6/28/2020 3
Comments
(Danlambao) - ...Việt Nam có hàng ngàn
Tiên Lãng, Đồng Tâm, Dương Nội. Những thôn ổ này luôn là nơi sản sinh
ra những nông dân (“vài ngàn năm đứng trên đất nghèo”) Lê Đình Kình, Đoàn
Văn Vươn, Đoàn Văn Qúy, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thùy
Dương, Trịnh Bá Khiêm, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư... Hàng hàng/lớp
lớp, họ sẵn sàng nối tiếp tiền nhân - không bao giờ dứt - để gìn
giữ và bảo vệ quê hương. Quyết định đối đầu với sức mạnh của cả
một dân tộc là một lỗi lầm chí tử của những kẻ đang nắm giữ quyền
bính hiện nay...
***
"Gia đình tôi đã đón nhận từ trước rồi. Đấu
tranh với bọn cộng sản này thì không thể nhanh vội được... Tôi tin tưởng vào thắng
lợi cuối cùng trong tương lai. Bọn cộng sản này là bọn ăn cướp, cướp bóc của
dân và hà hiếp tiếng nói của dân sẽ phải trả giá." - Gia trưởng Trịnh Bá Khiêm (BBC
25/06/2020).
Tôi tình cờ đọc được
một bức thư rất cảm động của thi sỹ Nguyễn Quang Thiều (“Thư
Của Đứa Con Những Người Nông Dân”) trên trang mạng của nhà văn Đào
Hiếu. Xin mạn phép ghi lại đôi ba đoạn ngắn:
“Cảnh làm ruộng của những người nông dân của mấy chục
năm trước kia và bây giờ chẳng khác nhau chút nào. Có khác thì chỉ khác một điểm.
Đó là người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh
đen trắng còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít trâu nhưng là trong ảnh màu
rực rỡ...
Ngày đó, người nông dân được tuyên truyền về tương
lai của những cánh đồng. Tương lai này có thể gọi là thời đại cơ giới hóa. Máy
móc và kỹ thuật sẽ trợ giúp việc canh tác của họ. Bản thân những người nông dân
cũng tin và mơ ước như thế. Nhưng cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, giấc mơ cơ
giới hóa nông nghiệp đã coi như tan biến. Ngay cả những người tuyên truyền về
giấc mơ này cũng ‘ngủ’ thiếp từ lâu. Tôi mang cảm giác người nông dân bị bỏ mặc
và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió.”
Chỉ có điều hơi đáng
tiếc là tôi đã không thể nào chia sẻ được với tác giả của đoạn văn
thượng dẫn cái “cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ
trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió.” Ôi, nếu được (“bỏ mặc”) như
thế thì may mắn cho họ biết chừng nào.
Được vậy thì làm gì
có cảnh nhất đội nhì trời, rồi thay trời làm mưa hay nghiêng đồng cho
nước chẩy ra ngoài mà đói rách vẫn quần cho sớm tối. Được vậy thì
làm gì có chuyện mỗi người làm việc bằng ba để cho chủ nhiệm xây nhà, lát
sân. Được vậy thì làm gì có tình trạng lạm phát đầy tớ, “một xã rất
nghèo có 2.000 hộ, với gần
1 vạn dân mà có tới... 500 cán bộ.”
Được vậy thì nông dân
Quỳnh Lưu, Thái Bình đã không nổi dậy. Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Qúy,
Đặng Ngọc Viết, Đặng Văn Hiến đã không nổ súng. Và làm gì có
chuyện một đứa bé vị thành niên phải (cùng cả gia đình) phải vào
tù vì chống lệnh thu hồi, hay cảnh người dân khỏa thân giữ đất.
Cũng sẽ không có
những mẩu tin nhan nhản hằng ngày trên báo chí khiến cho bất cứ ai
(còn chút lương tri) cũng phải cau mày hay đỏ mặt:
Đến bước đường cùng,
khi nông dân buộc phải phản ứng hay lên tiếng đòi hỏi công bằng và công
lý thì lập tức họ bị đáp trả bằng bạo lực. Biến cố xẩy ra tại
thôn Hoành, vào rạng sáng ngày 09/01/2020, được thông tín viên Trọng
Thành (RFI)
tường thuật như sau:
“Truyền hình Nhà nước phổ biến đoạn phim, vào giữa
trời đêm, cảnh sát cơ động xả súng dữ dội vào một ngôi nhà dân bình thường ở Đồng
Tâm, như thể tấn công vào một hang ổ mafia. Một ngày sau, công an trả lại xác của
người thủ lĩnh tinh thần cuộc đấu tranh giữ đất Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình, 84
tuổi, với nhiều vết đạn. Thi thể bị mổ phanh. Hàng chục người dân bị bắt giữ, bị
khởi tố về tội chống lại người thi hành công vụ, chống lại một quyết định giải
tỏa đất của chính quyền. Sau cuộc tập kích trong đêm, Đồng Tâm tiếp tục bị
phong tỏa. Ba viên sĩ quan công an thiệt mạng, sau khi bị rớt xuống ‘giếng trời’
trong nhà dân, ngay lập tức được chủ tịch Nước truy tặng huân chương. Lực lượng
công an phát động phong trào học tập 'gương hy sinh' của ba chiến sĩ.”
Sự việc không dừng
tại đó. Hơn 6 tháng sau, RFA thông
tin:
“Sáng ngày 24-6-2020, Công an thành phố Hà Nội và
công an tỉnh Hòa Bình tiến hành bắt giữ gia đình 3 người gồm bà Cấn Thị Thêu và
2 con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư cùng với một nhà hoạt động ở cùng
phường Dương Nội là bà Nguyễn Thị Tâm. Những người này thời gian qua đưa nhiều
thông tin về vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm vào đầu năm nay lên các trang mạng xã
hội. Bạn nghĩ sao?”
Công luận, tất nhiên,
phẫn nộ và phẫn uất:
Từ
Thức: “Sức chịu đựng của người VN quả thực khủng khiếp, nhưng hiện
tượng những người nông dân như bà Thêu, bà Tâm can đảm đứng dậy, bất chấp hiểm
nguy, chứng tỏ cái giới hạn đó đã vượt qua. Cái hố giữa dân và tập đoàn cầm quyền
sẽ không ai lấp nổi.”
Thanh
Hieu Bui: “Tôi ứa nước mắt, tôi đau đớn trước thái độ bình thản của
Trịnh Bá Phương lắm. Một người nông dân, một người cha, một người đàn ông hàng
ngày ngồi chợ bốc cua cân bán, nào phải anh hùng gì đâu, được tôi luyện rèn
giũa như quân đội, công an đâu. Cái khí chất ấy không phải khí chất của một anh
hùng, một tráng sĩ. Đó là phản ứng của một con người hiền lành, chất phác đã
tuyệt vọng về đạo lý, pháp luật ở xã hội này.”
Trần Bang: “Nhìn
vào ánh mắt của ba mẹ con nhà Trịnh Bá, lòng tôi như quặn thắt lại, ánh mắt đầy
sầu thảm, gần như chỉ ánh nhìn đó thôi, mà như mang cả hình hài của đất nước
hôm nay: đầy bất công, đầy đau khổ, bị đày đọa, áp bức, cùng cực vô vọng, không
lối thoát từ trong ánh nhìn ấy.”
Đỗ
Việt Khoa: “Hiện nay, những kẻ có quyền thường chụp mũ cho những
người phản kháng là phản động phá hoại đất nước? Thử hỏi ai thực sự là phản động
chống phá đất nước?”
Phạm
Thanh Nghiên: “Tóm lại, cả 6 người bị bắt ‘can tội’ nói thật, không
chịu thoả hiệp, khuất phục trước chế độ độc tài.”
Paul
Trần Minh Nhật : “Điều tôi khâm phục nhất ở những người nông
dân này là họ đã không chỉ đi đòi công bằng cho mình, mà đã tự trau dồi học tập
và còn đòi công lý cho những người thấp cố bé miệng khác.”
Trịnh
Kim Tiến: “Dân oan, đặc biệt dân oan trong lĩnh vực đất đai chính
là khối u chờ ngày phát tác của đảng. Họ không chữa trị cho lành, mà dùng bạo
quyền bắt bớ, hành động này sẽ chỉ khiến cho khối u nhanh chuyển sang giai đoạn
cuối hơn thôi.”
Doan Thuy: “Bắt
giữ một lúc sáu người nhằm cô lập tiếng nói của họ trước vụ án Đồng Tâm là cách
mà Bộ Chính Trị Việt Nam một lần nữa áp dụng cho thấy tầm nhìn hạn hẹp, tư duy
bạo lực và chủ nghĩa gông cùm vẫn chi phối mọi hoạt động của nhà nước Việt Nam
trong nhiều năm qua và đang tiếp tục đe dọa người dân.”
Pham
Doan Trang: “Họ bị bắt vì họ là những người nông dân nổi dậy, là
nhân chứng sống của một thời khủng bố đỏ tàn bạo, là những tiếng nói tranh đấu
dũng cảm và chính trực nhất còn lại ở Việt Nam lúc này.”
Tôi thì trộm nghĩ hơi
khác FB Đoan Trang chút xíu: Việt Nam có hàng ngàn Tiên Lãng, Đồng
Tâm, Dương Nội. Những thôn ổ này luôn là nơi sản sinh ra những nông dân
(“vài ngàn năm đứng trên đất nghèo”) Lê Đình Kình, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn
Qúy, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thùy Dương, Trịnh Bá Khiêm,
Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư... Hàng hàng/lớp lớp, họ sẵn sàng nối
tiếp tiền nhân - không bao giờ dứt - để gìn giữ và bảo vệ quê hương.
Quyết định đối đầu với sức mạnh của cả một dân tộc là một lỗi
lầm chí tử của những kẻ đang nắm giữ quyền bính hiện nay.
28.06.2020
No comments:
Post a Comment