Monday 24 February 2014

ÔNG PUTIN ĐỨNG TRƯỚC NHỮNG CHỌN LỰA KHÓ KHĂN TRONG HỒ SƠ UKRAINA (RFI, VOA)




Đức Tâm  -  RFI
Thứ hai 24 Tháng Hai 2014

Các thay đổi chính trị tại Ukraina, nơi phe thân Châu Âu vừa lên nắm quyền, đã đặt Tổng thống Nga Vladimir Putin trước những lựa chọn cực kỳ khó khăn. Đối với Matxcơva, chạy đua với Liên Hiệp Châu Âu để giữ Ukraina trong vòng cương tỏa của mình có nhiều rủi ro.

Các thay đổi chính trị tại Ukraina, nơi phe thân Châu Âu vừa lên nắm quyền, đã đặt Tổng thống Nga Vladimir Putin trước những lựa chọn cực kỳ khó khăn.

Việc Tổng thống Viktor Ianoukovitch bị Nghị viện phế truất làm cho Nga mất đi một đồng minh chủ chốt cho phép Matxcơva kìm giữ Ukraina trong vòng ảnh hưởng của mình. Giấc mộng của ông Putin thành lập một không gian kinh tế rộng lớn, bao gồm các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ, có thể đổ vỡ tan tành.

Đối với Matxcơva, chạy đua với Liên Hiệp Châu Âu để giữ Ukraina trong vòng cương tỏa của mình có nhiều rủi ro. Tháng 12 năm ngoái, Nga đã chấp nhận viện trợ 15 tỷ đô la và giảm 30% giá bán khí đốt cho Ukraina sau khi Tổng thống Ianoukovitch từ chối ký hiệp định liên kết với Châu Âu. Giờ đây, Matxcơva khó có thể làm gì hơn thế. Các biện pháp mạnh tay hơn nữa như kiểm soát các vùng nói tiếng Nga ở phía đông Ukraina, có thể làm dấy lên một cuộc xung đột nguy hiểm hơn.

Cho đến khi kết thúc Thế Vận Hội Sotchi vào tối hôm qua, Tổng thống Putin không hề có phát biểu công khai nào về vấn đề Ukraina, cho dù ông đã điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong khi đó, những người biểu tình tại quảng trường Độc Lập, ở thủ đô Kiev, lo lắng muốn biết xem ông Putin sẽ phản ứng ra sao.

Một người biểu tình ở quảng trường Độc Lập nói với Reuters : « Tất cả chúng tôi đều biết là ông Putin thích can thiệp. Nếu ông ta quyết định tìm cách chiếm các vùng như Crimée hoặc các vùng khác ở phía đông, chúng tôi sẽ tới đó chiến đấu. Chúng tôi không cho phép Ukraina bị phân chia thành hai ».
Tuyên bố này minh họa cho những thách thức to lớn trong hồ sơ Ukraina, vào thời điểm ông Putin tìm cách cứu vãn thể diện trong ván cờ địa chính trị đang diễn ra tại Ukraina. Trong ván cờ này, chỉ cách nay vài ngày, ông Putin vẫn ở thế mạnh và có nhiều khả năng giành thắng lợi. Hôm qua, chính quyền Washington đã cảnh báo là việc đưa quân Nga vào Ukraina sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng ».

Ukraina đang ở bên bờ vực thẳm về kinh tế. Một trong những phương tiện mà Matxcơva có thể sử dụng để giữ Kiev trong quỹ đạo của mình là ngừng viện trợ tài chính. Trong những ngày qua, Nga đã nhiều lần nêu ra khả năng này. Một biện pháp khác để Nga gây áp lực là nâng mức thuế nhập khẩu đánh vào các mặt hàng của Ukraina. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov đã tuyên bố là đối với viện trợ tài chính 15 tỷ đô la mà Matxcơva đã hứa, khoản giải ngân thứ hai, trị giá 2 tỷ đô la, sẽ bị đình hoãn cho tới khi có chính phủ mới tại Kiev.

Đáp lại, ông Olli Rehn, ủy viên Châu Âu phụ trách kinh tế và tiền tệ, hứa sẽ có một khoản viện trợ quan trọng cho Ukraina nếu tân chính phủ nước này hướng sang phía tây thay vì quay sang phía đông. Còn Ngoại trưởng Anh William Hague nhấn mạnh: « Nếu có một kế hoạch trợ giúp kinh tế, thì điều cơ bản là Nga không được làm gì để có thể phá hỏng kế hoạch này ».

Một tín hiệu khác cho thấy Nga bắt đầu phản ứng. Hôm thứ Bẩy, Matxcơva đã cử dân biểu Alexei Pouchkov, một người trung thành với ông Putin tới dự cuộc họp của lãnh đạo các vùng nói tiếng Nga, tổ chức tại Kharkiv, miền đông Ukraina. Các lãnh đạo những vùng này tuyên bố không thừa nhận các quyết định của Nghị viện Ukraina. Điều này càng làm tăng nguy cơ tan rã Ukraina, nếu ông Putin có ý đồ sát nhập các vùng phía đông vào Nga. Trong lịch sử, vào năm 1953, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô, Nikita Khrouchtchev, vốn là người Ukraina, đã cắt vùng Crimée, trao cho Ukraina.

Nếu Ukraina quay sang hẳn sang Châu Âu, dự án thành lập Liên minh Âu-Á của ông Putin coi như sụp đổ, vì Ukraina là một thị trường rộng lớn và có nhiều tài nguyên.

Câu hỏi chính là liệu ông Putin có chấp nhận thất bại nhục nhã này hay không? Theo giới phân tích, Nga sẽ có phản ứng và không dễ gì để tuột Ukraina ra khỏi quỹ đạo của mình, bởi vì cho đến nay, Matxcơva vẫn coi đất nước này là một chư hầu, không hơn không kém.

-----------------------------

Michael Bowman  -  VOA
24.02.2014

TÒA BẠCH ỐC — Chính quyền Obama cảnh báo Nga chớ nên can thiệp vào Ukraina sau khi quốc hội nước này bổ nhiệm một nhà lãnh đạo lâm thời và Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ rời khỏi thủ đô Kiev. Thông tín viên VOA Michael Bowman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ Tòa Bạch Ốc.

Xuất hiện trên đài truyền hình Hoa Kỳ hôm chủ nhật, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, bà Susan Rice, được hỏi về việc Nga có thể can thiệp vào Ukraina sau nhiều ngày đổ máu và về việc có thể có sự thay đổi giới lãnh đạo tại nước này.

“Sự can thiệp của Nga sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng. Chứng kiến sự chia rẽ nước này không có lợi cho Ukraina hay cho Nga, hay cho Châu Âu, hay cho Hoa Kỳ. Không có ai được lợi ích gì khi bạo động và tình hình leo thang trở lại.”

Bà Rice đưa ra phát biểu vừa kể trong chương trình Meet the Press của đài truyền hình NBC. Bà nói “không có sự đối nghịch cố hữu nào” giữa một nước Ukraina có các liên hệ lịch sử với Moscow nhưng muốn hòa nhập chặt chẽ hơn với Châu Âu.

Các cuộc biểu tình đã bùng ra hồi tháng 11 khi ông Yanukovych rút ra khỏi một thỏa thuận thương mại với Liên hiệp Châu Âu để ngả về các quan hệ chặt chẽ với Nga. Quốc hội đã phục chức cho chủ tịch nghị viện cho ông Oleksandr Tuchynov, một đ6òng minh của lãnh tụ đối lập Yulia Tymoshendko, đã được phóng thích ra khỏi nhà tù hôm thứ bảy.

Xuất hiện trên đài truyền hình Tin tức Fox hôm chủ nhật, thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Richard Durbin hoan nghênh các diễn biến mới và cho biết ông đã nói chuyện với bà Tymoshenko.

“Hôm qua thực là trút được một gánh nặng. Bà Yulia Tymoshenko đã bị tù 2 năm rưỡi. Bà nói với tôi và trấn an tôi rằng bà đang trông đợi một giải pháp êm thắm cho các vấn đề ở Ukraina, theo đúng hiến pháp và luật lệ.”

Cùng xuất hiện trên đài truyền hình Tin tức Fox hôm qua còn có Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte của đảng Cộng hòa, người đã bày tỏ các quan ngại về việc Nga có thể can thiệp vào Ukraina.

“Nay khi Thế vận hội đã kết thúc, chúng ta cần phải theo dõi thái độ của phía Nga, và tôi tin rằng Tổng thống Obama cần phải tỏ ra kiên quyết hơn và gửi một thông điệp rõ ràng và dứt khoát cho Tổng thống Nga Vladimir Putin là chớ nên can thiệp vào những gì đang xảy ra tại Ukraina. Hãy để cho nhân dân Ukraina tự quyết định tương lai của mình.”

Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice nói thông điệp đó đã được chuyển đi, và hai vị tổng thống Obama và Putin đều đồng ý rằng Ukraina không nên chia rẽ thêm giữa miền động thân Nga và miền tây thiên về Liên hiệp Châu Âu nhiều hơn.




No comments:

Post a Comment

View My Stats