Friday 5 June 2020

TẠI SAO NÊN ỦNG HỘ ĐẤU TRANH CHỐNG PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC? (Nam Do)





Từ hôm qua đến giờ, con thấy gia đình và bạn bè có chia sẻ nhiều bài đăng chỉ trích ngược lại các nạn nhân bị phân biệt chủng tộc và cảnh sát hành hung ở Mỹ, và chỉ trích tại sao bạo động vẫn không ngừng trong khi viên cảnh sát Chauvin đã bị bắt. Ngoại trừ những bài hay đã được đăng về lý do vì sao một cuộc bạo động ở nước Mỹ là một điều hợp lý, tương xứng với những bất công mà cộng đồng người da màu ở Mỹ đã gặp phải (con sẽ link ở cuối bài), con muốn chia sẻ thêm về việc vì sao việc chỉ trích ngược người da màu là một cái nhìn chưa hay:

I.-  Chỉ trích người Mỹ gốc Phi “lười biếng”, “vô văn hoá”, “ỷ lại”, “lợi dụng trợ cấp chính phủ”: Có thật sự là như vậy không, khi những sự áp bức trong hệ thống kinh tế, giáo dục và tuyển dụng của Mỹ (systemic oppression) đã cướp đi cơ hội cho các người Mỹ gốc Phi? Mặc dù sự phân biệt chủng tộc một cách trắng trợn đã thuyên giảm đi rất nhiều (nhiều thôi nha chứ không phải là hết - những ca cảnh sát giết chết người da màu, kể cả khi họ không có vũ khí hay họ không có bằng chứng có tội là một ví dụ), phân biệt chủng tộc ngầm vẫn luôn âm ỉ và mạnh mẽ, bằng chứng gần đây nhất là việc một phụ nữ trung niên da trắng (gọi một cách châm biếm là “mẹ Karen”) dùng đặc quyền về màu da của mình để đe doạ, dựng chuyện gọi cảnh sát đến “xử” một người đàn ông da đen vô tội rồi nói với mọi người là mình không phân biệt chủng tộc.

Sự phân biệt chủng tộc vẫn còn diễn ra trong tiềm thức của hàng vạn người, và hậu quả của nó là việc người da màu, và đặc biệt là người gốc Phi, có cơ hội việc làm tệ hơn rất nhiều so với người da trắng: lương thấp hơn, phải làm công việc ảnh hưởng đến sức khoẻ nhiều hơn mà chế độ bảo hộ lao động và trợ cấp thì kém hơn nhiều, tỉ lệ thất nghiệp cao hơn, vv.

[1] Cái này được thể hiện ra từ mọi tầng lớp trong xã hội: người da màu do vậy thường nghèo hơn và do vậy có ít cơ hội giáo dục hơn (tỉ lệ tốt nghiệp đại học của người gốc Phi và da màu nói chung thấp hơn rất nhiều, so với người da trắng), mà ít cơ hội giáo dục hơn thì cơ hội kinh tế sẽ càng tệ hơn, trong bối cảnh xã hội này. Trong quá trình người da màu cố gắng vươn lên, họ lại bị chà đạp xuống: ví dụ như việc phân biệt chủng tộc nơi công sở, hay việc người da trắng cố gắng phá huỷ phố Wall của người gốc Phi

[2]. Người gốc Phi kiếm việc khó hơn rất rất nhiều so với người da trắng, và đặc biệt là phụ nữ gốc Phi, và sự phân biệt giàu nghèo dựa trên chủng tộc ngày càng tăng trên đất Mỹ.

[3] Các Cô Chú Bác cứ thử đặt mình vào vị trí của họ mà xem: lỡ mình sinh ra trong một hoàn cảnh khốn khó, một hoàn cảnh mà người ta nhìn vào đã không muốn cho mình việc làm, khi do gia đình mình như vậy nên mình nghèo không đủ tiền để đi học, khởi nghiệp, v..v - liệu mình có thể trách họ là “lười biếng”, là “lợi dụng trợ cấp chính phủ” được không khi họ không có đủ điều kiện tài chính và xã hội để vươn lên?

Việc duy nhất mọi người có thể làm bây giờ là tích cực đẩy lùi sự phân biệt chủng tộc, sự hận thù trách móc trong thâm tâm mình, và cố gắng làm sao để ủng hộ người da màu để họ có được cơ hội việc làm, giáo dục tốt hơn. Cô Chú Bác, Ba Mẹ muốn con mình có cơ hội giáo dục và việc làm như thế nào, hiểu rằng tình hình kinh tế, xã hội đang khó khăn với cơ hội việc làm và giáo dục của con mình như thế nào, thì phải hiểu và muốn cho người Mỹ gốc Phi gấp trăm lần như vậy.

II.-  Chỉ trích người Mỹ gốc Phi “vô văn hoá”, là tội phạm: Con thật sự không hiểu mọi người cho rằng người gốc Phi “vô văn hoá” ở đâu ra - họ cũng có văn hoá: văn hoá của họ, ẩm thực của họ rất đẹp, văn minh và phong phú, và con nghĩ chính sự phân biệt chủng tộc ngầm trong bản thân mình mới quy chụp lại là họ vô văn hoá. Mình thừa hưởng rất nhiều từ văn hoá của người gốc Phi nhưng rất ít khi mình ý thức được điều đó - từ ẩm thực, âm nhạc, cách ăn mặc, cho đến từ vựng, cách nói chuyện mỗi ngày. Người thân con có đăng một đoạn clip cho rằng người Mỹ gốc Phi vô văn hoá vì họ vứt rác bừa bãi trong khi người da trắng thì luôn nhặt rác lên, rồi con nhớ có nhiều khi người lớn và bạn con dặn là ra ngoài đường phải cẩn thận người da đen, vì họ cướp bóc, tấn công tình dục.

Sự phân biệt chủng tộc ở đây là việc mình nhắm những sự việc này vào người da đen: tại sao mọi người không khuyên con là ra đường phải cẩn thận nói chung, vì người ngoài đường có người này người kia, mà phải nhắm vào mà nói là phải đặc biệt chú ý người da đen? Dân tộc mình cũng có người vứt rác bừa bãi, người nhặt rác lên, người da trắng cũng có vô số người vứt rác bừa bãi, cũng có người nhặt rác lên - vì sao lại nói là người gốc Phi chỉ vứt rác trong khi người da trắng thì nhặt rác?

Tội phạm cũng vậy - có vô số người da màu là người đàng hoàng, chính trực, vô số người da trắng là tội phạm, giống dân tộc mình vậy: ở đâu cũng có người này người kia, tại sao lại nói như là người gốc Phi luôn có xu hướng là tội phạm? Chính những lời quy chụp vô thưởng vô phạt đó đã khiến cho tiềm thức của mỗi người nghĩ xấu đi một tí về người gốc Phi, khiến cho tiềm thức của con đã nghĩ xấu đi một tí về người gốc Phi, trong khi con sinh ra là một tờ giấy trắng. Về việc này, biện pháp mà con đã dùng để ngăn chặn sự phân biệt trong thâm tâm của mình là việc tự hỏi tất cả mọi thứ mà con thấy trong cuộc sống: Con hỏi những nhận xét trong bản thân con có phải là một sự quy chụp hay không? Con hỏi xem những video/bài đăng mà con thấy trên mạng, những lời bình luận của mọi người có thật sự đúng hay không, có cho thấy hết được mọi quan điểm của vấn đề đó hay không. Và có nhiều lúc con quên, nhưng con luôn bắt bản thân mình tự hỏi những câu hỏi này khi nghe thấy những lời quy chụp cho một dân tộc nào đó, cho những người mang một màu da, có một giới tính/xu hướng tính dục nào đó, và con nghĩ việc này là cần thiết hơn hết trong một xã hội tràn ngập thông tin mà mình không biết mình bị “dắt mũi” từ lúc nào không hay.

III.-  Chỉ trích George Floyd đã vào tù ra tội nhiều lần: Đây là một lỗi biện luận. Ba, Mẹ, Cô Chú Bác có thể nghĩ là con lý tưởng, không biết “sự thật” về xã hội là như thế nào, nhưng một “sự thật” mà con luôn tin là tất cả mọi người đều được đối xử một cách công bằng, đều có quyền được sống. Công bằng ở đây, là cho dù con có vào tù 420 lần, hay chưa vào tù lần nào, thì con cũng xứng đáng có cơ hội được bào chữa cho bản thân mình, có được một vòng tố tụng hoàn chỉnh để con và tất cả mọi người được đối xử công bằng với nhau. Quyền được sống ở đây là việc con có mọi cơ hội được sống và cần được mọi cơ quan bảo vệ quyền được sống của con, kể cả cơ quan tố tụng và thi hành án, và kể cả khi con có bị kết án tử hình về một tội danh nào đi nữa thì không ai được tước quyền đó khỏi bản thân con cho đến lúc con phải thi hành án.

Một cơ quan pháp lý công tâm là cơ quan pháp lý cố gắng tin rằng mọi người vô tội cho đến khi thật sự chứng minh được là họ có tội (nói chung), cho dù trước đó họ có phạm tội nhiều bao nhiêu đi chăng nữa, và bất kể màu da của họ là như thế nào. Để một quốc gia có được điều đó thì niềm tin vào điều đó cần phải xuất phát trong tâm của mỗi người.

Nếu mọi người nghĩ rằng George Floyd xứng đáng với sự bạo lực từ cảnh sát do quá khứ của anh ta, mặc dù chưa có bằng chứng kết luận là anh có hay vô tội, mặc dù anh chưa được trải qua vòng tố tụng, thì mọi người có xứng đáng với những lời phán xét về cơ quan tư pháp của quốc gia mọi người đến từ mà bản thân mọi người đã từng nói ngày nào hay không? Và mọi người đã quên là viên cảnh sát đã giết chết George Floyd không hề biết về quá khứ phạm tội của anh ta, và khi anh ta bị cảnh sát giết chết, anh đang cố gắng làm lại cuộc đời ở một thành phố mới. [4]. Thay vì chỉ trích George Floyd, con nghĩ mình nên chỉ trích một hệ thống cho phép một viên cảnh sát có nhiều cáo buộc về vũ lực như Derek Chauvin hay Tou Thao hành nghề, tiếp tay cho việc sát hại một người gốc Phi [5].

IV.-  Chỉ trích cách biểu tình không ôn hoà, là việc hôi của: Xã hội cả bao năm nay đã biểu tình ôn hoà, mà mình đã đạt được thay đổi xã hội nào để bảo vệ sinh mạng của người da đen hay chưa? Mọi người nghe nhiều về George Floyd, nhưng mọi người không biết đến về những câu chuyện gần đây và hàng thập kỉ trước đó, như câu chuyện của chị Breonna Taylor, người gốc Phi, bị cảnh sát bắn chết trong khi nằm ngủ với chồng - trên người không có một vũ khí nào, và trong tình huống khó bảo vệ bản thân mình nhất - vì nghi tàng trữ chất cấm, mặc dù họ chẳng thấy có chất cấm nào cả, khi khám xét nhà chị sau vụ việc. Hay trước đó, có một anh kia, tên Ahmaud Arbery, đang chạy bộ thôi cũng bị hai người da trắng dừng xe bắn chết. Sự tàn nhẫn đối với người gốc Phi đã diễn ra trong suốt thời gian vừa qua, mà chẳng có động thái mang tính hệ thống nào để bảo vệ người gốc Phi khỏi sự tàn khốc của cảnh sát, khỏi những kẻ phân biệt chủng tộc, thì thử hỏi tại sao họ lại không nổi dậy?

 Mọi người hãy thử nghĩ coi sẽ như thế nào nếu con và nhiều người bạn của con bị giết chết vì màu da của tụi con, mà xã hội chẳng làm điều gì về điều đó - mọi người có căm phẫn và muốn thay đổi chiến thuật để cuối cùng được lắng nghe hay không? Vì nếu chỉ biểu tình ôn hoà thôi, thì mọi người cũng chỉ đọc báo trên mạng, dành vài giây trầm ngâm “ồ tụi nó biểu tình ôn hoà”, rồi chỉ vài ngày thôi, mọi người sẽ không màng đến những bất công ngoài xã hội, sẽ quên đi những tiếng nói của một nhóm người bị áp bức vì một sự thật của sự sống: mình chỉ biết được thực tại của cuộc sống mình thôi, và những thực tại của những cuộc sống khác mình có cố gắng cách mấy cũng chỉ biết được phần nào, và chỉ trong mấy tích tắc mình đọc được về họ, tiếp xúc được với họ thôi. Điều này là một điều ok nếu mình quên đi những cuộc sống sung sướng, đầy đủ, sống mà không phải quan tâm đến việc mình ra đường có sẽ bị giết hay bị báo cảnh sát chỉ vì màu da của mình, nhưng vì họ là một giai cấp bị đàn áp, sự lãng quên của mình là một sự đàn áp ngầm đối với họ: trong thời gian mình bận tâm với bản thân thì họ phải sống trong thật nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi, họ cảm thấy sống không bằng sống. Vì vậy, trong cái tích tắc này khi vấn đề phân biệt chủng tộc còn được quan tâm, họ cần phải làm một điều khác hơn so với trước đây để khiến cho mình phản ứng khác hơn - khiến cho mình cố gắng đấu tranh và thực hiện thêm quyền lợi cho họ, để tất cả mọi người được bình đẳng hơn.

Nếu mọi người ủng hộ Phong Trào Dân Quyền ở Mỹ (1954-1968), ủng hộ hoạt động của Martin Luther King Jr trong việc đấu tranh cho quyền bình đẳng ở nước Mỹ, thì mọi người cần hiểu và ủng hộ phong trào đang diễn ra bây giờ. Hồi đó lúc họ biểu tình, việc biểu tình của họ cũng bị các tầng lớp thống trị nói là cách biểu tình không đúng, không hợp lý, v..v., nhưng chính cách biểu tình này đã mang lại phần nào sự công bằng cho người Mỹ gốc Phi ở Mỹ ngày nay.

Còn việc hôi của? Tại sao mình quan trọng của hơn mạng người, tại sao chỉ khi của cải bị ảnh hưởng mình mới bắt đầu quan tâm, cảm thấy thôi thúc về vấn đề này? Và khi cảm thấy thôi thúc cho vấn đề này, tại sao mình không thấy thôi thúc cho mạng sống của người da màu, mà lại thấy thôi thúc cho của cải của giai cấp tư bản - giai cấp đang càng ngày càng bóc lột dân nghèo? Việc hôi của bự nhất là việc mình quên đi sự công bằng của mọi người trong xã hội này, mình quên đi quyền lợi của mọi người mà chỉ màng đến quyền lợi kinh tế của các tập đoàn lớn, của cá nhân mình, mà quên đi sự thiếu công bằng trong quyền lợi kinh tế dành cho người da màu? Hàng tháng, trung bình người da màu thu nhập thấp hơn người da trắng hàng ngàn, hàng chục ngàn đô la, và nhân lên hàng triệu người da màu, nhân lên hàng thập, hàng thế kỉ, thì mấy cái cửa kính, mấy cái bánh, túi xách, xe hơi có sá gì? Mọi người chắc cũng nhận ra được sự hôi của lớn nhất luôn đến từ phía trên: trong dịch COVID vừa rồi, các tập đoàn kinh tế lớn nhận được 500 tỉ đô la tiền trợ cấp, trong khi dân nghèo, thường là da màu, thất nghiệp chỉ được nhận $1200 tiền mặt [6]* trả tiền nhà rồi nhịn đói, hay ăn rồi quỵt tiền nhà, khi bình thường thôi họ đã nghèo đến mức không có tiền tiết kiệm. Này là chưa nói đến việc phần lớn người nghèo chưa nhận được trợ cấp thất nghiệp do COVID nữa.

Nói đến đây, chắc con nghĩ mọi người cũng đã hiểu được vì sao biểu tình vẫn tiếp diễn trong khi viên cảnh sát trực tiếp giết George Floyd đã bị bắt. Việc này bự hơn như thế: nó là biểu tình vì 3 viên cảnh sát còn lại tiếp tay mà chưa bị bắt, vì một hệ thống không bảo vệ tính mạng của người da màu (người da màu, đặc biệt là người gốc Phi, là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID - thiệt mạng nhiều nhất, thất nghiệp nhiều nhất) [7], vì một hệ thống đã trục lợi từ người gốc Phi hàng thế kỉ nhưng vẫn chưa đảm bảo được sự công bằng cho người gốc Phi.

Thật ra chính trị sâu xa, con nghĩ là cái quan trọng nhất là tình thương người, đặc biệt đến từ chính bản thân mình. Khi một người phải gào lên, vùng dậy để đòi quyền lợi cho bản thân mình, thay vì trách móc họ thì mình nên thương họ, thương những hoàn cảnh đã khiến họ phải biểu tình đòi lại công bằng như vậy. Kể cả khi một người phạm tội đi chăng nữa, thì cũng phải biết thương, đồng cảm với họ: nếu họ có cơ hội kinh tế, giáo dục, xã hội như bao người khác, thì họ có sẽ phạm tội giống vậy hay không? Con nghĩ là mình nên thương người vô điều kiện, cho dù họ là ai. Mọi người không thể tự hào về một Việt Nam giàu lòng nhân ái khi mọi người không ủng hộ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, cho những con người đang bị đối xử bất công.

Nếu mọi người muốn ủng hộ cho phong trào, mọi người hãy nhắn tin cho con - con sẽ dịch cho mọi người những tựa sách mọi người có thể đọc để giúp bản thân mình thay đổi nhận thức, những nơi mà mọi người có thể quyên góp để giúp cho xã hội được phần nào công bằng hơn. Con biết là mọi người có thể có nhiều ý kiến trái chiều - nét đẹp của xã hội là ở những ý kiến trái chiều - nhưng vì con hơi bận nên con có thể sẽ không trả lời nhiều ở bài viết này, nhưng nếu mọi người nhắn tin cho con, con hứa sẽ cố gắng trả lời mọi người nhanh nhất có thể.

Con mong mọi người sẽ ủng hộ tình thương người và sự công bằng cho mọi người, không chọn lọc. Và khi một người nào đó bị đàn áp, áp bức như người gốc Phi, mình cần thương họ nhiều hơn bình thường hàng trăm, hàng ngàn lần!


Nguồn:







Nguồn ảnh: Cory Young/Tulsa World, via Associated Press (The New York Times)
---
* Chỉnh sửa sau khi đăng: Đối với những người đủ điều kiện, mỗi tuần họ sẽ đc trợ cấp liên bang tối đa thêm $600 nữa, và trợ cấp này sẽ chỉ đc kéo dài tới hết tháng 7 này, trong khi tình hình thất nghiệp và coronavirus chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mình chỉnh sửa vì mình nhận ra thông tin mình đưa chưa đủ - và mình xin lỗi vì điều này. Điều này vẫn giữ tính chất bài viết, vì ngoại trừ tình trạng thất nghiệp có thể kéo dài, trong tình hình COVID, người gốc Phi có tỉ lệ bị nhiễm coronavirus trong số cao nhất, tỉ lệ thất nghiệp nhiều thứ nhì [7] và khi bị thất nghiệp, đa phần họ sẽ không còn bảo hiểm của họ nữa và sẽ phải trả viện phí gần $75,000 nếu họ nhiễm corona [8].
---
Tldr for folks who don’t speak Vietnamese: I wrote a summary for why people should support the Black Lives Matter movement, addressing some counter arguments that I don’t agree with!







No comments:

Post a Comment

View My Stats