Tuesday, 30 June 2020

CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO BÁ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC (Trịnh Hữu Tiên)




Trịnh Hữu Tiên
2020-06-28

Thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh địa vị nước lớn của Trung Quốc và thúc đẩy "chính sách ngoại giao bá quyền đặc sắc Trung Quốc" để tận dụng sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy "giấc mơ phục hưng dân tộc vĩ đại Trung Hoa".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong diễu hành kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 1/10/2019 - Reuters

Chính sách ngoại giao bá quyền của Tập Cận Bình là một công cụ để đạt được "Giấc mộng Trung Hoa" mà ông đã tuyên bố với người dân Trung Quốc khi nắm quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012. Chủ đề trung tâm của "Giấc mộng Trung Hoa" là ý tưởng về sự phục hưng của Trung Quốc và sự chấn hưng dân tộc để đưa Trung Quốc trở lại ánh hào quang là trung tâm toàn cầu mà họ từng được hưởng khi đế quốc Trung Hoa thống nhất và sáp nhập các khu vực rộng lớn vào lãnh thổ của mình. "Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình đã đạt được sự cộng hưởng toàn cầu bằng "hai mục tiêu trăm năm". Để đạt được mục tiêu năm 2021, Trung Quốc sẽ phải trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới hoặc vượt qua Mỹ. Sức mạnh kinh tế mới có này sẽ giúp định hình sự phân chia quyền lực chiến lược và địa chính trị toàn cầu. Đạt được mục tiêu năm 2049 đồng nghĩa với việc khôi phục địa vị đứng đầu khu vực của Trung Quốc và cuối cùng khiến Trung Quốc trở thành trung tâm của thế giới.

Về bản chất, "Giấc mộng Trung Hoa" là giấc mơ nước lớn nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc và tác động đến chính trị cũng như an ninh toàn cầu. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Đại hội Đảng lần thứ XIX vào tháng 10/2017, trong khi Trung Quốc nổi lên dưới thời Mao Trạch Đông và trở nên giàu có hoặc thịnh vượng dưới thời Đặng Tiểu Bình, thì mục tiêu của Trung Quốc trong thời đại mới là trở nên hùng mạnh. Trung Quốc chưa bao giờ ở gần hơn với trung tâm vũ đài toàn cầu hay với việc giành lại được địa vị là một cường quốc chủ yếu và có tiếng nói trên toàn thế giới hơn bây giờ.

Tăng cường ngoại giao pháo hạm

"Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình cũng đề cập đến một quân đội hùng mạnh. Chỉ một tháng sau khi nắm quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012, Tập Cận Bình đã lên một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tuần tra vùng biển ở Biển Đông và nói với các thủy thủ rằng "Giấc mộng Trung Hoa" là "giấc mơ về một quốc gia hùng mạnh. Và đối với quân đội, đó là giấc mơ về một quân đội hùng mạnh. Để thực hiện sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa, chúng ta phải đảm bảo một quốc gia thịnh vượng có quân đội hùng mạnh".

Duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 1/10/2019 Reuters

Lưu Minh Phúc, tác giả cuốn sách Giấc mộng Trung Hoa đã cho rằng : "Một nước giàu có mà không có một quân đội mạnh là một cường quốc không an toàn, luôn gặp khó khăn và không thể tồn tại lâu dài. Chỉ khi trở thành một cường quốc quân sự, Trung Quốc mới có thể duy trì an ninh của mình một cách hiệu quả. Quân đội của Trung Quốc phải mạnh hơn bất kỳ đối thủ nào để không một nước nào có thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc".

Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết tâm tìm kiếm cả sự thịnh vượng lẫn sức mạnh, công khai bác bỏ mô hình của Nhật Bản vốn chủ yếu tập trung vào việc mang lại sự thịnh vượng. Các chỉ huy của Quân giải phóng nhân dân (PLA) vui mừng tán thành giấc mơ về một quân đội hùng mạnh vì điều đó đồng nghĩa với việc đảm bảo gia tăng chi tiêu quốc phòng để tài trợ cho các vũ khí đắt tiền như tàu sân bay và máy bay chiến đấu tàng hình. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã tiếp tục tăng chi tiêu quân sự quốc gia ngay cả khi tăng trưởng kinh tế trì trệ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Từ bỏ chính sách ngoại giao "giấu mình chờ thời"

Chính sách ngoại giao bá quyền đánh dấu việc chính thức tuyên bố rõ ràng một cách tiếp cận mang tính hành động hơn đối với quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, áp dụng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc vào nghị trình chính sách đối ngoại đầy tham vọng. Từ bỏ chính sách "giấu mình chờ thời", sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã thúc đẩy một chính sách ngoại giao chủ động hơn, phù hợp với những kỳ vọng về chủ nghĩa dân tộc và sự tự khẳng định mình của Trung Quốc. Thay vì làm theo phương châm "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc hiện đang nhắc nhở phương Tây về tuyên bố cứng rắn của Đặng Tiểu Bình : "Mọi người không nên mong đợi Trung Quốc phải nuốt những quả đắng làm phương hại những lợi ích của mình".

Phát biểu tại Hội nghị công tác trung ương về ngoại giao láng giềng hồi tháng 10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh "những điểm nổi bật, thúc đẩy những thay đổi theo thời gian, hành động chủ động hơn" trong các vấn đề quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong buổi họp báo sau khi nhậm chức tại kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Quốc (Quốc hội) khóa XII vào tháng 3/2014 đã sử dụng từ "chủ động gây ấn tượng" để mô tả cách tiếp cận ngoại giao của ban lãnh đạo mới, để thế giới biết đến các giải pháp và tiếng nói của Trung Quốc. Cho dù ưu tiên của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là kinh tế, nhưng một phần đáng kể trong Báo cáo Chính phủ của ông tại Đại hội được dành cho các vấn đề đối ngoại và quân sự. Đưa ra lý do cần đạt được bước nhảy vọt trong việc hiện đại hóa quốc phòng, Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu bật tham vọng của Trung Quốc là trở thành một cường quốc biển hùng mạnh với mục tiêu tương ứng là bảo vệ các quyền hàng hải của Trung Quốc. Nhắc lại giấc mơ của Tập Cận Bình về một quân đội hùng mạnh, ông đã đi xa đến mức nói rằng "chúng ta phải thường xuyên và tăng cường chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh bảo vệ biên giới đất liền, trên không và trên biển".

Trong khi Trung Quốc vẫn tuyên bố sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình, thì cam kết của Trung Quốc được quyết định bởi sự thích nghi của bên ngoài với lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc và dựa trên sự nhân nhượng lẫn nhau. Trung Quốc sẽ bảo vệ mạnh mẽ lợi ích quốc gia cốt lõi của mình cho dù họ vẫn tuyên bố hướng tới sự phát triển hòa bình là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Các cam kết của Bắc Kinh về phát triển hòa bình sẽ không ngăn cản họ hành động mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình. Do đó, thông lệ chính sách đối ngoại của Trung Quốc nghiêng nhiều hơn về "tư tưởng then chốt". Thiết lập các ranh giới đỏ mà các nước khác không thể vượt qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thẳng thắn hơn khi nói với các nước khác rằng Trung Quốc không thể dung thứ cho việc xâm phạm những lợi ích quốc gia cốt lõi của mình.

Thống trị khu vực

Hơn nữa, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát triển một khái niệm mới về "khu vực láng giềng rộng lớn hơn" mà phản ánh sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc xây dựng các mạng lưới gồm các nước không thuộc phương Tây lấy cảm hứng từ Trung Quốc nhằm thu hút các nước đang phát triển vào tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Khu vực láng giềng rộng lớn hơn vươn ra bên ngoài vành đai địa lý xung quanh Trung Quốc bao gồm Tây Á, Nam Thái Bình Dương và khu vực Âu-Á, cho thấy rõ Trung Quốc đang mở rộng lợi ích khi chuyển mình từ một cường quốc khu vực thành một cường quốc toàn cầu. Chính sách ngoại giao nước lớn của Tập Cận Bình nhằm mục đích giành lại sự vĩ đại toàn cầu của Trung Quốc và qua thời gian, tự đặt mình vào vị thế một cường quốc ưu việt, không chỉ ở Châu Á mà cả trên vũ đài thế giới. Nền tảng quan trọng nhất của ông là sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) được đưa ra năm 2013. Thông qua các thỏa thuận hợp tác với 125 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đối tác để tăng cường kết nối ở một khu vực rộng lớn trên thế giới. Sáng kiến này nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Con đường tơ lụa và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, vốn tập trung vào tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. BRI đã trở thành một đặc trưng của chính sách ngoại giao nước lớn của Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và theo đuổi lợi ích an ninh của Trung Quốc ở khu vực láng giềng rộng lớn hơn.

Trong trường hợp này, việc Bắc Kinh nhấn mạnh khu vực láng giềng rộng lớn hơn không chỉ phản ánh nhận thức về tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này đối với Trung Quốc mà còn nhận thức về các mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực đối với khát vọng sức mạnh của Trung Quốc, đặc biệt là ưu thế của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Hành xử như một nước lớn phô trương sức mạnh điển hình để thách thức địa vị đứng đầu của Mỹ, Trung Quốc đặt mục tiêu đẩy Mỹ ra khỏi khu vực láng giềng, hoặc chí ít là giảm ảnh hưởng của nước này, để đạt được sự thống trị trong khu vực. Được biết đến ở Trung Quốc như là chiến thuật cắt từng lớp, Trung Quốc tin rằng việc từng bước giảm bớt ảnh hưởng của khuôn khổ liên minh của Mỹ tất yếu sẽ khiến cường quốc này bị cô lập và thất bại. Theo quan điểm của một nhà quan sát, logic đơn giản là vị thế của Mỹ ở Châu Á dựa trên mạng lưới các liên minh và quan hệ đối tác với nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, và nền tảng của các liên minh và quan hệ đối tác này là bạn bè ở Châu Á của Mỹ tin tưởng rằng Mỹ có thể và sẵn sàng bảo vệ họ. Làm suy yếu các mối quan hệ này là cách dễ nhất để làm suy yếu sức mạnh của Mỹ ở khu vực và tăng cường sức mạnh của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để làm suy yếu cấu trúc đồng minh do Mỹ thống trị trong khu vực.

Giành ưu thế trong các tranh chấp biển

Chính sách ngoại giao bá quyền của Tập Cận Bình làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng do Trung Quốc ngày càng sẵn sàng sử dụng sức mạnh trong các tranh chấp trên biển. Do tin rằng một số nước láng giềng của Trung Quốc đã lợi dụng sự tự kiềm chế trước đây của nước này để nắm quyền kiểm soát các đảo tranh chấp, Bắc Kinh đã lựa chọn cách tiếp cận ngày càng quyết đoán và thực sự quyết liệt trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

Nhóm các đảo thuộc đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông Reuters

Gây sức ép ngày càng lớn để buộc Nhật Bản phải thừa nhận rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát từ những năm 1970 nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, là đang bị tranh chấp, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên năm 2010 bằng việc đưa các tàu đánh cá đến lãnh hải do Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Động thái này đã phát triển thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao sau khi các tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản chặn một tàu cá của Trung Quốc vào ngày 7/9/2010. Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh cưỡng ép và buộc Chính phủ Nhật Bản phải tuân thủ các điều khoản giải quyết của họ. Sau khi Chính phủ Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo nhỏ thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 10/9/2012, Trung Quốc đã bắt đầu các hoạt động tuần tra thường xuyên xung quanh các lãnh hải mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền nhằm thách thức quyền kiểm soát trên thực tế quần đảo này của Nhật Bản. Một bài bình luận đăng trên tờ Nhân dân nhật báo nói rằng các nhiệm vụ tuần tra đã trở thành hành động thường xuyên mà Nhật Bản phải học cách làm quen. Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như vậy để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hợp pháp của mình. "Trung Quốc cần kiên trì và có đủ ý chí và sức mạnh để kiên trì".

Để tỏ rõ lập trường ngày càng cứng rắn của mình, tháng 11/2013, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông bao trùm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp cũng như phần lớn biển Hoa Đông, bao gồm cả đá Socotra (còn được gọi là Ieodo hoặc Parangdo) do Hàn Quốc kiểm soát nhưng được Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi là đá Suyan. Trong khi lập trường ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh gây nhiều quan ngại bên ngoài Trung Quốc, một nhà quan sát chỉ ra rằng nhiều nhà phân tích Trung Quốc tin rằng việc Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng tỏ rõ "tư tưởng then chốt" của mình, tức là những giới hạn mà Chính phủ Trung Quốc có thể chấp nhận, thực sự đã làm giảm những bất ổn chiến lược xung quanh các chính sách đối ngoại của Trung Quốc, ngăn xảy ra tình trạng các nước khác đánh giá sai ý định của Trung Quốc và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Ở biển Đông, từ lâu Trung Quốc đã thực hiện chiến lược trì hoãn có đặc trưng là sự mơ hồ chiến lược. Họ tránh chính thức nêu rõ phạm vi, ý nghĩa, bản chất và các cơ sở pháp lý trong các tuyên bố chủ quyền của mình, cụ thể là về ý nghĩa của đường chữ U hoặc các quyền của họ trong đường biên giới này. Chiến lược mơ hồ của Bắc Kinh nhằm mục đích để không gian cho các tuyên bố chủ quyền đầy tham vọng của họ và ngăn các bên yêu sách khác đưa ra các tuyên bố chủ quyền chống lại để buộc Trung Quốc làm rõ lập trường của mình.

Tuy vậy, Trung Quốc đã chuyển từ sự mơ hồ chiến lược sang sự minh bạch vào năm 2012 khi bắt đầu mở rộng mạnh mẽ các hoạt động chấp pháp trên biển bằng việc thường xuyên cử các tàu tuần tra để hộ tống các đội tàu đánh cá, va chạm với các tàu của Việt Nam và Philippines. Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra quyết định rất tự đắc về việc mở rộng quy mô cải tạo đất và xây dựng các cơ sở trên và xung quanh các đảo tranh chấp, trong đó có các cảng mà có thể cho tàu chiến neo đậu, đường băng và nhà chứa máy bay và radar phục vụ cho mục đích quân sự. Dù cho một số nước yêu sách ở Đông Nam Á cũng tiến hành cải tạo đất, nhưng những hoạt động này có quy mô nhỏ hơn nhiều so với những hoạt động của Trung Quốc. Bắc Kinh đã mở rộng và tăng cường sự kiểm soát trên biển Đông bằng việc xây dựng các đảo lớn hơn nhiều với tốc độ nhanh hơn nhiều, biến các đảo nhỏ thành đảo nhân tạo có các phương tiện quân sự được triển khai ở vùng biển bị tranh chấp. Các phương tiện này đã củng cố lập trường của Trung Quốc trong việc khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình và áp đảo các lực lượng quân sự của bất kỳ bên tham gia nào khác ở biển Đông. Vì lý do này, Tập Cận Bình đã ca ngợi việc xây dựng đảo ở biển Đông là "điểm nhấn trong 5 năm đầu cầm quyền của ông" tại Đại hội Đảng XIX.

Phán quyết Biển Đông năm 2016

Tức giận việc không có các giải pháp thay thế khả thi để ngăn chặn các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, Philippines đã đệ trình Thông báo và tuyên bố lập trường tại Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) vào tháng 1/2013 để tìm kiếm một phán quyến liệu một số cấu trúc địa hình nhất định trong vùng biển tranh chấp có được xác định theo định nghĩa pháp lý về các đảo và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đối với tài nguyên cá và khoáng sản hay không. Ngày 12/7/2016, Tòa án ra phán quyết ủng hộ Philippines rằng Trung Quốc "không có cơ sở pháp lý" để đòi các quyền lịch sử ở các khu vực nằm trong "đường 9 đoạn" của nước này và tất cả các cấu trúc địa hình ở biển Nam Trung Hoa hoặc là các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoặc là các bãi đá vốn không thể là nơi con người có thể sinh sống hoặc diễn ra các hoạt động kinh tế.

Đáp lại, Tập Cận Bình đã mô tả phán quyết này "chỉ là một mảnh giấy lộn". Khi tòa án quốc tế ra phán quyết ủng hộ các đệ trình của Chính phủ Philippines, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng, tuyên bố "4 không" : không tham gia, không công nhận quyền tài phán của hội đồng trọng tài, không chấp nhận và không thi hành phán quyết. Hơn nữa, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trình bày cái gọi là "3 điểm bất hợp pháp" - khởi xướng phiên tòa một cách bất hợp pháp, thành lập tòa án một cách bất hợp pháp và phán quyết bất hợp pháp của tòa trọng tài - để tuyên bố rằng tòa án thiếu thẩm quyền xét xử, thiên vị, và không có cơ sở pháp lý.

Trong vụ này, cho dù tại thời điểm đó, phán quyết này được một số người coi là nhân tố thay đổi cuộc chơi để khiến tất cả các bên liên quan hiểu rõ tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) trong việc thiết lập một trật tự dựa trên quy tắc cho các đại dương và biển, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ công nhận phán quyết này vì một nước lớn không công nhận quyền tài phán của các thể chế khác cũng không từ bỏ yêu sách lãnh thổ của mình vì sức ép quốc tế. Việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trỗi dậy và thực thi bá quyền nước lớn.

Việt Nam phải làm gì ?

Các hành động ép buộc của Trung Quốc đối với các quốc gia tranh chấp tại biển Đông và biển Hoa Đông được nhìn nhận rộng rãi là một phép thử cho các tham vọng nước lớn của nước này. Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc lo sợ khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về tương lai chung trong bối cảnh "Giấc mộng Trung Hoa" khôi phục vinh quang của đế quốc Trung Hoa, gợi lại trật tự Trung Quốc thời xa xưa, trong đó đế quốc Trung Hoa thống trị phần lớn Đông Á. Sự kết nối trong dự án của Tập Cận Bình ngày càng rõ mục đích là để khôi phục trở lại Con đường tơ lụa cổ đại khi Trung Quốc là một đế quốc.

Cho dù người Trung Quốc không còn nói về những nước láng giềng như những kẻ man rợ, nhưng họ vẫn tiếp tục có thái độ trịch thượng đối với những nước này. Trật tự do Trung Quốc thống trị có mối liên kết chặt chẽ với việc hình thành các mối quan hệ thứ bậc. Theo quan điểm này, một số chuyên gia đã nói rằng việc Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận với bối cảnh quốc tế có thể biến "Giấc mộng Trung Hoa" thành một cơn ác mộng đối với nhiều nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Với "Giấc mộng Trung Hoa" và chính sách ngoại giao bá quyền như vậy, sẽ có những tác động mạnh mẽ đối với Việt Nam. Các tác động này vừa mang lại những cơ hội, nhưng cũng mang lại các nguy cơ mà nguy cơ còn lớn hơn cơ hội, đặc biệt nguy cơ về an ninh chủ quyền quốc gia về biển đảo, thách thức về sự phụ thuộc về kinh tế, tạo ra sự phụ thuộc về chính trị. Trước bối cảnh này, Việt Nam cần điều chỉnh, xác định rõ cách thức ứng phó với chiến lược toàn cầu, khu vực cũng như chính sách ngoại giao bá quyền của Trung Quốc. Để có thể đối mặt với sự trỗi dậy, lớn mạnh của Trung Quốc, Việt Nam cần xác định rõ ràng mục tiêu của mình là phải đảm bảo an ninh quốc gia, không ngừng phát triển, tạo thế và lực đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước trên thế giới, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển, khôn khéo đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trong ứng xử với Trung Quốc.

--------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do






No comments:

Post a Comment

View My Stats