Saturday, 27 June 2020

THỦ THIÊM : LÃNH ĐẠO NHẬN SAI, BƯỚC TIẾP THEO LÀ GÌ? (Diễm Thi, RFA)




Diễm Thi, RFA
2020-06-26

Tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 26 tháng 6, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Tp.HCM khi lý giải việc giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm bị chậm nói rõ "thành phố đã lỡ sai một lần rồi nên cần phải làm lại cho thật đúng."

Người dân Thủ Thiêm trong một lần đối thoại với chính quyền.  Photo: VOV

Ông Lê Văn Lung, một người dân Thủ Thiêm nói với RFA rằng, chính quyền đã thừa nhận sai thì phải giải quyết cho bà con càng sớm càng tốt, chứ đời người chỉ có 60 năm mà mất nhà gần 20 năm rồi. Người dân rất bức xúc nhưng vì ở thế yếu, thấp cổ bé miệng nên đòi lại được đất là mừng rồi. Họ chỉ mong thế. Ông nói thêm:

“Người ta đã lang thang ngoài đường mấy chục năm rồi. Bây giờ nhận sai thì phải khẩn trương khắc phục - tui nhấn mạnh là phải khẩn trương. Những con người Thủ Thiêm đó, như tui, cũng không biết còn sống được bao nhiêu năm vì ai cũng lớn tuổi hết rồi. Đã có kết luận hai năm rồi mà vẫn cứ còn lòng vòng, không biết đến hết năm này đã khắc phục được chưa.

Họ đã thừa nhận là sai thì nguyện vọng của tôi là phải khẩn trương khắc phục bằng cách trả lại nhà đất hoặc đổi chỗ khác, giao đất khác cho dân để chúng tôi cất nhà ổn định cuộc sống. Chúng tôi lớn tuổi hết rồi mà vẫn không biết ngày nào được giao nền, giao đất lại (gọi là hoán đổi chứ không phải là bồi thường). Đúng ra là phải trả lại đất và bồi thường nhà cửa cho chúng tôi và phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là chúng tôi nhịn dữ rồi, vì cuộc sống của mình, của gia đình mình.”

Theo ông Lung, giải quyết càng lâu thì càng ảnh hưởng tới sự phát triển chung của xã hội, bởi việc của chính quyền là quản trị đất nước và trách nhiệm của người dân là đóng góp cho an sinh xã hội. Người dân không thể cứ suốt đời đi khiếu kiện.

Vào ngày 9 tháng 4 năm 2020, Thanh tra Chính phủ ký quyết định thành lập tổ công tác phục vụ đối thoại với người dân khiếu nại liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh tra chính phủ và UBND thành phố đã nhiều lần tiếp xúc đối thoại với người dân nơi đây nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm khiếu nại cho người dân.

Nhà quan sát Nguyễn Ngọc Già nêu ý kiến của mình với RFA về việc đền bù cho người dân nơi đây:

“Thứ nhất, nói riêng về Thủ Thiêm thì suốt 20 năm qua, người dân Thủ Thiêm đã mất đất, mất mạng và mất rất nhiều tài sản. Bây giờ phải đền bù cho họ về vật chất, tinh thần và thể xác suốt 20 năm qua. Đương nhiên, tinh thần và thể xác thì không có gì bù đắp nổi nhưng buộc nhà cầm quyền tại Tp.HCM phải tính toán vấn đề này cho dân Thủ Thiêm.
Thứ hai, những kẻ gây sai lầm cho dân Thủ Thiêm phải trả lời trước pháp luật và phải nhận bản án đích đáng. Đó là cựu bí thư thành ủy Tp.HCM Lê Thanh Hải và tập đoàn của ông ta.”

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 Tp.HCM. Chủ trương quy hoạch Thủ Thiêm bắt đầu từ năm 1992 và đến năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng dự án này.

Để xây dựng khu đô thị mới này, Tp.HCM đã giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. 14.600 hộ dân với hơn 60.000 con người bị đẩy ra khỏi nhà và gần 20 năm qua mòn mỏi khiếu kiện do mức bồi thường không thỏa đáng.

Ông Lê Thanh Hải và hình ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. RFA

Xử lý cán bộ như thế nào?

Chiều ngày 9 tháng 1 năm 2020, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết luận sai phạm của Ban thường vụ Thành ủy Tp.HCM nhiệm kỳ 2010-2015; Ban cán sự đảng UBND Tp.HCM nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cá nhân, trong đó có ông nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo Lê Văn Lung, chính quyền cần phải thu hồi tài sản của các quan chức sai phạm để bồi thường cho dân chứ không thể lấy công quỹ ra bồi thường, vì đó là tiền của dân. Ông Lung nói:

“Tôi cũng từng có đơn đề nghị những cán bộ, cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan làm sai trong dự án này, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chúng tôi, cho xã hội phải bị truy cứu và xử lý theo pháp luật. Phải truy thu, tịch thu tài sản của các vị cố ý làm trái để trả lại cho những nạn nhân mà họ gây ra. Đó là trách nhiệm dân sự. Chứ bây giờ nhà nước lấy của công bồi thường cho chúng tôi thì lại lấy tiền của dân trả cho dân thôi. Phải lấy lại tài sản của các vị đó trả lại cho chúng tôi. Đó là ý của tôi!”

Với nhà quan sát Nguyễn Ngọc Già thì khi nhìn toàn cảnh dân oan từ vấn đề Thủ Thiêm, mọi người sẽ nhìn thấy cách giải quyết của nhà cầm quyền trong vấn đề đất đai là cách giải quyết chắp vá. Họ luôn đặt người dân vào tình thế chuyện đã rồi. Họ đưa cái mà ông gọi là tư duy ‘trại lính vào trong vấn đề dân sự’. Có nghĩa là chấp hành trước, khiếu nại sau. Và thực tế đã bày ra cái thực trạng gần 20 năm người dân la lết, mòn mỏi, mất rất nhiều thứ. Ông nêu giải pháp:

“Cái quan trọng hơn là phải sửa luật đất đai. Mà muốn sửa luật đất đai thì phải sửa hiến pháp. Đó là một cái rất bế tắc đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và bế tắc đối với cả người dân. Bởi vì khi họ sửa hiến pháp tức là công nhận có sở hữu tư nhân thì đó là bước ngoặc có thể nói là ghê gớm để thay đổi cả một chế độ.
Tuy nhiên, trước mắt tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền phải có tinh thần văn minh về pháp luật. Có nghĩa là phải cấm tuyệt đối khái niệm gọi là vận dụng phù hợp theo từng địa phương trong việc đền bù đất đai cho dân.
Nói tóm lại, về vấn đề đất đai hiện nay, đền bù được cho dân Thủ Thiêm là điều đáng mừng cho họ, nhưng tôi không thấy bóng dáng gì tốt đẹp hơn, sáng sủa hơn cho dân oan mất đất trên toàn quốc.”

Một nhân vật ‘đình đám’ trong vụ Thủ Thiêm là ông Tất Thành Cang. Khi còn giữ chức Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, ông Tất Thành Cang đã ký tắt hợp đồng xây dựng - chuyển giao dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá trị hơn 12.000 tỷ đồng. Việc ký kết này, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương là sai nguyên tắc, khi thẩm quyền của thành phố chỉ được phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.

Hôm 15 tháng 11 năm 2018, Ủy ban kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra vi phạm của ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực thành ủy Tp.HCM là rất nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Lúc bấy giờ, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang có bài viết trên facebook cá nhân của ông và cho phép RFA sử dụng, trong đó có đoạn:

“Mọi chính thể xã hội xưa nay đều lấy chính sách an dân làm trọng. Khi lòng dân có yên thì đất nước mới ổn định, xã hội mới phát triển. Vụ việc Thủ Thiêm xảy ra đã trên 2 thập kỷ qua, lòng tin của người dân nơi đây đã gần như cạn kiệt. Việc nhất thiết phải làm là lấy lại lòng tin nơi dân chúng càng sớm càng tốt.”

Ông Quang đề nghị Thành ủy Tp.HCM chỉ đạo Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố khởi tố hình sự, bắt tạm giam, tiến hành điều tra, hoàn chỉnh cáo trạng, đưa ra xét xử công khai Tất Thành Cang và đồng bọn về những tội ác họ đã gây ra đối với bà con Thủ Thiêm và Quận 2 trong thời gian tại chức.

Người dân nơi đây cho biết họ đã quá mệt mỏi với gần 20 năm khiếu kiện và đã nhiều lần nghe các cấp chính quyền thừa nhận sai phạm. Điều mong mỏi nhất của họ là được ổn định cuộc sống cho phần đời còn lại.

-------------

Tin, bài liên quan






No comments:

Post a Comment

View My Stats