Thursday, 22 June 2017

FREEDOM HOUSE : XẾP THỨ 177/198, VIỆT NAM VẪN HƠN LÀO VỀ TỰ DO BÁO CHÍ (Tô Di - Luật Khoa Tạp Chí)




Posted on 20/06/2017

Báo cáo Tự do báo chí (Freedom of the Press) năm 2017 của tổ chức Freedom House đã liệt Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do báo chí, xếp thứ 177 trên thế giới và là một trong 5 nước có tự do báo chí tệ nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Báo cáo này đánh giá mức độ cản trở báo chí của 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, dựa trên 3 yếu tố cản trở tự do báo chí: các quy định pháp lý; tác động của chính trị và môi trường kinh tế.

Điểm số của mỗi nước dao động từ 0 đến 100 điểm, điểm số càng cao thì mức độ cản trở tự do báo chí càng lớn. Các nước được xếp vào ba nhóm: tự do (từ 0 đến 30 điểm), tự do một phần (từ 31 đến 60 điểm) và không tự do (từ 61 đến 100 điểm).

Việt Nam đạt 84 điểm, được xếp vào nhóm nước không có tự do báo chí.

Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 37 trên 40 nước, rơi vào nhóm 5 nước có tự do báo chí kém nhất cùng với Triều Tiên, Trung Quốc, Lào và Thái Lan.

Bên cạnh đó, Freedom House cũng liệt Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do (not free) trong hai báo cáo về Tự do mạng (Freedom on the Net) năm 2016 và Tự do trên thế giới (Freedom in the world) năm 2017.

Tự do báo chí Việt Nam tệ nhất châu Á
Freedom House bắt đầu đánh giá tự do báo chí từ năm 1980. Kể từ đó đến nay, chưa có năm nào báo chí Việt Nam được đánh giá là tự do hay tự do một phần.

Qua 37 năm, tự do báo chí ở Việt Nam ngày càng đi xuống. Năm 1993, Việt Nam đạt 71 điểm, sau đó giảm dần trong khoảng thời gian 1994 – 1995, còn 68 điểm, sau đó mức độ cản trở báo chí bắt đầu tăng dần đều dao động từ 80 đến 86 điểm.

Trong khi đó, báo chí ở một số quốc gia ASEAN ngày càng tự do hơn. Từ năm 1995 – 2016, Indonesia giảm mức độ cản trở tự do báo chí từ 74 xuống còn 49 điểm, Myanmar giảm từ 99 xuống còn 73 điểm, Philippines giảm từ 46 xuống còn 44 điểm.

Thời kỳ báo chí Việt Nam ít bị cản trở nhất là 1994 – 1995, đạt 68 điểm, tức là còn tự do hơn Indonesia (74 điểm) và Myanmar (99 điểm).

Nhưng kể từ đó, tình hình tự do báo chí của Việt Nam ngày càng tệ đi. Đỉnh điểm là thời kỳ 2014 – 2015 với 86 điểm.

Biểu đồ dưới đây so sánh mức độ tự do báo chí ở Lào, Myanmar và Việt Nam từ 1994 – 2016, theo số liệu của Freedom House. Lào và Việt Nam liên tục đi xuống trong nhiều năm. Tuy nhiên, từ năm 1994 – 2002, đường đồ thị của Lào gần như song song và cao hơn hẳn so với Việt Nam.

Myanmar kém rất xa so với Lào và Việt Nam trong khoảng 1994-2010. Sau đó, nước này đã tiến hành nhiều cải cách và thúc đẩy tự do báo chí.

Biểu đồ : So sánh mức độ tự do báo chí ở Lào, Myanmar và Việt Nam

Chính trị là rào cản lớn nhất của tự do báo chí ở Việt Nam
Theo báo cáo này, Lào và Việt Nam là hai quốc gia bị môi trường chính trị cản trở nhiều nhất trong khu vực ASEAN, cũng là hai nước độc đảng duy nhất ở khu vực này.

Mức độ chính trị ảnh hưởng đến tự do báo chí ở Lào và Việt Nam lần lượt là 34 và 33 điểm trên 40, điểm tối đa của tiêu chí này.

Tiêu chí này đánh giá mức độ tác động của chính trị đến nội dung của báo chí, bao gồm: sự độc lập trong biên tập nội dung, tiếp cận thông tin và nguồn tin, bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt, sự sôi động của các phương tiện truyền thông và đa dạng tin tức, khả năng tự do tác nghiệp của phóng viên quốc tế và địa phương, khả năng phóng viên bị trả thù như bị bắt cóc, đánh đập và đe dọa.

Trong báo cáo Tự do báo chí 2016Freedom House nhận xét đảng Cộng sản Việt Nam vẫn xem báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng và chính sách của nhà nước. Chính quyền thường can thiệp trực tiếp hoặc kiểm duyệt nội dung.

Những chủ đề liên quan đến kêu gọi về cải cách dân chủ, tôn giáo, tố cáo tham nhũng, chiếm dụng đất đai hay chỉ trích mối quan hệ với Trung Quốc bị chính quyền kiểm duyệt và trừng phạt nhiều nhất. Các nhà báo được phép tố cáo về tham nhũng nếu nó phục vụ lợi ích của đảng, những chỉ trích công khai về nhà nước đều bị cấm.

Để tránh bị sa thải hay gặp các rắc rối pháp lý, rất nhiều nhà báo Việt Nam đã phải tự kiểm duyệt nội dung của chính mình. Các chương trình nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt để Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép trước khi phát sóng.

Cảnh sát thường sử dụng bạo lực, đột nhập, hăm dọa nhà và văn phòng của phóng viên để cấm viết về những chủ đề nhạy cảm.

Việt Nam và Lào là hai nước cản trở tự do báo chí nhiều nhất ở khối ASEAN.

Việt Nam “thành thạo” về sử dụng pháp luật để cản trở tự do báo chí
Việt Nam là một trong 8 nước “thành thạo” nhất thế giới về việc dùng pháp luật để cản trở tự do báo chí, đạt 30 trên 30 điểm, điểm tối đa của tiêu chí này. Các nước này bao gồm: Trung Quốc, bán đảo Crimea, Eritrea, Iran, Triều Tiên, Turkmenistan và Uzbekistan.

Tiêu chí này đánh giá mức độ mà các điều luật và quy định pháp lý ảnh hưởng đến nội dung báo chí và mức độ mà chính quyền sử dụng chúng để cản trở tự do báo chí.
Freedom House đã dẫn ra hàng loạt các quy định mà chính quyền Việt Nam ban hành để hạn chế tự do báo chí.

Chính quyền thường xuyên sử dụng các điều luật trong Bộ luật Hình sự (BLHS) để cản trở tự do báo chí: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền (điều 79), tội tuyên truyền chống nhà nước (điều 88) và tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ nhằm xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức, cá nhân (điều 258)

Tháng 3/2015, Tổng biên tập báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa bị cách chức và khởi tố hình sự theo điều 258. Do trước đó báo Người cao tuổi đã tiết lộ bí mật nhà nước về hồ sơ kê khai tài sản cá nhân của Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, làm ảnh hưởng đến uy tín của một số cá nhân, tổ chức.

Người dùng mạng xã hội bị cấm chia sẻ các bài viết nhằm mục đích chống phá nhà nước, gây hại an ninh trật tự, an ninh quốc gia theo Nghị định 72/2013 của chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

*
Tài liệu tham khảo




No comments:

Post a Comment

View My Stats