Monday, June 22, 2020
Nước Mỹ đang vào một đợt cao trào “phải đạo” -
nghĩa là ăn nói phải biết lựa lời cho khéo, cho hợp tình hợp cảnh, hợp với trào
lưu. Bằng không, nhẹ thì bị tấn công trên mạng xã hội, báo chí; nặng có thể mất
việc như chơi.
Hôm 10-6 vừa qua, CNN cho
biết bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió làm từ năm 1939 đã bị Hãng
HBO Max lấy ra khỏi kho phim của họ giữa những ngày mà phong trào chống phân biệt
chủng tộc đang dâng cao ở Mỹ. Động thái này xảy ra sau khi John Ridley, nhà
biên kịch từng đoạt giải Oscar của bộ phim 12 năm nô lệ viết một bài ý
kiến trên tờ Los Angeles Times yêu cầu HBO Max gỡ bỏ Cuốn theo chiều
gió. “Đó là một bộ phim ca tụng miền nam nước Mỹ thời trước hậu chiến, một
bộ phim mà - nếu bỏ qua những kinh hoàng của chế độ nô lệ - chỉ để nhằm lưu
truyền những định kiến đau thương nhất về người da màu - Ridley viết - Bộ phim
quy tụ những tài năng xuất sắc nhất của Hollywood lúc bấy giờ, hợp tác với nhau
để kịch hóa một lịch sử giả mạo”.
Ở TP Boston, một bức tượng
Christopher Columbus, nhà thám hiểm được cho là đã khám phá châu Mỹ vào thế kỷ
15, bị đám đông lôi xuống chặt đầu. Tên nhiều tòa nhà ở các trường đại học Mỹ
trước đây đặt theo những nhân vật lịch sử cũng bị đổi… Nước Mỹ đang trải qua một
cơn tự vấn… rất kỳ lạ và khó hiểu với những người quan sát từ bên ngoài.
Các giáo sư gặp
nguy vì tweet
“Nhạy cảm” hơn cả là những
gì đang xảy ra trong môi trường giáo dục, các giáo sư chỉ cần nói lên suy nghĩ
thật của họ là lập tức gặp rắc rối. Charles Negy, giáo sư môn tâm lý học Trường
đại học Central Florida, viết trên Twitter nhiều mẩu, trong đó có một mẩu cho rằng
“đặc quyền da đen” là có thật với những chính sách ưu tiên, các học bổng dành
riêng cho người da đen và nhiều chính sách ưu đãi khác, rằng việc những người Mỹ
gốc Phi không bị chỉ trích cũng là một đặc quyền. Ngay lập tức, nhiều người kêu
gọi Đại học Central Florida phải sa thải ông Charles Negy ngay và một kiến nghị
trực tuyến như thế đã thu hút được 16.000 chữ ký. Nhà trường tuyên bố chính thức
là các mẩu tweet của ông Negy “đi ngược hoàn toàn giá trị nhà trường chia sẻ”
và ban giám hiệu đang xem xét sự vụ…
Một trường hợp khác là
Harald Uhlig, giáo sư kinh tế học tại Đại học Chicago. Ông bị đồng nghiệp viết
kiến nghị đòi sa thải khỏi một tờ tạp chí kinh tế vì tội đã viết trên Twitter
cho rằng phong trào Black Lives Matter đã đi quá khi cổ xúy cho việc giải tán lực
lượng cảnh sát.
Giới trẻ hiện đang dùng
câu “OK, boomer” để chọc quê thái độ của những người lớn tuổi sinh ra trong thập
niên 1960. Thế nhưng khi một giáo sư ở Đại học Oklahoma nói với sinh viên rằng
khi ông nghe họ dùng cách đối đáp này với người lớn, ông cũng cảm thấy xúc phạm
y như người da đen bị miệt thị bởi lời lẽ phân biệt chủng tộc. Chỉ có thế nhưng
ngay lập tức sinh viên phản đối dữ dội, đến nỗi ban giám hiệu phải ra tuyên bố
lên án ông giáo sư này dùng lời lẽ sai trái, xúc phạm. Vị giáo sư này sau đó phải
xin lỗi.
Sự thống trị của hệ tư tưởng
“phải đạo” như thế đã diễn ra trong nhiều năm và hầu như không một ai vùng vẫy
thoát khỏi nổi cái vòng kim cô “phải đạo” đó. Thoạt kỳ thủy, đây là những ý tưởng
nhân văn, tiến bộ như nam nữ bình đẳng, chống lại kỳ thị chủng tộc, tôn trọng
dân nhập cư, không phân biệt tôn giáo… Nhưng những tiếng nói cổ vũ cho tư tưởng
cấp tiến như thế dần trở thành tiếng nói độc tôn, như thể đang nắm chân lý
trong tay, gạt bỏ tức khắc mọi ý kiến khác biệt, dán cho chúng cái nhãn “không
đúng đắn về mặt chính trị” (political incorrectness).
ghĩa phải đạo đang
"cuốn theo chiều gió" nhiều thứ ở Mỹ, từ các bức tượng cho tới phim ảnh,
nghệ thuật... Ảnh: The Week
Bão tố với tác giả
Harry Potter
Sự độc tôn về chân lý dễ
dẫn tới một thái cực khác: có những lập luận hợp lý nhưng cũng bị lên án là kỳ
thị. Chẳng hạn, việc người chuyển giới cần được bảo vệ khỏi mọi sự phân biệt là
đúng nhưng để một người nam chuyển giới thành nữ rồi tham gia thi đấu thể thao
với nữ là điều khó chấp nhận với nhiều người. Gây tranh cãi hơn nữa là những
người nam chuyển giới thành nữ, muốn dùng chung phòng vệ sinh với nữ khác: giới
cấp tiến có thể xem là chuyện bình thường nhưng những bố mẹ “truyền thống bảo
thủ” hơn, họ không yên tâm khi con gái của mình chung phòng vệ sinh với một
“cô” chưa phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục nam.
Nhà văn J. K. Rowling,
tác giả bộ truyện Harry Potter đình đám, có lẽ hiểu vấn nạn này hơn ai hết.
Mới tuần rồi, do bày tỏ chính kiến trước một bài viết, bà bị ăn “gạch đá” khắp
nơi trên mạng xã hội. Bài viết trên trang Devex nói về các rủi ro của phụ
nữ trong gia đình, nhất là những phụ nữ làm trong ngành chăm sóc sức khỏe phải
gánh chịu trong thời đại dịch. Tất cả rắc rối bắt đầu từ cái tít “Tạo ra một thế giới hậu Covid-19
bình đẳng hơn cho người có kinh nguyệt”. Bà Rowling đọc được cái tít ấy,
bèn lên Twitter, nơi bà có 14,5 triệu người theo dõi, để thắc mắc: ““Người có
kinh nguyệt?”. Tôi nghĩ hẳn phải có một từ cho những người này chứ. Có ai giúp
tôi nào? Wumben? Wimpund? Woomud?”. Ý của bà, được diễn đạt pha chút hài hước,
là sao không dùng từ “women” (phụ nữ) cho ngắn gọn.
Chỉ có thế nhưng mạng xã
hội khắp nơi sôi sục lên án bà phân biệt đối xử những người chuyển giới. Một
người thậm chí viết những lời đau như dao cắt nhắm vào bà Rowling: “Tôi từng
quyết định không tự tử bởi lúc đó tôi muốn biết truyện Harry kết thúc như thế
nào. Trong một thời gian dài, đó là điều giúp tôi tiếp tục sống. Cho đến khi
tôi gặp chồng tôi bây giờ, người giúp tôi học cách yêu thương bản thân mình và
muốn sống. Bà đã lăng mạ chồng tôi ngay mặt tôi”. Nhiều người phê phán bà
Rowling đánh đồng giới tính nữ với chuyện có kinh nguyệt, trong khi theo họ,
nhiều nam chuyển giới vẫn có kinh nguyệt và nhiều nữ giới lại không.
Bà Rowling, dẫu phải lên
tiếng, nói lại cho rõ: “Tôi tôn trọng quyền của người chuyển giới được sống
theo cách họ thấy chân thực và thoải mái cho họ. Tôi sẽ tuần hành với bạn nếu bạn
bị kỳ thị do là người chuyển giới”, song vẫn kiên định bảo vệ quan điểm của
mình: “Nhưng đồng thời cuộc đời tôi định hình như hiện nay do giới tính nữ của
tôi. Tôi không tin nói thế là gây thù hằn”.
Trong bài viết dài hơn
3.600 từ sau đó trên trang web của mình để giải thích rõ hơn quan điểm này, bà
nhắc tới một dự luật đề xuất cấp giấy chứng nhận xác nhận giới tính tại
Scotland, cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính tùy ý họ tự xác định mà
không cần các thẩm tra y tế và sức khỏe tâm thần. Bà nói rằng mình “cảm động”
trước đề xuất ấy nhưng cũng nói đến một nguy cơ hiển hiện của nó: “Khi bạn mở
cửa phòng tắm và phòng thay quần áo cho bất kỳ người đàn ông nào tin rằng hoặc
cảm thấy mình là phụ nữ (bởi giấy xác nhận giới tính có thể được cấp tùy ý bạn
chọn mà không cần phẫu thuật hoặc qua điều trị hormone), bạn cũng đã mở cánh cửa
cho bất kỳ và cho mọi người đàn ông muốn bước vào bên trong”.
Nhà văn J. K.
Rowling. Ảnh: Reuters
Báo chí sa lầy
trong chủ nghĩa phải đạo
Ngay cả báo chí - nơi được
trông cậy sẽ đăng nhiều ý kiến khác nhau để tạo ra một cuộc đối thoại thật sự
nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội - cũng bị trói tay. Tuổi Trẻ Cuối Tuần
số ra tuần trước trong bài “Làm báo thời biểu tình vì màu da” đã kể vụ báo New
York Times bị 800 nhân viên phản đối vì cho đăng bài ý kiến của thượng nghị
sĩ Mỹ Tom Cotton đòi đưa quân đội vào trấn áp kẻ hôi của, cướp phá nhân các cuộc
biểu tình, kết cục trưởng ban phụ trách mục ý kiến của báo phải từ chức, thực
chất là bị ép cho thôi việc.
Tổng biên tập tờ báo 191
tuổi Philadelphia Inquirer phải từ chức vì cho đăng một bài báo có tít
“Các tòa nhà cũng quan trọng” (Buildings Matter, Too), kêu gọi cần bảo vệ cả
các tòa nhà đừng để chúng bị đốt phá. Dẫu cẩn thận viết ngay đầu bài là sinh mệnh
con người quan trọng hơn nhiều vì nhà có thể xây lại còn người mất đi là vĩnh
viễn, nhưng tác giả và tòa soạn đã bị tấn công không thương tiếc.
Một tổng biên tập khác,
ông Adam Rapoport của tờ Bon Appétit, cũng vừa từ chức sau khi một tấm
hình ông chụp với vợ từ năm 2004 được xới lên. Tấm hình này được vợ của ông
Rapoport đăng hồi lễ Halloween năm 2013, chụp cảnh hai vợ chồng họ tô mặt màu
nâu để đóng giả làm người Puerto Rico.
Lý giải thái độ hiện nay
của làng báo Mỹ, người đồng sáng lập tờ Vox, nhà báo Ezra Klein nhắc lại
ý kiến của nhà sử học truyền thông Daniel Hallin hồi năm 1986, trong đó ông
Hallin cho rằng báo chí vẫn thường xử lý các quan điểm theo cách xếp chúng vào
ba cái rọ, mỗi rọ có quy tắc đưa tin khác nhau. Đầu tiên là quan điểm “đồng thuận”
nơi mọi người dễ dàng đồng ý với nhau. Thứ hai là các quan điểm “gây tranh cãi
trong chừng mực hợp lý” - báo chí đưa ý kiến nhiều chiều, cho mọi góc nhìn được
lên tiếng. Thứ ba là quan điểm “lệch lạc” gồm các ý tưởng ghê gớm, không ai muốn
bàn đến.
Ông Klein cho rằng đây là
thời điểm báo chí Mỹ đang sắp xếp dán nhãn lại cho các quan điểm, xếp chúng vào
các rọ theo cách nhìn nhận mới. Theo cách đó, trước đây việc đăng một bài ý kiến
như bài của thượng nghị sĩ Tom Cotton là chuyện bình thường, nay bị xếp vào loại
quan điểm “lệch lạc”, không đáng cho lên mặt báo. Trước đây, một bài đề xuất bỏ
hết lực lượng cảnh sát sẽ nhanh chóng bị bỏ vào sọt rác, biên tập viên thậm chí
không thèm đọc; nay đây đang là ý tưởng được chia sẻ rộng rãi. Bari Weiss, một
nhà báo của The New York Times, viết: “Châm ngôn của The New York
Times là “mọi tin tức đáng để in”. [Nay] một nhóm nhấn mạnh vào từ “mọi”;
nhóm kia vào từ “đáng””.
Klein cho rằng mô hình
báo chí cạnh tranh thu hút quảng cáo địa phương bị thay thế bởi quảng cáo quốc
gia hay quốc tế. Thật vậy, giờ từ Việt Nam truy cập vào đọc các tờ như The
Washington Post, The New York Times cũng thấy các quảng cáo cho Tiki hay
Lazada. Ngày xưa các báo không tranh nhau để hút độc giả vì mỗi tờ có một loại
độc giả khác nhau, ở địa bàn khác nhau; nay ai nấy đều phải cạnh tranh gay gắt
với nhau trên bình diện toàn cầu, chỉ để thu hút sự chú ý ngắn hạn của độc giả.
Và thế là các rọ quy tắc nọ sẽ còn chạy khắp, bao trùm khi thì quan điểm này,
lúc thì quan điểm kia, và luôn luôn sẽ có loại “lệch lạc” không báo nào dám đụng
đến.
Một khi báo chí đã “bó
tay” như thế, còn mạng xã hội như dầu đổ thêm vào lửa, có lẽ phải một thời gian
dài nữa người ta mới quên “chủ nghĩa phải đạo” này để chấp nhận các góc nhìn
trái chiều nhau. Điều mà Bret Stephens, một nhà báo cũng của The New
York Times viết trên chính tờ báo này sau cơn sóng gió đăng - rút - xin lỗi
của báo anh: “Có thêm thông tin luôn là nguồn sức mạnh - một niềm tin nằm ở
chỗ cốt lõi của nghề báo”. Và “Chúng ta có nghĩa vụ không cho các ý tưởng
hận thù như phủ nhận tội diệt chủng hay phân biệt chủng tộc xuất hiện trên những
trang báo. Nhưng nghề báo nghiêm túc, vốn được hoàn thiện bằng sự trao đổi mạnh
mẽ các ý tưởng, không thể sống sót trong một bầu không khí trong đó việc chấp
nhận chút ít rủi ro về mặt trí tuệ hay sai lầm nhỏ trong việc đi ngược lại những
hệ tư tưởng mới đang được chấp nhận rộng rãi lại là điều có thể đem lại nguy cơ
bị hủy diệt về mặt nghề nghiệp”.
***
Ngay cả những người da
đen nổi tiếng, khi nói năng mà “không phải đạo” cũng bị tấn công dữ dội chẳng
kém. Diễn viên da đen Terry Crews viết trên Twitter, có lẽ sau khi đã suy
nghĩ nhiều về đề tài này: “Đánh bại chủ nghĩa da trắng thượng đẳng mà
không có người da trắng sẽ tạo ra da đen thượng đẳng”. Ý của ông khi viết
như thế là nói lên trách nhiệm chung của cả hai bên, da trắng lẫn da đen, để
tạo ra một môi trường sống bình đẳng. Thế nhưng mạng xã hội bám vào cách dùng
từ “da đen thượng đẳng” của Crews để chê trách đủ điều. Báo hại Terry Crews
phải thanh minh: “Xin biết rằng mọi điều tôi nói xuất phát từ tinh thần
yêu thương và hòa giải, đầu tiên cho cộng đồng da đen rồi sau đó cho cả thế
giới, với niềm hi vọng sẽ thấy được một tương lai tốt đẹp hơn cho người da
đen”.
|
-------------------------------
(Bài đăng trên TTCT)
No comments:
Post a Comment