Wednesday, 21 June 2017

CHÍNH TRỊ PHÁP : MỘT THỜI ĐẠI MỚI ? (Từ Thức)




Từ Thức
21/06/2017

Cuộc bầu cử vừa qua ở Pháp, với chiến thắng hiển hách của ông Macron và Đảng La République En Marche (LREM) non trẻ là một tiếng sét cảnh tỉnh cho toàn thế giới, từ Châu Âu già đời với dân chủ đến những quốc gia đang hì hục đấu tranh cho tự do dân chủ trên khắp địa cầu, cho đến cả những nước đang mỏi mòn tuyệt vọng vì chiếc cũi sắt độc tài có ổ khóa quá lớn, cả dân tộc bị lừa vào đó trong một cơn hăng máu nhẹ dạ «dại rồi còn biết khôn làm sao đây», cố sức vùng quẫy đã mấy mươi năm mà vẫn chưa thoát được ra.

Bởi lẽ, thời đại ngày nay không còn cho phép người ta dùng phương pháp bạo động làm cứu cánh – không thể vào rừng xây dựng căn cứ cách mạng, tổ chức lực lượng vũ trang cướp chính quyền – mà trước sau chỉ có kiên trì đấu tranh hòa bình, đối thoại bằng trí tuệ, dùng lý trí sắc bén gắn với tình cảm chân thành, và tuân thủ những phương thức uyển chuyển, thích đáng, đúng quy luật và đúng thời cơ, mới mong giành được thắng lợi.

Đấu tranh sẽ diễn ra ở bất kỳ nơi đâu còn tồn tại cái ác, nhất là cái ác nhân danh cái thiện để dễ bề núp náu. Đấu tranh cũng diễn ra trên bất kỳ lĩnh vực nào mà sự bất công, phi lý vẫn còn ngự trị. Đấu tranh nhằm thức tỉnh chóng vánh những kẻ có thừa tâm huyết nhưng còn mắc kẹt trong ý thức, để họ chuyển hóa sang hàng ngũ những người dấn thân chân chính. Đấu tranh mềm dẻo nhằm thuyết phục, lôi cuốn dần các tầng lớp đại chúng, do điều kiện kinh tế khác nhau nên thường xuyên phân hóa, và trước dòng chảy thời cuộc thường vẫn trụ lại ở vòng ngoài. Dấu tranh với tâm lý mỏi mệt, bi quan, nửa đường bỏ cuộc, ngay trong đội ngũ của chính mình, trước một hành trình lâu dài tưởng như chưa thấy đâu là điểm đến. Đấu tranh liên tục hết thế hệ này sang thế hệ khác, kỳ cho đến khi mọi tham vọng chuyên chế đều bị bẻ gãy, mọi thế lực đàn áp dân chúng phải chùn tay, cái tổ chức hạt nhân của những lý thuyết độc tôn cuối cùng đành tan rã. Nghĩa là «chiến trường» sẽ có địa bàn chủ yếu tại các diễn đàn công khai, giữa nghị trường Quốc hội, quan trọng hơn nữa là ngay trong cuộc sinh hoạt kinh tế-xã hội thường ngày.

Như vậy, bài học thẳng thắn, nhiệt thành, thiết thực và bất phân tả hữu của một Macron trong suốt cuộc vận động tranh cử của nước Pháp năm 2017 sẽ mang lại rất nhiều kinh nghiệm bổ ích cho các dân tộc cũng đang đấu tranh vì sự nghiệp dân chủ chân chính của họ, mà Việt Nam là một trong số ấy.

Xin mời bạn đọc tham khảo bài phân tích nóng hổi dưới đây của ông Từ Thức.
Bauxite Việt Nam

-----------------

Những phòng phiếu ở Pháp vừa đóng cửa. Đã đến lúc đặt câu hỏi tại sao có hiện tượng Macron, tại sao những đảng phái một sớm một chiều bị quét sạch, có gì bất ổn, nếu không nói khủng hoảng, trong hệ thống đảng phái hay trong những chế độ dân chủ. Một thời đại cũ đã hạ màn, nhưng kỷ nguyên mới sẽ dẫn nước Pháp, Âu Châu đi về đâu?

Kết quả bầu cử [Quốc hội] vòng hai đã cho Macron quá số dân biểu cần thiết để có đa số tuyệt đối, mặc dù làn sóng dân biểu LREM (La République En Marche) ít vũ bão hơn dự đoán: 350 đắc cử (kể cả 42 ghế của đảng đồng minh Modem) thay vì 400 hay 450, trên tổng số 577, theo các cơ quan thăm dò.

Cử tri Pháp, giữa hai vòng đầu phiếu, đã nghe lời kêu gọi của các nhóm đối lập, không muốn cho Macron một số dân biểu quá đông, đã muốn những khuynh hướng khác có tiếng nói trong Quốc hội.

Phá sản

Đảng Cộng hòa, LR, hữu phái, không thua quá nặng như dự đoán, nhưng với 113 ghế, đã mất một nửa số dân biểu. Chưa bao giờ một chính đảng hữu phái chiếm ít ghế như vậy. Nhất là nhóm LR sẽ chia ra ít nhất làm hai: một bên là những người chống Macron, một bên là những người - gọi là «les constructifs» (những người có thiện chí xây dựng) sẵn sàng ủng hộ Macron, hay tham chánh, nếu có cơ hội. Đồng sàng, dị mộng. Cuộc tranh chấp nội bộ sẽ nẩy lửa để nắm cái xác LR.

Đảng Xã hội, với 30 ghế, so với 290 trong Quốc hội cũ, đã phá sản, theo nghĩa chính trị cũng như tài chánh. Trên phương diện chính trị, với 30 dân biểu ngơ ngác, chia rẽ, đảng tả phái ôn hòa ngày nay không biết mình là ai, ở đâu. Tổng thư ký Đảng Cambadélis, bị loại ngay từ vòng đầu (với 8% phiếu bầu) đã tuyên bố từ chức. Mất gần 90 % số dân biểu và phiếu tín nhiệm, Đảng Xã hội mất… 90 triệu euros tiền trợ cấp trong 5 năm, sẽ phải bán trụ sở khang trang đường Solférino, Paris (ước tính 50 triệu euros) và sa thải hầu hết nhân viên làm việc đảng.

Khi nhìn Cambadélis đứng trên một bục gỗ giữa đường, cầm phóng thanh hô hào bỏ phiếu cho phe Xã hội, nhưng không có ai tò mò dừng chân, người ta khó tưởng tượng chỉ cách đây năm năm, khi Hollande lên ngồi ghế Tổng thống, Đảng Xã hội còn đa số ở Thượng viện, Hạ viện, nắm trong tay hầu hết các chính quyền địa phương, từ cấp vùng tới cấp tỉnh.

Hai đảng cực đoan mang được người vào Quốc hội, nhưng không đông đảo như họ mong đợi. Đảng cực hữu FN (Front National), chỉ có 8 ghế, không đủ 15 ghế để lập một nhóm, để có tiếng nói trong Quốc hội.

Đảng cực tả LFI (La France Insoumise) với 17 ghế có thể coi là thành công, vì lần đầu đặt chân vào Hạ viện, nhưng cũng có mùi vị thất bại, vì thủ lãnh Mélenchon vẫn hy vọng đóng vai trò đối lập số một, làm mưa làm gió ở Quốc hội.

Nhiều người nghĩ rằng số dân biểu ít hơn dự trù là một điều hay cho Macron. Thứ nhất, vì rất khó kiểm soát một đội quân ô hợp trên 400 dân biểu, người tới từ bên hữu, người tới từ bên tả, chưa bao giờ làm việc với nhau. Thứ hai, với Mélenchon phe cực tả, Le Pen cực hữu, những tay mồm loa mép giải (grandes gueules), phe đối lập sẽ có tiếng nói, trong khi Macron vẫn ngủ ngon, vì ngoài đa số tuyệt đối, đảng cầm quyền có bốn lực lượng đối lập, chống đối nhau mạnh hơn là chống Chính phủ.

57% vắng mặt

Nếu Macron đưa tới một làn gió mới, người ta chưa biết làn gió đó sẽ thổi về phương nào, vì ít người biết rõ chính sách của ông ta về những vấn đề quan trọng, thí dụ vấn đề khủng bố, di dân, Hồi giáo, tại một quốc gia có trên 6 triệu người Hồi giáo và hàng ngàn thanh niên, mặc dù sinh ra, lớn lên ở Pháp nhưng đã và đang tham gia thánh chiến ở Trung Đông.

Người ta biết rõ hơn quan điểm của Macron về kinh tế (tự do kinh doanh), về nạn thất nghiệp (cởi trói các xí nghiệp để khuyến khích tuyển mộ), về Âu Châu (nước Pháp không thể đứng ngoài Âu Châu, Âu châu không thể tồn tại nếu không có nước Pháp), thế giới hóa (phải đương đầu, hơn là đóng cửa quay về với quá khứ), nhưng cũng phải chờ xem ông ta giải quyết, xoay xở ra sao để thực hiện những cải cách trong một quốc gia chia rẽ và một dân tộc vẫn còn thờ ơ: 57% cử tri không đi bầu, con số kỷ lục trong Đệ ngũ Cộng hòa (từ 1958).

Cử tri Pháp, không ai bảo ai, cùng một lúc, khắp nơi, theo chủ nghĩa «dégagisme», loại trừ không thương tiếc cả một hệ thống chính trị lỗi thời, cho về vườn một loạt chính khách, hôm qua còn là những khuôn mặt chính trị tưởng là không ai thay thế nổi. Đúng như câu ngạn ngữ «nghĩa địa đầy những người không ai thay thế nổi».

Nhiều người chưa hề đọc một chữ trong 12 trang chương trình hành động của Macron, bỏ phiếu chỉ để gởi những dinausores – những con vật thời tiền sử – về vườn. Nhưng số người tham dự bầu cử quá yếu, một nửa nước Pháp vẫn còn hoài nghi, nhất là những người có cảm tưởng mình bị gạt ra bên lề đường: cử tri bầu cho Macron đa số là những người thuộc thành phần ưu tú, có bằng cấp, thích ứng với thế giới hiện đại.

Mặc dầu có đa số tuyệt đối, Macron sẽ phải mềm dẻo hơn, khôn khéo hơn,   không thể nói đa số dân Pháp đã ủng hộ chính sách của mình để thi hành những biện pháp mạnh. Mỗi dân biểu được đắc cử với không quá 25% tổng số cử tri ghi danh. Đó là cái gai đầu tiên của ông Tổng thống trẻ.

Các đảng đối lập nói Macron không đại diện cho dân Pháp, bởi vì không tới một nửa cử tri đi bầu. Quên rằng chính họ cũng không vận động nổi cử tri của họ và còn được ít phiếu bầu hơn Macron.

Kiến thức chính trị

Có nhiều lý do con số tham dự quá ít: thứ nhất là thời tiết. Trời tốt, thiên hạ đi chơi hơn đi bầu. Trời xấu, ngồi nhà hơn đi bầu. Có người không đi bầu vì coi TV, nghe thăm dò, thấy đằng nào Macron cũng thắng, có bầu cũng không thay đổi gì. Đáng lo ngại hơn là những người không đi bầu vì hết tin tưởng. Hay, như trường hợp đa số những người trẻ, không hiểu vai trò của một dân biểu trong một chế độ dân chủ. Đó là một đe dọa thực sự cho dân chủ, nhất là tệ trạng đó càng ngày càng trầm trọng: con số vắng mặt trong những cuộc bầu cử lập pháp, từ 15% năm 1978, đã không ngớt leo thang, tới kỷ lục 43% cách đây năm năm, và 57% kỳ này.

Tệ trạng thiếu kiến thức chính trị nhiều khi đưa tới tai họa. Sau khi dân Anh bỏ phiếu Brexit, trong vài giờ, hàng triệu người trẻ lên Internet tìm hiểu về hậu quả của việc ra khỏi liên hiệp Âu Châu, và ký kiến nghị đòi… làm lại cuộc trưng cầu dân ý. Nếu họ chịu khó tìm hiểu trước, kết quả trưng cầu dân ý đã khác hẳn.

Alternance paresseuse

Macon có thể cải cách nước Pháp trong bối cảnh đó? Đó là một dấu hỏi phải chờ thực tế trả lời.

Tới giờ này, Macron mới chỉ qua giai đoạn đầu, nhưng cũng đã là một cuộc cách mạng, giai đoạn xoá bỏ một truyền thống kỳ cựu, có người gọi là «alternance paresseuse» (luân phiên lười biếng). Hai chính đảng tả, hữu thay nhau nắm quyền, chán phe này, người ta bỏ phiếu cho phe kia, mặc dù không tin tưởng gì. Cử tri lười biếng đẻ ra những chính quyền lười biếng. Hay ngược lại. Phong tục đó đã chấm dứt.

Cũng như đã chấm dứt hiện tượng các chính tri gia nhà nghề. Đa số những người lãnh đạo ở Pháp mới chập chững ra khỏi những trường lớn như Sciences Po, ENA , đã nắm ngay những chức vụ hành chánh hay chính tri quan trọng, trở thành dân biểu, từ trần với chức bộ trưởng, nghị sĩ, chưa hề làm việc trong một xí nghiệp, chưa hề đụng chạm với đời sống thực. Các chính trị gia thao thao bất tuyệt về mọi vấn đề lý thuyết lớn lao, nhưng ú ớ khi được hỏi giá một ổ bánh mì, một vé xe bus.

Phá hủy sáng tạo

Macron mới thực hiện được chuyện mà một chuyên gia chính trị gọi một cách văn hoa là «destruction créative», phá hủy sáng tạo. Phá bỏ một hệ thống chính trị đã lỗi thời, đã quá mệt mỏi, để tạo một phương pháp làm việc khác, thực tiễn hơn, coi việc hiệu quả quan trọng hơn ý thức hệ.

Macron đưa vào Quốc hội những người đa số đến từ xã hội dân sự, đã hành nghề, chưa hề làm chính trị, trẻ hơn và một nửa là phụ nữ. Trong đó có một phụ nữ gốc Việt, Stéphanie Đỗ, 37 tuổi. Không phải chỉ có Đảng LREM của Macron, những đảng khác, từ cực tả tới cực hữu, kể cả Đảng bảo thủ LR , lần này cũng đưa vào Quốc hội những bộ mặt mới. Ba phần tư dân biểu đặt chân vào Quốc hội lần đầu, trung bình 48 tuổi (54 tuổi năm 2012), 40% là phụ nữ, so với 25% trong Quốc hội cũ và… 1,4% thời De Gaulle, 1958. Người ta không biết đội quân mới đó sẽ sinh hoạt ra sao, nhất là dân biểu LREM, tới từ bốn phương, chưa quen kỷ luật của một chính đảng. LREM sẽ tổ chức một khóa hội thảo để các dân biểu mới học nghề. LREM cho hay có đủ chính trị gia có kinh nghiệm để hướng dẫn, và Quốc hội có một đội ngũ chuyên viên đông đảo, có khả năng, để trợ giúp những người một sớm một chiều trở thành dân biểu.

Tả, Hữu

Nhiều người đặt hai câu hỏi. Thứ nhất: chuyện tả hữu có còn ý nghĩa gì không, và thứ hai, những đảng chính trị có cần thiết nữa không trong một chế độ dân chủ?

Câu trả lời là chuyện tả, hữu vẫn sẽ tồn tại, vì trong một chế độ dân chủ, không có gì tệ hại hơn là mọi người nghĩ như nhau. Nhưng thêm vào đó, sẽ có những yếu tố khác: hướng về tương lai hay quay về quá khứ, chống hay chấp nhận thế giới hóa… Và không thể có sinh hoạt dân chủ nếu không có các chính đảng đứng đắn.

Vấn đề của các chính đảng ở Pháp là họ không chịu, không có khả năng thích ứng với một thế giới đã hoàn toàn thay đổi.

Phe hữu chẳng hạn, đặt trọng tâm vào kinh tế thị trường, sáng kiến cá nhân, trên định luật căn bản là sự cạnh tranh sẽ đưa tới tiến bộ, sẽ khiến giá cả hạ thấp, người tiêu thụ được hưởng, thị trường sẽ tự điều hòa, tự lành mạnh hóa và xã hội sẽ phát triển.

Những cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây cho thấy định luật ấy không đứng vững nữa. Các tổ hợp công ty càng ngày càng lớn, càng ngày càng tập trung, càng ngày càng cấu kết với nhau để thao túng thị trường. Hậu quả là hàng triệu người mất nhà mất việc, nằm đường. Hậu quả là sự bất công trở thành khủng khiếp.

Thế giới hóa, nếu đã nâng cao đời sống của hàng trăm triệu người, cũng đã gây điêu đứng, làm tan nát hệ thống kỹ nghệ ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia Tây phương. Hậu quả là nạn thất nghiệp và niềm tin vào tương lai lung lay, nhuệ ký bại hoại.

Phe tả tin vào sự can thiệp của nhà nước sẽ đưa tới công bằng xã hội. Điều đó hoàn toàn đúng trong thế kỷ trước. Sau đệ nhị thế chiến, «l’état providence», nhà nước mầu nhiệm, là một mô hình xã hội của Pháp được cả thế giới mơ ước. Tất cả những tiến bộ xã hội đều do phe tả tranh đấu và đạt được: hạn chế giờ làm việc, cấm lao động thiếu nhi, nghỉ hè ăn lương, an sinh xã hội, v.v. Đó là những tiến bộ làm thay đổi hoàn toàn đời sống của người dân, nhất là giai cấp thợ thuyền. Chữ Xã hội chủ nghĩa không có nghĩa xấu như người Việt nghĩ vì bị ám ảnh với kinh nghiệm Xếp hàng cả ngày.

Nhưng khi các hãng xưởng thi nhau đóng cửa vì bị các nước đang phát triển cạnh tranh, nhà nước trở thành bất lực. Cựu Thủ tướng Xã hội Lionel Jospin nói như thú tội: nhà nước không thể giải quyết mọi chuyện (L’état ne peut pas tout).

Các Chính phủ tả phái không biết làm gì hơn là sáng chế ra đủ mọi hình thức trợ cấp, để băng bó những vết thương. Nhưng khi những vết thương quá nhiều, ngân sách trống rỗng, ngay cả chuyện hàn gắn vá víu đó cũng trở thành khó khăn, gây bất mãn.

Sự bất mãn càng tăng trong một xã hội có trên 10% dân số là di dân Ả Rập. Những trợ cấp đặt trên nguyên tắc rất chính đáng là ưu tiên cho người nghèo. Trên thực tế, những người di dân bao giờ cũng có lợi tức thấp, đông con, được hưởng nhiều trợ cấp. Ngưòi dân bản xứ bất mãn, kết án các đảng tả phái chỉ bênh vực di dân, người đen, người Ả Rập.

Tình trạng càng rắc rối hơn khi có những phong trào Hồi giáo quá khích, lộng hành tại những khu bình dân. Phe tả, theo truyền thống vẫn chống chế độ thuộc địa, có mặc cảm da trắng, nhắm mắt làm ngơ trước những chuyện lộng hành đó, khiến càng ngày càng bị coi là đảng của người di dân, thay vì đảng của thợ thuyền.

Dần dần, giới thợ thuyền bỏ các đảng tả phái, đi theo những nhóm cực hữu, lấy chủ nghĩa dân tộc làm chiêu bài hành động. Chữ «ouvriers» (thợ thuyền) ngày nay biến mất trên những chương trình hành động của Đảng Xã hội, và muốn thắng cử, tại nhiều địa phương, phe tả bắt buộc phải trông đợi vào lá phiếu của di dân.
Các chính khách, bất lực không nhất thiết vì vô trách nhiệm, nhưng vì thực tế phức tạp vượt khỏi khả năng của họ. Dân chúng có cảm tưởng bầu bán cũng vô ích, vì sẽ không thay đổi gì.
Lấy một thí dụ: Tổng thống Xã hội Hollande khi tranh cử hứa sẽ đánh thuế 75 % những lợi tức trên 1 triệu euros. Biện pháp được ủng hộ vì… ít người kiếm được 1 triệu mỗi năm. Lên cầm quyền, chuyện đó không bao giờ được thi hành, vì một lẽ đơn giản: chỉ cần ký giấy thi hành, hôm sau đa số những người có lợi tức cao sẽ… di tản chiến thuật qua Belgique, Thụy Sĩ, chỉ cách Paris một, hai giờ xe lửa.

Những ông cực tả như Mélenchon, LFI, đưa giải pháp mị dân, hứa lấy tiền của người giàu chia cho người nghèo. Quên rằng hầu hết những người có gia sản lớn đều sống ở những nước láng giềng, ít thuế hơn. Một anh chơi tennis, chỉ thắng vài trận đã tính chuyện mua nhà ở Bruxelles hay Lausanne. Ở Pháp, những người có lợi tức rất lớn chạy lánh nạn, trên 55 % dân có lợi tức thấp được miễn thuế. Hậu quả là gánh nặng thuế má đều đổ lên đầu giới trung lưu. Lại thêm một tầng lớp đông đảo bất mãn.

Đó chỉ là một vài thí dụ, trong hàng trăm, hàng ngàn thí dụ khiến các chính đảng càng ngày càng xa cử tri. Họ sống trong một thế giới khác. Những người làm chính trị đôi khi mù quáng đến độ không biết đất đang lở dưới chân. Trước ngày tranh cử Quốc hội vòng đầu, từ LR, FN, tới LFI, đảng nào cũng vẫn còn hy vọng chiếm đa số trong Quốc hội, để bổ nhiệm Thủ tướng và thi hành chính sách của mình. Những chuyên gia về chính trị cũng không có ai tiên đoán hiện tượng Macron. Rút kinh nghiệm Trump và Brexit, người ta nghĩ đến phong trào cực hữu FN hơn là LREM.

Sự lo lắng mơ hồ

Lý tưởng tả hay hữu, các đảng chính trị chưa hoàn toàn biến mất như nguời ta nghĩ, nhưng chắc chắn phải thích ứng với một thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Macron thể hiện cái nhu cầu thích ứng, đổi mới đó.

Với đa số tuyệt đối ở Quốc hội, Macron bắt buộc phải thành công, nếu không, khó tưởng tượng phản ứng của một dân Pháp trong những năm tới.

Trước khi thực hiện những thay đổi cụ thể, việc đầu tiên là phải tạo một niềm tin cho một dân tộc đầy những hồ nghi. Trong chính trị cũng như trong kinh tế, lòng tin là yếu tố quyết định. Triết gia Ivar Kristav nói những khó khăn của nước Pháp có thực, nhưng dù sao, nước Pháp vẫn là một nước giàu, sản lượng quốc gia không ngừng tăng từ nhiều thập niên. Cái phải thay đổi trước hết là tinh thần bi quan. Cái lo lắng mơ hồ của một dân tộc, Kristav gọi là «anxiété culturelle», nhiều khi nó sâu xa và tai hại hơn là những khó khăn cụ thể thưòng nhật.

Paris, 06/2017
T.T.

Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:08





No comments:

Post a Comment

View My Stats