Monday, 19 June 2017

CON ĐƯỜNG TƠ LỤA CỦA THẾ KỶ 21 : MỘT TRẬT TỰ MỚI CỦA TRUNG HOA (Trần Trung Tín)




19/06/2017

Vào ngày 14 tháng 5, 2017 vừa qua, tại Bắc Kinh, đã có hai mươi chín vị nguyên thủ và đại diện của hơn 130 quốc gia tham dự hội nghị Belt and Road Forum for International Cooperation.

Diễn Đàn Vòng Đai và Con Lộ (Belt and Road Forum) đặt trọng tâm quanh việc quảng bá và và thu hút sự tham gia việc xây dựng và phát triển Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Hoa trong thế kỷ 21. Diễn Đàn này của Trung Hoa có thể được xem là một đối trọng với Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum) của Tây phương, thường được biết đến qua các hội nghị thường niên được tổ chức tại Davos-Klosters, Switzerland.

Kể từ tháng Hai 2014, Bắc Kinh đã chính thức đề ra một trong những sáng kiến về phát triển kinh tế đầy tham vọng nhằm mục đích tái tạo Con Đường Tơ Lụa (Silk Road) đầy huyền thoại. Còn được biết qua biệt danh Một Vòng Đai, Một Con Lộ (One Belt, One Road), dự án này được tài trợ bởi nguồn tài chính giàu có lấy từ dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh.

Trở ngược về quá khứ hơn hai ngàn năm trước, triều đại nhà Hán của Trung Hoa đã phát động việc xây dựng Con Đường Tơ Lụa thành một mạng lưới thương mại liên kết Nam và Trung Á với Trung Đông và Châu Âu.

Ngày nay, ý tưởng về một Con Đường Tơ Lụa mới là một tập hợp liên kết các sáng kiến, hay kế hoạch kinh tế nhằm nối kết Đông và Trung Á, và ý tưởng này đã hinh thành ở Trung Hoa vì những lý do hoàn toàn khác biệt.

Con Đường Tơ Lụa là gì?

Đầu tiên, Con Đường Tơ Lụa xuất hiện trong triều đại Nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên – năm 220 sau Tây lịch) rồi dần dần bành truớng về phương Tây và đã tạo nên các hệ thống mạng lưới mậu dịch xuyên qua những nơi mà hiện nay là các quốc gia Trung Á như Kyrgyzstan, Tajikistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan và Afghanistan, cũng như Pakistan và Ấn Độ ở phía nam. Mạng lưới này gồm những tuyến đường kéo dài hơn bốn ngàn dặm sang tận Âu Châu.

Bản đồ của các tuyến thương mại của Con Đường Tơ Lụa cổ xưa

Vào thời đó, Trung Á là tâm điểm của một trong những đợt sóng đầu tiên trong việc toàn cầu hoá, nối kết các thị trường đông và tây, thúc đẩy sự giàu có to lớn và trộn lẫn các truyền thống văn hoá và tôn giáo. Hàng tơ lụa có giá trị của Trung Hoa, gia vị, ngọc bích, và các hàng hóa khác chuyển sang phương tây. Đổi lại, Trung Hoa nhận vàng và các sản phẩm khác bằng quý kim, ngà voi và thủy tinh. Hoạt động trên tuyến đường này đạt đến cao điểm trong thiên niên kỷ thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của người La Mã và sau đó là Byzantine Empires, và đời nhà Đường (618-907) ở Trung Hoa.

Nhưng các cuộc chiến tranh Thập tự giá (Crusades), cũng như những tiến bộ của Mông Cổ ở Trung Á, đã làm sút giảm sự mậu dịch trên Con Đường Tơ Lụa này. Sang thế kỷ thứ mười sáu, phần lớn thương mại của Á châu với Âu châu đã chuyển sang các tuyến mậu dịch bằng đường hàng hải, rẻ hơn và nhanh hơn.

Ngày nay, các nước Trung Á bị cô lập về mặt kinh tế, với mậu dịch trao đổi nội trong vùng chỉ chiếm 6.2% trong tổng số thương mại xuyên biên giới. Họ cũng phụ thuộc nặng nề vào Nga, đặc biệt là kiều hối (remittances) - giảm 15% vào năm 2014 do những bất lợi kinh tế của Nga.

Trung Hoa với những dự tính cho Con Đường Tơ Lụa Mới

Có nhiều lý do để Trung Hoa theo đuổi Con Đường Tơ Lụa Mới. Tập Cận Bình đã đề ra một tầm nhìn về một Trung Hoa quyết đoán hơn, nhất là khi đã thấy có những chỉ dấu bất thường của việc làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế.  Những dấu hiệu đó đã gây áp lực lên giới lãnh đạo của Trung Hoa và đưa đến việc Trung Hoa phải mở ra một thị trường mới cho mặt hàng tiêu dùng và đáp ứng được với năng lực kỹ nghệ vượt bực.

Thúc đẩy việc phát triển kinh tế ở vùng phía tây của tỉnh Tân Cương, tại khu vực đang có những vấn đề rắc rối về chủ quyền sắc tộc, và là một nơi mà bạo động từ thành phần ly khai đang gia tăng cũng là một mối quan tâm lớn lao khác, cũng quan trọng như là bảo đảm sự cung cấp năng lượng lâu dài.

Chiến lược của Trung Hoa được tạo ra nhắm vào hai mục tiêu.  Thứ nhất, tập trung vào việc phát triển hạ tầng cơ sở trên đất liền xuyên qua Trung Á, được xem là “Con Đường Tơ Lụa Trong Vòng Đai Kinh Tế" (Silk Road Economic Belt). Thứ hai dự kiến mở rộng các tuyến chuyên chở hàng hải xuyên qua Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư và được xem là "Con Đường Hàng Hải Tơ Lụa" (Maritime Silk Road).

Ngay từ năm 2013, họ Tập đã nói với thính giả ở Kazakhstan rằng ông ta muốn tạo ra một mạng lưới rộng lớn gồm có đường xe lửa, đường ống dẫn năng lượng, xa lộ cao tốc, và các cửa ải thông thương dễ dàng tại biên giới, cả phía tây – xuyên qua các nước cộng hòa miền núi trước đây thuộc Liên Xô - và phía nam, về phía Pakistan, Ấn Độ và phần còn lại của Đông Nam Á. 

Theo ông Tập, một mạng lưới như vậy sẽ giúp thế giới sử dụng đồng tiền Trung Hoa ở một quy mô rộng lớn hơn,  qua các giao dịch trong toàn khu vực, trong khi hạ tầng cơ sở tân lập có thể "phá vỡ sự tắc nghẹn nơi cổ họng trong sự nối kết của Á châu."

Ngân hàng Phát triển Á châu, nổi bật với nhu cầu dành cho các khoản đầu tư như vậy, ước tính rằng khu vực này hàng năm phải đối diện với tình trạng thiếu hụt tài chính cho hạ tầng cơ sở đến gần khoảng 800 tỉ Mỹ kim.

Rồi tiếp theo sau đó Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch cho Con Đường Hàng Hải Tơ Lụa tại hội nghị thượng đỉnh vào năm 2013 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Nam Dương. Để đáp ứng với việc mở rộng thêm lưu lượng hàng hải thương mại, Trung Hoa sẽ đầu tư vào việc phát triển hải cảng trên khắp Ấn Độ Dương, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives và Pakistan.

Các sáng kiến/kế hoạch (initiatives) của Trung Hoa trong khu vực

Tại hội nghị vừa qua, Bắc Kinh hứa sẽ giúp hàng chục tỉ đô la cho các khoản tài trợ cho hạ tầng cơ sở và viện trợ phát triển, và trình ra sự ủng hộ từ hàng chục nước khác để khuyến khích việc hội nhập kinh tế và tự do mậu dịch toàn cầu thông qua việc tạo ra cái mà Bắc Kinh gọi là "Con Đường Tơ Lụa Mới" (new Silk Road).

Tập Cận Bình đã công bố hơn 100 tỉ đô la trong việc tài trợ hạ tầng cơ sở cho dự án – một số thông qua Quỹ Con Đường Tơ Lụa (a Silk Road Fund), một số thông qua các ngân hàng của Trung Hoa như Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Hoa và Ngân hàng Phát triển Trung Hoa.

Kế hoạch này, trên mặt lý thuyết, sẽ tạo dựng ra một mạng lưới các tuyến giao thương mậu dịch, đường xe lửa, hải cảng và đường cao tốc, liên kết các quốc gia trên bốn lục địa. Trung Hoa gọi đó là "kế hoạch của thế kỷ."

Cho đến nay, có gần 70 quốc gia đã ký kết các thỏa thuận với Trung Hoa để tham gia vào kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới này. Và nhiều nước láng giềng Châu Á của Trung Hoa rất cần sự đầu tư vào hạ tầng cơ sở và viện trợ phát triển.

Mặc dù các chi tiết như về vấn đề tài trợ vẫn còn mông lung, nhưng từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố vào năm 2013, Trung Hoa đã nâng cao kế hoạch này lên tầm cỡ của một chiến lược quốc gia. Đây cũng còn là sáng kiến của họ Tập trong chính sách ngoại giao và Bắc Kinh đã tiến hành hàng chục dự án từ đường xe lửa ở Tajikistan, Thái Lan và Kenya cho đến các nhà máy điện ở Việt Nam và Kyrgyzstan.

Cũng trong bài diễn văn khai mạc hội nghị năm 2017, Tập Cận Bình đã mô tả  Con Đường Tơ Lụa nối kết Âu Châu và Á Châu khoảng hai ngàn năm trước và đã đưa ra hình ảnh của đoàn lữ hành lạc đà chuyên chở hàng hoá và ý tưởng qua lại giữa các đế quốc cổ xưa.

Ông ta nói, “Phần này của lịch sử cho thấy văn minh sẽ được thăng hoa qua sự cởi mở và các quốc gia trở nên thịnh vượng nhờ bởi sự trao đổi.”

Nhằm cố gắng xua tan những nghi ngờ về những thâm ý chính trị lâu dài của Trung Hoa, ông Tập Cận Bình đã phát biểu trong hội nghị: "Chúng tôi không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, xuất cảng hệ thống xã hội và mô hình phát triển của chúng tôi hoặc áp đặt ý chí của chúng tôi lên những người khác".

Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ không vận dụng những phương cách đã lạc hậu trong địa lý chính trị."

Những tuyến đường do Trung Hoa đề nghị trên Con Đường Tơ Lụa Mới

Theo một số nhà quan sát, thì tính cho đến nay, chiến lược này có vẻ hoạt động được nhất là với sự thay đổi tổng thống tại Philippines và việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp Ước TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement).

Một phần quan trọng của sáng kiến Vòng Đai và Con Lộ (Belt and Road) là xây dựng những đường ống năng lượng trực tiếp tới các tỉnh phía Tây của Trung Hoa xuyên qua Miến Điện (Myanmar) và Pakistan, bỏ qua một tụ điểm có tiềm năng dễ bị tắc nghẽn ngay tại eo biển Malacca.

Nhiều nhà lãnh đạo đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng của Trung Hoa cho rằng sự phát triển sẽ giúp giảm bớt các vấn đề an ninh, bao gồm cả khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với Diễn đàn Bắc Kinh: "Đây sẽ là một sáng kiến chấm dứt được khủng bố.”

Kết thúc hội nghị, các quốc gia đã ký một thông báo tán thành “một cam kết chung để xây dựng một nền kinh tế mở rộng bảo đảm mậu dịch tự do và toàn diện (inclusive trade) và chống lại mọi hình thức bảo vệ thị trường."

Ngoài ra cũng nên lưu ý là tính từ năm 2013, sau khi khởi động sáng kiến Một Vòng Đai, Một Con Lộ nhằm để xây dựng một Con Đường Tơ Lụa mới - với tham vọng sẽ do Trung Hoa nắm quyền điều khiển, thì Trung Hoa cũng khá bận rộn trong việc thực hiện kế sách này.

Năm 2014, Tập Cận Bình đã kết thúc các thỏa thuận trị giá 30 tỉ Mỹ kim với Kazakhstan, 15 tỉ Mỹ kim với Uzbekistan, và 3 tỉ Mỹ kim với Kyrgyzstan, ngoài ra còn chi thêm 1.4 tỉ Mỹ kim để tân trang hải cảng Colombo, Sri Lanka. Đến tháng 11 năm 2014, Trung Hoa tuyên bố thành lập Quỹ Con Đường Tơ lụa (Silk Road Fund) trị giá 40 tỉ Mỹ kim.

Năm 2015, Trung Hoa đã hoàn tất kế hoạch cho Ngân hàng Đầu tư Hạ Tầng Cơ sở Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank - AIIB), với số vốn ban đầu được nhắm tới là 100 tỉ Mỹ kim. Mặc dù có sự phản đối từ Hoa Kỳ, ngân hàng đầu tư AIIB đã lôi cuốn được năm mươi bảy thành viên sáng lập, gồm cả các đồng minh của Hoa Kỳ như Anh, Đức và Úc.

Phản ứng tiêu cực của Mỹ đối với ngân hàng đầu tư AIIB phản ảnh mức độ lo ngại của một số nhà hoạch định chính sách Mỹ về những nỗ lực của Trung Hoa sẽ làm xói mòn các định chế Tây phương như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và mở rộng ảnh hưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Hoa lãnh đạo, một hiệp ước kinh tế và an ninh khu vực.

Phản ứng của các quốc gia liên hệ

Những quốc gia như Pakistan và Afghanistan vui vẻ đón nhận sáng kiến này như là một cách để giúp họ thoát ra khỏi sự nghèo đói.  Còn Ấn Độ, Nam Dương và các quốc gia khác thì muốn được hưởng lợi từ sự đầu tư nhưng lại lo ngại nhiều về những tham vọng chiến lược của Trung Hoa.

Theo như Christine Tjhin, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế tại Jakarta, thì các thành phần ưu tú trong chính giới tại Nam Dương đều mang một “nỗi sợ hãi của độc quyền lãnh đạo trong khu vực" của Trung Hoa.

Moscow lo ngại Bắc Kinh đang làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở Trung Á bằng cách nối kết Uzbekistan và các nước khác đến gần với nền kinh tế năng động hơn của Trung Hoa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp ứng lại với kế sách Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Hoa bằng cách đưa ra "Dự án Eurasia Vĩ đại" (“Great Eurasia Project”), với Bắc Kinh dẫn đầu về kinh tế và Moscow về chính trị và an ninh.

Theo một phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu Đông phương, một trung tâm suy tưởng (think tank) ở Warsaw cho biết: "Tầm nhìn này cho phép Kremlin duy trì sự hiện diện của họ về mặt sáng kiến chính trị trong khu vực các quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, cũng có quan tâm chính yếu khác là Trung Hoa đang cố gắng tạo ra một trật tự quốc tế mới với chính họ ở ngay trong vị trí lãnh đạo.  Đặc biệt là các chính quyền từ Washington, Moscow sang đến New Delhi đều lo ngại Bắc Kinh đang ra sức xây dựng ảnh hưởng chính trị và sẽ xói mòn ảnh hưởng của họ.

Kế sách Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Hoa lại càng được dịp phát triển khi Tổng Thống Donald Trump tập trung chú ý vào những vấn đề nội bộ trong nước, và hạ thấp ưu tiên của các vấn đề của nước ngoài.

Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng Washington muốn hợp tác với Trung Hoa về hạ tầng cơ sở. Nhưng một số nhà phân tích chính trị của Hoa Kỳ thi lại nói rằng Bắc Kinh đang cố gắng tạo dựng ra một mạng lưới kinh tế và chính trị tập trung vào Trung Hoa và đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực.

Ông Max Baucus, đại sứ của Hoa Kỳ tại Bắc Kinh cho đến tháng Một, 2017, cho biết quyết định của ông Trump rút lui khỏi đề nghị Đối tác xuyên Thái Bình Dương với 12 quốc gia đã làm cho các quốc gia láng giềng của Trung Hoa mất đi các công cụ mà họ hy vọng sẽ dùng để chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Hoa.

Nhưng một trong những điểm nổi bật nhất trong thời gian hội họp này tại Bắc Kinh là Ấn Độ. Là một quốc gia láng giềng có kích thước lớn ngay bên cạnh Trung Hoa, Ấn Độ đã tẩy chay cuộc họp tại Bắc Kinh vì hành lang kinh tế và năng lượng của Trung Hoa tại Pakistan cắt ngang qua các phần của Kashmir, một khu vực trong vùng Himalya, mà cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố có chủ quyền. 

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhìn vào việc các công ty của chính quyền Trung Hoa đang làm việc tại phần do Pakistan kiểm soát trong khu vực đó là một sự công nhận sự kiểm soát của Pakistan.

Về mặt Trung Hoa, họ khẳng định rằng họ không theo phe nào hết trong cuộc tranh chấp.

Có thể là nhằm để nỗ lực xoa dịu những quan ngại này, Trung Hoa đã mời các chính phủ đến tham dự phiên hop taị một diễn đàn kéo dài hai ngày. Các nhà lãnh đạo đến từ 28 quốc gia khác bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng không có qưốc gia nào đến từ các nước Tây phương lớn mạnh.

Viễn kiến của Ấn Độ - Một quốc gia có tầm vóc trong khu vực

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hăng say theo đuổi việc gây cảm tình với các nước láng giềng của Ấn Độ như Afghanistan, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka.

Trong khi đó, Modi đã tạo được mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, ký kết hiệp ước U.S.-India Joint Strategic Vision for the Asia-Pacific and Indian Ocean Region (Tầm nhìn Chiến lược chung của Hoa Kỳ - Ấn Độ cho Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương) trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Barack Obama vào tháng 1 năm 2015. Đứng hàng thứ năm trong các nhà tặng giữ (donor) đóng góp vào việc tái thiết Afghanistan, Ấn Độ đã rất tích cực trong việc hỗ trợ những cố gắng do Hoa Kỳ dẫn đầu, đã chi ra hơn 2 tỉ Mỹ kim trong hơn thập kỷ qua. 

Tuy nhiên, các tranh chấp dai dẳng về lãnh thổ đã làm việc kết hợp giữa Ấn Độ và các nước láng giềng trở nên càng phức tạp thêm. Vấn đề biên giới với Trung Hoa đã không được giải quyết kể từ khi hai quốc gia này có chiến tranh vì tranh chấp về biên giới trong vùng Himalaya vào năm 1962. 

Quan hệ Ấn Độ-Pakistan đã bị căng thẳng kể từ khi độc lập năm 1947 và cho đến nay các rào cản mậu dịch vẫn tồn tại giữa hai nước, bởi thế việc hai quốc gia này có thể chung sức thực hiện các loại dự án chung là một điều rất đáng nghi ngờ.

Về phía đông của Ấn Độ, Thủ tướng Modi đã tái xúc tiến nỗ lực bình thường hóa biên giới của Ấn Độ với Bangladesh, một điều mà nếu diễn ra tốt đẹp có thể đưa Ấn Độ đứng vào vị trí của một cửa ngõ tiến vào Đông Nam Á. Vào tháng 5 năm 2015, khi  Quốc hội Ấn Độ thông qua Hiệp định Ranh giới Đất đai (Land Boundary Agreement) thì Modi đã thực hiện được một bước đột phá lớn trong lĩnh vực này và sẽ giải quyết nhiều đều trong các vấn đề này.

Trong khi Trung Hoa đã bày tỏ sự dè dặt về tương quan ngoại giao càng ngày càng sâu đậm giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ, thì các nhà hoạch định chính sách ở New Delhi từ lâu đã cảm thấy bất ổn trước việc Trung Hoa dang tay đón nhận Pakistan. 

Tháng 4 năm 2015, Tập Cận Bình đã tuyên bố kế hoạch đầu tư khổng lồ với 46 tỉ Mỹ kim dành cho hạ tầng cơ sở của năng lượng và vận tải của Pakistan. Những hạ tầng cơ sở này được biết đến qua tên gọi là Hành lang Kinh tế Trung Hoa-Pakistan (China-Pakistan Economic Corridor - CPEC) nhằm nối kết hải cảng Gwadar của Pakistan ở Ấn Độ Dương (hiện đang dưới sự quản trị của Trung Hoa) cho tới khu vực miền Tây của tỉnh Tân Cương của Trung Hoa. 

Sự lo ngại của Ấn Độ cũng đã gia tăng trước việc Trung Hoa đầu tư vào Sri Lanka, ở phía nam Ấn Độ, là một nơi mà Trung Hoa đã mở rộng hợp tác quân sự cũng như hợp tác kinh tế. 

Bản đồ Trung Hoa, Ấn Độ và Pakistan và những vùng có tranh chấp

Những trở ngại trong việc xây dựng Con Đường Tơ Lụa Mới

Tham vọng xây dựng Một Vòng Đai, Một Con Lộ cho Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Hoa cũng đã gặp phải sự chống đối hay khó khăn. 

Tại Miến Điện, đã có áp lực từ quần chúng làm ngưng lại việc xây dựng một tuyến đường xe lửa trị giá 20 tỉ Mỹ kim giữa thành phố Kyaukpyu của Miến Điện và Côn Minh của Trung Hoa vì sự tức giận của người dân địa phương do việc họ không được hỏi ý kiến về dự án này. Tương tự, chính phủ mới được bầu lên tại Sri Lanka đang đem ra kiểm soát những thỏa thuận đầu tư của chính phủ trước đây đã ký với Trung Hoa - vốn bị che giấu trong vòng bí mật.

Sang đến vùng Trung Á, việc tiến hành các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở tại đó sẽ phải đương đầu với những địa hình rất hiểm trở xuyên qua những đèo núi dốc, cũng như những mối đe dọa từ các thành phần vũ trang. Các cuộc tấn công của các phần tử ly khai ở các tỉnh Tân Cương của Trung Hoa và các tỉnh trong vùng Balochistan của Pakistan cũng như Taliban đang hồi phục ở Afghanistan là những lo lắng thường trực. 

Một thách thức to lớn hơn nữa chính là pháp luật tại các nơi này. Tình hình an ninh là một khó khăn thách đố trong buổi ban đầu khi đang tạo dựng nền móng.   Nhưng sang đến giai đoạn kế tiếp là phát triển thì các nhà đầu tư, các giám đốc điều hành của các công ty, hay thế lực tài chính của tư bản Mỹ sẽ phải tìm hiểu liệu có đầy đủ pháp luật để bảo đảm cho việc đầu tư của họ không? Nếu câu trả lời là không, thì các nguồn lực đầu tư đó sẽ quay sang nơi khác

Cuối cùng, vẫn còn phải kể đến tham vọng của Nga trong khu vực "gần ngoại biên" của họ ở Trung Á sẽ đụng độ như thế nào với những nỗ lực của Hoa Kỳ và Trung Hoa. 

Với mối quan hệ Mỹ-Nga xuống thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga đã theo đuổi riêng các nỗ lực nhằm kết hợp lại khu vực của họ thông qua Liên minh Kinh tế Á-Âu (Eurasian Economic Union), nhằm thống nhất các nền kinh tế của Nga, Kazakhstan, Belarus và Armenia. 

Trung Hoa cũng đang gia tăng việc cạnh tranh với Nga – qua việc đang thay thế các mối quan hệ đầu tư và năng lượng của Nga tại Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan, và việc này có khả năng gây ra những căng thẳng lớn giữa Bắc Kinh và Moscow trong những năm sắp đến.

***

Trong một vị thế của một đại cường đang nhanh chóng vươn lên, Trung Hoa không còn một chọn lựa nào khác hơn là phải tìm được một chỗ đứng vững chãi cho riêng họ để có thể phân chia hay chiếm trọn lấy thiên hạ.  

Về mặt quân sự trên đất liền thì quân số “biển người” của Trung Hoa không còn là một ưu thế tuyệt đối như thời Chiến tranh Triều Tiên 1950.   Nơi mặt biển, hải quân Trung Hoa chưa thể sánh vai được với hải quân của các cường quốc hải quân khác. Còn không quân của Trung Hoa thì cũng chưa tự chứng minh được họ là một lực lượng đáng ngại có thể đối đầu với Nga hay Mỹ.

Vì vậy, quay sang lãnh vực kinh tế, sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Chủ tịch Tập Cận Bình xem ra có nhiều triển vọng sẽ giúp Trung Hoa đạt được tham vọng bá chủ hơn là theo đuổi bằng phương cách quân sự.  

Cuộc hội thảo quốc tế quan trọng tại Bắc Kinh do Diễn Đàn Vòng Đai và Con Lộ (Belt And Road Forum) tổ chức với sự tham dự của 28 quốc gia, chắc chắn đã làm hài lòng các nhà lãnh đạo Trung Hoa trong ước mơ là họ đang tạo dựng một trật tự mới trên thế giới.

Tuy nhiên, đó chỉ là những gi thể hiện trên mặt lý thuyết. Nhưng khi bước sang đến thực hành,  một khi phải cạnh tranh lâu dài với nhiều đối thủ có tầm cỡ trên khắp thế giới về mặt kinh tế và tài chánh, thi chắc chắn Trung Hoa phải cần đến một “sức mạnh mềm,” phải sở hữu một khả năng quản trị hảo hạng, một khả năng tiên liệu suất sắc, cùng là một đội ngũ có đầu óc khai phóng với nhiều viễn kiến tuyệt diệu (như Facebook, Tesla) và sáng tạo vượt bực (như Apple, Google); và đó chỉ mới là một số đòi hỏi căn bản phải được đáp ứng thoả đáng nếu muốn vượt lên và đứng đầu trong lãnh vực kỹ nghệ và kinh tế tài chánh.  

Kế sách Con Đường Tơ Lụa Mới của Tập Cận Bình chỉ mới được chính thức thành hình từ 2014 vì vậy cũng còn quá sớm để có thể xác định được giá trị thực sự của Con Đường Tơ Lụa của thế kỷ 21 này sẽ đưa Trung Hoa đi đến đâu. 

Chỉ có thời gian mới có thể xác định được trên Một Vòng Đai, Một Con Lộ (One Belt, One Road), Con Đường Tơ Lụa Mới trong thế kỷ 21 này sẽ đưa Trung Hoa đến vị trí bá chủ thế giới hay sẽ lại chỉ là một giấc mơ cá chép hóa rồng của Tập Cận Bình luôn bị ám ảnh bởi khát vọng muốn dựng lại triều đại của nhà Đại Hán xa xưa trong một bối cảnh mới của một thế giới tự do dân chủ.

Trần Trung Tín – Ngày 2/6/17

*
Tài liệu tham khảo:






No comments:

Post a Comment

View My Stats