Tuesday, 30 June 2020

KỲ THỊ & BẢN SẮC, NHÌN TỪ NƯỚC ÚC (Phạm Phú Khải)




01/07/2020

Làm người đi tìm sự thật hôm nay cũng thật khó!

Đa số người Mỹ cho rằng sự phẫn nộ về cái chết của người da đen dưới bàn tay của cảnh sát đưa đến các cuộc biểu tình khắp nước trong thời gian qua là điều chính đáng, mặc dầu họ không nhất thiết đồng tình với hành động xảy ra, theo khảo sát vào đầu tháng Sáu của trường đại học Monmouth. 76 phần trăm người Mỹ, kể cả 71 phần trăm người Mỹ da trắng, cho rằng kỳ thị chủng tộc và phân biệt là một vấn đề lớn tại Hoa Kỳ, tăng 26 phần trăm so với khảo sát năm 2015.

.
Mọi mạng sống đều quan trọng

Vào ngày 22 tháng Sáu, một chiếc phi cơ bay ngang sân Etihad Stadium khi hai đội banh Manchester City và Burnley thi đấu. Chiếc máy bay chở một tấm phướn lớn có chữ “White Lives Matter Burnley. Liền sau đó, đội Burnley bị chỉ trích nặng nề vì bị cho rằng thông điệp này coi thường phong trào đấu tranh Black Lives Matter hiện nay. Giám đốc đội Burnley, ông Sean Mark Dyche, liền họp báo lên án hành động này và xin lỗi vì sự việc xảy ra ngoài ý muốn của ông. Còn đội trưởng Ben Mee cho biết anh cảm thấy nhục nhã và xấu hổ đối với những ủng hộ viên nồng nhiệt nhưng hành xử như thế.

Giám đốc đội Manchester City thì ôn tồn hơn khi phản ứng về sự kiện này. Ông Pep Guardiola cho rằng “Tất nhiên mạng sống người da trắng là quan trọng nhưng mạng sống người da đen cũng quan trọng. Con người quan trọng. Mọi người, chúng ta đều giống nhau. Mỗi ngày chúng ta phải chiến đấu không chỉ vì tình huống này mà còn vì tất cả những bất công trên toàn thế giới.” Trước đó, vào ngày 18 tháng Sáu, khi nói về phong trào Black Lives Matter, Guardiola cũng nhận xét rằng ông cảm thấy "xấu hổ" về lịch sử đối xử của người da trắng đối với người da đen.

.
Tự hào hay phủ nhận bản sắc

Cái chết của ông George Floyd tại Mỹ do một cảnh sát da trắng quỳ gối lên cổ đã làm cho nhiều người phẫn nộ, trong đó những người da trắng tại Mỹ cũng như khắp nơi cảm thấy nhục nhã vì hành động này và vô tình cảm thấy xấu hổ lây vì mình là da trắng.

Một đàn ông da trắng Damian Cawthorne chụp tấm hình mình mặt áo có hàng chữ “Tôi yêu được làm người da trắng (I Love Being White), rồi phổ biến trên Twitter với lời giới thiệu “Một đàn ông da trắng người Anh tự hào” (Proud white English man).

Hân là một người bạn Việt Nam của tôi. Cô qua Úc lúc chỉ 7 tuổi nên cô rành tiếng Anh hơn tiếng Việt. Theo dõi phong trào Black Lives Matter trong những ngày qua, từ bên ủng hộ đến bên chống đối, cô liền dùng hình ảnh của Cawthorne để gửi cho 6 người bạn của cô trên Twitter, tất cả đều là da trắng, là công dân của Mỹ, Úc, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, và Hoà Lan. Cô hỏi mấy anh nghĩ gì về tấm hình này? Tất cả đều trả lời Hân rằng gã đàn ông này quả thật ngu xuẩn, không tế nhị khi mặc áo và đăng các hình và chữ này, và có hàm ý ngầm là kỳ thị chủng tộc.

Hân ngạc nhiên hỏi sáu ông này rằng từ lúc nào tự hào về bản sắc của mình trở thành một vấn đề? Hân lý luận rằng kỳ thị chủng tộc là khi nào trong tư tưởng mình có suy nghĩ sắc tộc của mình ưu việt hơn một hay nhiều sắc tộc nào đó, và/hoặc như thế coi thường và đối xử phân biệt với sắc tộc đó. Còn ghi nhận và tự hào về bản sắc (identity) của mình thì đâu có gì sai. Hân biện luận “Các ông thấy không, tôi tự hào là người da vàng, tôi tự hào là người Việt Nam. Tôi không thể thay đổi màu da của tôi. Nhưng tôi tự hào về bản sắc của mình”.

Tất cả sáu người đàn ông da trắng này đều ngạc nhiên với lý luận của Hân. Quả thật họ không thể nghĩ ra hay nhìn vấn đề này ở khía cạnh như thế, nhất là khi các vấn đề tranh cãi qua phong trào Black Lives Matter trở thành vô cùng tế nhị và nhạy cảm hiện nay. Bởi nói không khéo người da trắng dễ làm cho người không phải da trắng nghĩ mình có óc kỳ thị. Cho nên có những người da trắng chọn thái độ nói khéo, nói an toàn, nói phải đạo (politically correct), để khỏi mất lòng hay gây hiểu lầm.

Một trong sáu người đàn ông này hỏi lại Hân rằng nếu ông ta nói “Tôi không muốn làm người Việt Nam. Người Việt Nam có những đức tính xấu. Vậy cô có tức giận không?”. Cô Hân trả lời “Không, tôi sẽ không tức giận. Bởi vì ông không phải là người Việt Nam. Ông là một người da trắng. Ông không có quyền hưởng làm người Việt Nam bởi vì ông không phải là vậy (You are not entitled to be Vietnamese, because you are simply not)”. Người đàn ông này kinh ngạc với cách nhìn của Hân bởi vì quen Hân đã lâu nhưng không ngờ Hân lại có lối suy nghĩ và biện luận như thế. Hân tiếp tục “Tuy nhiên, tôi sẽ tức giận nếu một người Việt Nam nào đó lại đi phủ nhận mình là người Việt Nam”. Hân kết luận “Chúng ta nên chấp nhận mình là ai, nên tự hào về bản sắc của mình, và nên tôn trọng các sắc tộc khác và tôn trọng sự khác biệt.”

.
Những trò “đấu tố” thời nay

Cũng qua sự kiện George Floyd, luật sư Trần Kiều Ngọc đại diện cho Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền có ra một thông cáo nhận định rằng “Chúng tôi luôn kiên định lập trường ủng hộ hoàn toàn các mục tiêu đấu tranh cho công lý, công bằng xã hội, và sự bình đẳng cho tất cả mọi sắc dân, chủng tộc.” Phong Trào cũng khẳng định “All Lives Matter (Mạng Sống Của Mọi Người Đều Quan Trọng).” Thông cáo này có thông điệp ôn hoà, quan điểm cũng không khác gì Pep Guardiola hay tổng thống George W. Bush.

Thông cáo này cho đến nay được 659 thích, và 531 còm. Số còm gần bằng số thích. Tuy có nhiều người ủng hộ hơn chống, phần lớn chỉ bấm thích nhưng không bình luận. Còn các còm thì phần lớn đều tố cáo cô Trần Kiều Ngọc và PTGTTGVNQ bằng mọi nhãn hiệu tồi tệ nhất có thể. Đặc biệt họ cho rằng cô lợi dụng cơ hội này để ủng hộ cho đảng Dân chủ và hạ bệ ông Donald Trump của đảng Cộng hoà, trong khi toàn nội dung chỉ nói về nhân quyền, và chẳng đề cập gì đến đảng phái chính trị tại Hoa Kỳ.

Không biết từ khi nào các cuộc tranh luận về quyền làm người, hay các cuộc đấu tranh cho nhân quyền nhân phẩm, lại bị tóm gọn và đơn giản hóa tối thiểu thành các khẩu hiệu chính trị như thế này.

Nhìn các trò ném đá này, những trò vu khống chụp mũ vô tội vạ trên mạng xã hội, tôi cứ nghĩ đến tác phẩm “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản” của Hoàng Văn Chí, và cảm thấy rùng mình bởi các hình thức “đấu tố” thời đại mới.

Sẽ thật là tích cực và văn minh hơn, và hiệu quả hơn nếu muốn người khác thay đổi, khi chúng ta học cách phê bình nhau bằng những lời lẽ ôn tồn, với lý luận chính đáng và trình bày các bằng chứng khả tín.

.
Đi tìm sự thật lúc này cũng khó!

Giáo sư Nguyễn Thanh Việt có viết một nhận định ngắn trên Facebook rằng trong cùng một ngày, ông bị một người theo cánh tả bên Pháp gọi ông là con rối chống Cộng, trong khi người Việt tại Mỹ gọi ông là Cộng sản; ông cũng thường bị một số người Mỹ yêu nước bảo ông về lại nước Việt Nam Cộng Sản nếu ông yêu chủ nghĩa cộng sản nhiều như thế trong khi đó phần lớn những gì ông làm không được phép xuất bản tại Việt Nam. Thật là bối rối quá.

Quả là đi tìm sự thật hay dám nói lên những gì mình tin là đúng vào lúc này có rủi ro đụng chạm bao nhiêu xu hướng khác nhau trong xã hội: những người cả tin, những kẻ cuồng tín, những thành phần dân tộc quá khích, từ cực tả sang cực hữu v.v… Vì thế nên nhiều người ôn hoà chọn thái độ im lặng là vàng.

Nhưng vẫn có những tiếng nói công chính.

Vào ngày 2 tháng Sáu, sau sự kiện George Floys, cựu Tổng thống Hoa Kỳ George Walker Bush ra một tuyên bố có đoạn như sau:

“Những người hùng của nước Mỹ - từ Frederick Douglass đến Harriet Tubman, từ Abraham Lincoln đến Martin Luther King Jr. - là những vị anh hùng của sự đoàn kết. Lời kêu gọi của họ không dành cho kẻ yếu tim. Họ thường tiết lộ sự cuồng tín và bóc lột - những vết nhơ của dân tộc mà đôi khi không dễ cho cộng đồng đa số suy xét. Chúng ta chỉ có thể nhìn ra nhu cầu của đất nước qua cặp mắt của người bị đe doạ, áp bức và bỏ rơi.”

Ông Bush quả quyết “Đạt được công lý cho tất cả là trách nhiệm của tất cả mọi người”, và kết luận “Tôi tin rằng cùng nhau người Mỹ sẽ chọn con đường tốt hơn”.

Tổng tống John Fitzgerald Kennedy từng nhận định rằng “Khi quyền của một người bị đe doạ, quyền của mọi người bị giảm sút theo.” (The rights of every man are diminished when the rights of one man are threatened.”

Tổng thống Franklin Delano Roosevelt thì xác định rằng “Tự do có nghĩa là sự thượng đẳng của nhân quyền mọi nơi. Chúng ta ủng hộ những ai đấu tranh để giành và giữ các quyền này. Sức mạnh của ta đến từ sự đoàn kết trong mục đích. Vì quan niệm cao cả đó, mục tiêu cuối cùng phải là chiến thắng.”

Kỳ thị và bản sắc có lẽ là hai đề tài phức tạp và nhạy cảm lớn hiện nay. Nhưng mọi thứ đều có thể đơn giản hơn nếu mỗi chúng ta bớt đi sự tự ti cũng như sự tự tôn. Tự tôn quá trở thành lố bịch và kỳ thị. Tự tin quá trở thành khôi hài và bị kỳ thị. Trắng hay đen, vàng hay nâu, cũng chỉ là màu, và chỉ là bề ngoài. Bên trong mỗi chúng ta, từ tâm thức đến hành động, mới là quan trọng. Muốn hiểu bên trong thì cần nhìn sâu một chút, lâu một chút, và bằng tấm lòng thành và sự đồng cảm của mình cho người khác, với tư cách là một con người đúng nghĩa.





No comments:

Post a Comment

View My Stats