Saturday 17 June 2017

HELMUT KOHL : NGƯỜI BẠN CHÂN CHÍNH CỦA TỰ DO, NGƯỜI THỐNG NHẤT NƯỚC ĐỨC (RFI | BBC)




Hoàng Nguyễn – RFI
Phát Thứ Bảy, ngày 17 tháng 6 năm 2017

Cựu thủ tướng Helmut Kohl, người được cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đánh giá là nhà lãnh đạo lớn nhất của Châu Âu hậu bán thế kỷ 20, đã từ trần hôm qua, 16/6/2017, tại tư gia ở bang Rheinland-Pfalz, hưởng thọ 87 tuổi.

Cố thủ tướng Đức, Helmut Kohl (P) cùng các đồng nghiệp Pháp, Jacques Chirac (G) và Mỹ, Bill Clinton tại lễ ký thỏa thuận hòa bình Bosnia, điện Elysée, Paris, ngày 14/12/1995.  REUTERS/Charles Platiau

16 năm trên ghế thủ tướng Đức, nhiều hơn ai hết kể từ thời Otto von Bismarck, sự nghiệp chính trị của Helmut Kohl trải dài từ thời Chiến tranh lạnh, qua những biến cố dân chủ ở Đông Âu thời 1989 tới ngày tái thống nhất nước Đức năm 1990.
Là một chính khách lớn, Helmut Kohl cùng người đồng sự, ngoại trưởng Hans-Dietrich Genscher (1927-2016) là những kiến trúc sư chính của Tây Đức trong quá trình hòa dịu, tái thống nhất đất nước, và tạo dựng mái nhà chung Châu Âu.
Trước sự ra đi của Helmut Kohl, thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng ông đã đi vào lịch sử, và "còn phải mất một thời gian để chúng ta thực sự biết rằng, chúng ta đã đánh mất một con người như thế nào khi ông từ giã cõi trần".
Tổng thống Nga Putin thì cho rằng, Helmut Kohl có vai trò then chốt trong việc chấm dứt Chiến tranh lạnh và tái thống nhất nước Đức, còn cựu tổng thống Mỹ George W. Bush ca ngợi ông là "người bạn chân chính của nền tự do".

Tuổi thơ khó nhọc và gian khổ
Helmut Kohl chào đời ngày 30/4/1930 tại Ludwigshafen, một thành phố nhỏ bên bờ sông Rhein, khi đó thuộc vùng Bavaria (hay thuộc Rheinland-Pfalz), và là người con thứ ba trong một gia đình Cơ-đốc giáo La Mã theo hướng bảo thủ. Cha mẹ ông là những tín đồ của đảng Cơ-đốc giáo Trung tâm dưới thời Cộng hòa Weimar, và Helmut Kohl đã tiếp thu khuynh hướng Dân chủ Cơ-đốc giáo ấy từ chính các vị song thân.
Thân phụ của Helmut Kohl từng tham gia Đệ nhất Thế chiến, và năm 1939 lại buộc phải vào quân đội, giữ chức chỉ huy trong một đơn vị Đức đồn trú tại Ba Lan. Những bức thư gửi về cho thấy, ông bị chấn động và kinh hoàng trước những tội ác của quân đội phát-xít Đức với người dân Ba Lan. Năm 1943, ông xin giải ngũ nhưng chiến tranh đã không tha gia đình ông: người con trai lớn thiệt mạng trong cuộc chiến.
Người em, Helmut Kohl bị gia nhập quân ngũ khi mới 14 tuổi, và được huấn luyện pháo binh, nhưng may mắn là không phải tham gia trận đánh nào. Thành phố quê hương của chàng trai Helmut Kohl gần như bị san bằng trong những trận chiến ác liệt tháng 3/1945, khi quân đội Mỹ phải giành giật từng ngôi nhà với phát-xít Đức. Ký ức khủng khiếp của chiến tranh góp phần tạo dựng chủ nghĩa nhân văn trong vị chính khách lớn sau này.
Sau cuộc chiến, cùng giới trẻ địa phương, Helmut Kohl phải tận tay xây lại ngôi trường để có nơi học hành. Khi đó, nước Đức còn rất đói khát vì hậu quả cuộc chiến, và chàng trai Helmut Kohl thoạt tiên muốn khởi nghiệp nhà nông. Mặc dù về sau từ bỏ ý định đó, suốt đời Helmut Kohl tự hào là ông biết cày bừa, luôn yêu thích đời sống nông dân cùng cách trò chuyện với ngôn từ giản dị, vui vẻ, rảnh rang đậm màu thôn quê.

35 năm kiên trì để lên tới đỉnh cao
Năm 1946, Helmut Kohl gia nhập Liên minh Dân chủ Cơ-đốc giáo, khi đó vừa thành lập, và trên cương vị một thủ lĩnh của chi nhánh thanh niên tại địa phương, từng bước ông tiến thủ trên những nấc thang trong nội bộ đảng. Bên cạnh đó, ông theo học Luật, Lịch sử và Khoa học Chính trị tại Frankfurt am Main và Heidelberg, rồi lấy bằng Tiến sĩ. Năm 1959, Helmut Kohl trở thành lãnh đạo tổ chức đảng tại thành phố quê hương.
Tiếp đó, năm 1963 ông được bầu làm dân biểu Landtag (Nghị viện Bang) và chủ tịch CDU bang Rheinland-Pfalz, và tới 1969 thì giữ cương vị thủ hiến của bang. Sau cuộc khủng hoảng nội các năm 1972, năm 1973, Helmut Kohl lên giữ trọng trách chủ tịch CDU toàn Liên bang, và giữ chức vụ này cho tới năm 1998. Từ khi đó, ông trở thành một ứng viên tiềm năng cho ghế thủ tướng của Tây Đức, trong bầu cử năm 1976 và 1980.
Tuy nhiên, liên minh các đảng theo xu hướng Dân chủ Xã hội - Tự do còn quá mạnh, nên trước mắt Helmut Kohl phải lùi bước trước Helmut Schmidt và Franz Josef Strauss. Vị chính khách được coi là bậc thầy trong cuộc ganh đua giữa các đảng phái này đã kiên nhẫn chờ đợi, và rốt cục, đã chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn năm 1983, trở thành vị thủ tướng đầu tiên của Tây Đức thế hệ hậu chiến.
Sẽ là bất khả khi phải tổng kết lại những gì diễn ra ở nước Đức trong 16 năm mà Helmut Kohl giữ quyền "nhạc trưởng", nhưng có thể nói ngắn gọn rằng, ông đã tạo dựng một xã hội công bằng hơn, dân chủ hơn cho người dân Đức, khi lớp trẻ được nhà nước hỗ trợ lúc vào đời, và người đứng tuổi cũng có cơ hội làm việc bán thời gian, với những khoản trợ cấp và sự giúp đỡ hữu hiệu từ chính quyền.

Công lao cho nền hòa bình Châu Âu và Thế giới
Helmut Kohl được thế giới nhớ đến trước hết vì những công trạng hết sức lớn lao và mang tính lịch sử, cho nước Đức trên trường thế giới, và cho một Châu Âu thống nhất trong một mái nhà chung. Trước hết, từ giữa thập niên 80, ông đã có nhiều động thái quan trọng để khẳng định rằng, nước Đức - khi đó đã là một cường quốc kinh tế - vĩnh viễn xóa bỏ mộng ước bá chủ thế giới của quân phiệt Phổ và phát-xít Đức thời xưa.
Trên cương vị người đứng đầu nội các Tây Đức, ông sẵn sàng thể hiện mong muốn khép lại quá khứ quốc xã đáng hổ thẹn của Đức. Năm 1984, cùng tổng thống Pháp François Mitterrand, ông tới thăm nghĩa trang quân sự tại Verdun để tưởng niệm các binh sĩ thiệt mạng trong hai cuộc Thế chiến, và bức ảnh ghi lại hình ảnh hai vị nguyên thủ siết chặt tay nhau là biểu tượng quan trọng của sự hòa giải Đức - Pháp.

Hình ảnh tổng thống Pháp, François Mitterand và thủ tướng Đức Helmut Kohl, siết chặt tay nhau là biểu tượng quan trọng của sự hòa giải Đức - Pháp.REUTERS/Stringer

Đầu năm 1984, Helmut Kohl trở thành thủ tướng đầu tiên của nước Đức có phát biểu tại Nghị viện của Israel. Năm 1985, Helmut Kohl đã mời tổng thống Mỹ Ronald Reagan đang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G6 (6 quốc gia phát triển nhất) tại Bonn, tới thăm trại tập trung Bergen-Belsen, và nghĩa trang quân đội Đức tại Bitburg, nơi chôn cất nhiều thành viên của lực lượng vũ trang SS, như một biểu hiện hòa giải giữa hai cựu thù.
Cần nói thêm là mối quan hệ chính trị thân cận giữa Đức và Pháp trong thời kỳ Helmut Kohl "chấp chính" đã tạo nên những nền tảng cho một Châu Âu thống nhất sau này, như Hiệp ước Maastricht và dự án đồng tiền chung Euro.

Người kiến tạo Châu Âu thống nhất
Thành quả chính trị lớn nhất của Helmut Kohl đương nhiên là việc kiến tạo cho một nhà nước Đức và Châu Âu thống nhất, điều mà ngày nay sau gần ba chục năm hậu thế có thể coi là tất yếu, nhưng vào thời điểm đó, nó hoàn toàn không như vậy, nhất là vì trong suy nghĩ của ban lãnh đạo Liên Xô hay Pháp, sự đối đầu và chấn thương do hai cuộc Thế chiến gây ra vẫn còn rất sống động và đau đớn.
Chính sách “Hướng Đông” (Ostpolitik) của người tiền nhiệm, thủ tướng Willy Brandt, với mục tiêu hòa dịu với Matxcơva và khối XHCN thời đó, trong đó có Đông Đức, được Helmut Kohl tiếp tục phát triển. Năm 1987, ông đã tiếp nhà lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker, trong chuyến công du đầu tiên của một thủ lĩnh cộng sản CHDC Đức tới phần Tây của nước Đức, mở ra viễn cảnh hòa dịu cho nước Đức.
Không chỉ nối tiếp ý tưởng "cùng nhau chung sống" giữa hai nhà nước Đức của người tiền nhiệm, năm 1989, Helmut Kohl còn nắm bắt một khả năng trong bản Hiến pháp Tây Đức năm 1948 để tích cực vận động các đại cường Châu Âu ủng hộ cho việc thống nhất nước Đức. Để đạt được cái gật đầu của lãnh đạo Pháp và Ý, ông sẵn sàng từ bỏ đồng Mark Đức, biểu tượng của dân tộc Đức, để chấp nhận Euro.
Helmut Kohl cũng khiến các xứ XHCN ở Đông Âu được an lòng bằng những biểu hiện ủng hộ họ bằng kinh tế, tài chính, chính trị, và cả trong việc phân định đường biên giới xuất phát từ những hệ lụy trước và trong Thế chiến. Bằng cảm quan chính trị, tư duy nhân văn và kiến văn mở rộng, một cách có ý thức, Helmut Kohl đã đặt nền móng cho một Châu Âu thống nhất ngay cả khi bức tường Berlin chưa sụp đổ.

Kiến trúc sư của quá trình tái thống nhất Đức
Trong những tấm ảnh đáng nhớ thời cuối Chiến tranh lạnh của kỷ nguyên xung đột Quốc - Cộng, tới giờ hậu thế vẫn thường nhắc tới hình ảnh thủ tướng Helmut Kohl đứng sau tổng thống Ronald Reagan và quay lưng về Cổng Brandenburg, khi vị nguyên thủ Hoa Kỳ buông lời kêu gọi nổi tiếng "Ngài Gorbachev, hãy phá vỡ bức tường này!". Đó là vào mùa hạ năm 1987, hơn 2 năm trước ngày bức tường Berlin được mở.
Hai năm sau đó, Helmut Kohl và người đồng sự hơn ông 3 tuổi, ngoại trưởng Hans-Dietrich Genscher đã có những công trạng lớn lao trong quan hệ với Hungary trong quá trình bàn thảo và đàm phán để chính phủ cộng sản nước này mở biên giới cho 60-80 ngàn người Đông Đức sang Phương Tây từ ngả Áo, nhằm "gỡ viên gạch đầu tiên trong bức tường Berlin", như lời vị thủ tướng trong phát biểu Ngày Thống nhất 3/10/1990.
Hồi tưởng lại cuộc hội đàm bí mật giữa chính phủ hai nước về vấn đề này vào mùa thu 1989, ngoại trưởng Hungary Horn Gyula cho hay, ông đã được tiếp xúc với một Helmut Kohl "hết sức sôi nổi", biết trân trọng ý kiến người dưới cấp (ngoại trưởng Genscher) và hai người "bổ sung cho nhau rất tuyệt vời" trong cuộc thảo luận dẫn tới quyết định của phía Hungary, sau này được đánh giá là "sự lựa chọn Châu Âu".
Trong những tháng về sau, Helmut Kohl cũng tận dụng triệt để những thay đổi chính trị xảy ra ở Đông Đức và các nước CS Đông Âu để đề ra và thực hiện một lộ trình cho sự thống nhất nước Đức. Ông đã hoàn tất những cuộc đàm phán với Liên Xô và các bên có liên quan, để quá trình thống nhất nước Đức và mở rộng khối quân sự NATO sang phần Đông Đức diễn ra hết sức hòa bình và trôi chảy.

Khổ đau trong đời tư
Mặc dù được coi là người anh hùng của nước Đức thống nhất, trong đời, Helmut Kohl cũng gặp nhiều khổ đau, khi người vợ đầu của ông tự vẫn vào năm 2001 và theo nhiều nguồn tin, lý do là bà cảm thấy bị chồng không quan tâm và phải tự mình chăm sóc các con. Vợ ông năm 12 tuổi bị lính Nga hãm hiếp và đẩy khỏi cửa sổ căn hộ khiến bà gãy xương sống và bị sang chấn suốt đời về tinh thần.
Năm 2008, Helmut Kohl bị đột quỵ, một phần cơ thể bị liệt và không thể nói được, nên phải chăm sóc y tế đặc biệt và sau đó, ông kết hôn với một phụ nữ kém ông 35 tuổi, nhà báo Maike Richter, người bị kết tội là cách ly ông với gia đình và các đồng sự chính trị. Từ năm 2010, sức khỏe vị cựu thủ tướng kém hẳn và phải trải qua nhiều phẫu thuật lớn nhỏ. Ông qua đời khi sức khỏe đã rất yếu.
18 năm cuối đời, Helmut Kohl cũng bị dằn vặt với một bê bối về tài chính của đảng CDU, khi đảng này bị phát hiện là đã nhận và duy trì các khoản ủng hộ, đóng góp bất hợp pháp lên tới 1,5-2 triệu Mark Đức. Chính trong vụ này, ông đã phải nhận lời chỉ trích hết sức gay gắt từ Angela Merkel, được coi là môn đệ xuất sắc nhất của ông, khiến mối quan hệ giữa hai người ảm đạm trong một thời gian kéo dài.
Tuy nhiên, những thành quả mà Helmut Kohl làm được đã vĩnh viễn đưa ông vào lịch sử như một trong những chính khách xuất chúng nhất của Châu Âu và thế giới hậu bán thế kỷ trước. Ông đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình, và tuy không được nhận, cái tên Helmut Kohl vẫn gắn liền với quá trình tái thiết nước Đức và Châu Âu thống nhất trong hòa bình và tinh thần nhân văn, điều mà thế giới hiện vẫn cần hơn bao giờ hết...

--------------------
BBC Tiếng Việt
16 tháng 6 2017

Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, một trong những nhân vật lớn nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại, qua đời ở tuổi 87.

Ông Helmut Kohl và ông Mikhail Gorbachev.  WOJTEK LASKI

Nhà lãnh đạo lâu nhất nước Đức từ 1982 đến 1998 qua đời ở nhà tại bang Rhineland-Palatinate.
Sức khỏe ông đã yếu nhiều từ khi bị ngã năm 2008.


Được coi là 'người cha' của nước Đức thống nhất, ông Helmut Kohl, sinh ngày 3/04/1930 ở Ludwigshafen am Rhein, Tây Đức, đã dẫn đầu cuộc đàm phán để đưa hai miền Đông và Tây Đức về làm một.
Trong các cuộc thương thảo phức tạp, đầy rủi ro với Liên Xô và các đại cường, ông nổi lên là người có viễn kiến cho một châu Âu liên kết lại sau các đợt chia cắt thời Thế chiến và Chiến tranh Lạnh.

Con thuyền châu Âu: Tổng thống Pháp Francois Mitterand (bìa trái) trên thuyền cùng Thủ tướng Helmut Kohl (bìa phải). ALAIN NOGUES/GETTY IMAGES

Từ năm 1990 đến 1998, ở vị trí thủ tướng nước Đức thống nhất, ông có công tạo ra môi trường để chủ nghĩa xã hội tan rã nhưng châu Âu không rơi trở lại vào chiến tranh.
Helmut Kohl, nhân vật có uy tín lớn ở Đông Âu, cũng giúp cho lãnh đạo các quốc gia hậu cộng sản như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria chọn định hướng Phương Tây mà Đức là nước 'tuyến đầu' hỗ trợ họ.

Vấn đề Nato và Liên Xô
Dù Anh Quốc dưới thời bà Margaret Thatcher và Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan đã đồng ý để Đức thống nhất, Liên Xô vẫn có tiếng nói quyết định.
Một trong các vấn đề mà Moscow nêu ra là có đồng ý để nước Đức thống nhất trở thành thành viên khối quân sự Nato hay không.
Trong tháng 7 năm 1990, ông Kohl đã sang Moscow và đến cả quê nhà của lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev ở Stavropol để tìm kiếm một bước khai thông.
Cuối cùng, ông đã thuyết phục được ông Gorbachev đồng ý với kế hoạch này và Moscow sẽ công nhận chủ quyền của nước Đức thống nhất, về cơ bản dưới sự lãnh đạo của Tây Đức.
Như thế, ông Kolh đã đem về cho Tây Đức 108 nghìn km vuông lãnh thổ và 16 triệu dân phía Đông.
Đổi lại, Kremlin nhận được các khoản cho vay, viện trợ khác nhau ước tính từ 50 đến 70 tỷ mark, bằng 31-50 tỷ euro.
Tây Đức cũng đồng ý tài trợ hoàn toàn việc tái thiết Đông Đức sau nhiều năm kinh tế xã hội chủ nghĩa phá sản.

Thủ tướng Helmut Kohl (trái) đón nhà đấu tranh Ba Lan, Lech Walesa ở Bonn năm 1989. THOMAS IMO/GETTY IMAGES

Vấn đề biên giới trên sông Oder
Dù Pháp, dưới thời của Tổng thống Francois Mitterand đã ủng hộ nước Đức thống nhất nhưng nhiều quốc gia Đông Âu từng bị Đức xâm lăng trong Thế Chiến 2 vẫn còn rất e ngại quan điểm của Bonn.
Theo nhà báo Adam Michnik, nhân vật đấu tranh dân chủ của Công đoàn Đoàn kết kể lại thì lãnh đạo phe dân chủ Ba Lan vừa lên cầm quyền năm 1989 lo sợ nước Đức thống nhất không thừa nhận biên giới trên sông Oder (Odra) giữa Đông Đức và Ba Lan.
Quan điểm của Pháp, qua lời nhà ngoại giao Hubert Védrine, chỉ cho hay ông Mitterand ủng hộ "hai nước Đức thống nhất" bằng con đường dân chủ và hòa bình.
Các chi tiết về biên giới phía Đông của nước Đức không phải là vấn đề của Pháp.
Nếu không công nhận biên giới trên sông Oder thì Đức -về lý thuyết - có thể đòi lại chừng 1/4 lãnh thổ Ba Lan và hàng triệu kiều dân Đức bị tống cổ khỏi Ba Lan sau Thế Chiến 2 vẫn có thể đòi quyền hồi hương.
Ông Michnik kể lại rằng khi ông đến Bytom (Beuthen trước 1945), người dân lo lắng hỏi có phải cả vùng Slask (Schlesien) sẽ bị trả về cho Đức hay không.
Helmut Kohl đã khôn khéo im lặng về vấn đề biên giới cho đến khi sau cuộc bầu cử tại Đức, nơi các hội đoàn kiều dân Đức từ Đông Âu cũ có lá phiếu mạnh.
Ông nói với những người kiều dân Đức cũ rằng "hoặc chọn công nhận biên giới, hoặc bỏ ước mơ thống nhất đất nước".
Cuối cùng thì Ba Lan đã thở phào nhẹ nhõng, theo ông Adam Michnik.






No comments:

Post a Comment

View My Stats