Thanh
Hà -
RFI
Đăng ngày: 30/06/2020
- 12:10
Thế giới đang đứng trước một cuộc « khủng hoảng
với những tác động tai hại hơn mọi dự báo », « đà phục hồi chậm hơn
so với mong đợi » và dịch Covid-19 đẩy toàn cầu vào một môi trường
« đầy bất trắc ».
Từ Tổ Chức Hợp Tác và
Phát Triển Kinh Tế (OCDE) đến Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hay Ngân Hàng Phát Triển
Châu Á (ADB) đều rất bi quan về viễn cảnh tăng trưởng của thế giới cho giai đoạn
2020 và 2021.
Tại Việt Nam, thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc khi khai mạc hội nghị ASEAN trực tuyến đã không mấy lạc
quan khi tuyên bố đại dịch đã làm tiêu tan những thành tích tăng trưởng mà các
nước trong vùng Đông Nam Á đã tích lũy được trong nhiều năm.
Virus corona tai hại hơn
Lehman Brothers
« Covid-19 cuốn trôi 12.000 tỷ đô la của cải
trên thế giới ». IMF trong báo cáo công
bố hôm 24/06/2020 báo động virus corona tác động đến tất cả mọi khu vực địa lý
trên toàn cầu. GDP của thế giới thấp hơn đến 4,9 % so với hồi năm 2019. Để so
sánh, vẫn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chỉ ra rằng, trong trận đại hồng thủy tài chính hồi
năm tháng 9/2008 với vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vỡ nợ, chỉ có 0,1 % GDP
toàn cầu tan biến.
Khác biệt quan trọng giữa
vụ ngân hàng Mỹ phá sản và đại dịch Covid-19 lần này là tất cả các đầu máy kinh
tế của thế giới hồi 2008/2009 đã không bị « hỏng » hay « đóng
băng » cùng một lúc như dưới tác động của virus corona.
Nhìn vào những cột trụ
kinh tế của thế giới, Trung Quốc là một ngoại lệ « may mắn » với
dự báo tăng trưởng đang từ 6,9 năm ngoái rơi xuống còn 1 % dưới tác động của một
loại siêu vi chủng mới xuất phát từ Vũ Hán. Trong khi đó, từ Mỹ đến châu Âu hay
Nhật Bản, GDP không tăng mà lại giảm.
Tăng trưởng của Hoa Kỳ là
âm 8 % trong năm nay. Tổng sảm phẩm nội địa tại 19 nước sử dụng đồng tiền chung
châu Âu giảm hơn 10 %. Pháp bị nặng hơn so với mức trung bình của euro zone
(-12,5 %).
Trước IMF hơn một chục
ngày, báo cáo của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, trụ sở tại Paris, đã
đưa ra những kết luận tương tự : Pháp là một trong những quốc gia bị
Covid-19 tấn công mạnh nhất về mặt kinh tế. Tổng sản phẩm nội địa của Pháp giảm
11,4 % trong năm nay, với điều kiện Paris tránh được « làn sóng thứ hai »
của Covid-19.
6 % GDP của 37 nước thành
viên OCDE có nguy cơ bị « bốc hơi » vì virus corona và tệ hơn nữa là nếu dịch
tái phát, để rồi một phần các sinh hoạt lại bị « đóng cửa »
như hồi mùa xuân vừa qua, thiệt hại ước tính sẽ lên tới 7,6 %.
Trả lời trên kênh truyền
hình France 24 kinh tế trưởng tại OCDE Laurence Boonegiải thích, các dự báo đều
bi quan bởi thế giới đang đứng trước nhiều ẩn số : đầu tiên hết là ẩn số
chung quanh siêu vi SARS-CoV-2. Chính vì vậy mà Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển
Kinh Tế đã phác họa ra hai kịch bản khác nhau :
"Có hai điểm nổi bật : thứ nhất là khủng
hoảng chúng ta đang trải qua lớn gấp đôi so với biến cố hồi 2008-2009 và thứ
nhì, đây là lần đầu tiên toàn cầu bị tấn công cùng lúc, không một khu vực nào
được yên ổn. Chúng ta đang đứng trước nhiều bất trắc, cho nên tổ chức OCDE lập
ra hai kịch bản để tìm cách đối phó hiệu quả nhất".
Vắc-xin, điều kiện tiên quyết
để phục hồi kinh tế như xưa ?
Trong 60 năm hoạt động,
OCDE lần đầu tiên ghi nhận trong thời bình mà nhân loại lại bị « nghèo
đi » và Covid-19 gây trở ngại cho tiến trình « hội
nhập kinh tế của thế giới », kèm theo đó là những tác động tai hại về
mặt xã hội. Mức đo lường đầu tiên là nạn thất nghiệp. Khủng hoảng về y tế lần
này đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên đến 10 % trong vòng vài tuần lễ. Với tại Anh
Quốc hay Pháp, OCDE dự phóng sẽ có đến 15 % dân số trong tuổi lao động bị gạt
ra ngoài. Tại Tây Ban Nha, 1 người trong tuổi lao động trên 5 không có việc
làm.
Laurence Boone,
nhà kinh tế trưởng của tổ chức OCDE cho biết tiếp :
"Điều khiến chúng tôi lo ngại hơn cả, là các biện
pháp phong tỏa đã được dỡ bỏ, kinh tế được mở cửa trở lại, nhưng chúng ta vẫn
chưa có vác-xin, chưa có thuốc trị virus corona. Điều đó có nghĩa là nhiều lĩnh
vực kinh tế chưa hoặc không thể nào hoạt động bình thường trở lại như trước mùa
dịch. Tôi muốn nói đến ngành du lịch và tất cả những dịch vụ liên quan, như nhà
hàng, khách sạn, các bảo tàng, các địa điểm giải trí, các chương trình lễ hội,
các sự kiện thể thao ...
Tác động kèm theo là sẽ có nhiều hãng bị phá sản,
nhiều người bị thất nghiệp. Đây chính là những lĩnh vực cần được chính phủ hỗ
trợ. Sự giúp đỡ đó phải đi theo hai hướng : một là giúp các công ty bị nạn
tái cơ cấu lại và có thể là chuyển hướng hoạt động ; và hai là tạo điều kiện
cho người thất nghiệp dễ hội nhập trở lại vào thị trường lao động. Tuy nhiêu cả
hai hướng đi này đều đòi hỏi thời gian và chắc chắn là giai đoạn chuyển tiếp đó
sẽ rất đau đớn. Thời gian tới đây sẽ không đơn giản chút nào.
Tan biến những nỗ lực của
ASEAN
Nhìn sang châu Á, theo
báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nhóm 5 nước ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia,
Philippines, Singapore và Thái Lan vốn rất năng động sẽ trông thấy GDP bị
giảm đi mất 2 %.
« Tăng trưởng bị suy yếu, đà phục hồi chậm chạp
» là đánh giá của Ngân Hàng
Phát Triển Châu Á (ADB) trong báo cáo được cập nhật hồi tháng 6/2020, GDP tại
các quốc gia trong vùng châu Á Thái Bình Dương đang từ 5,4 % năm 2019 rơi
xuống còn 0, 1% trong năm nay.Mới hai tháng trước đó, ADB còn tự tin cho rằng
GDP của các nước trong vùng vẫn giữ được ở mức hơn 2 %.
ADB cũng lưu ý rằng, đối
với các quốc gia mà ngành du lịch đem về một nguồn thu nhập lớn, các nền
kinh tế càng tập trung vào các dịch vụ giải trí, nhà hàng ... tác động của
Covid-19 càng « tai hại hơn ».
Câu hỏi cuối cùng là cần phải làm những gì để thoát
ra khỏi bức tranh kinh tế ảm đạm đó ? Họp báo tại Manila hôm 20/05/2020, nhà kinh tế trưởng Ngân Hàng Phát
Triển Châu Á Yasuyuki
Sawada cho rằng « hơn bao giờ hết chính phủ cần can thiệp để hạn
chế những tác động tiêu cực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội ». Tuy nhiên,
chính sách can thiệp đó phải đi theo các hướng nào ? Nhà kinh tế trưởng Tổ Chức
Hợp Tác và Phát Triển OCDE, bà Laurence Boone phần nào vừa trả lời cho câu hỏi này đồng thời bà
cho rằng virus corona đã để lại ít nhất là ba bài học quý giá :
“Đã có nhiều mối căng thẳng trong trao đổi mậu dịch
trước khi dịch Covid-19 bùng nổ. Chúng ta đã thấy chính những rào cản thuế
quan đã đặt ra nhiều vấn đề, thí dụ như thiếu hụt loại giấy để sản xuất khẩu
trang y tế. Chuỗi sản xuất của thế giới đã thực sự trong thế bị động.
Chúng ta bắt buộc phải tự hỏi cần làm những gì để giao thương và các chuỗi cung
ứng hoạt động một cách hiệu quả hơn, công bằng hơn. Theo tôi, chúng ta có thể
rút ra được ba bài học chính, đó là thứ nhất, cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp
nguyên và nhiên liệu, tránh đế một sản phẩm chỉ tùy thuộc vào một hay hai nhà
cung ứng.
Bài học thứ hai là chúng ta đã ỷ lại và lơ là với việc
tích lũy những kho hàng cần thiết và ở đây đặt ra vấn đề an ninh quốc gia. Bài
học thứ ba là đối với một số lĩnh vực, chúng ta cần có những nhà máy và đơn vị
sản xuất ngay tại chỗ, có nghĩa là ngay trên lãnh thổ quốc gia hoặc ở ngay
trong khối Liên Hiệp Châu Âu.
Bất luận là Âu hay Á, việc
cả thế giới đã lần lượt và ít nhiều phải tạm đóng cửa các sinh hoạt trong một
thời gian đã để lại những vết hằn và những món nợ khổng lồ. Hoạt động trong một
số lĩnh vực, như trong ngành hàng không, khó có thể trở lại như xưa, cho tới
khi nào giới y khoa tìm ra được thuốc trị và vắc-xin ngừa virus corona.
Trước mắt, cả IMF lẫn OCDE đều không loại trừ kịch bản đen tối nhất đó
là dịch Covid-19 tái phát.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
No comments:
Post a Comment