Thứ sáu 21 Tháng Hai 2014
Theo chương trình dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc tiếp xúc với
lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng vào hôm nay, 21/02/2014 tại Nhà Trắng. Ngay
khi thông tin về cuộc gặp được loan báo, Trung Quốc đã lập tức lên tiếng đe
dọa, đòi Hoa Kỳ hủy bỏ ngay cuộc hội kiến.
Khi thông báo tin ông Obama tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma
vào hôm qua, Caitlin Hayden, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã xác
định rằng Hoa Kỳ "quan ngại về tình trạng nhân quyền ngày xấu đi ở các
vùng Tây Tạng". Nhà Trắng cũng cho biết vẫn tiếp tục yêu cầu chính quyền
Bắc Kinh nối lại đối thoại với Đức Đạt lai Lạt Ma. Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng
hiện đang viếng thăm Mỹ và tham dự một seminar ở trung tâm American Enterprise
Institute tại Washington.
Sự kiện Tổng thống Mỹ Obama tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma dĩ nhiên đã
khiến Bắc Kinh phẫn nộ, với Bộ Ngoại giao
Trung Quốc cho rằng cuộc gặp này "gây tổn hại nghiêm trọng" cho quan
hệ song phương Mỹ-Trung. Từ Trung Quốc, thông tín viên RFI Delphine Surreau
phân tích :
"Những lời đe dọa đưa ra lần này không khác gì
lần gần đây nhất mà ông Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma năm 2011. Trung Quốc -
thông qua Bộ Ngoại giao của mình - cho biết là họ "cực lực phản đối cuộc
gặp gỡ", xem đấy là "một sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ
của Trung Quốc".
Bắc Kinh tố cáo Washington ủng hộ một kẻ ly khai nguy
hiểm, và cảnh cáo cuộc tiếp xúc sẽ làm xấu đi quan hệ Mỹ Trung, và sẽ có hậu
quả giống như trường hợp Anh Quốc, khi mà quan hệ Bắc Kinh-Luân Đôn bị đông
cứng trong 18 tháng, sau cuộc gặp giữa lãnh đạo tinh thần Tây Tạng và Thủ tướng
Anh David Cameron vào năm 2012.
Trong khi đó thì Hoa Kỳ nêu bật mối lo ngại trên vấn đề
nhân quyền ở vùng tự trị Tây Tạng và những vùng lân cận. Trong vòng 4 năm gần
đây, đã có 120 người Tây Tạng (126 người, theo chính quyền Tây Tạng lưu vong) -
chủ yếu là nhà sư - đã tự thiêu để tố cáo việc Bắc Kinh muốn xóa bỏ tôn giáo và
văn hóa Tây Tạng. Báo chí đã không được phép đến vùng này.
Ngược lại, phía Trung Quốc tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma đã
xúi giục, chỉ đạo phong trào phản kháng của người Tây Tạng từ nơi ông lưu vong
ở Ấn Độ."
BBC
Cập nhật: 07:47 GMT - thứ sáu, 21 tháng 2, 2014
Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp có cuộc tiếp đón
lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, Đức Dalai Lama, vào thứ Sáu
21/2.
Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ hủy bỏ cuộc gặp này
và dọa nó sẽ "ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ Mỹ-Trung
Quốc".
Bắc Kinh coi Đức Dalai là nhân vật ly khai, trong khi
bản thân Dalai Lama nói ngài chỉ kêu gọi thêm quyền tự trị cho Tây
Tạng chứ không yêu sách độc lập.
Giới chức nói Hoa Kỳ không ủng hộ Tây Tạng độc
lập nhưng quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc.
Ông Obama gặp Dalai Lama lần cuối là năm 2011, và
khi đó đã làm Trung Quốc tức giận.
Tây Tạng là khu vực tự trị của Trung Quốc. Bắc
Kinh nhiều lần bị cáo buộc là vi phạm tự do chính trị và tôn giáo
của Tây Tạng, nhưng luôn luôn bác bỏ cáo buộc này.
Giới chức Trung Quốc cũng nói đã hết sức nỗ lực
phát triển kinh tế để cải thiện đời sống của người dân Tây Tạng.
Cuộc gặp riêng
Tổng thống Obama sẽ tiếp riêng Đức Dalai Lama tại
Tòa Bạch ốc vào sáng thứ Sáu giờ Washington.
Thông thường các cuộc tiếp lãnh đạo nước ngoài
được thực hiện ở phòng Bầu dục, nhưng lần này phía Mỹ chọn phòng
Bản đồ với ý định được cho là giảm nhẹ sự chú ý vào cuộc gặp.
Caitlin Hayden, phát ngôn nhân của Ủy ban An ninh
Quốc gia, nói ông Obama sẽ tiếp Dalai Lama "với tư cách ngài là
lãnh đạo tôn giáo và văn hóa được quốc tế kính trọng".
Bà nói: "Chúng tôi không ủng hộ độc lập cho
Tây Tạng, nhưng Hoa Kỳ cổ suý mạnh mẽ nhân quyền và quyền tự do tôn
giáo ở Trung Quốc".
"Chúng tôi quan ngại về căng thẳng kéo dài và
tình trạng nhân quyền xấu đi ở các vùng thuộc Tây Tạng của Trung
Quốc".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung
Quốc Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc "cực lực phản đối" cuộc
gặp.
Bà nói trong một thông cáo: "Cuộc gặp của
lãnh đạo Mỹ với Dalai Lama là can thiệp vào công việc nội bộ của
Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng quy tắc quan hệ quốc tế và sẽ ảnh
hưởng xấu tới quan hệ Trung-Mỹ".
Trong những năm
qua, hơn 110 người Tây Tạng, chủ yếu là các sư sãi sống bên ngoài khu
vực này, đã tự thiêu để phản đối chính sách cầm quyền của Bắc
Kinh.
Chính phủ Trung Quốc cáo buộc Đức Dalai Lama đứng
đằng sau các cuộc biểu tình.
Dalai Lama đã sang sống lưu vong tại Ấn Độ năm 1959,
sau khi quân đội Trung Quốc đàn áp kế hoạch nổi dậy ở Tây Tạng.
Nay ngài đang kêu gọi một "con đường thứ
ba" trong quan hệ với Bắc Kinh, tìm kiếm thêm quyền tự trị chứ
không đòi tách ra khỏi Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment