Saturday, 17 June 2017

DONALD TRUMP : TỔNG THỐNG BỊ "ÁN TREO" (Trọng Thành - RFI | ĐIỂM BÁO)




Đăng ngày 17-06-2017 

Báo L’Obs tuần này có bài phân tích về tình trạng bên bờ vực thẳm của tổng thống Mỹ Donald Trump với tựa đề : « Một tổng thống bị án treo ». Tình hình đặc biệt trở nên tồi tệ với ông Trump kể từ khi cựu giám đốc FBI ra điều trần trước Quốc Hội. Tuy nhiên vấn đề là Donald Trump không chỉ dính vào một, mà nhiều bê bối cùng một lúc, thêm vào đó nhân vật này thường « không bỏ lỡ dịp khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn ».

Chưa đầy năm tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Donald Trump trở thành một người chịu « án treo ». Người ta đặt câu hỏi : Liệu ông Trump sẽ còn trụ được đến khi nào ? Tổng thống Mỹ không những chìm ngập trong bê bối, mà tốc độ chìm xuồng đang diễn ra ngày càng mau lẹ.

Ông Rober Mueller, công tố viên đặc trách điều tra nghi án tổng thống Trump ngăn cản tư pháp. Ảnh chụp năm 2013.REUTERS/Larry Downing

Theo L’Obs, một điều chắc chắn là công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang trực tiếp hướng mũi điều tra vào Donald Trump. Những bằng chứng mà cựu giám đốc FBI James Comey thu thập được có thể dẫn đến việc truy tố tổng thống, trước hết với cáo buộc « cản trở tư pháp ».


Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan biện minh rằng vấn đề của tổng thống Trump là do « thiếu kinh nghiệm ». Tuy nhiên, lập luận này « không trụ nổi một giây » khi phải đối diện với những sự kiện cụ thể, như việc tổng thống Mỹ đã chủ động ra lệnh cho tất cả ra ngoài, để một mình đối thoại với giám đốc FBI James Comey tại phòng Bầu Dục.

Cho đến nay, Donald Trump hoàn toàn phủ nhận đã yêu cầu James Comey ngưng điều tra về Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia vào thời điểm đó, về các quan hệ mờ ám với Nga. Tuy nhiên, hai lãnh đạo an ninh thân cận với tổng thống, giám đốc CIA Dan Coats và giám đốc NSA Mike Rogers, đều từ chối trả lời trước Thượng Viện, khi bị chất vấn : Có được (tổng thống) yêu cầu tác động đến một cuộc điều tra đang diễn ra hay không ? Các chuyên gia ngờ rằng, do không trực tiếp tác động được đến đối tượng, tổng thống Mỹ đã dùng hai lãnh đạo CIA và NSA làm trung gian gây ảnh hưởng.

Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt cũng có thể đưa ra ánh sáng những quan hệ bí ẩn có thể có với Nga của bảy nhân vật thân cận với tổng thống, trong đó có bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, điều mà ông Sessions từng thề thốt là không có.

Sự sụp đổ từ từ
Theo L’Obs, tình hình càng nghiêm trọng hơn khi Donald Trump đã tiêu tốn toàn bộ năng lượng của chính phủ vào các bê bối, trong lúc cơ may tiến hành các cải cách quan trọng thì « ngày càng teo lại ». Barry Ritholtz, một trong những nhà báo Mỹ nhiều ảnh hưởng nhất, từng tin tưởng Trump có thể thực hiện được 96% chương trình cải cách, nay chỉ cho rằng được đến 25% đã là may mắn.

Về viễn cảnh tương lai của tổng thống đang chịu « án treo », L’Obs so sánh thái độ của cánh tả Dân Chủ với cánh hữu Cộng Hòa. Về phía cánh hữu, sự ủng hộ tổng thống ngày càng co lại, trước viễn cảnh đen tối của « một cú sụp đổ đang từ từ diễn ra ».

Càng gần đến thời điểm bầu Quốc Hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, phe Cộng Hòa càng lo đại bại, khi không một cải cách đáng kể nào được thực hiện. Phía phe Dân Chủ, thì một mặt chờ kết quả điều tra tiến triển, có bằng cớ vững chắc mới yêu cầu phế truất, mặt khác, khôn khéo để bất bình trong dân chúng gia tăng. Trong trường hợp này, nếu để phó tổng thống Mike Pence thay thế ông Trump sớm chưa chắc đã hay.

Liệu Donald Trump có lựa chọn « kịch bản lý tưởng » là từ chức để cứu vãn uy tín của đảng Cộng Hòa ? L’Obs tỏ ra nghi ngờ, với nhận xét đầy vẻ châm biếm : Việc phế truất cũng có mặt hay của nó, đó là tạo dịp để Donald Trump lập kỷ lục về mặt thu hút khán thính giả truyền hình.

*
Nước Nga : Xuất hiện « Lênin » của 2017 ?

Về phong trào đối lập Nga đang trỗi dậy trở lại với các cuộc biểu tình khắp cả nước mới đây, ngày 12/06, báo Courrier International dẫn lại nhận định đa chiều từ báo chí nước này. Nhật báo tư nhân Moskovski Komsomolets so sánh lãnh đạo đối lập Alexei Navalny với Lênin, người lãnh đạo cuộc cách mạng « vô sản », bùng nổ cách đây đúng một thế kỷ.

Theo tờ báo, chính quyền Putin chưa từng phải đối mặt với một phong trào phản kháng mạnh mẽ đến như vậy. Thực ra, đối với Moskovski Komsomolets, nói đến Lênin trước hết là để phê phán tham vọng chính trị lớn của Alexei Navalny, đến tính cách sắt đá của lãnh đạo đối lập, không ngần ngại hy sinh « những con chuột » (tức những người biểu tình) bị đưa lên tuyến đầu, trong cuộc chơi mèo vờn chuột với chính quyền, cho dù theo tờ báo, chính lãnh đạo đối lập cũng sẵn sàng chấp nhận đánh cược số phận của mình.

Nezavissimaia Gazeta, nhật báo của giới trí thức Matxcơva, mô tả cụ thể việc Alexei Navalny ưu tiên phương thức đối đầu. Hôm 11/06, thay vì tổ chức biểu tình tại Sakharov, nơi yêu cầu đã được cấp phép, lãnh đạo đối lập kêu gọi tập hợp ngay tại trung tâm thủ đô Matxcơva. Tổng cộng 30.000 người đã tham gia, theo tờ báo (5.000 người, theo cảnh sát). Trên toàn quốc, dân chúng tại khoảng 210 đô thị đã xuống đường (xem thêm : Giới trẻ ''thế hệ Putin'' chống Putin).

Ngày 12/06 đi vào lịch sử chính trị Nga đương đại, về số lượng người bị câu lưu (khoảng 2.000 người trên toàn quốc). Tuy nhiên, theo Courrier International, thành công của cuộc xuống đường cho thấy quyết tâm đối mặt với mọi thách thức của Alexei Navalny. Nhật báo trên mạng Nga Gazetu.ru, chuyên về thời sự, thì nói đến việc ông Navalny bị phạt 30 ngày tù, tức nhiều hơn 10 ngày so với dự kiến. Kết quả là Navalny bị lỡ dịp tham dự một buổi hòa nhạc, nhưng đổi lại ông ấy có thời gian « để đọc nhiều sách báo ».

*
« Trăng sắt » : Tình cảnh công nhân Trung Quốc

Trong những năm gần đây, xuất hiện hàng loạt phim tài liệu về tình cảnh khổ ải của người lao động Trung Quốc từ nông thôn ra thành phố tìm sinh kế. Đặc biệt được chú ý có bộ phim Trăng sắt (Iron Moon), của Wu Feiyue, ra mắt tại Hoa Kỳ mùa thu năm ngoái 2016 (xem trang giới thiệu phim ironmoonmovie.com)

Phim nói về những nhà thơ – công nhân. Đây là chủ đề « mục 360° » mà Courrier International chuyển đến độc giả tuần này, qua bài viết của nhà báo Anh Megan Walsh trên mạng văn học Mỹ Literary Hub.

Năm 2014, Hứa Lập Chí (Xu Lizhi), công nhân của công ty Foxconn (1), tự sát. « Chết là cách duy nhất để chứng minh (với mọi người) là ta đã sống », tâm sự của một blogger làm việc cho Foxconn trước đó bốn năm đã trở thành hiện thực. Người thanh niên 24 tuổi đã nhảy từ tầng lầu thứ 19, sau khi công bố toàn bộ thơ của mình lên mạng. « Nhà thơ chết vì chiếc điện thoại di động của bạn / The poet who died for your phone » là tựa một bài viết trên tờ báo mạng Mỹ Time.


Còn tại Trung Quốc, truyền thông Nhà nước ngợi ca những vần thơ của Hứa Lập Chí, trong khi rất ít người thực sự biết đến cuộc đời đau đớn và nỗi lòng chất chứa của người công nhân « thất học ». « Trăng sắt » là một trong những bài thơ nổi tiếng của anh.

Theo nữ dịch giả Eleanor Goodman, kết hợp « trăng » và « sắt » là cách để nhà thơ đã khuất thể hiện cú sốc kinh hoàng mà anh đã chịu, cú sốc của sự đối nghịch giữa « văn hóa truyền thống Trung Hoa và chủ nghĩa tư bản », « tình người và thế giới máy móc », « tình cảm lãng mạn và một thế giới hoàn toàn trần trụi ».

Tan nát, tuyệt vọng… tâm sự của Hứa Lập Chí vén lộ phần nào tâm trạng của hàng trăm triệu công nhân Trung Quốc.

Phải tuân theo các chế độ giờ giấc khắc nghiệt, nước uống ô nhiễm, không khí độc hại, rất nhiều công nhân đối mặt với nguy cơ bị thương, bị tàn phế bất cứ lúc nào. Năm 2005, ước tính ít nhất 40.000 ngón tay của công nhân bị cắt cụt, chỉ riêng tại các đặc khu kinh tế miền nam.

Sau mười mấy giờ làm việc cực nhọc bên dây chuyền, giống như Hứa Lập Chí, một vài người trong số họ đã thả hết nỗi lòng vào những vần thơ, chuyển ra thế giới bên ngoài những cảm xúc chân thật về đời sống dưới đáy của hàng chục triệu người tại các khu công nghiệp của quốc gia được mệnh danh là « công xưởng của hành tinh ».

*
Thịnh vượng Trung Hoa và những người bị hy sinh

Theo tác giả bài viết, khác hẳn với giới văn sĩ được coi là « trí thức », tiêu biểu như giải Nobel văn học Mạc Ngôn (Mo Yan) – chọn bút pháp siêu thực hay hiện thực huyền ảo để tránh phải đối mặt với những gai góc của hiện thực -, những nhà thơ - công nhân đã xác lập « mối liên hệ sâu sắc và phong phú giữa câu chuyện lớn về sự thịnh vượng kinh tế » của Trung Quốc với « hàng triệu câu chuyện đời của những người vô danh, đã hy sinh toàn bộ tuổi trẻ, sức khỏe, cả thể chất cũng như tinh thần » trong các xưởng máy (2).

Bài giới thiệu về những nhà thơ công nhân Trung Quốc khép lại với Wu Xia, một trong những tác giả được đánh giá là « lạc quan nhất » và « khoan dung nhất ». Qua những vần thơ, nữ công nhân nghề may bày tỏ tình cảm trìu mến với những người mà cô hình dung sẽ tận hưởng các sản phẩm in dấu bàn tay cô.

Theo tác giả, những bài thơ trong « Trăng sắt » là một cơ hội giúp chúng ta đối diện với lương tâm, trực tiếp cảm nhận được rằng, đằng sau mỗi sản phẩm được làm ra tại các địa ngục trần gian tại Trung Quốc, là cái giá nhân sinh ghê gớm ; người tiêu thụ có dịp chiêm nghiệm về « thái độ đồng lõa thụ động », hơn là tiếp tục chỉ trích « một cách nhẹ nhàng » và chiếu lệ về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.

*
Nước Pháp trước ngưỡng cửa cải cách

Nước Pháp chuẩn bị bước vào vòng hai cuộc bầu cử Quốc Hội, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống được dự đoán chắc chắn sẽ giành chiến thắng áp đảo, với hơn 400 trên 500 ghế dân biểu. Nắm toàn bộ quyền lực, chính phủ Macron được coi là đủ cơ hội để tiến hành các cải cách lớn như cam kết. Le Point hối thúc : « Bây giờ là lúc… không thể thoái thác ». Về phần mình, L’Obs đặt câu hỏi : Cú « Big bang » trong dự án cải cách luật lao động của tổng thống sẽ đi tới đâu ?

Tờ báo dành nhiều trang để, một mặt mô tả cách làm việc được đánh giá là « chưa từng có » của tổng thống, qua việc lựa chọn cẩn thận những người môi giới đàm phán, để cải cách êm thấm, mặt khác phân tích các ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người lao động, cụ thể là lương bổng, hợp đồng lao động và tổ chức đại diện.

Pháp : Hàng triệu người khao khát « làm lại từ đầu »
Thay đổi lớn trong đời sống chính trị đi kèm với thay đổi lớn trong cuộc sống riêng tư của mỗi người. Đó là ấn tượng mà L’Express tuần này muốn truyền tải đến bạn đọc. Hồ sơ chính của L’Express nhấn mạnh đến ước mơ « làm lại cuộc sống từ đầu » của hàng triệu người Pháp.
Trang bìa L’Express là hình ảnh tươi trẻ của nữ diễn viên hài Caroline Vigneaux, vốn là một luật sư, nhưng quyết định bỏ hẳn cái nghề đầy hứa hẹn với lương cao, để làm lại cuộc đời. Tấu hài mang tên của One Woman Show của cựu luật sư đã được hơn 250.000 người tán thưởng. Tại Pháp, hiện có khoảng 10.000 nhà tư vấn chuyên hỗ trợ người muốn chuyển nghề.

*
« Than » cũng có thể « đồng hành » với năng lượng tái tạo

Một câu hỏi làm nhức đầu giới chuyên môn lâu nay, đó là làm thế nào dự trữ được năng lượng do gió và mặt trời tạo ra ? Courrier International dẫn lại một thử nghiệm bất ngờ, có thể mang lại một giải pháp đơn giản, nhưng hiệu quả.

Courrier Internationale dẫn lại Wall Street Journal, giới thiệu giải pháp của một số vùng tại Đức và Mỹ, sử dụng các mỏ than đã qua khai thác, làm bể chứa nước. Năng lượng gió và mặt trời chưa dùng ngay được sử dụng để bơm nước từ dưới lên mỏ than cũ, khi cần điện, chỉ cần đưa nước xuống trở lại để làm chạy tua bin.

Tại Đức, công ty than RAG đang có ý định sử dụng các hầm mỏ sâu hơn 1.200 mét, ở một tỉnh miền tây, để làm bể chứa nước khổng lồ, đủ dùng cho 500.000 gia đình. So với các hình thức trữ năng lượng khác như ắc quy, phương thức này có vốn đầu tư ban đầu đắt giá hơn, nhưng đổi lại có thể sử dụng trong thời gian dài hơn rất nhiều (có thể đến một thế kỷ), chi phí bảo dưỡng cũng không đáng kể.

----
(1) Foxconn là công ty Đài Loan nhận thầu các linh kiện điện tử của hãng điện thoại di động nổi tiếng Apple. 
(2) Trong những thập niên cải cách đầu tiên tại Trung Quốc cũng đã có những công nhân làm thơ, nhưng đó là thứ thơ ca theo đường lối, trung thành với chế độ, ca ngợi sự thay đổi kinh tế của đất nước, bất chấp những vất vả phải gánh chịu. Bộ phim « Trăng sắt » và tập thơ tuyển cùng tên cho thấy một cách nhìn khác hẳn của những người trong cuộc.





No comments:

Post a Comment

View My Stats