Friday 30 June 2017

LUẬN VỀ CHỮ 'TRUNG' (Trân Văn - Thiên Hạ Luận)




Trân Văn  -  Thiên Hạ Luận
29/06/2017

Đã có hàng trăm bình luận quanh hai câu chuyện trên Thiên hạ luận: Một so sánh sự khác biệt về thái độ của báo giới Việt Nam khi truyền thông Hoa Kỳ loan báo, ông Donald Trump từng gợi ý để ông James Comey, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) hứa phải trung thành với Tổng thống (Trung thành có “tiêu chuẩn kép”) và một đề cập đến những dấu hiệu cho thấy, dường như giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ còn quan tâm đến tài sản, tài khoản của mình (Bộ Quốc phòng với “điểm đến mới” và “giá trị mới”).

Đa số những bình luận đó đều xoáy vào chữ “trung”.

***

Hồi đầu tháng 6, hệ thống truyền thông Việt Nam tỏ ra hết sức hào hứng khi có tin Tổng thống Hoa Kỳ gợi ý để Giám đốc FBI cam kết trung thành với mình. Giống như dân chúng và truyền thông Hoa Kỳ, hệ thống truyền thông Việt Nam cũng có khuynh hướng xem gợi ý vừa kể là không thể chấp nhận vì nó đe dọa các giá trị phổ quát về tự do, dân chủ, có thể sẽ gây tổn thương cho những lợi ích hợp pháp và quyền chính đáng của dân chúng.

Đáng ngạc nhiên là dẫu tỏ ra bất bình với ông Trump nhưng hệ thống truyền thông Việt Nam lại xem chuyện quân đội nhân dân Việt Nam, công an nhân dân Việt Nam thề chỉ trung thành với Đảng CSVN là… điều bình thường. Thậm chí hệ thống truyền thông Việt Nam từng dành không ít giấy mực cho việc xiển dương những chỉ trích đề nghị “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”.

Bất kể “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” (quân đội và công an chỉ bảo vệ quốc gia, trật tự xã hội, cấm quân đội và công an tham gia các sinh hoạt chính trị cũng như can dự vào các tranh chấp chính trị,…) là điều phổ biến trên toàn thế giới, tại Việt Nam, “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng CSVN”, hệ thống truyền thông thường xuyên đồng thanh xác định đề nghị “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” là “một sự lừa bịp về chính trị”, “một chiêu bài hết sức nguy hiểm và thâm độc”! Nếu không được Đảng CSVN lãnh đạo, các lực lượng vũ trang sẽ mất phương hướng chiến đấu”, Việt Nam sẽ “lâm vào tình cảnh rối ren, mất ổn định, lệ thuộc ngoại bang”.

Nói cách khác, dẫu “trung thành” chỉ có một nghĩa nhưng cách tường thuật sự kiện ông Comey điều trần trước Ủy ban tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ trên báo chí Việt Nam cho thấy, với Việt Nam, “trung thành” có tới hai tiêu chuẩn: Một dành cho thiên hạ và một chỉ có ở Việt Nam.

Độc giả Tran Duc không đồng tình với thắc mắc, tại sao lại xem việc các lực lượng vũ trang tại Việt Nam chỉ trung thành với Đảng CSVN là… tất nhiên, trong khi điều đó trái với lẽ thường (?) vì mỗi quốc gia có “cách quản lý riêng của mình”. Tran Duc cho rằng, khác biệt về thể chế chính trị sẽ dẫn đến đến sự khác biệt trong quản lý, lập pháp. Hội nhập không đồng nghĩa với việc “bê hết mọi thứ” về áp dụng mà phải chọn lọc sao cho phù hợp.

Tuy tán thành yếu tố các quốc gia có quyền đặt định “cách quản lý riêng của mình” nhưng lập luận của Tran Duc bị nhiều độc giả khác phản đối. Độc giả Ben Tran cho rằng, nếu “cách quản lý riêng của mình” đã bị thiên hạ vứt vào sọt rác thì cần phải xem lại. Độc gỉa Duc Minh Nguyen góp thêm bằng câu hỏi, liệu “dân chúng nghèo đói, quốc gia lạc hậu, bị ngoại bang bắt nạt” đó có liên quan gì tới “cách quản lý riêng của mình” hay không? Độc giả Gập Ghềnh Sỏi Đá khẳng định, khi “cách quản lý riêng của mình” cho thấy không mang lại lợi ích nào cho quốc gia, dân tộc thì phải leo lên miệng giếng để thấy thiên hạ thế nào chứ không thể cứ nằm mãi dưới đáy giếng.

Tranh luận chấm dứt vì độc giả Tran Duc không phản hồi

***

Ngẫu nhiên mà sau Trung thành có “tiêu chuẩn kép”, dư luận tại Việt Nam bị đun sôi vì sân golf Tân Sơn Nhất.

Bất kể phi trường Tân Sơn Nhất nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất, Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn cương quyết giữ 157 héc ta vốn là đất của phi trường này cho Công ty Long Biên thuê làm sân golf. Đáng ngạc nhiên là cả Bộ Chính trị Đảng CSVN lẫn chính quyền Việt Nam (Quốc hội, Chính phủ) cùng nhượng bộ sự cương quyết đó. Không còn đất mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Chính trị Đảng CSVN lẫn chính quyền Việt Nam quyết định đi vay 16 tỉ Mỹ kim để xây dựng một phi trường khác ở Long Thành - Đồng Nai.

Công ty Long Biên không chỉ được thuê 157 héc ta ở phi trường Tân Sơn Nhất làm sân golf. Công ty này còn đang sử dụng 112 héc ta đất của phi trường quân sự Gia Lâm ở Hà Nội làm một sân golf khác. Tuy cả hai sân golf đều báo lỗ, không nộp thuế nhưng Công ty Long Biên có trong tay vài trăm héc ta đất ở trung tâm hai thành phố lớn nhất Việt Nam để xây dựng khách sạn, nhà hàng, apartment cao cấp cho thuê. Mà chẳng riêng Công ty Long Biên, Bộ Quốc phòng Việt Nam còn là lá chắn cho nhiều công ty khác như Cái Mép, Hải Việt,… móc cát đem xuất cảng theo kiểu bán 10, khai 1, không thèm đếm xỉa đến chuyện sạt lở, dân chúng phản đối.

Bài viết sau đó trên Thiên hạ luận (Bộ Quốc phòng với “điểm đến mới” và “giá trị mới”) nêu ra một thắc mắc khác: Dường như quân đội nhân dân Việt Nam đã có “điểm đến mới” là tài sản, tài khoản cá nhân của các tướng và “giá trị mới” của quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay chỉ còn là các con số trong những tài sản, tài khoản đó. Khi mà chỉ vài ông chủ của một số công ty có thể lèo lái Bộ Quốc phòng Việt Nam theo ý mình thì ai dám chắc những ông tướng đang lãnh sứ mệnh “bảo quốc, an dân” luôn luôn “kiên định” trước tác động đủ mặt của các thế lực thật sự là thù địch của Việt Nam?

Thay vì trả lời, độc giả tiếp tục bàn tới chữ “trung”.

Nhờ thề “trung với Đảng”, Bộ Quốc phòng Việt Nam có thể thủ đắc đủ thứ đặc quyền, đặc lợi mà độc giả Thiet Doan gọi là “thâu tóm”, còn độc giả Dung Cao gọi là “ăn cướp”. Theo độc giả Trung Le thì sở dĩ Bộ Quốc phòng Việt Nam có thể khuynh loát như đã thấy trước nay vì chính quyền Việt Nam chỉ có thể duy trì sự độc tài bằng cách dùng lực lượng vũ trang trấn áp dân chúng nên nói như độc giả Anh Tuan, “phải để chúng nó đớp, không cho đớp nó đảo chánh thì... tèo”! Đó cũng là lý do độc giả Huey Nguyen than, chẳng có quốc gia nào như Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho phép quân đội kinh doanh kiếm tiền.

Khi chính quyền dựa vào lực lượng vũ trang để tồn tại thì phải chiều chuộng nhưng có một điểm đáng chú ý là lính đổ mồ hôi, thậm chí đổ máu để trấn áp đồng bào mình nhưng theo độc giả Trung Le, tiền từ việc làm càn vào túi các “quan lớn”, chẳng bao giờ tới tay người lính bình thường. Độc giả Nguyễn Cam Ranh khẳng định, đa số sĩ quan, lính tráng vẫn sống rất chật vật, chỉ có những viên tướng đảm trách vai trò lãnh đạo mới giàu có thôi.

Đảng CSVN không ngừng đốc thúc các lực lượng vũ trang như quân đội, công an trung thành với mình. Độc giả Khanh Nguyen xem đó là một lối “dùng âm binh” và nay phải trả giá - để âm binh sai khiến. Khanh Nguyen tin đó là dấu hiệu vận nước đã đến hồi mạt!





No comments:

Post a Comment

View My Stats