Friday, 23 June 2017

ĐÃ CÓ PHÁP QUYỀN, VẬY PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA LÀ GÌ ? (Quỳnh Vi - Luật Khoa Tạp Chí)






Posted on 18/06/2017

Nhà nước pháp quyền (rule of law) là một mô hình nhà nước mà các quốc gia dân chủ hiện đại đã và đang hướng đến.

Ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng thấy có không ít những nỗ lực từ các tổ chức xã hội dân sự, giới học giả, và cả từ phía chính quyền, trong việc kêu gọi cải cách pháp luật, để Việt Nam ngày càng trở thành một nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, tương tự như ở Trung Quốc, định nghĩa pháp quyền của nhà nước Việt Nam, do ảnh hưởng của hệ thống chính trị nên có phần khá đặc biệt so với các nước khác.

Hiến pháp năm 2013, Điều 2 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.”

Vì vậy, pháp quyền trong định nghĩa của nhà nước Việt Nam không chỉ đơn giản là “pháp quyền” – rule of law, mà nó là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” – socialist rule of law.

Pháp quyền và pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Theo giáo sư Martin Krygier của Đại học Luật New South Wales, Úc, thì định nghĩa về pháp quyền (rule of law) ở phương Tây hiện nay phần lớn chịu ảnh hưởng của Albert Venn Dicey, luật gia và nhà tư tưởng nổi tiếng người Anh ở thế kỷ 19.

Albert Venn Dicey cho rằng, giữa người dân và chính quyền, hoặc giữa người dân với nhau, tất cả đều phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật (equality before the law). Và luật pháp thường thức phải được xem là tối cao (supremacy of the regular or ordinary law).
Vì vậy, không một nhà nước nào có thể dùng luật để cai trị người dân một cách tùy tiện, trong khi chính quyền lại nằm ngoài vòng kiểm soát của luật pháp. Hiến pháp, theo Dicey, chính là kết quả của việc sử dụng pháp luật thường thức (ordinary law) để đảm bảo các quyền lợi của người dân, chứ không phải là nơi ban phát các quyền này đến cho họ.

Những nguyên tắc cơ bản của một nhà nước pháp quyền trong một xã hội tự do còn được tổ chức International Commission of Jurists (ICJ) tóm tắt tại Tuyên bố Delhi năm 1959 (Delhi Declaration 1959).

Theo ICJ, trong một nhà nước pháp quyền, chuẩn mực tố tụng (due process) và quyền được xét xử công bằng (fair trial) của người dân phải được đảm bảo và không thể thỏa hiệp. Ngoài ra, nhà nước pháp quyền sẽ đặt việc tuân thủ Luật tự nhiên (Natural law) lên trên hết, và vì vậy các quyền con người của người dân phải được thực thi đầy đủ mà không bị cản trở. Chính quyền phải đặt mình dưới pháp luật.

Thế thì nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lại có gì khác với những định nghĩa về nhà nước pháp quyền nói trên?

Trung Quốc và Việt Nam cùng hiểu “pháp quyền” theo một nghĩa, và nghĩa đó rất khác với cách hiểu của phương Tây. Ảnh: Japan Times.

Đặc sản của các nước theo chủ nghĩa cộng sản

Trong một nghiên cứu về pháp quyền và mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa (Socialism and the Rule of Law) công bố năm 1988, giáo sư luật người Anh, Laurence Lustgarten đã định nghĩa pháp quyền ở các nước Âu – Mỹ nói chung, đều dựa trên tinh thần chủ nghĩa cá nhân (individualism) và chủ nghĩa tự do (liberalism). Đây là những khái niệm không thể tồn tại trong mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Vì theo giáo sư Laurence Lustgarten, tại các quốc gia cộng sản, giai cấp, quyền tư hữu, cũng như chủ nghĩa cá nhân đều bị xóa bỏ. Mục tiêu của các thể chế này là đảm bảo trật tự xã hội để tiến đến xã hội chủ nghĩa. Và để đạt được mục tiêu này, quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội đều được trao cho đảng Cộng sản, là lực lượng đại diện cho ý nguyện tập thể của số đông người dân.

Do đó, trong mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật không được đảm bảo là tối cao, vì nó không thể cao hơn sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Ngoài ra, luật pháp còn phải đồng hành cùng các mục tiêu chung trong các chính sách của đảng. Và kết quả là nó dẫn đến một mô hình xã hội toàn trị (authoritarian state).

Chính Hiệu trưởng Wang Zhenmin của Đại học Luật Tsinghua tại Beijing đã giải thích về pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Trung Quốc cho giới truyền thông, sau tuyên bố của Xi Jinping tại đại hội đảng Cộng sản lần thứ 18 năm 2014 như sau:

“Luật pháp bản thân nó là việc luật hóa và hệ thống hóa các chính sách của Đảng; luật là chính sách của Đảng dành cho nhà nước và được giải thích bởi Quốc hội thông qua các thủ tục lập pháp; chính sách của Đảng là linh hồn và nền tảng của pháp luật.”

Pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo luật sư và nhà nghiên cứu về pháp luật Trung Quốc, Rebecca Liao, là một “nghịch lý chính trị”. Bà Liao cho rằng, tại những nơi như Trung Quốc, pháp luật vốn chỉ là công cụ của đảng Cộng sản.

Chính quyền do đảng Cộng sản lãnh đạo không nằm dưới pháp luật mà ngược lại, đứng trên nó. Các quan chức lãnh đạo của đảng Cộng sản dùng pháp luật để cai trị người dân một cách hữu hiệu hơn, nhưng đồng thời lại đặt mình nằm ngoài vòng pháp luật.

Tại Việt Nam, năm 2013, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản cũng từng phát biểu rằng, Hiến pháp là “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”.

Một ví dụ được luật sư Liao, đưa ra để dẫn chứng cho kết luận nói trên là việc khiếu kiện chính quyền tại Trung Quốc.

Người dân hầu như không thể nộp đơn khiếu kiện chính quyền hoặc những nhà lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản. Tuy rằng trong những năm gần đây ở Trung Quốc, các bộ luật liên quan đến việc khiếu kiện chính quyền và quan chức đã phần nào được cải cách theo chiều hướng có lợi cho người dân. Thế nhưng, trong thực tế, các vụ kiện đó đều bị chính quyền tìm cách ép buộc người dân phải hòa giải hoặc bãi nại.

Cũng theo luật sư Liao, vai trò của các thẩm phán trong hệ thống luật pháp xã hội chủ nghĩa cũng nằm trong sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Và vì thế, tòa án không hề độc lập. Trước pháp luật, người dân và chính quyền vốn không phải là hai thực thể bình đẳng. Các thẩm phán vẫn đưa ra những phán quyết có lợi cho chính quyền, chứ không áp dụng luật pháp một cách công bình.

Zhou Qiang, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã yêu cầu ngành toà án cần tránh xa các tư tưởng phương Tây về “tư pháp độc lập”. Ảnh: China Daily/Reuters.

Tại Trung Quốc, từ cuối thập niên 1990, chính quyền đã đề cao việc sử dụng cụm từ “ỷ pháp trị quốc” (yi fa zhi guo –  ). Cụm từ này có nghĩa là dùng pháp luật để cai trị, hoặc cai trị “theo quy định của pháp luật”. Họ cũng luật hóa cụm từ này trong Hiến pháp và tiếp tục sử dụng nó cho đến thời điểm hiện tại.

Đây cũng là một đặc điểm khác của mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, khiến một số các học giả luật quốc tế cho rằng nó hoàn toàn khác với nhà nước pháp quyền. Việc sử dụng cụm từ này trong các bản Hiến pháp và những bộ luật quốc gia của Trung Quốc, theo giáo sư Susan Trevaskes, phụ tá Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, gia tăng quyền lực cho đảng Cộng sản và các nhóm lợi ích của đảng trong việc cai trị đất nước.

Điều này được khẳng định qua các kỳ đại hội đảng từ thập niên 1990 đến nay, và đặc biệt là qua tuyên bố của Xi Jinping vào cuộc họp toàn thể lần 4 của đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 năm 2014. Xi đã nhấn mạnh rằng, sự lãnh đạo toàn diện của đảng Cộng sản chính là định nghĩa của pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Luật pháp không phải là công cụ để uốn nắn, chấn chỉnh nhà nước, mà nó là công cụ của nhà nước để uốn nắn, chấn chỉnh người dân.

Ngôn ngữ pháp lý của Việt Nam cũng khá tương tự như Trung Quốc. Ví dụ, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình ở Việt Nam đều được đảm bảo tại Điều 25 của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này phải do pháp luật quy định.

Như đã nói ở đầu bài viết, định nghĩa chung của mô hình nhà nước pháp quyền của một xã hội tự do trên thế giới nhấn mạnh việc tôn trọng tối đa các quyền tự nhiên, quyền con người của người dân mà không bị bất kỳ cản trở gì từ phía nhà nước. Nghĩa là, một người đương nhiên có thể thực hiện các quyền này mà không cần nhà nước đặt ra quy định làm thế nào để có thể thực hiện nó.

Khi áp đặt “quy định của pháp luật” lên việc thực hiện các quyền tự nhiên (natural rights) của người dân, thì mô hình của thể chế pháp lý này không phải là nhà nước pháp quyền.

Vì sao chúng ta cần nhìn nhận rõ pháp quyền xã hội chủ nghĩa?

Joshua Rosenzweig, nhà nghiên cứu chiến lược của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) chi nhánh Hong Kong cho rằng, càng sớm nhận rõ sự khác biệt giữa pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại những nơi như Trung Quốc và nhà nước pháp quyền tại các nước dân chủ, càng tốt.

Vì theo ông Rosenzweig, mỗi khi nghe các lãnh đạo Trung Quốc nhắc đến “pháp trị” hay “ỷ pháp trị quốc”, thì giới nghiên cứu quốc tế đều hồ hởi nghĩ rằng Trung Quốc đang nói đến “pháp quyền” theo định nghĩa của họ. Điều này là một phán đoán sai lầm, vì những nơi như Trung Quốc chưa chắc muốn hướng đến nhà nước pháp quyền dựa trên văn hóa chính trị và pháp lý của các nước dân chủ phương Tây.

Không nhận rõ sự khác biệt giữa hai định nghĩa pháp quyền có thể dẫn đến một việc tai hại khi các quốc gia Tây phương ủng hộ những lời hô hào thực thi “pháp trị” hay “ỷ pháp trị quốc” của chính quyền Trung Quốc. Đó là vô hình trung, họ có thể đang tiếp sức cho sự tồn tại của đảng cầm quyền, chứ không phải là giúp đỡ xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự.

Hệ thống pháp luật của Trung Quốc đề cao việc “ổn định trật tự xã hội” và “kiểm soát an ninh quốc gia”, nhưng không nhắc nhở đến việc đặt quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản dưới pháp luật. Sự bất bình đẳng trong hệ thống pháp lý đó khiến ông Rosenzweig không dám mong mỏi một nền pháp quyền kiểu Âu Mỹ có thể được thực thi trong thời gian gần tại đây.
Pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong thực tế là một nhà nước ỷ pháp trị quốc, sử dụng pháp luật để cai trị người dân (rule by law), trong khi bản thân nhà nước thì có quyền đứng trên pháp luật.

Còn nếu muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền (rule of law) đúng nghĩa, thì câu hỏi đầu tiên cần được đặt ra là, làm thế nào để đảm bảo pháp luật có được chỗ đứng tối cao trong xã hội mà không một nhà nước hoặc đảng cầm quyền nào có thể ở trên nó?

*
Tài liệu tham khảo:


---------------------------------------

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Luật pháp của cái gọi là nhà nước pháp quyền Việt Nam luôn là nỗi lo ngại, là lực cản không chỉ đối với người dân Việt Nam mà nó còn là nỗi quan ngại của cả dư luận quốc tế. Nó trở nên quái gở và xa lạ với hệ thống luật pháp quốc tế khi được giới cầm quyền cộng sản gắn cho cái đuôi “xã hội chủ nghĩa”.

Từ Hà Nội, Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đã có cuộc trao đổi với nhà báo Trần Quang Thành về chủ đề này.

Nội dung như sau - Mời quí vị cùng nghe:









No comments:

Post a Comment

View My Stats