Monday, 29 June 2020

LIỆU LỊCH SỬ CÁCH MẠNG CÓ LẶP LẠI CHĂNG? (Thuận Đạo)




Thuận Đạo
29/06/2020

Những ngày này, đọc các tin tức về ba mẹ con cô Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, và cô Nguyễn Thị Tâm bị công an tỉnh Hòa Bình và Hà Nội bắt giam, lòng tôi lại xốn xang. Tôi thương những người phụ nữ, những nông dân tay lấm chân bùn, chỉ vì bị dồn đến bước đường cùng mà họ trở thành “thủ lĩnh dân oan”. 

Từ trái qua: Bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, đã bị nhà cầm quyền bắt ngày 23/6. Nguồn: Facebook

Tôi lại nhớ đến những tấm gương cộng sản mà nhiều thế hệ người Việt trong nước đã phải học tập và làm theo, như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, v.v… giai đoạn đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Vì tham gia chống chính quyền, tìm cách lật đổ chính quyền, nên bị bắt, bị kết tội và tử hình.

Cả một bộ máy chính quyền VN hiện tại với những mưu mô, từng hành động lớn nhỏ mà họ thể hiện, không khác gì bộ máy cai trị của thực dân, đế quốc trước đây. Họ cũng theo dõi, bắt bớ, bức cung, tra tấn, cũng ra tòa án nhưng kết án theo chính kiến của chính quyền v.v… Tôi tự hỏi, không biết lịch sử có lặp lại chăng?

Ngày trước vì bị áp bức, bất công, bị bóc lột đến tận xương tủy, các tổ chức cộng sản đã thành hình, những người cộng sản đã ra đời trong bối cảnh đó. Còn ngày nay, trong lòng chế độ gọi là cộng sản lại bắt đầu hình thành những con người “cộng sản” mới, những thủ lĩnh đấu tranh để loại bỏ bất công, cướp đất v.v…

Tại sao đảng CSVN khi chưa nắm chính quyền, lại có một sức hút lớn lao đến như vậy, nhiều người sẵn sàng hy sinh gia đình, tính mạng để giữ trọn khí tiết cộng sản, cho sự nghiệp cách mạng v.v… Nhưng bây giờ liệu có còn ai dám hy cho đảng CSVN?

Nói tới chuyện hy sinh, nghe có vẻ xa xỉ quá, đảng CSVN ngày nay không đòi hỏi người vào đảng phải có những hy sinh đó, vậy mà chẳng ai muốn vào. Ngoại trừ bị ép buộc phải vào để thăng tiến trong sự nghiệp, hay một số người vào để tham nhũng, vơ vét, số còn lại chẳng ai muốn vào.

Tôi nghĩ, đảng CSVN đã mất hoàn toàn sức hút, đó là những khẩu hiệu mang lại công bằng, dân chủ, văn minh; nhà nước của dân, do dân và vì dân. Điều đó là chính xác, tất cả những gì mà người dân mong muốn ở chế độ hiện tại chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, không hơn không kém. Cái gì đã làm cho đảng CSVN biến chất đến như vậy?

Khi chưa có chính quyền trong tay, đảng CSVN với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau, biến hóa khôn lường, để làm sao thu hút được nhân dân, đặc biệt là những người ở tầng lớp thấp kém và bị bần cùng trong xã hội, như công nhân, nông dân, tầng lớp nghèo thành thị v.v… để có được lực lượng hùng hậu, thực hiện mục tiêu của mình.

Đến khi cướp được chính quyền thì dần dần chuyển biến để trở thành tầng lớp cai trị, với các thủ đoạn, kinh nghiệm học tập và tích lũy hàng ngàn năm qua của các chế độ cai trị man rợ trước đó, như học cách cai trị của các Thái thú do triều đình phương bắc cử xuống phương nam đô hộ, học cách cai trị của các triều đình phong kiến Việt nam thời tự chủ, học cách cai trị của thực dân và gần đây nhất là học cách cai trị của cộng sản Nga và Tàu.

Với tất cả những kinh nghiệm tích lũy đó, cộng với bản chất “tàn ác”, không thủ đoạn nào mà đảng CSVN không sử dụng, cốt để làm sao giữ cho được quyền cai trị đất nước lâu dài. Nhưng điều đó là có hiện thực và biện chứng không? Câu trả lời chắc chắn là không? Với lý luận biện chứng do mình theo đuổi, Chủ nghĩa Mác Lê-nin, không có gì là mãi mãi, có áp bức bất công thì có cách mạng. Đảng CSVN có biết không? Tôi nghĩ họ biết rất rõ lòng dân đang nghĩ gì, muốn gì, nhưng họ có dám giải quyết không? Chắc chắn là không.

Vì sao? Vì họ không có con đường nào khác để chọn, vì nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam để hành động của họ để giành chính quyền là dựa trên việc vận động thu hút người cùng khổ, dùng bạo lực và để kiểm soát nguồn lực, của cải thông qua phương thức chiếm hữu tư liệu sản xuất để phân phối của cải bằng áp đặt phương thức sản xuất. Nếu họ thay đổi cho phù hợp với việc cai trị, vô hình chung họ phủ nhận triết lý và nền tảng tư tưởng của chính họ.

Do đó, với công cụ bạo lực cách mạng trong tay thì họ chỉ còn mỗi việc là bắt bớ, cầm tù những ai dám phản đối, thậm chí bây giờ nếu Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai … còn sống và đấu tranh như những gì mà cô Thêu, cô Tâm và nhiều người khác đang làm, chắc chắn những “công thần lập quốc này” cũng bị đảng CSVN cầm tù và xử án. Lịch sử đã lặp lại cho dân tộc Việt Nam này.

Vậy bằng cách gì mà đảng CSVN có thể duy trì bền vững sự lãnh đạo hiện nay của mình? Theo tôi nghiên cứu và phân tích thì có hai biện pháp: Dùng sự sợ hãi và dùng các lợi ích để thao túng và cai trị.

Với tầng lớp dân nghèo và đảng viên cấp thấp, đảng CSVN sử dụng biện pháp đe dọa và làm cho họ sợ hãi, đó là bắt bớ, tù đày, tra tấn … Đối với đảng viên cấp thấp thì các biện pháp tuân theo nghị quyết của đảng, mà đa phần là sai trái và áp đặt, ví dụ như chống tự diễn biến, tự phê và phê bình v.v… Thậm chí đảng viên cấp cao cũng cùng chung số phận nếu có những suy nghĩ cấp tiến như Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà Phan, Trần Độ, Chu Hảo …

Còn đối với đảng viên cấp cao thì đảng CSVN dùng lợi ích để dụ dỗ, mua chuộc và thao túng, thông qua các đặc quyền, đặc lợi, quyền ban phát, bởi vì trong cơ chế điều hành hiện nay, tất cả phải xin và nhà nước có quyền ban phát cho. Cơ chế này là mảnh đất màu mỡ để quan chức vơ vét, nhũng lạm. Đảng có biết không? Chắc chắn là biết, nhưng sẽ không làm gì vì đó là công cụ để điều khiển bộ máy.

Còn chống tham nhũng chỉ là “khẩu hiệu”, thực chất là thanh trừng phe phái hoặc ăn quá dày, như bà Chủ tịch quốc hội Kim Ngân đã phát biểu gần đây. Ở Việt Nam, tham nhũng mang tính hệ thống, không một cá nhân nào có thể làm được, những vụ đổ bể là do nội bộ không ăn chia sòng phẳng, hoặc không chung chi đầy đủ trong đường dây nên mới bị lộ và bị xử.

Có lần tôi ngồi taxi tại Hà Nội, người lái xe kể, bây giờ ông Trọng đốt lò mạnh quá thì tụi quan chức tạm yên, chờ thời ông Trọng qua đi, thì họ quay lại với cách ăn chia như cũ, vì họ đã đầu tư nhiều tiền của cho các vị trí quyền lực, cần phải thu hồi vốn. Những điều mà người lái xe này kể, hầu như không có gì mới đối với đa số người dân Việt Nam.

Vậy ai là người mà quan chức phải đầu tư? Trong cơ chế này, người quyết định vận mệnh chính trị của họ là Ban Tổ chức Trung ương hoặc Ban Tổ chức Thành ủy, Tỉnh ủy, mà báo chí Việt Nam hay nói là tình trạng mua quan bán chức, nó diễn ra tại những nơi này.

Tôi được biết có một số bộ ngành, địa phương ban đầu cũng háo hức đề ra chính sách tranh cử để lựa chọn người tài, cũng cho bố trí, bầu bán, nhưng bị các cơ quan đảng, đặc biệt là các cơ quan tổ chức phản đối, vì theo họ là làm mất vai trò lãnh đạo của đảng, thực chất là làm mất miếng ăn của họ. Tất cả các ý tưởng tranh cử để tìm nhân tài đều bị chết yểu như thế!

Qua phân tích hệ thống chính trị như trên, ta thấy rõ ràng là quyền lực, quyền lợi, bổng lộc của quan chức được hình thành và phân bổ như thế nào và thân phận người dân, người đảng viên cấp thấp, lót đường, được gì và mất gì trong hệ thống đó. Với việc phân chia của cải, nguồn lực xã hội như vậy, thì chỉ có quan chức trong hệ thống là dành phần lớn bổng lộc, còn đối với đảng viên cấp thấp, các địa phương hoặc người dân thì chỉ làm viên gạch lót đường để nuôi bộ máy của đảng.

Các bạn hẳn đã thấy rõ, số phận người lao động, người nghèo, các địa phương ra sao, trong khi quan chức ở thủ đô thì ngày càng giàu có và có cuộc sống xa hoa. Với tình trạng này, chắc chắn những mâu thuẫn nội tại của Việt Nam, đến lúc nào đó khi đã bị dồn nén tới hạn thì nó sẽ bùng nổ, như một quy luật thứ ba, quy luật lượng-chất, của phép biện chứng duy vật mà Mác Lênin đã nêu “lượng đổi thì chất sẽ đổi”, dù đảng CSVN có khéo léo bưng bít, hoặc “đu dây” thế nào.

Chỉ khổ cho người dân Việt Nam hết chịu khổ vì cuộc cách mạng này lại tiếp tục chịu khổ vì cuộc “cách mạng” tiếp. Lịch sử sao cứ lặp lại mãi đối với người dân Việt khốn khổ?!





No comments:

Post a Comment

View My Stats