Thursday 22 June 2017

MUỐN CÓ "BÁO CHÍ CÁCH MẠNG" THÌ CẦN PHẢI "CÁCH MẠNG BÁO CHÍ" TẠI VIỆT NAM (Hiện Hữu - Dân Luận)




Hiện Hữu
Tác giả gửi tới Dân Luận
22/06/2017

Báo chí Việt Nam hiện nay vẫn còn đang lắm những điều tréo ngoe khiến cho nó chưa thể là một “nhánh quyền lực thứ 4” đúng nghĩa với vai trò là phản biện, phục vụ lợi ích của công chúng, giám sát việc thực thi quyền lực của nhà nước.Ngày 21/6 là ngày kỷ niệm báo chí Việt Nam, kỷ niệm sự ra đời của nền báo chí bị chính trị hóa toàn phần và quả thật cho đến hiện nay nền báo chí đó vẫn “kiên trì” thực hiện vai trò là phát ngôn viên của nhà nước, của chế độ.

Có thể thấy là các phương tiện báo chí truyền thông tại Việt Nam hiện nay là vẫn hoàn toàn thuộc về sự kiểm soát nhà nước mà không có bất kỳ hình thức sở hữu nào khác được thừa nhận.Cần phải nói rõ ra rằng việc nhà nước sở hữu báo chí truyền thông thì không phải là vấn đề mà vấn đề chỉ xuất hiện khi chỉ có một hình thức sở hữu báo chí truyền thông duy nhất là sở hữu nhà nước.Như vậy, khi báo chí truyền thông của đất nước chỉ thuộc về duy nhất một cơ quan chủ quản thì tức là đời sống thông tin xã hội sẽ chỉ tiếp nhận từ một nguồn duy nhất mà không hề có bất kỳ nguồn nào khác để độc giả đối chiếu, so sánh, chọn lựa, mà thông thường các cơ quan báo chí cũng không tránh khỏi trường hợp là phải phản ánh thông tin theo ý chí của cơ quan chủ quản, điều này có thể thấy rõ tại các quốc gia theo thể chế xã hội chủ nghĩa, thông tin truyền thông là đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của hệ thống chính trị, của Đảng Cộng sản, các cơ quan, các tòa soạn, hãng thông tin trở thành công cụ tuyên truyền chính trị của Đảng, đúng nghĩa là phát ngôn viên, bởi lẽ chỉ đại diện cho nhà cầm quyền để nói lên tiếng nói của họ và tất nhiên là nội dung thông tin là đã được kiểm duyệt chặt chẽ, có những lằn ránh, mức trần mà sự phản ánh thông tin dẫu có muốn khách quan thế nào vẫn không được phép vượt qua.

Sự nguy hại sẽ đến cho đời sống thông tin xã hội trong một đất nước bị kiểm duyệt gắt gao và nắm độc quyền sự sở hữu báo chí truyền thông, một đời sống thông tin cũng sẽ thật thiếu lành mạn và sự thành thật khi tồn tại những điều không được phép nói mà đã thế lại chỉ có một nguồn cung cấp thông tin duy nhất cho độc giả mà thôi, vậy thì có thể thấy một môi trường thông tin truyền thông như vậy thì sẽ vô cùng “gây ô nhiễm” cho nhận thức của con người.Chính vì vậy, nếu bàn về cuộc cách mạng về báo chí truyền thông tại Việt Nam thì điều đầu tiên phải bàn và thực hiện đó là phải làm sao cho sự đa dạng hóa sự sở hữu báo chí truyền thông được thừa nhận, chống sự độc quyền về báo chí truyền thông.

Vấn đề tiếp theo cũng rất quan trọng và như đã nói ở trên thì nếu có những “vùng cấm bay” trong đời sống thông tin xã hội thì quả thật rất nguy hại mà vấn đề này thì là vấn đề thuộc về sự tự do ngôn luận tại Việt Nam? Có thể thấy tại Việt Nam việc phát ngôn những quan điểm mà có sự khác biệt lớn với nhà nước thì dễ bị quy kết, chụp mũ là “phản động” “chống phá” hoặc là gắn thêm cái mác “câu kết với thế lực thù địch, lợi dụng quyền tự do dân chủ (?!)”, đã có biết bao nhiêu người bất đồng chính kiến đã bị bắt bớ, nhũng nhiễu bởi nhà cầm quyền Việt Nam chỉ vì những phát ngôn của họ, tất nhiên đó phải là những phát ngôn này đã được ghi nhận, đăng tải (thông thường là ở những kênh ngoài chính thống) đã được lắng nghe, đã được tới tai độc giả (tất nhiên là tới cả nhà cầm quyền), vậy thì đối với báo chí truyền thông tại Việt Nam thì việc đấu tranh làm sao cho mở rông biên độ của tự do ngôn luận làm sao cho ai cũng có thể phát ngôn, chất vấn bất kỳ vấn đề nào về chiều ngang và đào sâu vào những tình tiết, tính chất quan trọng của vấn đề mà không bị ám ảnh bởi những cái gọi là “vùng cấm bay, phức tạp, nhạy cảm” và để làm được điều này thì cũng gọi là một cuộc cách mạng trong đời sống thông tin truyền thông của Việt Nam rồi, phải đấu tranh làm sao để tiếng nói của công dân, của những người làm báo chí có thể chất vấn mọi vấn đề và nhà nước chỉ có thể có nhiệm vụ là lắng nghe và phúc đáp mà thôi, chứ không được động đến một cọng tóc nào của họ!

Vấn đề cuối cùng muốn nêu đó là sự xuất hiện của các trang thông tin truyền thông ngoài chính thống tại Việt Nam hiện nay mà thường hay gọi là “lề trái”, sự xuất hiện của những trang thông tin này đã cho thấy rằng sự độc quyền về thông tin truyền thông của nhà nước tại Việt Nam đã không còn nữa, theo cái nghĩa là đã có những cơ quan báo chí mà nhà nước không thể kiểm soát về mặt nội dung của nó và dẫu có không được nhà nước thừa nhận thì chúng vẫn cứ xuất hiện, điều này âu cũng là tất yếu khách quan bởi vì trong thời đại phủ sóng interner phủ sóng rộng rãi như hiện nay thì tòa soạn báo có khi chẳng cần phải có mặt, hiện diện trên bản đồ mà nó chỉ cần xuất hiện dưới dạng một trang web, một đường link thôi là được.

Tuy nhiên, các trang thông tin ngoài chính thống này cần phải xây dựng vị thế của mình, cần phải đầu tư hơn về nội dung, hãy làm sao thực hiện đầy đủ chức năng quyền lực thứ 4 của báo chí, phải làm sao cho những bài viết, thông tin, những sự phê phán phải thật sự khách quan, khoa học, lập luận đầy đủ, chứ không thể chỉ là những câu chửi bới, kêu gào vô nghĩa, phiến diện mà gọi đó là thông tin, báo chí mà cần phải chuyên nghiệp hóa hoạt động, phải thực hiện những điều mà báo chí chính thống không làm được, phải dám lên tiếng phê phán thật nghiêm túc những gì mà phía bên kia không thể lên tiếng được, chỉ cần làm sao cho đạt được những điều này thì thiết nghĩ cũng là đang làm một cuộc cách mạng báo chí tại Việt Nam rồi! Hiện tại được biết có một số trang thông tin ngoài chính thống mang tính học thuật nghiên cứu có những thông tin rất giá trị, nội dung rất nghiêm túc. (trang Luật Khoa là một ví dụ điển hình)

Sau cùng thì danh hiệu “báo chí cách mạng” tại Việt Nam từ trước đến nay thì chỉ được là hình thức chứ chưa có nội dung thật sự của nó, thiết nghĩ nền báo chí hiện hành đang hoạt động một cách chính thống tại Việt Nam là nền báo chí đang cần được cách mạng chứ nó không vốn tự thân là báo chí cách mạng, mà quả thật là như vậy, không chỉ là vấn đề báo chí truyền thông mà trong xã hội Việt Nam hiện nay cũng có những vấn đề mà phải đòi hỏi một sự thay đổi một cách toàn diện, triệt để thì mới có thể làm cho đất nước tiến lên, ra khỏi sự trì trệ, chậm tiến.

Hiện Hữu
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả




No comments:

Post a Comment

View My Stats