đến tận bây giờ người dân vẫn tiếp tục tìm cách này cách khác để ra đi. Với kẻ thù một thời là “đế quốc Mỹ” nay họ buộc phải quay lại cầu thân xin xỏ, với những người dân miền Nam trước đây họ không sao hòa hợp hòa giải hoặc thu phục được nhân tâm, còn với gần 90 triệu người dân hôm nay thì đang ngày càng mất lòng tin vào họ.

Thua từ vị trí, thế đứng, tầm mức phát triển về mọi mặt của VN so với các nước. Thua trong cái nhìn của thế giới đối với chân dung của nhà cầm quyền VN từ những hồ sơ tệ hại về nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do dân chủ cho người dân…

Thua cả trong văn hóa nghệ thuật, giáo dục, con người….Sau 37 năm, những tác phẩm nào của một thời được tung hô là dòng văn học nghệ thuật cách mạng hiện thực xã hội chủ nghĩa nay còn tồn tại theo thời gian?
Lịch sử dù có bị bóp méo, làm sai lệch, bưng bít đến đâu, nhưng thời gian và thực tế sẽ dần dần trả lại tất cả. Đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều người đứng về phía “triệu triệu người buồn” (từ ý câu nói của Cố Thủ tướng nước Cộng hòa XHCN VN Võ Văn Kiệt), viết lên những tâm tư trăn trở day dứt băn khoăn mỗi khi ngày 30 tháng Tư lại về.

Không chỉ là những con người đã từng sống, dính líu đến chế độ miền Nam Cộng Hòa, những người có ân oán với chế độ cộng sản hiện nay, hay những con người đã phải rời nước ra đi ở thời điểm này thời điểm khác, vì không thể chịu đựng hoặc không chấp nhận chế độ cộng sản.

Mà là những con người đã từng sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trước 1975, từng cầm súng chiến đấu dưới lá cờ đỏ sao vàng cho một lý tưởng mà họ thực sự tin vào thời điểm đó là “đánh cho Mỹ cút ngụy nhào, đánh để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, để xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa công bằng và tốt đẹp”. Thậm chí họ từng ở trong hàng ngũ tướng tá, lãnh đạo cao cấp, hoặc từng là thành phần con cưng của chế độ.

Là những con người thuộc thế hệ hậu chiến, sinh ra và lớn lên hoàn toàn trong lòng chế độ hôm nay, có rất ít hoặc hầu như không có chút mặc cảm nào với cuộc chiến đã qua, hàng ngày vẫn nghe những lời tuyên truyền một chiều của đảng và nhà nước cộng sản trong bao nhiêu năm…

Những con người ấy cũng đã nhận ra đúng sai, sự thật. Hãy đọc những bài viết trên báo chí ở nước ngoài, các diễn đàn độc lập, blog cá nhân…để thấy sự phong phú, đa dạng của những người vừa nhập thêm hàng ngũ “triệu triệu người buồn”, cứ mỗi 30 tháng Tư năm sau lại đông hơn, đa dạng hơn. Dù mức độ và cách thể hiện khác nhau, họ đều bày tỏ nỗi đau xót, nuối tiếc cho những bước đi sai lầm của đất nước mà đôi khi trong đó có cả sự đóng góp của chính mình và cha ông mình bởi một thời ngây thơ bị lừa, đồng thời trăn trở ưu tư trước tình hình hiện tại, lo lắng cho vận mệnh và tương lai của đất nước.

Tôi đồng ý với nhà báo Lê Diễn Đức, đồng thời đây cũng chính là câu tôi thường tự nói như an ủi khi nghĩ về đất nước không may mắn của mình, rằng con người có định mệnh của mình, mỗi đất nước cũng có vận mệnh riêng.
Vận mệnh của VN thật nghiệt ngã, cay đắng. Quá nhiều những sự chọn lựa sai, những bước đi sai lầm.
Nhưng có ích gì nếu bây giờ chúng ta lại nhắc đến những chữ “nếu”…

Tôi tin rằng nếu ý chí của một con người có thể thay đổi số phận của người đó thì điểu này lại càng đúng, với một dân tộc, một đất nước.

Sau 37 năm dài. Dù VN vẫn chưa có được một phong trào dân chủ mạnh mẽ xuất phát từ sự đoàn kết của quần chúng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ như các nước Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa cũ, các nước Trung Đông và Bắc Phi trong phong trào cách mạng hoa nhài mới đây…Dù VN vẫn chưa có những đảng phái chính trị đối lập đủ mạnh với những khuôn mặt có đủ uy tín để đương đầu với nhà cầm quyền, buộc họ phải tự thay đổi như Miến Điện…Nhưng lòng dân chán ghét chế độ, mong muốn một sự thay đổi và một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước thì đã quá đủ.

Không ai có thể cứ sống mãi trong một chế độ độc tài, một xã hội tồi tệ mà không vùng dậy tìm lối thoát cho mình, cho người khác và cho con cháu mai sau.

Và tôi tin rằng nếu một ngày nào đó chế độ này sụp đổ, và một chế độ tự do dân chủ được thiết lập trên quê hương VN, sẽ không bao giờ có hiện tượng hàng loạt tướng lĩnh cao cấp trong quân đội cộng sản sẽ tự sát cùng với chế độ như đã từng xảy ra với miền Nam Cộng Hòa, mặc dù chế độ đó vẫn có những ông tướng, tá hèn nhát bỏ lính chạy trước để bảo vệ mạng sống của mình. Sẽ không có hiện tượng hàng triệu con người sau khi đã phải rời bỏ đất nước và đã có một cuộc sống bình yên, thậm chí sung túc, đã là công dân của nước khác, nhưng vẫn mang theo lá cờ của cái chế độ đã bị bức tử đó suốt bên mình bao nhiêu năm. Sẽ không có những bài viết, những nỗi đau, tiếc cho sự sụp đổ của chế độ này như đã từng có đối với ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Như đã từng xảy ra ở Liên Xô và các nước do đảng cộng sản lãnh đạo trước đây ở Đông Âu. Không một ai nuối tiếc những năm tháng dưới chế độ do đảng cộng sản nắm quyền, họ thẳng tay vứt nó vào sọt rác, bước sang một trang sử mới. Và rõ ràng ở những quốc gia này đảng cộng sản không có mảy may hy vọng gì quay trở lại.

Đôi khi cũng phải an ủi trong nỗi bất hạnh có cái may. VN phải trải qua những năm tháng sống dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản để không bao giờ còn ai có bất cứ chút ảo tưởng nào vào lý thuyết, chủ nghĩa cộng sản, vào đảng cộng sản cả.

Mặc dù cái giá ấy là quá đắt!

----------------------------


.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats