Saturday, 24 June 2017

PUTIN "THỌC GẬY" BẦU CỬ MỸ & ĐANG DÍNH ĐÒN HỒI MÃ THƯƠNG (Cách Thuỷ - Bình Luận Án)




Cách Thuỷ  -  Bình Luận Án
Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017


Việc Putin can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ là điều không có gì bất ngờ và hoàn toàn phù hợp với tính cách của con người cuồng quyền lực và láu cá này. Tuy nhiên khó có thể nói rằng Putin đã giúp ông Trump thắng cử, cho dù muốn vậy. Vì người dân Mỹ chắc chắn không ưa và ủng hộ những kẻ thân cộng sản hay nước Nga. Chỉ cần có một bằng chứng rõ ràng về việc Trump có chơi hay "đi đêm" với Putin, chắc chắn ông sẽ bị truất phế. 

Ông Obama không ưa ông Putin là điều đã rõ. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của mình, tổng thống Mỹ rất nhiều lần bày tỏ thái độ lạnh nhạt với Putin, bao gồm cả việc ban hành lệnh cấm vận khi Nga sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014 (ảnh AFP)

Theo báo Tuổi Trẻ, trong một bài điều tra gây shock đăng trên tờ Washington Post ngày hôm qua 23/6/2017, báo này cáo buộc chính tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo trực tiếp những can thiệp nhằm mục đích "giúp" ông Trump thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng hồi nửa cuối năm 2016.

Washington Post cho biết tổng thống Mỹ là Barack Obama khi đó đã nhận được một báo cáo bí mật của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ vào tháng 8/2016. Bản báo cáo cho biết đã “bắt được những chỉ dẫn cụ thể của ông Putin về các mục tiêu liều lĩnh của kế hoạch, đó là đánh gục hoặc ít nhất là gây tổn hại cho ứng cử viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton”.

Đó là những cuộc tấn công mạng, khai thác và can thiệp vào những cơ sở dữ liệu liên quan đến cuộc bỏ phiếu bầu cử đang diễn ra tại Mỹ. Các cơ quan tình báo Mỹ có những nguồn tin sâu bên trong nội bộ chính phủ Nga, từ đó đã “bắt” được những chỉ dẫn trực tiếp của tổng thống Putin về chiến dịch can thiệp bầu cử.

Ngay sau đó, chính quyền của ông Obama đã thảo luận về phương cách hành động và "đáp trả" trong vòng 5 tháng tiếp theo, kể từ lúc nhận được nguồn tin mật báo của CIA. Trong đó bao gồm từ các khả năng lên kế hoạch tấn công vào hệ thống hạ tầng mạng của Nga để công khai những tài liệu có thể làm bẽ mặt tổng thống Putin cho tới việc áp dụng những lệnh trừng phạt kinh tế với Nga.

Tờ Washington Post còn cho biết trước khi rời nhiệm sở, ông Obama đã khởi động một chương trình bí mật được cài cắm trong hệ thống mạng của Nga, được coi như những “quả bom số” có thể được kích hoạt để trừng phạt Nga trong trường hợp nước này gây hấn với Mỹ. (Quyết định có sử dụng công cụ này hay không lúc này sẽ tùy thuộc vào đương kim tổng thống Donald Trump).

Trong khi đó, theo đài CBS (Mỹ), từ năm ngoái 2016, nhiều quan chức tình báo Mỹ xác nhận họ đã biết rằng chiến dịch can thiệp bầu cử Mỹ của chính phủ Nga do chính ông Putin phê chuẩn. Tuy nhiên các quan chức tình báo Mỹ khi đó miễn cưỡng tiết lộ những gì họ biết vì lo ngại các nguồn tin cũng như phương pháp khai thác thông tin có thể bị thao túng.

Cho tới nay, dù nhiều thông tin được đưa ra, nhưng vẫn chưa có bất kỳ một bằng chứng trực tiếp nào, thì thật khó có thể kết luận hay nói rằng ông Putin đã giúp ông Trump thắng cử, ngồi vào chiếc ghế tổng thống Mỹ. Tuy nhiên chỉ cần có một bằng chứng rõ ràng về việc Trump có "chơi" hay "đi đêm" với Putin, chắc chắn ông sẽ bị truất phế.

Trên thực tế, suốt 6 tháng qua, từ ngày chính thức nhậm chức, tổng thống Donal Trump hoàn toàn không có bất kỳ động thái nào củng cố hay thắt chặt thêm mối quan hệ với Nga hay cá nhân ông Putin, so với nhiệm kỳ trước. Mà thậm chí còn ... ngược lại! Trên thực tế hai bên không quen biết và cũng chưa từng gặp nhau.

Ông Trump đã trực tiếp công khai phê phán hành vi "sáp nhập" Crimea vào Nga là hành động xâm lược mà không bao giờ nước Mỹ chấp nhận.  Trên chiến trường Syria, nơi Nga có sự can thiệp sâu từ nhiều chục năm qua, ông Trump liên tiếp làm bẽ mặt Putin khi cho phóng tên lửa hành trình từ tàu sân bay để phá huỷ lực lượng không quân Syria (tháng 4/2017). Mới đây nhất, tháng 6/2017, Mỹ đã  cho chiến đấu cơ F16 bắn hạ một chiếc Su22 của Syria, bất chấp sự tức giận của Nga.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc thời tổng thống Trump cũng đã nhiều lần có những lời lẽ rất nặng nề lên án Nga.

Có thể nói, ông Putin đã và đang dính đòn "hồi mã thương" vì đã công khai nêu quan điểm "thích" ông Trump hơn bà Hilary Clinton trong cuộc đua vào Nhà trắng năm 2016. (Xét về mặt nguyên tắc và kinh nghiệm chính trị, đây là một điểm trừ lớn về mặt ngoại giao, thiếu sự khôn ngoan). Người dân Mỹ, với một hệ thống chính trị theo mô hình tam quyền phân lập, hoàn toàn có khả năng kiểm soát, kiềm chế và chấm dứt bất kỳ hành vi "đi đêm" với "kẻ thù" hay có dấu hiệu cản trở công lý của bất kỳ một quan chức cấp cao nào, kể cả tổng thống.

Trước đây từng có thông tin từ các fan của Putin cho rằng ông này rất cao cơ, nắm trong tay các bằng chứng về việc Trump đã ăn chơi sa đoạ trong một lần tới nước Nga nhiều năm trước. Chỉ cần Putin show ra là Trump sẽ "toi", cho nên Putin có thể "dắt mũi" Trump một cách dễ dàng! Tuy nhiên có thể khẳng định đây là những suy luận nhảm nhí, dựa trên những kiểu mưu hèn kế bẩn mà các quan lại ở những nước như Trung Quốc thường áp dụng để chơi xấu nhau. Kế này không thể dùng ở những nước "tư bổn giãy chết".

Quan hệ Nga - Mỹ có thể nói chưa bao giờ xuống thấp như hiện tại, trong vòng 40 năm qua, gồm cả thời kỳ chiến tranh lạnh. Tuy nhiên người ta hy vọng khi nước Nga có một vị tổng thống mới không cuồng quyền lực, thông minh và nhân ái hơn, mối quan hệ giữa hai bên chắc chắn sẽ từng bước nồng ấm trở lại.



No comments:

Post a Comment

View My Stats