29/06/2020
Vụ anh George Floyd, một
người Mỹ da đen tại thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota bị cảnh sát chèn
cổ chết trong lúc đang bị cảnh sát bắt giữ ngày 25-5-2020 đã gây một làn sóng
biểu tình bạo động kéo dài nhiều tuần lễ tại nhiều thành phố Hoa Kỳ và vài
thành phố trên thế giới để phản đối chính sách phân biệt sắc tộc tại Hoa Kỳ. Để
tìm hiểu mức độ phân biệt chủng tộc của một xã hội, cần xem xét hệ thống pháp
lý, sự áp dụng hệ thống pháp lý đó trên thực tế và thái độ của dân chúng.
Hoa Kỳ có hệ thống pháp
lý bình đẳng sắc tộc không thua bất cứ một hệ thống pháp lý của quốc gia nào, nếu
không muốn nói là nhất thế giới.
Để áp dụng vào thực tế, ở
dòng cuối trên tất cả mọi văn thư của cơ quan công quyền đều có hàng chữ “Áp dụng
chính sách không phân biệt đối xử” bằng 3 ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Tây ban
Nha, và một ngôn ngữ của cộng đồng dân cư đông nhất tại địa phương (Ở những
vùng tôi biết, thường có nhiều người Việt, nên tiếng Việt được áp dụng). Hình
dưới đây chụp từ website của ty giáo dục tôi đang làm việc.
Chính sách này không chỉ
ghi nhận bằng lời mà bằng những chương trình cụ thể. Một trong các chương trình
đó là chương trình cung cấp dịch thuật bằng ngôn ngữ của phụ huynh. Hình dưới
đây đại khái có nội dung như sau: Ty giáo dục chúng tôi cung cấp dịch vụ thông
dịch miễn phí tại chỗ hay qua điện thoại bằng ngôn ngữ của quí vị bằng cách ký
khế ước với công ty dịch thuật có 4000 thông dịch viên nói hơn 240 ngôn ngữ. Nếu
quí vị cần dịch văn bản cũng được và xin “bấm vào đây” để gửi văn bản (upload).
Dịch vụ thông dịch miễn
phí như vậy cũng được cung cấp tại tất cả các cơ quan công quyền Hoa Kỳ. Đặc biệt
dịch vụ này rất mau lẹ trong các bệnh viện và cơ quan cảnh sát.
Bao nhiêu quốc gia trên
thế giới có ghi hàng chữ “không phân biệt đối xử” trên mọi văn bản của cơ quan
công quyền?
Bao nhiêu quốc gia trên
thế giới có dịch vụ thông dịch miễn phí hoàn chỉnh cho người dân đủ mọi sắc tộc
như tại Hoa Kỳ?
Để hiểu rõ tình trạng
phân biệt sắc tộc Hoa Kỳ thì cần hỏi những công dân Hoa Kỳ, những di dân bất hợp
pháp và những du khách từng viếng thăm Hoa Kỳ những câu hỏi sau:
KHI ĐẶT CHÂN TỚI HOA KỲ với
tư cách du khách, di dân hay tị nạn bạn có gặp ngôn từ hay thái độ khinh thường
của nhân viên hải quan không? KHÔNG!
KHI TỚI CƠ QUAN CÔNG QUYỀN
để nạp đơn xin mọi loại giấy tờ như thẻ xanh, thẻ an sinh xã hội, bằng lái xe,
trợ cấp xã hội v…v bạn có bắt gặp ánh mắt, ngôn từ, hay hành động bất lịch sự
không? KHÔNG! Bạn có thỏa mãn với tất cả mọi giải thích không? CÓ!
KHI TỚI BỆNH VIỆN
Khi gọi điện thoại cấp cứu,
xe cấp cứu có đến trễ quá 7 phút không? KHÔNG! Khi tới bệnh viện cấp cứu có bị
từ chối vì không có tiền mà cũng không có bảo hiểm y tế, cũng không phải di dân
hợp pháp (chỉ là công dân bất hợp pháp) không? KHÔNG!
Khi nằm tại bệnh viện tiện
nghi phòng ốc của bạn có kém phòng ốc của bất cứ bệnh nhân nào khác không?
KHÔNG! Cung cách đối xử và chăm sóc của các nhân viên và y, bác sĩ tại bệnh
viên có làm bạn hài lòng không? CÓ! Có bao giờ bạn không hài lòng không? KHÔNG!
KHI LÃNH TRỢ CẤP TÀI
CHÁNH HAY THỰC PHẨM bạn có gặp ánh mắt hay ngôn từ của nhân viên xã hội xúc phạm
mình không? KHÔNG! Bạn có thỏa mãn với các hướng dẫn không? CÓ.
KHI TỚI TRƯỜNG HỌC
Khi xin nhập học cho con
cháu hay bản thân từ tiểu học tới đại học bạn có gặp ánh mắt hay ngôn từ làm
mình khó chịu không? KHÔNG! Có được giải thích một cách vui vẻ, mau chóng và đầy
đủ không? CÓ!
Bạn có bị nhân viên nhà
trường hay nhân viên giảng huấn có thái độ, lời nói phân biệt đối xử không?
KHÔNG!
TRONG CÔNG, TƯ SỞ
Khi làm việc tại công, tư
sở bạn có gặp ánh mắt, lời nói hay chính sách phân biệt đối xử không? KHÔNG!
KHI GIAO TIẾP VỚI CẢNH SÁT
Có khi nào bạn không vi
phạm luật giao thông mà bị cảnh sát chận xét không? Chắc chắn là không, chỉ trừ
khi cảnh sát đang truy lùng một tội phạm trong khu vực.
Khi vi phạm luật giao
thông bị cảnh sát chận xét, cảnh sát có lời nói hay thái độ khinh thường bạn
không? KHÔNG! Chẳng những vậy, cảnh sát Hoa Kỳ còn rất lịch sự gọi bạn bằng
“Sir” Ngài, hay “Ma’am” Bà.
HOA KỲ LÀ ĐẤT NƯỚC CỦA CƠ HỘI THÀNH CÔNG CHO TẤT CẢ
MỌI NGƯỜI (Land of
opportunity to succeed)
Không biết ngôn ngữ bản địa,
không trình độ học vấn, không tài sản và quá 18 tuổi (là tuổi học trung học) là
rào cản sự thăng tiến của tất cả các di dân khi tới các quốc gia trên thế giới
nhưng không ngăn cản sự tiến thân lên tới tột đỉnh vinh quang trong xã hội
Hoa Kỳ nếu người đó có tham vọng, khả năng và tận tâm làm việc. Tại Hoa Kỳ mọi
người đều có cơ hội học tập miễn phí cho tới hết bậc trung học. Những người
trên 18 tuổi đều có cơ hội học miễn phí trong khi vẫn được trợ cấp thừa tiền
chi tiêu trong suốt 4 năm tại đại học cộng đồng 2 năm (thời gian lãnh trợ cấp
đi học đại học của liên bang là 4 năm).
Với những người đã có bằng
đại học 4 năm trở lên do các quốc gia khác cấp đều có cơ hội tiếp tục học lên
thạc sĩ, rồi tiến sĩ sau khi văn bằng được dịch và đánh giá bởi trường đại học
nơi mình nạp đơn. Mọi trường đại học Hoa Kỳ đều có phòng đánh giá văn bằng ngoại
quốc cung cấp bởi 250 quốc gia (Department of Evaluation). Nếu người học chuyển
ngành học thì chỉ phải học thêm những tín chỉ của ngành học mới.
Ngôn ngữ không là trở ngại
trong việc được tuyển dụng vào các cơ quan công quyền, ngay cả ở cấp cao. Hầu hết
các giáo sư đại học, các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ thuộc các sắc tộc Á châu khi tới
Hoa kỳ từ 20 tuổi trở lên đều nói tiếng Anh ngọng (có accent). Đây là một điều
không thể có được ở bất cứ quốc gia nào. Một lần có một độc giả than phiền trên
báo rằng anh ta gặp một nhân viên nói tiếng Anh ngọng khi tới làm việc với một
cơ quan công quyền. Người giám đốc cơ quan bèn trả lời “Hoa Kỳ là một quốc gia
di dân, nên chính người nhân viên nói tiếng Anh ngọng đó đã giúp ích rất nhiều
cho mọi người đến với cơ quan.”
Một minh chứng hùng hồn về
sự bình đẳng trong cơ hội thành công tại Hoa Kỳ là Tiến sĩ phi hành gia không
gian Hoa Kỳ gốc Ấn độ Kalpana Chawla. Cô thổ lộ, từ bé cô đã quyết tâm trở
thành phi hành gia không gian và cuối cùng cô đã đạt được ước mơ đó tại Hoa Kỳ chỉ
sau 14 năm tới đất nước này.
TS Chawla tốt nghiệp kỹ
sư cử nhân tại Ấn độ. Sau đó di cư sang Mỹ năm 1982. Mặc dù chưa có quốc tịch
Hoa Kỳ cô liên tiếp lấy bằng Master Khoa học không gian tại Đại học Texas năm
1984, bằng Master thứ nhì năm 1986 và bằng Tiến sĩ kỹ sư không gian năm 1988 tại
Đại học Colorado Boulder. Cũng năm này cô vào làm trong cơ quan không gian Hoa
Kỳ (NASA). Năm 1991, trở thành công dân Hoa Kỳ cô xin vào đoàn phi hành gia của
NASA (Astronaut Corps). Năm 1995 cô được chấp nhận làm thành viên của đoàn phi
hành gia và năm 1996 cô được chọn lựa cho chuyến bay đầu tiên của cô vào
không gian. (https://en.wikipedia.org/wiki/Kalpana_Chawla)
Trước đó, vào năm 1992, cộng
đồng người Mỹ gốc Việt cũng có một phi hành gia thuộc cơ quan NASA đã bay trong
không gian trong 13 ngày, 19 giờ, 30 phút. Phi hành gia không gian người Mỹ gốc
Việt Trịnh Hữu Châu (Eugene Huu-Chau “Gene” Trinh sinh năm 1950 tại Saigon. Đỗ
tú tài tại Pháp năm 1968, Cử nhân khoa học tại Đại học Columbia Hoa Kỳ năm
1972, Master khoa học tại Đại học Yale năm 1974, Master Triết học năm 1975
(Masters of Philosophy), và Tiến sĩ Vật lý Ứng dụng (Doctorate of Philosophy in
Applied Physics) năm 1977. Làm việc tại NASA năm 1979 và năm 1992 được tuyển chọn
làm phi hành gia không gian trong phi vụ NASA Space Shuttle mission STS-50.
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh,
cựu Tư lệnh Không Quân của Việt Nam Cộng Hòa, khoa học gia Không gian đầu tiên
người Mỹ gốc Việt, giảng dậy nhiều sinh viên cấp tiến sĩ đến từ nhiều quốc gia
học tại Đại học Hoa Kỳ, đồng thời ông cũng cộng tác với cơ quan không gian Hoa
Kỳ (NASA). Một trong công trình khoa học của ông là vạch ra lộ trình tối ưu để
phóng một phi thuyền lên không gian (Optimal Trajectories in Atmosphere
Flight). Ông cũng từng được bầu chọn là một trong 100 người Mỹ điển hình trong
năm. sách bìa cứng bán trên Amazon giá $100
Là một cộng đồng tị nạn
non trẻ nhất tại Hoa Kỳ (mới chỉ 45 năm, từ 1975), nhưng người Mỹ gốc Việt cũng
đã đạt những thành tựu mà không một cộng đồng người Việt tị nạn tại quốc gia
nào trên thế giới có được là ngoài những thành đạt thông thường như đông đảo
bác sĩ, giáo sư đại học, tiến sĩ, một số thẩm phán, dân biểu liên bang, dân biểu
tiểu bang, cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ hiện có 5 vị tướng lãnh đang
giữ chức vụ chỉ huy cao cấp trong đủ 5 quân binh chủng Hoa Kỳ, đang có bà
Giao Phan là tổng công trình sư (dùng chữ của VC) chỉ huy xây dựng 3 hàng không
Mẫu hạm tối tân nhất thế giới, đang có một nữ khoa học gia Dương Nguyệt
Ánh giữ chức vụ ngang cấp tướng trong Bộ Quốc phòng Hoa kỳ, đã có luật gia Đinh
Đồng Phụng Việt Phụ tá Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ, tác giả đạo luật An ninh bảo vệ
Hoa Kỳ có tên là USA PATRIOT Act. sau vụ Hoa Kỳ bị khủng bố 9-11-2001. Còn đối
với thế hệ trẻ 1 ½ , nhiều con em tị nạn Việt tại Hoa Kỳ đã tốt nghiệp đại học
có công ăn việc làm bình đẳng trong các công, tư sở và không ít sau trên dưới
10 năm làm việc đã trở thành manager quản lý nhiều nhân viên bản xứ hay sắc tộc
khác.
Tóm lại, trên tất cả mọi
phương diện, trong mọi trường hợp, ở mọi nơi, trong công, tư sở hay nơi công cộng,
không một công dân Hoa Kỳ hay một du khách nào bị phân biệt đối xử, bằng lời
nói, ánh mắt, hay thái độ.
Nếu một người cảm thấy bị
phân biệt đối xử trong công sở thì khiếu nại với cấp cao hơn và chắc chắn cấp
trên sẽ giải quyết ngay tức khắc. Nếu khiếu nại đúng thì nhiều phần trăm người
có hành vi, lời nói hay thái độ phân biệt đối xử sẽ bị sa thải. Lý do là nếu cấp
trên không giải quyết mau chóng thì chính họ cũng sẽ bị sa thải. Bởi vậy không
lý do gì họ chậm trễ hay không giải quyết.
Nếu có một chính sách phân
biệt đối xử theo sắc tộc nào ở Mỹ thì đó là chính sách nhằm nâng đỡ thành phần
sắc tộc yếu kém bằng Hệ thống luật nâng đỡ thiểu số (Affirmative Action). Hệ thống
luật Affirmative Action tại Hoa Kỳ nhằm mục đích tạo thuận lợi tiếp cận giáo dục
và công ăn việc làm cho những sắc tộc thiểu số và phụ nữ (racial minorities or
women), vừa để xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử, vừa để bảo đảm những định chế
công quyền (public institutions) như đại học, bệnh viện, và lực lượng cảnh sát
được thu dụng thêm những đại diện của cộng đồng dân chúng mà họ phục vụ. Chính
trong cộng đồng người Mỹ da đen, một nhóm có tên “hậu duệ của những người Mỹ nô
lệ” (American Descendants of Slavery) cũng than phiền (claims) rằng quyền lợi
ưu tiên của họ qui định trong đạo luật “Affirmative Action” đã bị giảm vì những
di dân da đen chưa bao giờ là nô lệ cũng được hưởng những quyền lợi này (Within
the black community, a group, American Descendants of Slavery, claims that
their benefit from affirmative action is diluted because immigrant blacks who
never were slaves are also eligible (wikipedia).[43]
Trường hợp nào người ta thường cảm thấy bị phân biệt đối xử? Đó là thời gian mới tới Mỹ, tiếng Mỹ
không biết hay còn kém. Vì bất đồng ngôn ngữ nên nhiều khi người di dân mới tới
cảm thấy bị phân biệt đối xử. Nhưng thực sự không phải như vậy, đó chỉ là cảm
tưởng. Cảm tưởng này dường như đa phần người mới tới Mỹ trải qua. Tôi không phải
ngoại lệ. Một lần điện thoại cho công ty bảo hiểm xe cộ. Vì kém tiếng Anh tôi
không hiểu rõ người đối thoại và có lẽ người đối thoại cũng không hiểu tôi, cuối
cùng tôi chấm dứt cuộc gọi với ấm ức mình “bị phân biệt đối xử”. Hôm sau, gọi
cho người nhân viên khác cũng người da trắng mà tôi quen trước, tôi than phiền
với ông ta là hôm trước dường như người nhân viên kia phân biệt đối xử với tôi.
Ngay lập tức tôi nhận được “bài học” quí giá khi người nhân viên da trắng này
giải thích :“Thưa ông, tiền bạc không mầu!”
Thực tế, là một công chức
16 năm thâm niên, tôi biết rằng chẳng ai muốn tỏ thái độ phân biệt đối xử với đồng
nghiệp hay với người dân có việc tới cơ quan mình, bởi vì chắc chắn mình sẽ bị
rắc rối, có thể đưa tới bị đuổi việc. Tôi nghĩ nếu ai có tinh thần kỳ thị sắc tộc
thì họ cũng giấu kín trong đầu chứ không dại gì bộc lộ. Nhưng cùng làm việc lâu
ngày với một tập thể nhiều sắc tộc, tôi thấy tinh thần phân biệt sắc tộc đã hầu
như biến mất hoàn toàn ở mọi người, đó là suy từ trong lòng tôi và từ những nhận
xét của tôi với các bạn đồng nghiệp cùng cơ quan.
Đôi khi có sự việc
(incidents) hiểu lầm giữa đôi bên do bất đồng ngôn ngữ hay văn hóa, nhưng khi
được đưa lên truyền thông thì trở thành vấn đề phân biệt sắc tộc. Như mới đây
cô sinh viên Nguyễn Diễm Phúc Bùi được ông giáo sư email đề nghị cô đổi tên
sang tên tiếng Anh nào đó bởi vì tên tiếng Việt của cô khiến người Anh ngại
ngùng phát âm “F. Bui”. Điều này là thực tế có lợi cho cô. Nhưng cô Phúc Bùi vì
kém tiếng Anh phải nhờ người bạn và google mới hiểu được ý của vị giáo sư. Tuy
nhiên như mọi người biết, trao đổi qua email thiếu cái biểu lộ tình cảm của gặp
mặt trực tiếp, vì thế mà cô cảm thấy bị xúc phạm văn hóa. Và vấn đề khi đưa lên
mạng truyền thông đã trở thành phân biệt sắc tộc, nhưng bản chất vấn đề không
phải như vậy. Mặc dù vậy vị
giáo sư cũng đã gửi lời xin lỗi và cũng bị nhà trường cho tạm nghị việc
đề điều tra. Là một giáo chức Mỹ gốc Việt trong nhà trường Mỹ, tôi hiểu ngay
đây chỉ là hảo ý của ông giáo sư. Nếu hai bên có thể trao đổi ý kiến với nhau
trực tiếp, không phải qua email, thì dễ thông cảm giữa người với người hơn.
Không bao giờ một vị giáo chức hay nhân viên nhà trường tỏ lộ bằng thái độ hay
ngôn từ phân biệt sắc tộc, vì họ sẽ bị đuổi việc ngay tức khắc.
Đối với cộng đồng người Mỹ
da đen thì dường như có một sự khác biệt với các cộng đồng sắc tộc khác. Sống
và làm việc với họ khá lâu, theo dõi các chính trị gia da đen phát biểu về vấn
đề kỳ thị sắc tộc hiện nay, tôi thấy người da đen vẫn còn bị ám ảnh nặng nề của
lịch sử mấy trăm năm nô lệ tại Mỹ. Theo tôi đây là một vấn đề tâm lý. Điều này
cũng dễ hiểu bởi vì có những người da đen đứng tuổi đã từng trải qua thời bị
phân biệt đối xử; hay bố mẹ, ông bà họ từng bị phân biệt đối xử, khinh thường.
Những kinh nghiệm trải qua đó chưa lâu, mới vài chục năm, nên như vết thương vẫn
còn đang lên da non, ngứa ngáy, và vì thế họ dễ có “tâm lý nổi loạn”. “Tâm lý nổi
loạn” này các sắc tộc khác không có nên khó thông cảm.
Cái tâm lý nổi loạn không
phải chỉ riêng người da đen tại Mỹ mới có mà hầu như toàn thể người Phi châu
hay người da đen ở Âu châu hay Nam Mỹ đều có. Tâm lý người da đen kỳ thị người
da trắng xuất hiện trên khắp thế giới chứ không phải chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Bất
cứ một sự kiện nào mà nạn nhân là người da đen và người kia là người da trắng
cũng gần như 100% sẽ đưa tới tâm lý nổi loạn. Và nếu có điều kiện, như tại Hoa
Kỳ hay tại Paris, sẽ dễ dàng đưa tới cả một phong trào chống đối, bảo vệ người
da đen. Phong trào Black Lives Matter (Sinh mạng người da đen quan trọng) là một
điển hình như vậy. Trường hợp ngược lại thì không sao. Hoặc trường hợp cả hai
bên đều là người da đen thì cũng không sao. Ví dụ trong một vụ biểu tình đầu
tháng 6/2020 của phong trào Black Lives Matter, chính những người da đen cướp
phá các cửa tiệm đã giết
chết một cựu sĩ quan trưởng ty cảnh sát người da đen trong lúc ông ta
bảo vệ một tiệm cầm đồ của người bạn ông, ngăn đám đông cướp phá, thì không thấy
người da đen nào lên tiếng.
Chính tâm lý nổi loạn đã
khiến người da đen đã đập phá những thành phố họ đang sinh sống, những tượng
đài biểu tượng lập quốc của Hoa Kỳ, tạo lập một “thành phố” vô chính phủ, không
cảnh sát, ở trong lòng thành phố Seattle (Washington State) tháng 6/2020 và tại
đó nhiều người Mỹ da đen đã
chà đạp quốc kỳ Hoa Kỳ. Những hành động này đã không được ủng hộ của
các cộng đồng sắc tộc khác.
Ngay cả không ít người Mỹ
da đen cũng phản đối hành động biểu tình bạo động, vô chính phủ này. Ví dụ con
trai của huyền thoại boxing Muhammad Ali cũng phản đối phong trào
Black Lives Matter và phản đối các vụ biểu tình bạo động.
Trong trường tôi làm việc,
một thầy giáo da đen trung niên từng tâm sự với tôi về sự phân biệt đối xử mà
gia đình ông ta đã trải qua, như sự kiện đó vừa mới xẩy ra chưa lâu, hôm qua.
Vào ngày bầu phiếu tổng thống năm 2008, ông ta cho tôi biết là tối hôm đó ông ấy
sẽ tới quán rượu có sự tụ tập của những người da đen để theo dõi kết quả cuộc bầu
cử, tiền lời hôm đó chủ quán sẽ tặng hết cho quĩ của ông Obama. Buổi sáng hôm
sau, bước vào sân trường tôi cảm thấy bầu không khí khác lạ hẳn. Nếu bảo chỉ rõ
khác lạ điều gì thì không thể xác định được. Nhưng rõ ràng trong bầu không khí
có sự khác lạ, vì lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, và cũng là lần đầu tiên
trong lịch sử tại đất nước của người da trắng, một người da đen đã đắc cử tổng
thống: ông Obama. Ông bạn thầy giáo người da đen bước vào trường với những bước
như nhún nhẩy, khuôn mặt như có nụ cười. Và riêng tôi, cũng kể từ sau khi Hoa Kỳ
có tổng thống da đen, tôi cũng cảm thấy tâm lý phân biệt đối xử ở đất nước này
đã hoàn toàn chấm dứt. Tôi cũng thấy tự tin hơn khi nhận mình là người Mỹ: Người
Mỹ không phải chỉ là người da trắng mà là tất cả mọi sắc dân. Những ai đã đặt
chân tới Mỹ, muốn nhận nơi này là quê hương, chấp nhận những giá trị Mỹ
(American Values), chấp nhận sự đa dạng sắc tộc, thì đều được đối xử bình đẳng
và đều có thể tự nhận mình là người Mỹ. Là người Mỹ không cần phải nói thông thạo
tiếng Anh. Quan điểm này đã được tôi thường xuyên giải thích cho người ngoại quốc
mỗi khi du lịch ra nước ngoài được họ hỏi “Ông người nước nào? Where are you
from?) Tôi trả lời “Tôi người Mỹ!” thì họ cười. Tôi hỏi họ tại sao họ cười và
tôi giải thích cho họ hiểu, hình ảnh nước Mỹ của người da trắng đã chấm dứt
cách nay lâu rồi. Bây giờ nước Mỹ của tôi gồm đủ mọi sắc dân, Trắng, Đen, Nâu,
Vàng và Đỏ. Và tôi hỏi tiếp, “Thế ông không biết chúng tôi đã có một vị Tổng thống
da đen à?” Lúc đó họ hiểu ra.
Phải công tâm mà nói rằng, từ sau khi Hoa Kỳ có một tổng thống da đen,
nếu có sự kiện bạo lực xảy ra giữa cảnh sát và người Mỹ da đen thì thực chất đó
là sự xử dụng bạo lực không đúng cách của cá nhân người cảnh sát đó chứ không
phải chủ trương phân biệt sắc tộc của cảnh sát. Trong vụ nạn nhân da đen Floyd, ông Medaria Arradondo trưởng ty
cảnh sát Minneapolis là người da đen. Một trong hai cảnh sát giữ chân ông Floyd
là Kueng, cũng người da đen. Theo báo The Star Tribune, Kueng là người da đen sống
với bà mẹ đơn côi (single mom) trong khu vực đa số là người da đen phía bắc
thành phố Minneapolis. Và Kueng được thu nhận vào ty cảnh sát địa phương để làm
cho khu vực sinh sống của cộng đồng người da đen địa phương được tốt đẹp hơn
(The Star Tribune reported that Kueng became a police officer to “make his
community a better place.”) Như vậy bảo rằng trong vụ ông Floyd có sự kỳ thị da
đen là không hợp lý. Một cách công bình mà nói, thì đó là hành vi sử dụng sức mạnh
quá đáng của một nhân viên cảnh sát đối với một người dân Hoa Kỳ; không nên đề
cập tới mầu da của cảnh sát lẫn nạn nhân trong vụ này. Đúng đắn nhất, mỗi khi
có sự việc cảnh sát sử dụng bạo lực quá đáng thì người ta nên phản đối nhưng
không nên chú ý tới mầu da của nạn nhân, và khẩu hiệu phản đối sẽ không phải
“Black Lives Matter!) mà nên là “People’s Lives Matter!” (Mạng sống của người
dân rất quan trọng!)
Dầu sao, trong lịch sử lập
quốc Hoa Kỳ đã có những phong trào tranh đấu đòi bình đẳng của người Da Đen. Và chính những kết quả của phong
trào tranh đấu bền bỉ của người Da Đen trong quá khứ đã mang lại sự bình đẳng sắc
tộc và cuộc sống hài hòa tốt đẹp như ngày hôm nay mà tất cả các cộng đồng sắc tộc
khác đều được hưởng. Vì vậy, là một cộng đồng sắc tộc thiểu số tới sau,
người Việt tị nạn cũng cần mang ơn phong trào tranh đấu của người Da Đen cho
bình đẳng sắc tộc.
Nhưng mang ơn cộng đồng người
Mỹ da đen không có nghĩa là ủng hộ những phản đối của họ nhân danh bất bình đẳng
sắc tộc. Vì thực tế Hoa Kỳ không còn chính sách hay chương trình hoạt động nào
mang dấu ấn kỳ thị sắc tộc. Nếu có người gốc Việt nào ở Âu châu hay bất cứ quốc
gia nào chỉ trích tình trạng phân biệt sắc tộc tại Mỹ thì nên hỏi người đó, “Tại
đất nước bạn đang sinh sống, cộng đồng người Việt có được đối xử bình đẳng với
các sắc tộc khác như cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ không?”
Nếu có người Mỹ gốc Việt
nào chỉ trích tình trạng phân biệt đối xử sắc tộc tại Hoa Kỳ thì nên hỏi người
đó, “Bạn có làm việc trong công sở Hoa Kỳ không? Chức vụ bạn đang đảm nhiệm có
tương xứng với bằng cấp, tài năng và tinh thần làm việc của bạn không? Bạn có gặp
sự phân biệt đối xử không? Nếu bạn bị phân biệt đối xử sao bạn không sử dụng hệ
thống khiếu nại rất hoàn hảo trong công sở Hoa Kỳ? Nếu bạn bị phân biệt đối xử
tại các cơ quan cung cấp dịch vụ công hay tư bạn có khiếu nại với người có
trách nhiệm (manager) không và họ giải quyết ra sao?”
Người Mỹ gốc Việt hoàn
toàn bình đẳng với các sắc dân khác tại Hoa Kỳ nhưng lại thường bị khinh thường,
khích bác bởi một số không ít người Việt ngoài Hoa Kỳ bằng những ngôn từ
xúc phạm như gọi họ là Mỹ giấy, Mỹ vàng, hoặc là buông câu chỉ trích, “Dù
anh có nhận là Mỹ thì muôn đời da anh cũng không trắng được!”
Nguyễn Tường Tâm
No comments:
Post a Comment