Saturday, 24 June 2017

CÂU CHUYỆN NHÀ BÁO (Lê Phan)




Lê Phan
June 24, 2017

Hôm tuần rồi, nhân ngày mà đối với người Việt chúng ta là ngày giỗ đầu của dân biểu Jo Cox, hai tờ báo đối lập kỳ phùng địch thủ, hai vị tổng chủ bút của tờ Daily Telegraph bên cánh hữu và tờ Guardian bên cánh tả, đã họp nhau viết chung một bài bình luận.

Mang tựa đề “Jo hỏi những câu hỏi khó khăn. Chúng tôi cũng sẽ làm vậy,” mở đầu với câu “Cách đây một năm, một hành động bạo động kinh khủng đã tước đi của đất nước chúng ta một phụ nữ thành khẩn và nguyên tắc. Dân biểu Jo Cox đại diện cho một trong những gì tốt đẹp nhất trong truyền thống chính trị của chúng ta, và tuyên bố của bà trong bài diễn văn đầu tiên đọc tại Quốc Hội – rằng chúng ta đoàn kết hơn và có nhiều điều chung với nhau hơn là những điều chia rẽ nhau – đã rung động đến tận tâm cam của nhiều người kể từ khi bà mất.”

Bài báo thêm là trong bài diễn văn đó, bà Cox đã nêu rõ tinh thần độc lập của vùng quê hương của bà ở miền bắc nước Anh và bà đã chứng tỏ điều đó bằng cách đặt ra những câu hỏi khó khăn cho chính phủ. Và bài bình luận tiếp “Là chủ bút, ước muốn của Jo hỏi những câu hỏi khó khăn những kẻ cầm quyền có âm hưởng mạnh đối với chúng tôi.”

Hai nhà báo viết “Tờ Guardian và tờ Telegraph thường ngồi đối diện trong quang phổ chính trị, nhưng chúng tôi chia sẻ một niềm tin mãnh liệt về vai trò của báo chí. Khi tốt đẹp nhất, truyền thông Anh Quốc là một phần của truyền thống vĩ đại đó – một đế tứ quyền vốn buộc chính phủ và các viên chức của họ, Quốc Hội, nhà giàu và nhà quyền quý trong xã hội chúng ta phải chịu trách nhiệm.”

Rồi bài bình luận kể ra những thành tích của hai tờ báo trong việc tường thuật và xoi mói về những bê bối, từ vụ scandal các dân biểu lạm dụng những bổng lộc chức vụ, đến những bê bối về trốn thuế của các đại gia doanh nghiệp. Tham nhũng và hành vi xấu trong thể thao cũng không bị bỏ quên và đối xử tệ hại của doanh nghiệp với nhân viên và trốn thuế cũng bị xoi mói.

Nhưng điều hai vị chủ bút này nhắc tới làm tôi đặc biệt chú ý là câu này “Trong cuộc tấn công khủng bố ở Luân Đôn và Manchester, phóng viên của chúng tôi, cùng với các đồng nghiệp khác trên toàn truyền thông Anh Quốc, đã chạy đến nguy hiểm để đưa lại cho công chúng những tin tức quan yếu và tường thuật.”

Có rất nhiều lời ca tụng các nhân viên cấp cứu, các cảnh sát viên, các nhân viên cứu hỏa, đã không ngại cho tính mạng của mình xông tới trong khi bảo mọi người chạy đi. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai ngợi khen các nhà báo cũng quả cảm không kém để đưa tin tức đến cho độc giả, khán giả và thính giả của họ dầu cho trên bãi chiến trường hay trong những thiên tai, nhân họa khác.

Tôi xin đưa ra một thí dụ về sự can đảm của một người bạn đồng nghiệp. Anh là Frank Gardner, nay là thông tín viên an ninh của đài BBC. Một người bạn thân của Frank diễn tả anh như sau “Anh là người sinh ra cho sự nghiệp báo chí. Khi Kuwait được giải phóng, anh đã có mặt ở đó với máy hình, tường thuật. Anh là một người giỏi chuyện trò, rất giỏi ứng phó, có thể đối diện với mọi tình huống. Tôi gặp anh học tiếng Ả Rập và Hồi Giáo học ở viện đại học Exeter và phải nói anh là người mà tôi biết hiểu rõ và đi cùng khắp vùng Trung Đông. Trong một năm thôi, anh đã có lần đi 28 quốc gia. Anh là loại người mà cứ phải thay passport hoài vì không còn chỗ để đóng dấu nữa.”

Ngày 6 Tháng Sáu, 2004, trong một cuộc đi làm phóng sự cho đài BBC, ở Al-Suwaidi, một quận của thành phố Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia, anh bị phục kích bởi đàn em của al Qaeda và bị bắn sáu phát, trọng thương. Đồng nghiệp và là bạn thân của anh, Camaraman Simon Cumbers bị bắn chết. Mấy tên khủng bố đã bỏ anh ở lại tưởng anh đã chết. Chính phủ Saudi Arabia, vốn buộc các phóng viên làm việc ở xứ họ, cũng như các phóng viên ngoại quốc hoạt động ở Việt Nam, phải thuê người đi theo canh gác. Nhưng khi có biến người đó trốn mất, bỏ rơi nhà báo. Chính quyền Saudi hứa bồi thường nhưng họ đã vờ quên. Sau 14 lần giải phẫu, bảy tháng nằm bệnh viện và nhiều tháng chỉnh hình, anh trở lại làm việc với đài BBC năm 2005, dùng xe lăn. Mặc dầu tàn tật, anh vẫn tiếp tục đi tường thuật ở chiến trường như Afghanistan hay Colombia.

Frank thường nói anh có thể tha thứ hết cho những kẻ tìm cách giết anh nhưng anh không thể tha thứ cho họ việc họ đã giết cameraman của anh, anh Simon Cumbers. Và quả thật vậy, nếu nhà báo can đảm thì các cameramen còn can đảm hơn nữa.

Không biết độc giả có biết đến không nhưng cho đến bây giờ tôi còn bị ám ảnh bởi cái chết bi thảm của Kenji Nagai, phóng viên nhiếp ảnh đã bị quân đội Miến Điện bắn chết trong Cuộc Cách Mạng áo Cà Sa hồi năm 2007. Mặc cho đã bị thương, Kenji vẫn tiếp tục chụp hình cho đến khi tắt thở. Ấy là chưa kể đến những nhà báo nhân dân, những bloggers ở Việt Nam, hàng ngày lúc nào cũng có thể bị nhà cầm quyền quấy nhiễu, hành hung hay bỏ tù.

Hai vị chủ bút của hai tờ báo đứng đắn hàng đầu của Anh Quốc nhắc nhở “Không nghi ngờ gì là những kẻ có quyền thế cũng cảm thấy bị đe dọa bởi tường thuật vững chãi, và là chủ bút, chúng tôi đã hết sức quan tâm đến những bước của các chính phủ trên toàn thế giới muốn giới hạn tự do báo chí, và trong một số trường hợp, đe dọa hay gây nguy hiểm cho các phóng viên. Phóng viên ngày càng phải chịu thêm những luật lệ giới hạn và bạo động ở những quốc gia như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine – và ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi tháng rồi một phóng viên của tờ Guardian bị tấn công bởi một ứng cử viên CỘNG hòa cho chức vụ dân biểu ở Montana. Và cùng với các nhà báo khác, nhân viên của tờ Telegraph và Guardian đã bị cấm cửa không có lý do cho các cuộc họp báo của những chính phủ trên danh nghĩa là dân chủ.”

Hai vị chủ bút cũng bày tỏ lo ngại về những chiều hướng đang ảnh hưởng đến ý thức của công chúng, từ tin dỏm, thiên lệch dựa trên công thức, và các ảnh hưởng “những quả bóng lọc” có thể dễ dàng nhắm vào các kinh nghiệm của chúng ta trên Facebook hay Google vốn chỉ cung cấp cho chúng ta những tin tức và lập trường mà chúng ta đồng ý. Những quả bong bóng này, theo họ, sẽ dẫn đến việc làm hạn hẹp ý thức của chúng ta về thế giới, thay vì tìm những cái gì mới và lập trường thách thức chúng ta, mở rộng tầm nhìn, cho chúng ta những ý kiến mới. Bài bình luận tiếp “Trong hoàn cảnh đó, chưa bao giờ quan trọng hơn bây giờ là báo chí phải cung cấp một sự theo dõi mạnh mẽ các lãnh tụ chính trị thuộc mọi phe phái nhưng một cách thăng bằng và chuyên nghiệp.”

Hai chủ bút kết luận “ Khi các cuộc ‘Gặp nhau lớn’ được tung ra trong dịp cuối tuần để tưởng nhớ con người và sự nghiệp của Jo Cox, chúng tôi hai chủ bút sẽ không ngần ngại gì đoàn kết, dầu chỉ trong một ngày thôi, để chia sẻ cái tình cảm cao thượng của nhà văn George Orwell ‘Nếu tự do có một ý nghĩa nào thì nó là quyền nói cho người ta nghe những điều người ta không muốn nghe.’”






No comments:

Post a Comment

View My Stats